Từ khi Tổ chức Thương mại Thế Giới WTO ra đời cũng như sự ra đời của các khu vực Tự do Mậu dịch khác đã góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu phát triển. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một môi trường tự do giao thương kinh tế, thương mại giữa các quốc gia Thành viên cũng như các quốc gia khác trên thế giới với nhau. Khi doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức kinh tế của các quốc gia giao thương với nhau thì không tránh khỏi các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thương mại quốc tế. Do đó, khi phát sinh tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế thì các Điều ước Quốc tế cũng như pháp luật quốc gia, các tập quán quốc tế, tập quán pháp - án lệ đã có những phương thức giải quyết phù hợp để giải quyết các tranh chấp này và giúp cho quá trình giao thương của các quốc gia diễn ra thuận lợi. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế như theo phương thức lựa chọn (trung gian, hòa giải, tố tụng Mini, Ủy ban xem xét tranh chấp); phương thức trọng tài; phương thức tòa án.
Hiện nay, tại Việt Nam có 14 Trung tâm trọng tài đang hoạt động và đã được Bộ Tư pháp phê chuẩn Điều lệ của Trung tâm theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Số lượng các vụ tranh chấp được đưa ra giải quyết tại trọng tài trong những năm qua không ngừng tăng lên trong năm 2013 các trung tâm trọng tài trên cả nước đã giải quyết 360 vụ tranh chấp. Điều này thể hiện sự quan tâm hơn nữa của các doanh nghiệp đến phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 tại Khoản 2 Điều 3 đưa định nghĩa một cách ngắn gọn, súc tích:
“Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.”
So với tòa án, trọng tài là biện pháp giải quyết tranh chấp đã được vận dụng từ lâu. Vì thế, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là hình thức rất phổ biến ở các nước trên thế giới, chúng ta có thể xem xét một vài ưu điểm nổi bật cũng như hạn chế của biện pháp này:
- Ưu điểm:
Thứ nhất, về thành phần xét xử, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn trọng tài viên, việc này giúp các bên lựa chọn được trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp để từ đó họ có thể giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, chính xác. Điểm này hoàn toàn đối lập với tòa án quốc tế khi thành phần xét xét xử của tòa án quốc tế hoàn toàn cố định, các bên không có quyền lựa chọn thẩm phán.
Thứ hai, về thủ tục tố tụng xét xử, các bên có quyền thỏa thuận quy định thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, từ đó các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, không phải trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, vì vậy thủ tục tố tụng trọng tài đơn giản, linh hoạt và mềm dẻo hơn. Ví dụ, như trong Luật Trọng tài Thương mại 2010 có quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại với các cách thức khá đơn giản, chủ yếu dựa trên thỏa thuận của các bên, và đề cao sự thỏa thuận này. Các bên có thể thỏa thuận về: ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài (khoản 2 Điều 10 LTTTM 2010), địa điểm giải quyết tranh chấp (khoản 1 Điều 11 LTTTM 2010), đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài các bên có thể chọn luật áp dụng (khoản 2 Điều 14 LTTTM 2010), qua đó có thể tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên, rút ngắn quá trình thông qua phán quyết. Phán quyết của trọng tài thường chính xác, khách quan và có độ tin cậy cao một phần do quyết định của trọng tài ít bị chi phối bởi yếu tố chính trị và vì thế, nó sẽ mang tính khách quan hơn phán quyết của tòa án. Bên cạnh đó, thủ tục tố tụng trọng tài cũng đơn giản hơn so với thủ tục tố tụng tại tòa án do thủ tục tố tụng tòa án là cố định, đã được quy định cụ thể từ trước trong quy chế của tòa.
Thứ ba, về mức độ bảo mật trình tự tố tụng trong từng vụ việc, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài luôn có khả năng giữ bí mật rất cao. Đối với các bên tham gia hợp đồng thương mại quốc tế, việc giữ bí mật các vụ kiện là rất quan trọng, bởi bí mật nghề nghiệp, uy tín trên thương thường có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt là những bí mật liên quan đến bí quyết công nghệ, chất lượng sản phẩm, bí quyết kinh doanh… Nếu những bí mật này bị tiết lộ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh trong tương lai của họ. Vì thế, khi tranh chấp xảy ra, những bí mật đó có khả năng có thể bị tiết lộ, nhất là khi giải quyết tại tòa án bởi nguyên tắc xét xử tại tòa án là công khai. Khác với nguyên tắc xét xử công khai tại tòa án, trọng tài lại hoạt động theo nguyên tắc xét xử kín, các quyết định của trọng tài không được công khai, nếu các bên yêu cầu, nội dung giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ được giữ kín, đảm bảo cho các bên liên quan giữ được bí mật quốc gia, bí quyết kinh doanh, quy trình kĩ thuật… theo Điều 4 LTTTM 2010 giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thưng mại được tiến hành công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đây có thể được xem là một ưu thế so với nguyên tắc xét xử công khai của tòa án trong trường hợp giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, có thể xem là khá nhạy cảm. và qua đó, góp phần bảo vệ danh dự, uy tín của các bên tranh chấp.
Thứ tư, về thể loại tranh chấp quốc tế được giải quyết, khác với tòa án quốc tế là chỉ giải quyết các tranh chấp pháp lý, trọng tài không những giải quyết tranh chấp pháp lý mà còn giải quyết tranh chấp chính trị, vì vậy, phán quyết của trọng tài có thể không mang tính đối nghịch như phán quyết của tòa án quốc tế. Trước khi đem vụ tranh chấp thương mại để giải quyết bằng trọng tài, các bên có thể cùng ngồi bàn bạc, nêu ra ý chí nguyện vọng chủ quan của mình, từ đó xây dựng được những thỏa thuận chung nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đôi bên trong quá trình tố tụng trọng tài, và chính vì sự trao đổi trên cơ sở tôn trọng mong muốn của nhau nên sau khi có phán quyết của trọng tài, các bên vẫn có thể tiếp tục giữ được mối quan hệ với nhau kể cả trong lĩnh vực vừa xảy ra tranh chấp.
Thứ năm, về khả năng kiểm soát hoạt động tố tụng, trình tự trọng tài do các bên tự quy định, vì thế khả năng kiểm soát hoạt động trọng tài của các bên rộng hơn. Bên cạnh đó, trọng tài khi giải quyết tranh chấp nhân danh ý chí của các bên, không nhân danh quyền lực tự pháp của nhà nước, hơn thế nữa, phán quyết trọng tài được sự công nhận quốc tế nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có nhân tố nước ngoài.
Thứ sáu, quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm. Sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì phán quyết đó bắt buộc có hiệu lực thi hành với các bên, các bên không có quyền kháng cáo hay kháng nghị. Đây là điểm khác biệt cũng là ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với tòa án. Như vậy, có thể tránh dẫn đến tình trạng dây dưa kéo dài, gây tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Ưu điểm này xuất phát từ quyền định đoạt của các bên, từ việc tự do lựa chọn phương thức trọng tài đến lựa chọn trọng tài viên cũng như thủ tục tố tụng.
Hạn chế:
Thứ nhất, trọng tài không phải cơ quan quyền lực nhà nước nên khi xét xử, trong trường hợp cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo chứng cứ, trọng tài không thể ra quyết định mang tính chất bắt buộc mà phải yêu cầu tòa án thi hành các phán quyết trọng tài.
Thứ hai, phán quyết của trọng tài có thể bị tuyên hủy bởi quyết định của tòa án. Vì vậy nó làm hạn chế hiệu lực của phán quyết trọng tài cũng như giảm sự tin cậy vào cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Thứ ba, việc thực hiện các quyết định của trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, uy tín của doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu do đó việc họ tự giác thực hiện các quyết định của trọng tài khá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn chưa coi trọng việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nên vẫn chưa có ý thức tự giác.
Thứ tư, việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp trọng tài mang tính chất phi chính phủ nên khi hiểu biết của một bộ phận dân trí về biện pháp này chưa cao có thể dẫn dến sự thiếu tin tưởng về khả năng, hiệu quả công việc, giá trị pháp lí của phán quyết trọng tài cũng như tạo tâm lý e dè khi các bên xem xét lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp này. Trên hết là trong thực tiễn tình hình nước ta hiện nay, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại bằng biện pháp trọng tài còn khá lớn, dẫn đến việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng chi trả.
Thứ năm, quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm mặc dù đây là điểm tạo nên hiệu lực cho phán quyết trọng tài, song cũng đồng thời hạn chế cơ hội sửa chữa khi xảy ra sai sót, dẫn đến việc không đảm bảo trọn vẹn quyền và nghĩa vụ cho các bên tranh chấp.
Tranh chấp là việc khó tránh khỏi trong quan hệ thương mại. Nhưng để giải quyết những tranh chấp đó, hai bên cần phải lựa chọn những cách thức giải quyết khác nhau để đạt kết quả tốt nhất.
Tác Giả: Trần Tuấn