TUYÊN BỐ HÒA HỢP ASEAN NĂM 1976 (TAC 1976)


TUYÊN BỐ HÒA HỢP ASEAN NĂM 1976 (TAC 1976)
 (Tuyên bố Bali I)
Được thông qua bởi những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 1 tại Bali, Indonesia vào ngày 24/02/1967
 
Tổng thống Cộng hòa Indonesia, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Cộng hòa Philippines, Thủ tướng Cộng hòa Singapore và Thủ tướng Vương quốc Thái Lan.
KHẲNG ĐỊNH LẠI cam kết của mình đối với các tuyên bố Bandung, Băng Cốc và Kuala Lumpur và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
NỖ LỰC thúc đẩy hòa bình tiến bộ phồn vinh và phúc lợi của nhân dân các quốc gia thành viên.
CAM KẾT củng cố những thành tựu của ASEAN và mở rộng hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội văn hóa và chính trị.
NAY TUYÊN BỐ:
Hợp tác của ASEAN sẽ tính đến, cùng với các vấn đề khác, các mục tiêu và nguyên tắc sau đây trong việc theo đuổi sự ổn định chính trị;
1. Sự ổn định của mỗi quốc gia thành viên và của khu vực ASEAN là một đóng góp thiết thực cho hòa bình và an ninh quốc tế. Mỗi quốc gia thành viên quyết tâm xóa bỏ mối đe dọa đối với sự ổn định của mình do lật đổ gây ra, để tăng cường tự cường của từng quốc gia và của ASEAN.
2. Các quốc gia thành viên, riêng rẽ và tập thể, sẽ thực hiện các biện pháp tích cực để sớm thành lập khu vực hòa bình tự do và trung lập.
3. Việc xóa bỏ nghèo đói, bệnh tật và mù chữ là mối quan tâm chính của các quốc gia thành viên. Do vậy các quốc gia thành viên sẽ tăng cường hợp tác trong việc phát triển kinh tế, xã hội với sự nhấn mạnh đặc biệt đến việc tăng cường công lý xã hội và cải thiện mức sống của nhân dân các nước mình.
4. Thiên tai và những thảm họa lớn khác có thể làm trì trệ tốc độ phát triển của các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên sẽ dành sự giúp đỡ cứu trợ với khả năng của mình cho các quốc gia thiên tai.
5. Quốc gia thành viên sẽ thực hiện các biện pháp hợp tác trong các chương trình phát triển quốc gia và khu vực của mình sử dụng càng nhiều càng tốt các nguồn lực hiện có trong ASEAN nhằm mở rộng khả năng bổ sung cho các nền kinh tế của mình.
6. Các quốc gia thành viên trên tinh thần đoàn kết ASEAN sẽ dựa chủ yếu vào tiến trình hòa bình để giải quyết những sự khác biệt trong khu vực.
7. Các quốc gia thành viên sẽ phấn đấu riêng rẽ và tập thể để tạo những điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác hòa bình giữa các quốc gia Đông Nam Á trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
8. Các quốc gia thành viên sẽ phát triển mạnh mẽ nhận thức về bản sắc khu vực và sẽ có mọi cố gắng để tạo ra một cộng đồng ASEAN vững mạnh, được tất cả các quốc gia tôn trọng và tôn trọng tất cả các quốc gia trên cơ sở quan hệ cùng có lợi và phù hợp với nguyên tắc tự quyết, bình đẳng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
NAY THÔNG QUA
Một chương trình hành động làm khuôn khổ cho hợp tác của ASEAN.
A. CHÍNH TRỊ
1. Những người đứng đầu chính phủ của các quốc gia thành viên sẽ họp nếu và khi cần thiết;
2. Ký kết Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á;
3. Giải quyết các cuộc tranh chấp trong khu vực bằng biện pháp hòa bình càng sớm càng tốt;
4. Nếu có thể, xem xét ngay những bước đi ban đầu nhằm tiến tới công nhận và tôn trọng Khu vực hòa bình, tự do và trung lập;
5. Cải tiến bộ máy ASEAN để tăng cường hợp tác chính trị;
6. Nghiên cứu cách phát triển sự hợp tác về pháp lý, kể cả khả năng về ban hành một hiệp ước dẫn độ ASEAN;
7. Tăng cường đoàn kết chính trị bằng cách thúc đẩy sự hài hòa các quan điểm phối hợp lập trường và khi có thể và có nguyện vọng thì có hành động chung;
B. KINH TẾ
1. Hợp tác về các hàng hóa cơ bản, đặc biệt là lương thực và năng lượng.
(i) Các quốc gia thành viên sẽ giúp đỡ lẫn nhau bằng cách dành ưu tiên cho việc đáp ứng nhu cầu của từng nước trong những hoàn cảnh khó khăn, và ưu tiên mua hàng xuất khẩu từ các quốc gia thành viên đối với các hàng hóa cơ bản, đặc biệt là lương thực và năng lượng;
(ii) Các quốc gia thành viên cũng sẽ tăng cường hợp tác sản xuất các hàng hóa cơ bản, đặc biệt là lương thực và năng lượng tại các quốc gia thành viên.
2. Hợp tác công nghiệp.
(i) Các quốc gia thành viên sẽ hợp tác để xây dựng các nhà máy công nghiệp quy mô lớn của ASEAN đặc biệt để đáp ứng các nhu cầu của khu vực về các hàng hóa thiết yếu;
(ii) Sẽ ưu tiên các dự án sử dụng nguyên liệu sẵn có tại các quốc gia thành viên đóng góp vào việc tăng cường sản xuất lương thực, tăng thu nhập ngoại tệ hoặc tiết kiệm ngoại tệ và tạo công ăn việc làm.
3. Hợp tác thương mại.
(i) Các quốc gia thành viên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng ngành sản xuất mới và việc buôn bán sản phẩm mới đó, cải tiến cơ cấu thương mại của từng quốc gia và giữa các nước ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển hơn nữa, duy trì và tăng thêm thu nhập và dự trữ ngoại tệ;
(ii) Các quốc gia thành viên sẽ tiến tới việc hình thành các thỏa thuận ưu đãi thương mại coi đó như một mục tiêu lâu dài, trên cơ sở thích hợp vào thời điểm nào đó, thông qua các cuộc đàm phán và được sự nhất trí của các quốc gia thành viên;
(iii) Tạo thuận lợi cho việc mở rộng thương mại giữa các quốc gia thành viên thông qua hợp tác về hàng hóa cơ bản, đặc biệt là lương thực và năng lượng, và thông qua hợp tác về các dự án công nghiệp của ASEAN;
(iv) Các quốc gia thành viên sẽ gia tăng các cố gắng chung nhằm cải thiện việc thâm nhập vào thị trường ngoài ASEAN đối với các nguyên liệu và thành phẩm thông qua việc tìm cách loại bỏ các hàng rào thương mại tại các thị trường đó, phát triển những nguồn tiêu thụ mới cho những sản phẩm này và có lập trường và hành động chung trong quan hệ với các tổ chức khu vực và từng cường quốc kinh tế;
(v) Các nỗ lực đó cũng sẽ đưa đến việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và phương pháp sản xuất để tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, cũng như phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới nhằm đa dạng hóa xuất khẩu.
4. Cách tiếp cận chung đối với việc giải quyết các vấn đề hàng hóa quốc tế và các vấn đề kinh tế thế giới khác.
(i) Nguyên tắc hợp tác thương mại của ASEAN cũng sẽ được phản ánh trên cơ sở ưu tiên trong cách đề cập chung đối với các vấn đề hàng hóa quốc tế và các vấn đề kinh tế thế giới khác như cải cách hệ thống thương mại quốc tế, cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế và chuyển giao thật sự các nguồn lực thực tế ở Liên Hợp Quốc và ở các diễn đàn đa phương nhằm góp phần thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới;
(ii) Các quốc gia thành viên sẽ dành ưu tiên cho việc ổn định và tăng thu nhập từ xuất khẩu những hàng hóa được sản xuất và xuất khẩu bởi các quốc gia thành viên thông qua những thỏa thuận về hàng hóa, kể cả kế hoạch lập kho dự trữ gối đầu và những biện pháp khác.
5. Bộ máy hợp tác kinh tế.
Các hội nghị cấp bộ trưởng về các vấn đề kinh tế sẽ được tổ chức thường xuyên hoặc khi nào cần thiết nhằm:
(i) Đưa ra những khuyến nghị cho các chính phủ của các quốc gia thành viên xem xét để tăng cường hợp tác kinh tế trong ASEAN;
(ii) Kiểm điểm sự phối hợp và thực hiện các chương trình và dự án hợp tác kinh tế ASEAN đã được thỏa thuận;
(iii) Trao đổi quan điểm và tham khảo ý kiến về các kế hoạch và chính sách phát triển quốc gia như một bước tiến tới nhằm làm hài hòa sự phát triển trong khu vực;
(iv) Thực hiện các chức năng liên quan khác mà chính phủ của các quốc gia thành viên đã thỏa thuận.
C. XÃ HỘI
1. Hợp tác trong lĩnh vực phát triển xã hội, chú trọng đến sự phồn thịnh của nhóm thu nhập thấp và dân cư ở nông thôn thông qua mở rộng các cơ hội có công ăn việc làm qua sản xuất với mức trả công thích đáng.
2. Hỗ trợ sự tham gia tích cực của tất cả các tầng lớp và ở các cấp độ của các cộng đồng ASEAN đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, vào các nỗ lực phát triển.
3. Tăng cường và mở rộng sự hợp tác hiện có trong việc giải quyết các vấn đề tăng trưởng dân số trong khu vực ASEAN và khi có thể, đề ra chiến lược mới trong việc cộng tác với các tổ chức quốc tế có liên quan.
4. Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên cũng như các tổ chức quốc tế có liên quan trong việc ngăn chặn và xóa bỏ việc dùng ma túy và buôn lậu ma túy.
D. VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN
1. Đưa việc nghiên cứu về ASEAN về các quốc gia thành viên và các ngôn ngữ của các quốc gia đó vào chương trình giảng dạy ở các trường học và các cơ sở giáo dục khác của các quốc gia thành viên.
2. Hỗ trợ các học giả, các nhà văn, nghệ sĩ và các đại diện giới truyền thông đại chúng ASEAN để họ có thể đóng một vai trò tích cực trong việc xây dựng một ý niệm về bản sắc khu vực và tình anh em.
3. Đẩy mạnh việc nghiên cứu Đông Nam Á thông qua việc cộng tác chặt chẽ hơn giữa các viện nghiên cứu quốc gia.
E. AN NINH
Tiếp tục hợp tác trên cơ sở không mang tính chất ASEAN giữa các quốc gia thành viên trong các vấn đề an ninh phù hợp với lợi ích và nhu cầu của nhau.
F. HOÀN THIỆN CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ASEAN
1. Ký Hiệp định về thành lập Ban thư ký của ASEAN.
2. Thường xuyên xem xét lại cơ cấu tổ chức của ASEAN với mục đích nâng cao hiệu quả của nó.
3. Nghiên cứu mong muốn về một khuôn khổ hiến pháp mới cho ASEAN.
(Đại diện các quốc gia thành viên đã ký tại Denpasar, Bali, Indonesia vào ngày 24/2/1976 với một bản duy nhất bằng tiếng Anh).





HIỆP ƯỚC THÂN THIỆN VÀ HỢP TÁC                                               Ở ĐÔNG NAM Á NĂM 1976 (TAC 1976)
 


Các bên tham gia:
NHẬN THỨC rõ các quan hệ lịch sử, địa lý và văn hoá sẵn có đã gắn chặt nhân dân các nước với nhau;
MONG MUỐN thúc đẩy hoà bình và ổn định khu vực thông qua việc tôn trọng công lý và luật pháp và tăng cường khả năng tự cường khu vực trong quan hệ với nhau;
MONG MUỐN tăng cường hoà bình, hữu nghị và hợp tác về các vấn đề ảnh hưởng đến Đông Nam Á phù hợp với tinh thần và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, 10 nguyên tắc thông qua tại Hội nghị các nước Á-Phi ở Bandung ngày 25/4/1955, Tuyên bố của Hiệp hội các nước Đông Nam Á ký tại Băng Cốc ngày 8/8/1967 và Tuyên bố ký tại Kuala Lumpur ngày 27/11/1971;
TIN RẰNG việc giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp giữa các nước cần phải được điều hành bằng những thủ tục hợp lý, hữu hiệu và đủ linh hoạt, tránh những thái độ tiêu cực có thể đe doạ hoặc cản trở sự hợp tác;
TIN VÀO nhu cầu hợp tác với tất cả các dân tộc yêu chuộng hoà bình trong và ngoài Đông Nam Á, nhằm thúc đẩy hoà bình, ổn định và hoà hợp trên thế giới;
TÔN TRỌNG thoả thuận tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác như sau:
CHƯƠNG I: MỤC ĐÍCH VÀ CÁC NGUYÊN TẮC
Điều l:
Mục đích của Hiệp ước này là thúc đẩy nền hoà bình vĩnh viễn, sự thân thiện và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các bên tham gia Hiệp ước, góp phần vào sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ hơn của các bên.
Điều 2:
Trong quan hệ với nhau, các bên tham gia Hiệp ước sẽ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây:
a. Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia;
b. Quyền của mỗi quốc gia được tồn tại mà không có sự can thiệp, lật đổ hoặc áp bức của bên ngoài;
c. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;
d. Giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hoà bình;
e. Từ bỏ việc đe doạ hoặc sử dụng vũ lực;
f. Hợp tác với nhau một cách có hiệu quả.
CHƯƠNG II: THÂN THIỆN
Điều 3:
Thực hiện mục đích của Hiệp ước này, các bên tham gia sẽ cố gắng phát triển và tăng cường quan hệ hữu nghị văn hoá và lịch sử truyền thống, quan hệ láng giềng tốt đẹp và sự hợp tác đã gắn bó họ với nhau và sẽ thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp ước này bằng thiện chí. Nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, các bên tham gia Hiệp ước sẽ khuyến khích và tạo thuận lợi cho sự liên lạc và giao lưu giữa nhân dân các nước với nhau.
CHƯƠNG III: HỢP TÁC
Điều 4:
Các bên tham gia Hiệp ước sẽ xúc tiến hợp tác tích cực trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, kỹ thuật, khoa học và hành chính, cũng như trong các vấn đề về lý tưởng chung và nguyện vọng về hoà bình quốc tế và sự ổn định trong khu vực và tất cả các vấn đề khác mà các bên cùng quan tâm.
Điều 5:
Theo Điều 4, các bên tham gia Hiệp ước sẽ làm hết sức mình để hợp tác đa phương hoặc song phương trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử và cùng có lợi.
Điều 6:
Các bên tham gia Hiệp ước sẽ cộng tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực để tăng cường nền tảng cho một cộng đồng thịnh vượng và hoà bình của các dân tộc ở Đông Nam Á. Nhằm mục đích này, các bên tham gia Hiệp ước sẽ tăng cường việc sử dụng nhiều hơn các ngành công nghiệp và nông nghiệp của mình, mở rộng thương mại và cải thiện hạ tầng cơ sở kinh tế vì lợi ích chung của của nhân dân các nước. Về vấn đề này, các bên sẽ tiếp tục tìm mọi phương cách để hợp tác chặt chẽ và cùng có lợi với các nước khác cũng như với các tổ chức quốc tế và khu vực bên ngoài.
Điều 7:
Nhằm đạt được công bằng xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân các nước trong khu vực, các bên tham gia Hiệp ước sẽ tăng cường hợp tác kinh tế. Nhằm mục đích đó, các bên sẽ thực hiện các chiến lược khu vực thích hợp cho sự phát triển kinh tế và giúp đỡ lẫn nhau.
Điều 8:
Các bên tham gia Hiệp ước sẽ phấn đấu để đạt được sự hợp tác chặt chẽ nhất trên quy mô rộng lớn nhất và sẽ tìm cách giúp đỡ nhau dưới hình thức đào tạo và cung cấp các phương tiện nghiên cứu trong các lĩnh vực xã hội, văn hoá, kỹ thuật, khoa học và hành chính.
Điều 9:
Các bên tham gia sẽ phấn đấu đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy sự nghiệp hoà bình, hoà hợp và ổn định trong khu vực. Nhằm mục đích đó, các bên sẽ duy trì các tiếp xúc và thường xuyên tham khảo ý kiến với nhau về các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm phối hợp quan điểm, hành động và chính sách của mình.
Điều 10:
Các bên tham gia Hiệp ước sẽ không tham gia, bằng bất kỳ cách nào và dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ hoạt động nào có thể đe doạ sự ổn định chính trị và kinh tế, chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của một bên khác tham gia Hiệp ước này.
Điều 11:
Các bên tham gia Hiệp ước sẽ phấn đấu để tăng cường khả năng tự cường Quốc gia của mỗi nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội và an ninh phù hợp với những lý tưởng và nguyện vọng của mỗi nước, không có sự can thiệp từ bên ngoài cũng như những hoạt động lật đổ ở bên trong, để bảo vệ bản sắc dân tộc của mỗi nước.
Điều 12:
Trong cố gắng nhằm đạt được sự phồn vinh và an ninh của khu vực, các bên tham gia Hiệp ước sẽ nỗ lực hợp tác với nhau về mọi mặt để đẩy mạnh tự cường khu vực, dựa trên những nguyên tắc tự tin, tự lực cánh sinh, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và đoàn kết, cơ sở cho một cộng đồng hùng mạnh và có thể tồn tại được của các dân tộc ở Đông Nam Á.
CHƯƠNG IV: GIẢI QUYẾT HOÀ BÌNH
CÁC TRANH CHẤP
Điều 13:
Các bên tham gia Hiệp ước sẽ quyết tâm và với thiện ý ngăn không để xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp và nảy sinh các vấn đề tác động trực tiếp đến họ, các bên tham gia Hiệp ước sẽ kiềm chế không đe doạ sử dụng hoặc sử dụng vũ lực và sẽ luôn luôn giải quyết các tranh chấp như vậy với nhau thông qua thương lượng hữu nghị.
Điều 14:
Để giải quyết các tranh chấp thông qua các tiến trình khu vực, các bên tham gia sẽ thành lập - như là một tổ chức được lập ra sau khi xảy ra tranh chấp - một Hội đồng cấp cao bao gồm một Đại diện cấp Bộ trưởng của mỗi bên tham gia ký Hiệp ước, để ghi nhận sự tồn tại của các tranh chấp hoặc tình hình có thể phá rối hoà bình và hoà hợp trong khu vực. Tuy nhiên điều này sẽ chỉ áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào ngoài khu vực Đông Nam Á đã tham gia Hiệp ước trong trường hợp quốc gia đó liên quan trực tiếp đến xung đột mà sẽ được giải quyết bằng tiến trình khu vực.
Điều 15:
Trong trường hợp không đạt được giải pháp thông qua thương lượng trực tiếp, Hội đồng cấp cao sẽ ghi nhận tranh chấp hoặc tình hình đó và sẽ khuyến nghị với các bên tranh chấp những biện pháp giải quyết thích đáng như đứng làm trung gian dàn xếp, điều tra hoặc hoà giải. Tuy nhiên, Hội đồng cấp cao có thể đứng ra làm trung gian, hoặc theo sự thoả thuận của các bên tranh chấp, hoạt động như một Uỷ ban trung gian, điều tra hoặc hoà giải. Khi cần thiết, Hội đồng cấp cao sẽ khuyến nghị những biện pháp thích hợp để ngăn không cho tranh chấp hoặc tình hình đó xấu đi.
Điều 16:
Các điều khoản của Hiệp định này sẽ không được áp dụng đối với một cuộc tranh chấp trừ phi tất cả các bên tranh chấp đồng ý áp dụng những điều khoản đó vào tranh chấp. Tuy nhiên, Điều này không loại trừ việc các bên khác tham gia Hiệp ước không phải là một bên tranh chấp có thể đưa ra các hỗ trợ để giải quyết tranh chấp nói trên. Các bên tranh chấp cần có thiện chí đối với các đề nghị giúp đỡ đó.
Điều 17:
Không có điều khoản nào trong Hiệp ước này loại trừ việc sử dụng các phương thức giải quyết hoà bình nêu trong Điều 331 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Cần khuyến khích các Bên tham gia Hiệp ước có dính líu vào một tranh chấp, chủ động giải quyết thông qua thương lượng hữu nghị trước khi dùng đến các thủ tục khác được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
CHƯƠNG V: CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 18:
Nước Cộng hoà Indonesia, Malaysia, Cộng hoà Philippines, Cộng hoà Singapore và Vương quốc Thái Lan sẽ ký Hiệp ước này. Hiệp ước này sẽ được phê chuẩn phù hợp với luật pháp của mỗi quốc gia tham gia ký kết. Hiệp ước này sẽ để ngỏ cho các nước khác ở Đông Nam Á tham gia.
Điều 19:
Hiệp ước này sẽ có hiệu lực vào ngày gửi lưu chiểu Văn kiện phê chuẩn thứ năm tới các Chính phủ của các nước tham gia ký, các nước này được chỉ định là những nơi lưu chiểu Hiệp định này và các Văn kiện phê chuẩn hoặc tham gia Hiệp ước này.
Điều 20:
Hiệp ước này được thể hiện bằng các ngôn ngữ chính thức của các bên tham gia Hiệp ước, tất cả các văn bản trên đều có giá trị như nhau. Sẽ có một bản dịch chung cho các văn bản trên bằng tiếng Anh được các bên thoả thuận. Bất cứ sự giải thích nào khác với văn bản chung sẽ được giải quyết thông qua thương lượng.
(Đại diện các quốc gia thành viên đã ký tại Denpasar, Bali, Indonesia vào ngày 24 /2/1976 với một bản duy nhất bằng tiếng anh).

Related Post

Previous
Next Post »