Thực hiện các biện pháp bảo đảm đầu tư ở Việt Nam

 Có thể thấy, các quy định về biện pháp bảo đảm đầu tư trong Luật Đầu tư 2020 về cơ bản là được kế thừa trên tinh thần của Luật Đầu tư 2014. Do Luật Đầu tư 2020 tính đến thời điểm hiện tại chưa có hiệu lực pháp luật nên trong phần ví dụ dưới đây em xin phép được sử dụng Luật Đầu tư 2014 kết hợp với Luật Đầu tư 2020 để phân tích. 

Thứ nhất, đối với biện pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản: chẳng hạn trên thực tế đối với quyền sở hữu của doanh nghiệp, chủ đầu tư đối với đất đai hoàn toàn có thể bị thu hồi hoặc trưng dụng theo quy định tại các Điều 16, 62, 64 và 65, Luật Đất đai năm 2013 với các lý do vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội; vì lợi ích quốc gia, công cộng;... 

Trong các trường hợp bị thu hồi hoặc bị trưng dụng, Nhà nước vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Cụ thể hơn khi trưng dụng đất của nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án đầu tư, gây thiệt hại trực tiếp về mặt bằng, tôn tạo của đất sẽ được thực hiện bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008: “Trường hợp tài sản trưng dụng là đất thì việc bồi thường được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây: Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng khôi phục lại mặt bằng và hoàn trả cho người có tài sản trưng dụng;  Người có tài sản trưng dụng được bồi thường các khoản chi phí bồi bổ, tôn tạo lại mặt bằng theo giá thị trường tại thời điểm hoàn trả tài sản để tự khôi phục lại”. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc các quy định bồi thường, xác định giá trị thiệt hại tài sản. 

Thứ hai, đối với biện pháp bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh. Hiện nay, nhà nước tạo mọi điều kiện để cho các nhà đầu tư tham gia hoạt động kinh doanh tại môi trường đầu tư Việt Nam trong môi trường bình đẳng nhất từ việc lựa chọn hình thức đầu tư, lựa chọn ngành nghề đầu tư kinh doanh. Một ví dụ tiêu biểu hiện nay là các Ngân hàng thương mại được bảo đảm thực hiện các hoạt động đầu tư: hoạt động góp vốn, mua cổ phần; hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán và các hoạt động khác như ủy thác đầu tư, kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối. Chẳng hạn, đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần: thực tiễn cho thấy hầu hết các Ngân hàng thương mại, đặc biệt trong nhóm có mức vốn lớn đều thành lập các công ti con, công ti liên kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều nhất phải kể đến chứng khoán, quản lí quỹ, cho thuê tài chính, ngoài ra còn mở rộng sang hoạt động bảo hiểm, chuyển tiền. Cá biệt, một số ngân hàng lớn như Vietcombank có tới 11 công ti con, công ti liên doanh, liên kết; Viettinbank có tới 07 công ti con, 02 công ti liên doanh, liên kết; BIDV có 04 công ti con, 07 công ti liên doanh, liên kết. Đối với hoạt động đầu tư chứng khoán: hoạt động này thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của cả Luật Đầu tư 2014 và 2020; vì vậy khi tiến hành đầu tư, các Ngân hàng thương mại cần phải tuân theo những quy định nhất định. Pháp luật đặt ra những quy định giới hạn trong hoạt động trực tiếp đầu tư chứng khoản của ngân hàng như: loại chứng khoán đầu tư, tỉ lệ đầu tư1. Mục đích nhằm đảm bảo an toàn hơn cho nguồn vốn sử dụng vào hoạt động đầu tư này, tuy nhiên, xét các quy định hiện hành, quy định về mức giới hạn trong hoạt động đầu tư chứng khoán chưa đầy đủ. Doanh thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán trong hoạt động của ngân hàng ngày càng lớn và nếu không quy định đầy đủ về điều kiện và tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động đầu tư cụ thể đối với các chứng khoán ngân hàng trực tiếp thực hiện mua, bán sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn trong quản lí vốn của ngân hàng. Có thể thấy, nhà nước đang nỗ lực để thực hiện các biện pháp bảo đảm đầu tư kinh doanh một cách thuận tiện nhất, mang đến niềm tin cho chủ đầu tư tại môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thứ ba, đối với biện pháp bảo đảm chuyển tài sản ra nước ngoài. Pháp luật đầu tư ở Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được chuyển tài sản của mình ra khỏi Việt Nam với điều kiện tiên quyết sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật đầu tư. Thực tiễn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài thường mong muốn chuyển các loại tài sản như tiền, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình. Việc chuyển ra nước ngoài các khoản trên được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi theo tỷ giá giao dịch tại ngân hàng thương mại do nhà đầu tư lựa chọn. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện việc chuyển loại tài sản trên. Với lợi nhuận chuyển ra nước ngoài bằng tiền sẽ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Lợi nhuận chuyển ra nước ngoài bằng hiện vật và thực hiện quy đổi giá trị hiện vật theo quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu hàng hoá và quy định của pháp luật liên quan. 

Thứ tư, đối với biện pháp bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Trong bối cảnh thực tế hiện nay, pháp luật về đầu tư ở Việt Nam có sự thay đổi không ngừng điển hình là việc Luật Đầu tư 2014 hiện hành đã bị thay đổi bởi Luật Đầu tư 2020 mới được ban hành có hiệu lực thi hành vào năm 2021.

Vì thế việc bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật là vô cùng cần thiết. Cụ thể điển hình như trong Luật Đầu tư 2020 đã giới hạn, thu hẹp lại, bổ sung thêm điều kiện tại điểm c khoản 2 Điều 15 về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư: “Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động”. Trong quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2014 hiện hành thì đối với dự án đầu tư chỉ cần có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư không cần kèm theo một số điều kiện như quy định mới đã là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Vì vậy, đến sang năm 2021 trở đi nếu đối chiếu theo điều kiện của Luật Đầu tư 2020 thì rất nhiều dự án đầu tư được coi là đối tượng hưởng ưu đãi theo Luật 2014 sẽ không còn là đối tượng được hưởng ưu đãi nữa. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong trường hợp như vậy thì tại khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư”.

Thứ năm, đối với biện pháp bảo đảm giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhà nước tôn trọng các phương thức giải quyết tranh chấp đầu tư giữa đôi bên đặc biệt khuyến khích sử dụng phương thức trọng tài trong tranh chấp có một bên chủ thể là nhà đầu tư nước ngoài. Câu chuyện 10 năm Luật Trọng tài thương mại 2010 cũng chính là câu chuyện về giai đoạn 10 năm phát triển của VIAC – tổ chức trọng tài quy chế đầu tiên tại Việt Nam, tổ chức đi cùng với sự hình thành và phát triển trong khuôn khổ pháp lý về trọng tài thương mại tại Việt Nam1. Với uy tín và hoạt động chuyên nghiệp trong suốt thời gian dài, hằng năm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tiếp nhận và giải quyết hàng trăm vụ việc, tranh chấp trong các lĩnh vực kinh doanh phổ biến của các doanh nghiệp; từ đó, nhanh chóng nhân rộng sự phổ biến và ưu thế của phương thức trọng tài đến với cộng đồng thương nhân. 

Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2019, VIAC đã giải quyết 1.259 vụ tranh chấp, tăng 336% so với giai đoạn 2003-2010. Các bên tranh chấp đến từ trên 60 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới. Chất lượng giải quyết tranh chấp ngày càng được cải thiện. Hiện nay, VIAC cũng đã thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và công bố Quy tắc hòa giải VMC, nhằm giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn, đưa ra quyết định thực sự phù hợp đối với các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch. Có thể thấy, nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam nếu có phát sinh tranh chấp, hoàn toàn yên tâm sẽ được bảo đảm giải quyết theo nhiều phương thức khác nhau. Như vậy, hiện nay Việt Nam đang nỗ lực hết mình thực hiện các biện pháp bảo đảm đầu tư một cách tốt nhất để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, kích thích nền kinh tế phát triển.

Related Post

Previous
Next Post »

XEM NHIỀU TRONG TUẦN