Bài tập nhóm Kỹ năng tư vấn dân sự, học kỳ 1 năm học 2018 - 2019 (đợt 2)

ĐỀ BÀI TẬP NHÓM 
Môn học: Kỹ năng tư vấn trong lĩnh vực dân sự 
Học kỳ 1 - Năm học: 2018 – 2019 (đợt 2) 

Đề 1 
Năm 2016, do cần tiền để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vợ chồng anh, Linh và chị Lan đến gặp anh Kiên để vay hoặc nhờ anh vay giúp khoản tiền 1 tỷ đồng thời hạn 1 năm. Lợi dụng tình trạng của vợ chồng anh chị, anh Kiên nhận lời vay hộ tại Ngân Hàng X nhưng yêu cầu anh, chị phải thế chấp tài sản của mình để bảo lãnh việc sẽ trả nợ ngân hàng khi đến hạn. Đồng ý yêu cầu của anh Kiên, vợ, chồng anh chị Linh không ngần ngại ký tất cả các loại giấy tờ khi anh Kiên đưa ra. Sau 1 năm, vợ, chồng anh, chị nhận được tống đạt giấy tờ của Tòa án Quận Y về việc ngân hàng X khởi kiện do vi phạm hợp đồng bảo lãnh cho anh Kiên vay số tiền 3 tỷ đồng. Do đến nay anh Kiên đã biệt tích khỏi nơi cư trú nên ngân hàng yêu cầu anh, chị phải trả khoản tiền nói trên thay cho anh Kiên. Ngân hàng có xuất trình được toàn bộ giấy tờ minh chứng cho việc anh Linh, chị Lan đã thế chấp toàn bộ nhà đất của mình để bảo lãnh cho khoản nợ của anh Kiên, đồng thời đã thông báo việc phát sinh nghĩa vụ trả nợ này cho anh, chị trong một thời hạn nhất định nhưng anh, chị không đồng ý trả nợ. 
Câu hỏi: 
1. Xác định loại tranh chấp giữa Ngân hàng với anh Linh và chị Lan. 
2. Tư vấn cho anh Linh và chị Lan cách tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình 
3. Lập hồ sơ tư vấn đối với vụ việc trên. 

Đề 2 
Ông A và bà B có 6 người con (4 trai, 2 gái). Tháng 10/2008, vợ chồng ông A lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung tại phòng công chứng X. Khối tài sản mà ông bà sở hữu chung là quyền sử dụng 140 m2 đất ở mặt phố Kim Mã và căn nhà 5 tầng kiên cố trên đất. Mong muốn của hai ông bà sau khi chết sẽ để lại toàn bộ tài sản cho 4 người con trai (vì 2 người con gái ông bà đã chia đất nhà đầy đủ khi lấy chồng). Mong muốn này đã được thể hiện trong cuộc họp gia đình, có sự tham dự của ông bà và 6 người con, và tất cả mọi người đều nhất trí và tôn trọng ý chí của ông bà. Tuy nhiên, trong di chúc, ông bà định đoạt như sau: “để lại toàn bộ tài sản cho người con trai út (là con thứ 5 trong 6 người con), đồng thời uỷ quyền cho con trai út có toàn quyền phân chia khối tài sản đều cho các con”. Tháng 07/2018, ông A có biểu hiện không minh mẫn (bị lẫn do tuổi già). Ở thời điểm này, giá trị của khối tài sản của ông bà được định giá lên đến khoảng 50 tỷ. Do đó, tất cả những người con yêu cầu phải làm lại di chúc một cách rõ ràng. Mong muốn của ông bà AB vẫn không thay đổi. 
Câu hỏi: 
1. Nội dung của bản di chúc mà ông bà AB lập tháng 10 năm 2008 có thể hiện được mong muốn của ông bà trong cuộc họp gia đình không? Tại sao? Hãy bình luận nội dung của di chúc được lập 10/2008? Hãy xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của bản di chúc được lập tháng 10/2008? 
2. Ông bà AB có buộc phải lập lại di chúc theo yêu cầu của các con không? Tại sao? Nếu ông bà AB không lập lại di chúc thì sau khi ông bà chết đi di sản có được chia theo mong muốn của ông bà không? 
3. Nếu ông bà AB quyết định lập lại di chúc và có nhờ luật sư X tư vấn thì luật sư X sẽ tư vấn những vấn đề gì để ông bà AB có thể lập được di chúc phù hợp với quy định của BLDS năm 2015? Hãy lập hồ sơ tư vấn đối với vụ việc? 

Đề 3: 
Ngày 20/10/2000, ông A và bà B ly hôn. Hai ông bà có một người con chung là C (sinh năm 1995). Theo bản án của Toà, ông A có nghĩa vụ nuôi con, bà B có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mỗi tháng 1 triệu đồng. Ngay sau khi bản án có hiệu lực, ông A kết hôn với bà Q. Kết hôn xong ông bà AQ sang định cư bên Đức và không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng C và cũng không chu cấp bất cứ khoản kinh phí nào để bà B nuôi C. Tháng 02/2016, bà B cho C tiền mua một căn hộ chung cư. Trong hợp đồng mua bán, C đứng tên bên mua, nhưng toàn bộ số tiền nộp cho chủ đầu tư đều do bà B thực hiện và biên lai nộp tiền cũng mang tên bà B. Theo thoả thuận trong hợp đồng mua bán, đến tháng 08/2017 việc xây dựng sẽ hoàn thành và C sẽ được nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên, tháng 7/2017 B đi chèo thuyền thể thao ở Hồ Tây thì bị lật thuyền và chết đuối. Lúc này, việc thanh toán tiền mua nhà đã hoàn thành được 90%. Ngay sau khi biết tin C chết, ông A từ Đức trở về cùng lo mai táng cho C. Sau đó, ông A phát hiện C đang đứng tên hợp đồng mua bán căn hộ chung cư nên đã yêu cầu chia thừa kế tài sản của C. Song, bà B không đồng ý vì cho rằng toàn bộ số tiền mua nhà là của bà B chứ không phải của C. 
Câu hỏi: 
1. Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa C và chủ đầu tư có chấm dứt không? Tại sao? Giả sử bà B đã nộp 100% tiền mua nhà cho C và đang chờ giao nhà thì căn nhà đó có trở thành di sản của C khi C chết không? Tại sao? Ông A có được hưởng thừa kế di sản của C không? 
2. Với những căn cứ trong tình huống và hiểu biết của mình, theo anh/chị, bà B có thể được hưởng bao nhiêu % di sản của C. 
3. Nếu bà B đến xin tư vấn thì anh/chị sẽ tư vấn cho bà B như thế nào để bà B có thể giành được quyền lợi cao nhất trong vụ tranh chấp về thừa kế với ông A? Lập hồ sơ tư vấn đối với vụ việc. 

Đề 4: 
Ngày 15.3.2018, anh Trần Văn S. vay của chị Nguyễn Thị M. số tiền 3 tỷ đồng, trong thời gian 3 năm. Lãi suất hai bên thỏa thuận là 3000 đồng/triệu/ngày. Việc trả gốc và lãi được các bên thống nhất như sau: “S có trách nhiệm trả 1/3 tiền gốc và số tiền lãi tương tứng với số tiền gốc theo kỳ hạn một năm một lần và trả tiền thành 3 kỳ liên tiếp”. Nhằm bảo đảm cho việc trả nợ của S thì giữa S và M có thỏa thuận: “S sẽ lập hợp đồng tặng cho để M đứng tên quyền sử dụng đất và căn nhà trên đất của S trong thời gian vay. Đến khi nào S trả hết nợ thì M sẽ trả lại căn nhà cho S. Nếu S không trả được nợ cho M thì căn nhà thuộc sở hữu của M”. S và M đã lập hợp đồng tặng cho nhà, hợp đồng được công chứng và M đã thực hiện xong việc sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
Câu hỏi: 
1. Xác định các hợp đồng trong tình huống? Hiệu lực của các hợp đồng đó? 
2. Giải quyết các trường hợp: 
a. Giả sử đến các kỳ hạn trả tiền, S đều thực hiện việc trả gốc và lãi theo đúng thỏa thuận. Hãy tính tổng số tiền mà S phải trả cho M? 
b. Giả sử đến kỳ hạn trả tiền thứ nhất, S đã trả được đầy gốc nhưng tiền lãi bị quá hạn 6 tháng mới trả được cho M (lãi được trả theo lãi suất do các bên thỏa thuận). Đến kỳ hạn trả tiền thứ hai, do S gặp khó khăn trong công việc nên đề nghị được xin gia hạn trả nợ 3 tháng và được M chấp nhận. Tuy nhiên, cả gốc và lãi phải trả trong kỳ hạn trả tiền thứ hai chỉ được S trả khi đến kỳ hạn trả tiền lần thứ ba (lãi được trả theo lãi suất do các bên thỏa thuận). Đến kỳ hạn trả tiền lần thứ ba, S không trả được cả gốc và lãi cho M. Tiền gốc bị quá hạn 5 tháng; tiền lãi bị quá hạn 3 tháng. Hãy tính tổng số tiền mà S phải trả cho M? 
c. Giả sử đến các kỳ hạn thanh toán, S đều không trả được cả gốc và lãi cho M. Hỏi: căn nhà của S có thuộc sở hữu của M hay không? 
3. Lập hồ sơ tư vấn đối với vụ việc? 

Lưu ý: các nhóm trong cùng lớp thảo luận không chọn trùng đề bài tập nhóm.

Related Post

Previous
Next Post »