Hạn chế về quyền của người lập di chúc

Pháp luật thừa kế luôn gắn liền với lịch sử phát triển của xã hội loài người. Ở nước ta, chế định về quyền thừa kế đã được Quốc hội khóa 11, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. BLDS năm 2005 đã dành ra phần thứ tư để quy định về các chế định thừa kế, gồm những quy định chung và quy định về hai hình thức của thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật, từ điều 631 đến 647.
Với nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết thỏa thuận, pháp luật nước ta bảo đảm quyền tự do lập di chúc của người để lại di sản, nhưng tự do đó phải phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc tôn trọng truyền thống tốt đẹp, vì vậy, pháp luật có quy định một số hạn chế về quyền tự định đoạt của người lập di chúc.
Chính vì vậy, nghiên cứu tìm hiểu các quy định của pháp luật về hạn chế quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong phạm vi bài tập lớn học kỳ, em xin chọn đề tài: “Những hạn chế về quyền của người lập di chúc” để làm rõ hơn vấn đề này.

I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM
1. Di chúc: là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Ngoài ra, BLDS2005 còn ghi nhận hình thức di chúc chung của vợ chồng.

2. Người lập di chúc: là chủ thể thể hiện ý chí của bản thân là dịch chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết bằng cách chỉ định một hoặc nhiều người trong di chúc và cho họ hưởng một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình. Người lập di chúc phải là người đã thành niên, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình, hoặc người đủ 15 tuổi đến 18 tuổi, nếu được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Quyền của người lập di chúc: Quyền là khả năng pháp luật cho phép con người có thể tự ý lựa chọn được hành vi của mình, quyền của người lập di chúc là khả năng luật dân sự cho phép con người lựa chọn khi thực hiện hành vi lập di chúc và những việc liên quan của mình.

4. Hạn chế về quyền tự định đoạt của người lập di chúc: con người thực hiện quyền tự định đoạt khi lập di chúc trong phạm vi pháp luật cho phép, chứ không phải là tự do quyết định toàn bộ.
II. CÁC QUYỀN CỦA NGƯỜI LẬP DI CHÚC
Quyền của người lập di chúc được pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ tại các điều luật trong BLDS năm 2005:
- Điều 631 – Quyền thừa kế của cá nhân.
- Điều 648 – Quyền của người lập di chúc.
- Điều 662 – Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc.
- Điều 664 – Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng.
Qua các điều luật trên, BLDS năm 2005 đã xác định người lập di chúc có các quyền cơ bản sau đây:
-         Quyền chỉ định người thừa kế.
-         Truất quyền hưởng di sản.
-         Quyền phân định di sản cho từng người thừa kế.
-         Quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng.
-         Quyền được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng.
-         Quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
-         Quyền chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, phân chia di sản.
-         Quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc.
-         Quyền thay thế di chúc.

III. MỘT SỐ HẠN CHẾ VỀ QUYỀN TỰ ĐỊNH ĐOẠT CỦA NGƯỜI LẬP DI CHÚC
1. Cơ sở pháp lý
Pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay được thể hiện rõ nhất trong phần thứ tư của BLDS năm 2005.
Điều 631 BLDS quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Theo Điều 669 BLDS năm 2005 - Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Điều 670 BLDS năm 2005 – Di sản dùng vào việc thờ cúng:
“1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kết theo pháp luật.
2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Điều 671 BLDS 2005 – Di tặng, quy định:
“1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải nói rõ trong di chúc.
2. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần được di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.”
Điều 734 BLDS 2005 – Cá nhân để thừa kế quyền sử dụng đất: “Cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhận chuyển quyền sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.”.
2. Nội dung
2.1. Hạn chế về quyền chuyển giao nghĩa vụ cho người thừa kế
Người lập di chúc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ: Nghĩa vụ của người để lại thừa kế không phải là di sản, tuy nhiên, trước khi chia di sản, cần xác định người để lại thừa kế có  nghĩa vụ hay không để thanh toán từ di sản. Có nhiều cách thanh toán như khấu trừ từ di sản nếu còn sẽ chia thừa kế hoặc phân chia nghĩa vụ đó cho người thừa kế (theo di chúc và theo pháp luật) tương ứng với phần di sản mỗi người được hưởng. Người lập di chúc có thể giao nghĩa vụ cho người thừa kế như trả một khoản nợ hoặc nuôi dưỡng người sống nương nhờ… Khi giao nghĩa vụ cần phải giao một phần di sản để thực hiện nghĩa vụ. Nếu giao nghĩa vụ mà không giao di sản thì người có nghĩa vụ có quyền trích một phần di sản để thực hiện nghĩa vụ.
Theo Khoản 3 Điều 637 BLDS 2005:Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, thì người lập di chúc chỉ có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản được nhận, nếu vượt quá phạm vi đó thì phần vượt quá sẽ vô hiệu, người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ phần vượt quá đó.
2.2. Hạn chế trong việc phải dành một phần di sản cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
Dựa trên phương diện kinh tế, pháp luật về thừa kế hoàn toàn phụ thuộc vào pháp luật về sở hữu. Quyền sở hữu về tài sản của một người không chỉ là những quyền năng của người đó lúc còn sống đối với tài sản mà còn là quyền chuyển dịch sở hữu về tài sản của một người từ đơi này đến đời khác. Với tính chất ấy, pháp luật thừa kế là một yếu tố để đảm bảo tuyệt đối quyền sở hữu đối với tài sản của một người nhất định. Theo phương diện này, pháp luật về thừa kế được xác định trên căn bản cá nhân. Một người là chủ sở hữu đối với tài sản của mình thì người có có toàn quyền định đoạt di sản theo ý muốn của mình mà không phải chịu sự hạn chế của pháp luật.
Dựa trên phương diện đạo đức thì pháp luật về thừa kế là một phương tiện pháp lý để dịch chuyển của cải từ người chết sang những người còn sống khác, qua đó để người quá cố làm tròn bổn phận của mỗi người đối với mỗi thành viên khác trong gia đình không chỉ trong hiện tại mà còn phải hướng về tương lai, nghĩa là, mỗi người cần phải có bổn phận với nhau cả sau khi đã chết.
Người ta không chỉ phải nuôi dưỡng bố, mẹ, con cái lúc còn sống mà còn có bổn phận tạo dựng cho họ những điều kiện để đời sống của họ được tốt hơ, nghĩa là phải để lại của cải cho họ sau khi chết. Theo góc độ này thì gia đình có thể được coi là một chuỗi thế hệ kế tiếp nhau mà thế hệ sau ngay khi ra đời đã được thừa hưởng của cải do thế hệ trước để lại. Dựa trên căn bản đạo đức, pháp luật thừa kế quy định rằng việc chuyến  dịch tài sản của một người cho những người khác trong gia đình là bổn phận bắt buộc đối với người để lại di sản. Vì vậy người đó chỉ có thể định đoạt di sản bằng di chúc trong phạm vi pháp luật cho phép mà thôi.
Theo nguyên tắc chung của luật dân sự, người lập di chúc có quyền quyết định tối cao đối với tài sản của mình. Tuy nhiên trong một số trường hợp, pháp luật hạn chế quyền định đoạt của người lập di chúc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người trong diện thừa kế là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống như : bố, mẹ, vợ, chồng, con cái chưa thành niên, hoặc con cái đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Theo quy định của pháp luật, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người hưởng thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, nếu người lập di chúc không cho hoặc truất quyền hưởng di sản của một số người thân thích thì họ vẫn được hưởng một phần di sản không phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc. Phạm vi người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định tại Điều 669 BLDS được hưởng phần di sản bằng ít nhất hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trừ trường hợp họ từ chối hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc Khoản 1 Điều 643 BLDS. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc gồm:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.
Nội dung của điều luật trên thể hiện: Một mặt pháp luật tôn trọng ý chí của người để lại di sản (phương diện kinh tế). Nhưng mặt khác, chính pháp luật lại hạn chế quyền định đoạt ấy nếu người để lại di sản còn có những người mà khi họ còn sống họ có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, chăm sóc. Nói cách khác, điều luật trên quy định một số người thừa thừa kế luôn có quyền hưởng một phận di sản nhất định mà không phụ thuộc vào việc người lập di chúc có cho họ hưởng hay không. Quy định trên của pháp luật là sự dung hòa giữa phương diện kinh tế và phương diện đạo đức. Nghĩa là sự chuyển dịch tài sản dù là hệ luận của quyền sở hữu đi nữa thì pháp luật vẫn can thiệp đến sự định đoạt của người lập di chúc để hạn chế quyền định đoạt của họ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, thiết thực của những người có quan hệ thân thuộc với người đó. Trái lại, nếu sự chuyển dịch di sản được coi là bổn phận của người đã chết đối với gia đình họ thì pháp luật vẫn cho phép người đó được tự do phần nào trong việc định đoạt tài sản, miễn là phải làm tròn bổn phận tối thiểu đối với gia đình.
Ví dụ: Ông A và bà B kết hôn năm 1975 có hai người con chung là C và D. Năm 2014, ông A qua đời có để lại di chúc định đoạt toàn bộ khối di sản của mình trong khối di sản chung với bà B là 960 triệu đồng cho 2 người con là C và D mỗi người  một suất bằng nhau.
Pháp luật vẫn tôn trọng ý chí của ông A trong việc lập di chúc để định đoạt tài sản, tuy nhiên, ông A phải có bổn phận tối thiểu đối với vợ mình là bà B, do đó ông A không được quyền định đoạt hết tài sản cho hai con. Vụ án trên được giải quyết như sau:
Trước hết ta xác định khối tài sản riêng của ông A là:                     960 triệu : 2 =  480 triệu đồng.
Một suất thừa kế theo pháp luật là: 480 triệu : 3 = 160 triệu đồng.
Bà B được hưởng 2/3  của một suất thừa kế theo pháp luật là:           160 triệu  x  2/3 = 106,666 triệu đồng.
C và D được hưởng phần di sản còn lại mỗi người một suất bằng nhau:   C = D = (480 – 106,666) : 2 = 186,667 triệu đồng.
Trong thực tế, khi áp dụng Điều 669 của BLDS 2005, nước ta nhằm đảm bảo cho quyền lợi của những người thưa kế được quy định trong đó, vấn đề đầu tiên là phương pháp xác định được “hai phần ba của một suất thừa kế theo pháp luật” và việc chia như thế nào để xác định được một suất thừa kế theo pháp luật.
Về nguyên tắc, một suất thừa kế theo pháp luật là kết quả của một phép chia, trong đó, số bị chia là tổng giá trị di sản thừa kế, mà như đã xác định thì di sản thừa kế là toàn bộ di sản của người chết để lại sau khi trừ đi các nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại và các khoản chi phái liên quan. Số chia là tổng số những người thừa kế theo pháp luật. Trong thực tế, việc xác định được một suất thừa kế để từ đó xác định đươck hai phần ba của nó không đơn giản, thuần túy như sự đơn giản của một phép chia số học. Việc xem xét những ai được coi là người thừa kế theo pháp luật còn có nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, khi xác định một suất thừa kế theo luật cần lưu ý những người sau đây có được coi là người thừa kế theo pháp luật hay không:
-   Người không có quyền hưởng di sản theo Khoản 1 Điều 643 BLDS, đây là những người mà đáng lẽ họ được hưởng di sản nhưng vì họ có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức nên bị pháp luật tước đi quyền hưởng di sản. Vì vậy họ không phải là người thừa kế di sản của người để lại di sản nữa. Dó đó, khi cộng những người được hưởng thừa kế theo pháp luật thì không được cộng những người này.
Ví dụ:  Ông H và bà M kết hôn năm 1970, có hai con là K và Q. Bà M chết để lại cho K hưởng toàn bộ di sản của bà. Ông H khởi kiện yêu cầu chia di sản của bà M. Tòa án xác định tài sản chung của hai ông bà là 960 triệu đồng. Q đã bị kết án về hành vi hành hạ, ngược đãi bà M lúc bà còn sống. Vụ thừa kế được giải quyết như sau:
Di sản thừa kế của bà M là: 960 triệu : 2 = 480 triệu đồng.
Một suất thừa kế theo pháp luật là: 480 triệu : 2 = 240 triệu đồng. (Do Q đã bị kết án về hành vi hành hạ, ngược đãi bà M khi bà M còn sống, nên Q bị tước quyền thừa kế, đồng thời, Q cũng không được tính một suất thừa kế theo pháp luật).
Ông N được hưởng 2/3 của một suất: 240 triệu x  2/3 = 160 triệu đồng.
P được hưởng phần di sản là: 480 – 160 = 320 triệu đồng.
Người thừa kế theo Điều 669 BLDS 2005 bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản.
Theo Điều 669, dù bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản, những người này vẫn được hưởng một phần di sản. Vì vậy họ luôn là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản dù rằng họ bị truất quyền đó. Do vậy, khi xác định một suất thừa kế theo luật thì họ vẫn là người được thừa kế theo pháp luật.
Ví dụ: Khi còn sống, ông M và bà N hay xảy ra mâu thuẫn. Khi ông M chết có để lại di chúc truất quyền thừa kế của bà N và để lại toàn bộ di sản thừa kế cho anh T (con trai của ông bà). Bà N khởi kiện yêu cầu chia tài sản của ông M. Toàn án xác định khối tài sản chung hợp nhất của hai ông bà là 960 triệu đồng. Vụ án được giải quyết như sau:
Tài sản của ông M là: 960 triệu : 2 = 480 triệu đồng.
Một suất thừa kế theo pháp luật là: 480 triệu : 2 = 240 triệu đồng.
Theo Điều 669, thì bà L vẫn được hưởng 2/3 của một suất thừa kế: 240 triệu x 2/3 = 160 triệu đồng. 
Anh T được hưởng: 480 triệu – 160 triệu = 320 triệu đồng.
-  Người thừa kế bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản.
Trong thực tế, người đã bị truất quyền (trừ những người ở Điều 669 BLDS 2005) thì sẽ không được hưởng di sản thừa kế, kể cả khi di sản được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, người bị truất quyền có được coi là một người thừa kế theo pháp luật trong việc xác định một suất thừa kế theo pháp luật hay không?
-  Quan điểm thứ nhất: Người bị truất quyền thì không được coi là người thừa kế theo pháp luật nữa, vì vậy không được coi là một người thừa kế theo pháp luật để tính một suất thừa kế theo pháp luật.
Ví dụ: Ông A có khối di sản 240 triệu đồng. Ba người thừa kế của ông là bà B (vợ ông) và hai con là C và D. Ông A lập di chúc truất quyền hưởng di sản của C (không thuộc người thừa kế theo điều 669 BLDS 2005), đồng thời cho D hưởng toàn bộ di sản. Vụ án được giải quyết như sau:
Một suất thừa kế theo pháp luật là: 240 triệu : 2 = 120 triệu đồng.
Bà B được hưởng 2/3 của một suất thừa kế: 120 triệu x 2/3 = 80 triệu.
D được hưởng: 240 triệu – 80 triệu = 160 triệu đồng.
-  Quan điểm thứ hai: Nếu người bị truất quyền không thuộc Điều 669 BLDS năm 2005 thì họ không phải là người thừa kế theo pháp luật nữa, nếu di sản có chia theo pháp luật thì họ cũng không được hưởng. Vì vậy, không được coi họ là một người thừa kế theo pháp luật khi tính một suất thừa kế theo pháp luật. Nếu người bị truất quyền là người thuộc Điều 669 BLDS 2005 thì họ vẫn được hưởng một phần kỷ phần theo luật định nên họ vần là người thừa kế theo pháp luật của người đã truất quyền hưởng di sản của họ. Vì thế họ vẫn là một người thừa kế tính theo pháp luật khi tính một suất thừa kế theo luật.
-  Quan điểm thứ ba: Người bị truất quyền thì không được hưởng di sản nhưng vẫn là một người thừa kế theo luật vì trong Điều 669 BLDS năm 2005 có ghi: “nếu như di sản được chia theo pháp luật”. Quy định trên còn được hiểu khi xác định một suất thừa kế theo luật.
Mặt khác, đối tượng của việc truất quyền là những người thừa kế theo pháp luật. Vì vậy, nếu giả thiết chia theo pháp luật thì xác định một suất thừa kế phải là việc chia toàn bộ di sản cho những người thừa kế theo luật của người để lại di sản.
Theo quan điểm này thì ví dụ  ở trên được giải quyết như sau:
Một suất thừa kế theo luật là: 240 triệu : 3 = 80 triệu đồng.
Bà D được hưởng phần di sản là: 80 triệu x 2/3 = 53,333 triệu đồng.
D được hưởng: 240 triệu – 53,333 triệu = 186,667 triệu đồng.
-  Người từ chối nhận di sản
Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản theo Điều 642 BLDS  năm 2005, thời hạn để từ chối là 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế. Khi từ chối nhận di sản, người thừa kế không cần phải nêu lý do. Việc từ chối nhận di sản phải do người thừa kế tự nguyện, thì phần di sản đó sẽ được chia đều cho những người thừa kế khác.
Nếu người từ chối nhận di sản chỉ là người thừa kế theo di chúc (không có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng) thì đương nhiên họ không phải là người thừa kế theo pháp luật khi xác định một suất thừa kế theo pháp luật.
Nếu người từ chối nhận di sản là người thừa kế theo di chúc, đồng thời cũng là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản và họ đã từ chối nhận di sản cả theo di chúc lẫn theo pháp luật thì họ không phải là người thừa kế theo luật khi xác định một suất thừa kế theo luật. Nếu họ chỉ từ chối việc nhận di sản theo di chúc thì họ vẫn là người thừa kế theo luật của người để lại di sản. Vì vậy, họ vẫn là 1 suất khi xác định quyền thừa kế.
2.3. Hạn chế  về quyền của người lập di chúc trong việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng.
Thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, biểu hiện lòng tôn kính của thế hệ sau đối với thế hệ trước, đây là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Để phát huy truyền thống tốt đẹp đó, Điều 670 BLDS đã quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng là di sản không chia và giao cho người được chỉ định trong di chúc. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thì những người thừa kế thỏa thuận giao di sản dùng vào việc thờ cúng cho một người thừa kế trông coi, sử dụng. Người quản lý di sản thờ cúng sẽ thực hiện việc thờ cúng người có tài sản chết vào ngày giỗ, tết. Việc thờ cúng này được thực hiện theo tập quán của từng địa phương, pháp luật không quy định cụ thể về người thực hiện việc thờ cúng và người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng.
Qua Điều 670 BLDS năm 2005, nội dung điều luật này có một số vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất, người lập di chúc có dành một phần di sản làm di sản thờ cúng thì phần di sản đó giao cho người được chỉ định trong di chúc, hoặc do những người thừa kế thỏa thuận giao cho một người quản lý. Như vậy, cần phải hiểu thế nào là một phần di sản và nếu người lập di chúc định đoạt vượt quá một phần di sản thì di chúc đó có gía trị hay không?
Theo quy định, toàn bộ tài sản của người chết là một khối di sản, một phần của khối di sản đó sẽ là: nếu di sản chia ra thành hai hoặc nhiều phần thì người lập di chúc không được giành lại quá một phần (nếu chia thành hai phần) của khối di sản đó. Do vậy, nếu người lập di chúc định đoạt vượt quá ½ di sản, khi mở thừa kế sẽ để lại ½ di sản để thờ cúng, phần còn lại sẽ chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật. Nếu toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì : không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Mà phải ưu tiên dùng tài sản đó để hoàn thành các nghĩa vụ trước.
Nếu người lập di chúc dành phần lớn tài sản vào việc thờ cúng, di tặng mà số tài sản còn lại không bảo đảm đủ cho những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc (theo Điều 669) hưởng 2/3 suất thừa kế của họ, thì trước hết phải đảm bảo chia đủ tài sản thừa kế đúng luật cho họ, phần còn lại mới được dùng vào việc thờ cúng.
Thứ hai, Khoản 1 Điều 670 BLDS quy định: “… Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.”.
Quy định này có thể hiểu là người để lại thừa kế phải lập di chúc cho tất cả người thừa kế hàng thứ nhất, sau khi những người này chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản. Quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tế và mâu thuẫn với Điều 645 BLDS như trường hợp người thừa kế theo di chúc đều chết nhưng thời hiệu thừa kế chưa hết thì tại sao di sản lại thuộc về người đang quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng. Vì những lý do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với các quy định khác nhau về thừa kế và phong tục tập quá của nhân dân ta.
2.4. Hạn chế về quyền của người lập di chúc trong việc để lại di sản dùng vào việc di tặng.
Theo điều 671 BLDS năm 2005, người để lại thừa kế có thể lập di chúc tặng cho người khác một tài sản sau khi chết.
Để đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền tài sản liên quan đến di sản của người chết, quyền để lại di sản dùng vào việc di tặng của người lập di chúc bị hạn chế trong hai trường hợp:
Thứ nhất, Di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó khi còn sống phải hoàn thành thì : phần di tặng được dùng để thực hiện phân nghĩa vụ còn lại này.
Thứ hai, Nếu như người lập di chúc dành phần lớn tài sản vào việc di tặng, trong khi đó, tài sản còn lại không bảo đảm đủ cho những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc (Điều 669) hưởng 2/3 suất thừa kế của họ, thì trước hết phải đảm bảo chia đủ tài sản thừa kế đúng luật cho họ, phần còn lại mới được dùng vào việc di tặng.
2.5. Hạn chế về quyền của người lập di chúc trong việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất
Vì đất đai là loại tài sản đặc biệt, thuộc sở hữu toàn dân, mà nhà nước là đại diện thống nhất quản lý nên việc để lại thừa kế quyền sử dụng của loại tài sản đặc biệt này cũng có những quy định riêng.

Theo BLDS 1995, việc hạn chế quyền tự định đoạt của người lập di chúc khi để lại thừa kế quyền sử dụng đất như sau:

-  Không phải ai cũng được để lại thừa kế quyền sử dụng đất, mà điều này phải dựa vào việc xem xét quyền sử dụng đất của họ được hình thành từ căn cứ nào. Một người được để lại thừa kế quyền sử dụng đất nếu đất đó là do nhà nước giao cho cá nhân họ hoặc họ có được do người khác chuyển dịch phù hợp với pháp luật.

-  Không phải ai cũng được thừa kế quyền sử dụng đất. Đối với đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm hoặc nuôi trồng thủy sản thì một người muốn thừa kế sử dụng đất phải có đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 740 BLDS 1995.

-  Người lập di chúc chỉ được để lại thừa kế theo di chúc quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản cho những người thừa kế trong diện thừa kế theo pháp luật của họ.

Để khắc phục những bất cập trong quy định việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất của BLDS1995, BLDS 2005 đã có nhiều sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, những hạn chế trong quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất vẫn được thể hiện ở một số mặt sau đây:

Điều 733, Điều 734 và Điều 735 BLDS năm 2005 quy định, việc thừa kế quyền sử dụng đất ngoài việc tuân thủ những quy định trong BLDS năm 2005 còn phải chấp hành những quy định pháp luật về đất đai mà cụ thể là Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn khác của các cơ quan chức năng.

Đối với di sản thừa kế là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất hay quyền sử dụng đất thì theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 121 Luật Đất đai năm 2003, trường hợp người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này (cụ thể: Người về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở trong thời gian đầu tư tại Việt Nam; Người có công đóng góp với đất nước; Những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước; Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam;  Các đối tượng khác theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội), thì chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.
2.6. Hạn chế về quyền đặt điều kiện trong di chúc:
Người lập di chúc không được đặt điều kiện trong di chúc. Pháp luật thừa kế Việt Nam hiện nay không có quy định nào về việc người lập di chúc có quyền đặt điều kiện với người thừa kế theo di chúc như điều kiện phát sinh quyền thừa kế hay điều kiện chấm dứt quyền thừa kế. Đây không phải là lỗ hổng trong pháp luật vì những lý do sau :
- Di chúc là giao dịch dân sự một bên, nội dung di chúc chỉ thể hiện duy nhất ý chí của người để lại di sản. BLDS quy định về giao dịch dân sự có điều kiện ở Điều 125, nhưng đó chỉ là giao dịch dân sự đa phương, còn di chúc là giao dịch dân sự đơn phương, người lập di chúc không có quyền đặt điều kiện cho người không thể hiện được ý chí của mình.
-  Di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội (Điều 652 BLDS), vì vậy, nếu điều kiện đưa ra là không thỏa đáng, buộc người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ vượt quá di sản thừa kế, không liên quan đến di sản thừa kế hoặc không phải là nghĩa vụ tài sản, thì di chúc cũng được coi là bất hợp pháp.
2.7. Hạn chế về quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế
Khoản 1 Điều 637: những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại”.
Đồng thời, theo Khoản 4 Điều 648 về quyền của người lập di chúc, người lập di chúc có quyền: giao nghĩa vụ cho người thừa kế . Quy định này khẳng định, người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế của mình nhưng nghĩa vụ đó không được vượt quá di sản mà người đó để lại. Nếu người để lại di sản giao nghĩa vụ cho người thừa kế vượt quá phạm vi di sản thì phần nghĩa vụ vượt quá đó sẽ không có hiệu lực pháp luật (vô hiệu) và vì vậy người thừa kế được giao nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đó. 
2.8. Hạn chế trong việc định đoạt di sản cho vật nuôi, cây trồng
Theo pháp luật thừa kế Việt Nam, người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản cho bất kỳ ai, người thuộc diện thừa kế theo pháp luật hay người khác ngoài những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, có quyền cho tổ chức, cho nhà nước hưởng di sản của mình. Tuy nhiên, pháp luật không thừa nhận di chúc của cá nhân định đoạt tài sản cho gia súc, gia cầm, cây cối được thừa kế. Trong trường hợp di chúc của cá nhân định đoạt tài sản cho gia súc, gia cầm, cây cối được hưởng thì di chúc đó vô hiệu tuyệt đối, không thể có giá trị thi hành. Sự không công nhận này là hoàn toàn phù hợp không những về mặt điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc để lại di sản và nhận di sản thừa kế mà còn là quyết định mang tính khoa học và nhất quán với nguyên tắc xác định tư cách chủ thể trong quan hệ xã hội và pháp luật.


Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Tuy nhiên, quyền của người lập di chúc luôn gắn liền với hạn chế quyền tự định đoạt của người ấy. Những hạn chế cụ thể là về các mặt: quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế, về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc,về hạn chế quyền trong việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng, về việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất, về quyền đặt điều kiện trong di chúc và về việc định đoạt di sản cho vật nuôi, cây trồng.

Related Post

Previous
Next Post »