Đông
Nam Á là một trong những khu vực xảy ra vấn nạn buôn bán người lớn trên thế giới.
Thấy rõ vấn nạn này, trong những năm gần đây, Chính phủ các nước ASEAN đã có những
nỗ lực đáng ghi nhận trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý chung trong khu
vực, cũng như hoàn thiện pháp luật quốc gia để đấu tranh phòng, chống tội phạm
buôn bán người.
Trong
phạm vi bài tập nhóm, nhóm đã chọn đề tài: “Bình luận cơ chế hợp tác giữa các nước
ASEAN trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người” để đi
sâu tìm hiểu những quy định của pháp luật ASEAN về đấu
tranh phòng chống tội phạm buôn bán người, thực tiễn triển khai thực hiện,
đồng thời, đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội
phạm buôn bán người.
Nghị
định thư về phòng, chống và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và
trẻ em năm 2000 (Nghị định thư Palermo) và Nghị định thư về việc ngăn ngừa,
phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ
sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc năm
2000, cũng như Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ
và trẻ em năm 2015 đều quy định: “Buôn
bán người có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận
người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng
các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hay lạm quyền hoặc hoàn cảnh dễ bị tổn
thương, hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của
một người để kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất,
việc bóc lột mại dâm người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, các
hình thức lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc những hình thức tương tự
nô lệ, khổ sai hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể”. Sự đồng ý của nạn nhân với
sự bóc lột sẽ không có ý nghĩa nếu như một trong các thủ đoạn được nêu trên được
sử dụng. Việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa
trẻ nhằm mục đích bóc lột cũng bị coi là “buôn bán người” ngay cả khi việc này
được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ cách thức nào được nêu trên. Hành vi
bóc lột được hiểu là bóc lột vì mục đích mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình
dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức
tương tự nô lệ, khổ sai hay lấy đi bộ phận cơ thể. Mục đích bóc lột là một
trong những yếu tố cấu thành cơ bản của hành vi buôn bán người này. Và cũng
theo đó, ý chí chấp nhận của nạn nhân sẽ không được tính đến nếu có bất kỳ một
trong những hành vi trên được thực hiện.
Đối
tượng của hành vi mua bán người ngày càng mở rộng, không chỉ có phụ nữ mà nam
giới cũng là nạn nhân của tội phạm này. Theo ILO, phần lớn những người bị mua
bán để bóc lột tình dục hoặc làm lao động cưỡng bức là phụ nữ. Nạn nhân nữ ở mọi
lứa tuổi đa phần bị lạm dụng tình dục đi kèm với bóc lột sức lao động hoặc phải
tham gia bán dâm. Phần lớn phụ nữ ở nông thôn và giáp biên giới không có điều
kiện để được tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến nạn buôn
bán người; những phụ nữ thiếu sự bảo đảm về kinh tế, khó khăn kinh tế; thiếu sự
quan tâm, dạy dỗ, yêu thương của gia đình, vấn đề bạo lực gia đình,… khiến họ dễ
dàng trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người.
Không
chỉ nữ giới, mà nam giới cũng đang trở thành đối tượng của những kẻ buôn người.
Nhiều nam thanh niên bị lừa rời bỏ nhà để đến với những công việc, việc làm tốt,
nhưng thực chất là bị lừa bán vào các đồn điền, nhà máy tồi tàn và được đối xử
một cách tồi tệ. Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều đường dây buôn bán nội
tạng, bộ phận cơ thể người, đặc biệt là thận.
Liên
Hợp Quốc ước tính, tại mỗi thời điểm có khoảng 2,5 triệu nạn nhân bị buôn bán
trên toàn thế giới, đa phần đến từ châu Á – Thái Bình Dương. Các số liệu có sẵn
cho thấy 1/3 nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em trên thế giới diễn ra ở Đông Nam Á
là nơi ước tính có khoảng 230.000 nạn nhân[1].
Buôn
bán người là mối đe dọa nguy hiểm cho con người, hậu quả mà nó để lại là vô
cùng to lớn. Nạn nhân của buôn bán người phải trả một cái giá quá khủng khiếp,
nạn nhân phải chịu đựng những tổn hại về sức khỏe, tâm – sinh lý, thậm chí là cả
tính mạng; đe dọa đến sự ổn định và trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, buôn bán
người xâm phạm nghiêm trọng quyền con người được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe,
quyền lao động, y tế,…
II. Những quy định của pháp luật ASEAN về đấu tranh phòng chống tội
phạm buôn bán người
Hiện nay, việc hợp tác đấu tranh phòng
chống tội phạm buôn bán người giữa các nước ASEAN được quy định trong các văn
kiện sau: Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữa và
trẻ em năm 2015; Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự năm 2004; Tuyên bố
ASEAN về phòng, chống buôn bán người năm 2004; Tuyên bố Bali 2002 về Tiến trình
khu vực cấp Bộ trưởng về chống di cư bất hợp pháp, buôn bán người và các tội phạm
xuyên quốc gia có liên quan; Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng khu vực sông Mê
Kông chống nạn buôn bán người (COMMIT) 2004; các bản ghi nhớ về hợp tác song
phương xoá bỏ nạn buôn bán người giữa các quốc gia ASEAN. Theo đó, việc đấu
tranh phòng chống tội phạm buôn bán người giữa các quốc gia ASEAN được quy định
như sau:
-
Hình sự hoá hành vi buôn bán người, việc tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ
chức.
Đối với quy định này, mỗi Bên sẽ áp dụng những biện pháp lập pháp và các biện
pháp khác khi cần thiết để quy định những hành vi nêu tại Điều 2 của Công ước
ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em là tội phạm
theo pháp luật của Bên đó khi những hành vi này được thực hiện có chủ ý.
Quyền
tài phán đối với những hành vi phạm tội theo quy định của Công ước ASEAN về phòng,
chống buôn bán người được quy định như sau: Mỗi
Bên sẽ thông qua các những biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của
mình đối với những hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ của Bên đó;
hoặc hành
vi phạm tội được thực hiện trên boong tàu mang cờ của Bên đó hoặc trên máy bay
đăng ký theo luật của Bên đó vào thời điểm xảy ra hành vi phạm tội.
Theo quy định tại Điều 4 Công ước này, một
Bên cũng sẽ thiết lập quyền tài phán của mình đối với bất kỳ hành vi phạm tội
nào khi: hành
vi phạm tội được thực hiện nhằm chống lại một công dân của Bên đó; hành
vi phạm tội được thực hiện bởi một công dân của Bên đó hay một người không quốc
tịch thường trú trên lãnh thổ của Bên đó; hoặc hành vi phạm tội là: Một
trong những hành vi được quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Công ước này và được
thực hiện bên ngoài lãnh thổ của Bên đó nhằm thực hiện một tội phạm nghiêm
trọng trong lãnh thổ của Bên đó; Một trong những hành vi được quy định tại Điểm
(b) (ii) Điều 7 Công ước này và được thực hiện bên ngoài lãnh thổ của quốc gia
đó nhằm thực hiện một hành vi phạm tội theo quy định tại Điểm (a) (i) hoặc (ii)
hay điểm (b) (i) Điều 7 Công ước này trong lãnh thổ của Bên đó[2].
Các Bên sẽ đề ra các chính sách tổng thể,
chương trình và các biện pháp khác để: ngăn ngừa và chống việc buôn bán người;
và bảo vệ các nạn nhân của việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em,
không bị trở thành nạn nhân của việc buôn bán người một lần nữa. Lĩnh vực hợp tác về phòng chống buôn bán người theo
Công ước này, phù hợp với nội luật của các Bên liên quan, có thể bao gồm các biện
pháp phù hợp, cùng với các quy định khác. Các bên sẽ nỗ lực để thực hiện việc hợp tác
xuyên biên giới một cách phù hợp giữa các cơ quan kiểm soát biên giới nhằm
phòng ngừa và phát hiện tội phạm buôn bán người, cùng với những phương thức
khác: thiết lập và duy trì các kênh liên lạc trực tiếp; tăng cường trao đổi
thông tin nghiệp vụ và chia sẻ thông tin bao gồm thông qua việc thiết lập, xây
dựng hoặc sử dụng các cơ sở dữ liệu phù hợp.
Mỗi Bên sẽ ban hành hướng dẫn hoặc thủ tục
quốc gia để xác định đúng nạn nhân của hành vi buôn bán người và khi thích hợp,
có thể phối hợp với các tổ chức ngoài công lập hỗ trợ nạn nhân có liên quan.
Trường hợp việc buôn bán người xảy ra ở hai hay nhiều Bên, mỗi Bên phải tôn trọng
và công nhận việc xác định nạn nhân của hành vi buôn bán người do các cơ quan
có thẩm quyền của Bên nhận tiến hành.
Bên mà một nạn nhân của
việc buôn bán người là công dân hay tại đó người này có quyền của một người cư
trú vĩnh viễn vào thời điểm vào lãnh thổ của Bên nhận sẽ tạo điều kiện và chấp
nhận việc trở lại của người đó không bị cản trở thái quá hoặc bất hợp lý nào,
có cân nhắc đầy đủ đến sự an toàn của người đó.
III. Thực tiễn triển khai thực hiện pháp luật
về đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người
Để chống lại nạn buôn bán
người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, ASEAN đã triển khai rất nhiều hoạt động
cũng như ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương giữa các quốc gia.
Cam kết của ASEAN để chống
lại nạn buôn bán người trong khu vực đã được khẳng định thông qua “Tuyên bố
ASEAN chống buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Viêng Chăn, 29 tháng
11 năm 2004”.
Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN về Tội
phạm xuyên quốc gia lần thứ 9 (SOMTC) (Nay Pyi Taw, 6/2009) đề xuất soạn thảo
Công ước ASEAN về chống buôn bán người. Đến ngày 21/11/2015, tại Hội nghị cấp
cao ASEAN 27 diễn ra tại Kuala Lumpur, lãnh đạo các quốc gia ASEAN đã ký Công ước
ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, qua đó khẳng
định sự quan tâm, cũng như sự hợp tác toàn diện, sâu rộng trong việc phòng chống nạn buôn bán người, đặc biệt là
phụ nữ và trẻ em của các quốc gia ASEAN.
Sổ tay ASEAN về Hợp tác
quốc tế trong các vụ việc buôn bán người được đưa ra tại SOMTC lần thứ 10
(10/2010) nhằm giúp các nhà điều tra, thi hành pháp luật và các cơ quan chống tội
phạm hình sự trong ASEAN giải quyết các vụ việc buôn bán người. Tài liệu cung cấp
hướng dẫn hoạt động chống buôn bán người và nhằm củng cố mạng lưới hợp tác và
tương trợ tư pháp trong khu vực.
Hội nghị Cấp cao ASEAN
lần thứ 18 (5/2011) đã ra Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác Chống buôn bán
người ở Đông Nam Á.
Báo cáo Tiến độ của
ASEAN về Ứng phó của lực lượng chống tội phạm hình sự với nạn buôn bán người được
đưa ra tại Cuộc họp SOMTC – 11 (7/2011). Báo cáo Tiến độ kiểm điểm các thành tựu
của các quốc gia thành viên ASEAN trong xử lý các vụ việc buôn bán người trong
thập kỷ vừa qua và đánh giá các thách thức/nguy cơ.
Từ ngày 28/9 đến 01/10/2015,
Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần
thứ 10 và Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN với 3 nước đối tác, đối thoại
là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc được tổ chức và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Theo đó:
Các Bộ trưởng trong
ASEAN đã thảo luận và nhất trí thông qua Kế hoạch hành động ASEAN về phòng, chống
mua bán người; Tuyên bố Kuala Lumpur về dòng người di cư bất thường ở khu vực
Đông Nam Á; Tuyên bố Kuala Lumpur về tội phạm xuyên quốc gia 2015 và Hội nghị cấp
Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 10,
trong đó cam kết tăng cường đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm
xuyên quốc gia.
Bộ trưởng Trần Đại
Quang và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ahmad Zahid Hamidi đã ký Hiệp định
giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Malaysia về hợp tác phòng, chống
tội phạm xuyên quốc gia. Việt Nam là nước đầu tiên trong các nước ASEAN mà
Malaysia ký kết Hiệp định hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên
quốc gia, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa lực lượng Công
an hai nước lên tầm cao mới.[5]
Trải qua quá trình triển
khai thực hiện các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm
buôn bán người, các nước ASEAN đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể:
v Việt Nam: Theo
báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, tình hình hoạt động của tội phạm mua
bán người diễn biến phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội
ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia.
Năm 2015, toàn quốc
phát hiện xảy ra 407 vụ với 655 đối tượng, lừa bán 1.000 nạn nhân. So với cùng
kỳ năm 2014 giảm 13% số vụ (407/469), 4% số đối tượng (655/685) và 3% số nạn
nhân (1.000/1.031).
Cũng trong năm 2015, lực
lượng chức năng cũng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận và tự trở về 644 nạn
nhân, trên 80% nạn nhân trở về được hỗ trợ ban đầu. Trong đó, gần 65% nạn nhân
được trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện
vay vốn với lãi suất thấp,... để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh
công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa, đã tổ chức tư vấn tại 18 trung tâm,
cho 14 nghìn lượt người về kết hôn với người nước ngoài, di cư an toàn; tổ chức
150 lớp tập huấn cho 1.500 báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên; 164
nghìn đợt, với gần 7 triệu lượt người tham dự; 68 cuộc thi, duy trì gần 2 nghìn
mô hình, câu lạc bộ chuyên sâu và lồng ghép về phòng, chống mua bán người.
Có được kết quả trên là
nhờ có sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực và phối hợp
chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi
chính phủ đối với công tác phòng, chống mua bán người. Trong đó, nổi bật các hoạt
động như kịp thời sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và các luật khác có liên
quan, trong đó, sửa đổi cơ bản phần có liên quan đến tội phạm mua bán người;
nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình 130/CP giai đoạn
2016 – 2020; ký kết Công ước và Chương trình
hành động ASEAN về phòng, chống mua bán người. Hoạt động phòng ngừa tội phạm thông
qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông tại cộng đồng có sự
chuyển biến rõ nét, số lượng tin, bài phát sóng, đưa tin tăng gấp 2 lần so với
năm 2014.
Năm 2015, Việt Nam đã
có nhưng hoạt động tích cực cũng như đã đạt được những kết quả đáng khích lệ
trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người tuy nhiên trong báo cáo TIP
của Hoa Kỳ về nạn buôn bán người Việt Nam xếp loại 2 với những đánh giá không mấy
khả quan. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản bác báo cáo tình hình buôn người
của Mỹ: Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2015 về tình hình buôn bán người trên
thế giới đã có những nhận xét không khách quan, không phản ánh những nỗ lực to
lớn của Việt Nam trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn bán người
trong thời gian vừa qua. Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã
nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và đã có những biện pháp, chế tài
cụ thể kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn nạn buôn bán người, đã thông qua Luật
Phòng chống mua bán người và Chương trình hành động Quốc gia phòng, chống mua
bán người giai đoạn 2011–2015. Những nỗ lực
này của Việt Nam được nhiều nước và các tổ chức, trong đó có cả Mỹ thừa nhận”.[6]
Để nâng cao hiệu quả
công cuộc chống nạn buôn người, Việt Nam đã tham gia và ký kết Văn kiện ghi nhớ
và Kế hoạch hành động 06 nước Tiểu vùng sông Mê Kông (Lào, Campuchia, Thái Lan,
Trung Quốc, Mianma và Việt Nam). Ký Hiệp định song phương với Campuchia (2005);
Việt Nam – Thái Lan (2008), Việt Nam – Trung Quốc (2010), sắp tới đây sẽ ký Việt Nam – Lào. Ngoài ra, Việt Nam đã ký 15 hiệp định song
phương và 13 hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm với các nước,
trong đó đều có nội dung phòng, chống tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, trong năm
2011, Việt Nam đã có Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người
giai đoạn 2011–2015[7] và đã thông qua Luật phòng, chống mua bán người.[8] Luật
phòng, chống mua bán người đã dành hẳn một chương gồm bốn Điều luật (từ Điều 53
đến 56) quy định về vấn đề hợp tác quốc tế thể hiện chính sách hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện,
tôn trọng độc lập, chủ quyền.[9]
v Thái Lan: Chính
phủ Thái Lan không hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu cho việc xóa bỏ
nạn buôn. Chính phủ đã không được hiện thị đầy đủ bằng chứng về sự gia tăng nỗ
lực để giải quyết nạn buôn người so với năm trước; do đó, Thái Lan được xếp loại
2 vì chính phủ có kế hoạch bằng văn bản, nếu được thực hiện, sẽ tạo nên những nố
lực đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu cho việc xóa bỏ nạn buôn người
và được dành đủ nguồn lực để thực hiện kế hoặch đó. Chính phủ giải ngân tương
đương khoảng 3.700.000$ cho những nỗ lực chống nạn buôn người trong năm 2012 và
báo cáo điều tra 305 vụ buôn bán, so với 83 trong năm 2011, nhưng được khởi tố
vụ án chỉ có 27 trường hợp trong năm và thu được chỉ có 10 tiền án. Để khuyến
khích các nạn nhân để làm chứng, chính phủ đã ban hành giấy phép lao động tạm
thời hơn cho các nạn nhân đã tham gia vào truy tố. Chính phủ đăng ký hơn
800.000 người di cư không có giấy tờ trong quá trình của năm, nhưng nó không thể
điều chỉnh đầy đủ các nhà mối giới, giảm chi phí cao liên quan đến đăng ký, hoặc
cho phép người di cư đã đăng ký sử dụng lao động để thay đổi. Phổ biến tham
nhũng liên quan đến buôn người và phối hợp liên ngành yếu liên tục cản trở bước
tiến trong cuộc chiến chông buôn bán người.
Theo báo cáo TIP 2015 của
Mỹ : Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp Thái Lan vẫn năm trong tier 3 (hạng thấp
nhât). Bộ Ngoại giao Thái Lan vào hôm 27/7 cũng đưa ra phản bác cho rằng, bảng
xếp hạng của Mỹ “không phản ánh chính xác những nỗ lực to lớn” của chính quyền
quân sự hiện hành trong việc giải quyết nạn buôn người.[10]
v Philippines:
Chính phủ không ngừng gia tăng nỗ lực để giải quyết vấn nạn buôn bán người. Bộ
Ngoại giao Mỹ đã xếp Philippines vào nhóm thấp nhất trong danh sách các nước cần
theo dõi về nạn buôn người (nhóm Hạng 3).
Cho đến đầu tháng
4/2011, Phillippines đã được Liên Hợp Quốc gia tăng vị trí trong bảng xếp hạng
vì đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống buôn người.
Theo ông Max Tunon,
chuyên viên của ILO ở Bangkok, cả Thái Lan lẫn Philippines đều có những điều luật
nghiêm minh về phòng, chống buôn người. Tuy nhiên, chúng cần được áp dụng nhiều
hơn nữa vào thực tiễn cũng như cần được đưa vào lĩnh vực giáo dục để có thể
phát huy tính hiệu quả.[11]
v Campuchia: ước
tính hàng năm, có 5.000 người ở Campuchia bị buôn bán bất hợp pháp, bị biến
thành nô lệ tình dục trong các nhà thổ trên khắp thế giới. Vì vậy, chính phủ
Campuchia quyết tâm triệt phá những mạng lưới kinh doanh, kiếm lời trên thân
xác con người; xử phạt nặng những kẻ có liên quan.[12]
Tuy nhiên, theo báo cáo
TIP của Hoa Kỳ, thì chính phủ Campuchia không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối
thiểu cho việc xóa bỏ nạn buôn người; chính phủ đã không có những nỗ lực để giải
quyết tham nhũng liên quan đến buôn bán người trong năm và đồng lõa của các
quan chức chính phủ đóng góp vào một môi trường không bị trừng phạt cho người
phạn tội buôn bán và từ chối công lý cho các nạn nhân. Chính phủ xây dựng quy
trình vận hành để hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán nam giới nhưng không cung cấp bảo
vệ đầy đủ cho các nạn nhân như vậy trong năm. Chính phủ tiếp tục thiếu các thủ
tục có hệ thông cho các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài để hỗ trợ nạn nhân bị
buôn bán.
v Malaysia tăng một
bậc lên Cấp 2 trong Báo cáo thường niên về Buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
theo dõi 188 chính phủ – TIP. Báo cáo năm 2015
đánh giá Malaysia đã có “những nỗ lực đáng kể” để đáp ứng các tiêu chuẩn của
báo cáo TIP bằng việc tăng cường điều tra và xử phạt. Nhưng báo cáo cũng nêu
lên những mối lo ngại về con số bị kết tội thấp một cách không tương xứng so với
tầm mức to lớn của tệ nạn buôn người tại nước này.
IV. Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh
phòng chống tội phạm buôn bán người
Trước tình hình
tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; khủng bố;
mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao... đòi hỏi quan hệ hợp tác giữa
các quốc gia thành viên ASEAN cũng như với các đối tác đối thoại cần tiếp tục
được củng cố và nỗ lực trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần
quan trọng vào duy trì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực. Các quốc
gia ASEAN càng ngày càng tăng cường hợp tác để phòng chống các tội phạm này
phát triển.
Từ năm 2000 đến
nay, hoạt động phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của ASEAN được tổ chức triển
khai đối với một số tội phạm cụ thể. Đó là, Tuyên bố ASEAN về chống buôn bán
người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2004; các hoạt động tư pháp hình sự của
ASEAN đối phó với nạn buôn bán người: Chấm dứt việc miễn trừng phạt các đối tượng
buôn bán người và bảo đảm công lý cho nạn nhân năm 2007 (“Hướng dẫn ASEAN cho
cán bộ hoạt động thực tiễn”); Tuyên bố chung của các lãnh đạo ASEAN trong việc
tăng cường hợp tác chống buôn bán người ở khu vực Đông Nam Á năm 2011; và các nỗ
lực của ASEAN trong việc thúc đẩy quyền con người, bao gồm Tuyên ngôn của ASEAN
về quyền con người được thông qua năm 2012; và mới đây nhất là Công ước ASEAN về
phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ngày 21/11/2015.
Nhìn chung, các
hoạt động mà ASEAN đưa ra phần nào đã góp phần đẩy lùi tội phạm, giảm đáng kể
các vụ buôn bán người. Nhưng trên thực tế, các loại tội phạm này vẫn đang diễn
ra. Nhiều quốc gia vẫn đang là điểm nóng của tội buôn bán người như Thái Lan,
Việt Nam, Philippines... trong đó Thái Lan là nơi trung chuyển bất hợp pháp người
qua các quốc gia giàu có hơn trong khu vực như Nhật Bản và Australia và cũng là
điểm đến của các nạn nhân trong khu vực.
Buôn bán người
không còn là hiện tượng mới mà ngày nay nó còn nguy hiểm hơn bởi ngày càng có
nhiều thủ đoạn buôn người tinh vi hơn. Mục đích của loại tội phạm này vô cùng
tàn ác và vô nhân đạo, để lại hậu quả xấu cho xã hội và nhất là đối với các nạn
nhân khiến cho các quốc gia lẫn cộng đồng quốc tế quyết tâm trừng trị và ngăn cản
tội phạm này. Phòng ngừa buôn bán người là nguyên tắc đầu tiên trong việc phòng
chống tội phạm buôn bán người của quốc tế cũng như các quốc gia ASEAN. Tuy
nhiên, hoạt động của các tội phạm này ngày càng phát triển, chúng luôn thay đổi
phương thức hoạt động cũng như thay đổi địa bàn và thủ đoạn phạm tội. Do còn
nhiều hạn chế như về mặt hiểu biết của người dân, yếu tố chính sách Chính trị – Kinh tế – Văn
hóa, hạn chế trong việc tuyên truyền pháp luật,... nên đã tạo kẽ hở cho tội phạm
phát triển.
Để chủ động phòng ngừa
loại tội phạm này, các quốc gia cần:
Thứ nhất,
tăng cường tuyên truyền về tội phạm buôn
người đến người dân ở các quốc gia cũng như cách phòng ngừa, đặc biệt là người
dân trong độ tuổi dễ là nạn nhân của tội phạm này nhất. Trong thời gian
qua, công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm của các quốc gia đã đạt được
nhiều kết quả nhưng trong đó có một số còn đang mang tính hình thức nên chưa đạt
được kết quả như mong muốn. Để đạt được kết quả như mong muốn, các quốc gia
ASEAN cần tổ chức hoạt động tuyền truyền một cách chặt chẽ, có tổ chức và có kết
quả.
Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các cơ
quan bảo vệ pháp luật liên quan đến tội phạm này như: Cảnh
sát biển, Công an, Cảnh sát, Biên phòng,... Ngoài ra cần tăng cường phối hợp giữa
các quốc gia trong khu vực và quốc tế về trao đổi thông tin, đào tạo nghiệp vụ,
bắt giữ người phạm tội, giải cứu nạn nhân, dẫn độ tội phạm....
Thứ ba, tổ chức tốt công tác tiếp nhận và
hỗ trợ nạn nhân, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng.
Mỗi quốc gia trong khu vực cần có một lực lượng chuyên trách trong việc tiếp nhận
và tổ chức giúp đỡ các nạn nhân bị buôn bán trở về.
KẾT LUẬN
Buôn bán người đang là
mối hiểm họa lớn của cả xã hội, tội phạm buôn bán người không những đe dọa đến
an ninh, an toàn của con người, tước đoạt quyền tự do và quyền con người mà còn
ảnh hưởng không nhỉ đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển chung của quốc
gia, khu vực và toàn cầu. Việc đấu tranh với tội phạm này không chỉ là trách
nhiệm của một quốc gia, mà đòi hỏi sự nỗ lực tham gia, tăng cường hợp tác của
các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới, vì sự ổn định, hòa bình, đoàn
kết, vững mạnh, phát triển và bảo đảm tối đa quyền con người.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Pháp luật Cộng đồng ASEAN,
Nxb. CAND, Hà Nội, 2015;
2.
Nghị định thư về phòng, chống và trừng
trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000 (Nghị định thư
Palermo);
3.
Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự của ASEAN năm 2004;
4.
Tuyên bố của ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và
trẻ em năm 2004;
5.
Tuyên bố Bali 2002 về Tiến trình khu vực cấp Bộ trưởng về chống di
cư bất hợp pháp, buôn bán người và các tội phạm xuyên quốc gia có liên quan do
Chính phủ Úc và Indonesia khởi xướng;
6.
COMMIT 2004 – Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng khu vực sông Mekong
chống nạn buôn bán người;
7.
Các bản ghi nhớ về hợp tác song phương xóa bỏ nạn buôn bán người
của các quốc gia ASEAN;
8.
Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia
(CEDAW);
9.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Báo cáo TIP – từng nước ASEAN;
10. Luật phòng chống mua bán
người năm 2011;
11. Nghị định 62/2012/NĐ – CP
ngày 13/8/2012 Quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn
cho nạn nhân, người thân thích của họ;
12. Nghị định số 09/2013/NĐ –
CP ngày 13/01/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật phòng,
chống mua bán người;
13. Một số trang web:
-
Trang của Vụ ASEAN, Bộ ngoại giao: http://asean.mofa.gov.vn
-
http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nghi-dinh-thu-ngan-ngua-phong-chong-trung-tri-buon-ban-nguoi-dac-biet-la-phu-nu-tre-em-183145.aspx
[1]
http://www.dhluathn.com/2014/11/binh-luan-co-che-hop-tac-giua-cac-nuoc.html
[2] Điều 10. Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ
và trẻ em.
[3] Điều 11 Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ
và trẻ em.
[4] Điều 14, 15 Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ
và trẻ em.
[6]
http://nguyentandung.org/bo-ngoai-giao-viet-nam-phan-bac-bao-cao-tinh-hinh-buon-nguoi-cua-my.html
[7] Chương trình hành động phòng, chống
tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt ngày
18/8/2011 trong Quyết định số 1427/QĐ-TTg
[8] Luật phòng, chống mua bán người
của Việt Nam được thông qua ngày 29/03/2011 và có hiệu lực ngày 01/01/2012.
[9] Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học,
Tập 29, Số 1 (2013) 20-26
[11]
http://www.australiaplus.com/vietnamese/2011-04-21/hợp-tác-chống-nạn-buôn-người-tại-đông-nam-á/279376