Các phương thức giáo dục cho người khuyết tật và ưu, nhược điểm của từng phương thức?

                1. Khái niệm và ý nghĩa của giáo dục đối với người khuyết tật.
Giáo dục đối với người khuyết tật được hiểu là “những hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của người khuyết tật giúp ho có được kiến thức, tri thức, phẩm chất, đạo đức đồng thời hình thành và phát triển nhân cách.”[1]
Giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người khuyết tật, cụ thể là:
Thứ nhất, giáo dục giúp người khuyết tật có kiến thức, sự hiểu biết về thế giới xung quanh, về xã hội, là nền tảng để họ có thể tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Giáo dục còn giúp người khuyết tật về nhận thức, trí tuệ phục hồi các chức năng này.
Thứ hai, giáo dục giúp người khuyết tật tái hòa nhập vào cộng đồng. Người khuyết tật thường có tâm lý ngại giao tiếp, xa lánh cộng đồng vị họ tự ti về những khiếm khuyết của bản thân mình. Do đó môi trường giáo dục sẽ là môi trường giúp họ tái hòa nhập cộng đồng nhanh nhất, đặc biệt là đối với trẻ em tự kỉ.
Thứ ba, giáo dục giúp người khuyết tật trang bị những kĩ năng, sự hiểu biết nên giúp họ tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống. Ai cũng vậy chứ không riêng gì là người khuyết tật, khi chúng ta trang bị cho mình những điều cần thiết, ta sẽ thấy tự tin hơn để giao tiếp, nắm lấy sự chủ động trong tay.
2. Các phương thức giáo dục cho người khuyết tật và ưu, nhược điểm của từng phương thức.
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể dẫn đến bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.[2] Họ thường tự ti về bản thân mình, là đối tượng dễ bị tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Do đó, cần có những phương thức giáo dục hợp lý để giúp họ thực hiện được quyền được học văn hóa[3] của mình.
Hiện nay, có ba phương thức được áp dụng trong giáo dục đối với người khuyết tật, đó là: phương pháp giáo dục chuyên biệt, phương pháp giáo dục hoà nhập và phương pháp giáo dục bán hoà nhập[4]. Mỗi một phương thức lại có những ưu, nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng người khuyết tật khác nhau (Bởi vì dạng tật và mức độ khuyết tật của từng người khuyết tật là không giống nhau). Sau đây em xin đi vào từng phương thức cụ thể.
a.     Phương thức giáo dục hòa nhập
Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.[5] Tức là phương thức giáo dục trong đó người khuyết tật cùng học với người bình thường trong trường phổ thông, ngay tại nơi người khuyết tật sinh sống. Phương thức này thường được áp dụng đối với người khuyết tật có khả năng học tập được với người không khuyết tật.
Giáo dục hoà nhập thừa nhận mọi người là khác nhau, và sự khác nhau đó có thể đóng góp để tạo ra một môi trường nhà trường tốt hơn cho tất cả mọi người. Những sự khác biệt không đơn thuần là sự khoan dung mà là những vòng tay, tất cả người khuyết tật đều được chào đón bất chấp khả năng, tuổi tác, ngôn ngữ, tình trạng kinh tế và xã hội, giới tính và sức khỏe. Đây được coi là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật[6] bởi nó tương đối hiệu quả và đạt được các mục tiêu mà giáo dục đặt ra. Dưới đây mà những ưu điểm của phương thức này:
Thứ nhất, tạo ra được môi trường sống, học tập hòa nhập với cộng đồng tốt nhất cho người khuyết tật. Bởi lẽ ở môi trường này, người khuyết tật được học tại nơi mình sinh sống cùng gia đình, không có sự tách biệt môi trường sống, được tạo điều kiện thuận lợi tham gia học cùng người bình thườngở các trường, lớp.
Thứ hai, phương pháp này giúp cả người khuyết tật và người bình thường được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành nhân cách. Với phương thức giáo dục hội nhập, người khuyết tật có nhiều hơn các cơ hội tiếp xúc với mọi người, tiếp xúc với môi trường xã hội phát triển, họ sẽ phát triển nhanh hơn về mọi mặt. Họ được học, được tiếp thu những gì người bình thường được học mà không hề bị phân biệt phương pháp giảng dạy. Ở đây, họ được sống và học tập như những người bình thường.
Thứ ba, phương pháp này là cơ hội để người bình thường và người khuyết tật hiểu đúng giá trị  của nhau, xóa bỏ sự cách biệt, mặc cảm, xa lánh để mọi người có thể hiểu, đồng cảm và có trách nhiệm với nhau hơn.
Bên cạnh đó, phương pháp này còn tồn tại một số nhược điểm sau:
Thứ nhất, vẫn còn sự kì thị đối với người khuyết tật nên có thể người khuyết tật sẽ càng thu mình lại thay vì mạnh dạn hội nhập với cộng đồng. Thực tế, để xóa bỏ những “cái nhìn xa lạ” của người bình thường đối với người khuyết tật thực sự không dễ dàng gì. Bởi vì họ thấy người khuyết tật thật kì dị, bởi vì họ thấy người khuyết tật thật phiền phức, bởi vì họ thấy người khuyết tật thật chậm phát triển trí não, và còn nhiều lý do khiến cho người bình thường có cái nhìn chưa đúng về người khuyết tật. Chính vì khó xóa đi sự kì thị đó, người bình thường có thể có những hành động, lời nói làm tổn thương người khuyết tật. Và người khuyết tật sẽ mặc cảm nhiều hơn, ngại giao tiếp và tự tách bản thân khỏi cộng đồng.
Thứ hai, do mang trong mình những khiếm khuyết nên người khuyết tật sẽ khó khăn hơn người bình thường ở mọi mặt. Hiện nay cách xác định mức độ khuyết tật còn nhiều bất cập (đặc biệt với người khuyết tật trí tuệ) nên để giúp người khuyết tật học đúng lớp đúng với khả năng của mình là không đơn giản. Một khi xác định lớp vượt quá khả năng của người khuyết tật thì họ sẽ bị thụt lùi, dần dần nản chí và không muốn theo học.
Tuy có những hạn chế trong phương thức giáo dục hòa nhập nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được.Với chính sách hiện nay, Nhà nước rất kì vọng và khuyến khích người khuyết tập tham gia học tập theo phương thức này.
b.     Phương thức giáo dục chuyên biệt
Giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục dành riêng cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục.[7]Tức là giáo dục để học sinh khuyết tật tham gia học trong các lớp chuyên biệt hoặc trong trường chuyện biệt. Hầu hết các trường, lớp chuyên biệt tập trung vào hỗ trợ sự phát triển các kĩ năng cá nhân và kĩ năng xã hội để học sinh có thể sống độc lập tới mức tối đa sau khi hoàn thành xong chương trình. Phương pháp này cũng có những ưu, nhược điểm riêng như sau:
Về ưu điểm của phương thứ giáo dục chuyên biệt:
Thứ nhất, người khuyết tật được học tập trong môi trường riêng biệt, được tổ chức riêng phù hợp với mức độ khuyết tật của họ. Do đó không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức.
Thứ hai, môi trường này chỉ dành riêng cho người khuyết tật, trong quá trình học tập, không có những học sinh bình thường theo học cùng, do đó họ không bị phân biệt đối xử, không bị kì thì khi theo học ở đây.
Tuy nhiên, phương thức giáo dục chuyên biệt này có nhiều nhược điểm:
Thứ nhất, phương thức này vô hình chung tạo rào cản giữa người khuyết tật và người bình thường. Họ không được tiếp xúc, trao đổi, sinh hoạt, học hỏi từ người bình thường, dẫn đến việc họ sẽ ngại giao tiếp, quãng đường để hội nhập với cộng đồng xã hội bị kéo xa hơn. Đây được đánh giá là nhược điểm rất lớn.
Thứ hai, phương thức này tạo ra môi trường “chỉ có những người khuyết tật với nhau”, họ không được hoặc rất ít có cơ hội tiếp xúc với người bình thường nên việc học hỏi kiến thức, kĩ năng sống ít hơn, kiến thức xã hội không nhiều.
Thứ ba, phương thức này tác biệt người khuyết tật với người bình thường. Học sinh thường không có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về học sinh khuyết tật nên cái nhìn của họ bị dẫn dắt theo lối mòn không đúng, không tốt. Nếu có nhiều hơn sự tiếp xúc, học sinh bình thường sẽ có sự đồng cảm, có những cái nhìn thân thiện hơn về người khuyết tật, đập tan sự kì thị hoặc chí ít là rút ngắn khoảng cách với người khuyết tật, giúp người khuyết tật mạnh dạn hơn.
Phương thức này thường được áp dụng cho người khuyết tật chưa đủ điều kiện để học tập theo phương thức hoà nhập.
c.      Phương thức giáo dục bán hòa nhập
Giáo dục bán hoà nhập là phương thức giáo dục kết hợp giữa giáo dục hoà nhập và giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Những học sinh này tham gia vào một số hoạt động cùng học sinhbình thường trong trường học. Những hoạt động này có thể là những hoạt động ở một số môn học, hoạt động giáo dục. Thời gian còn lại, người khuyết tật được học chương trình riêng với những nội dung, phương pháp giáo dục riêng phù hợp với khả năng của họ.Phương thức này cũng được thực hiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện để người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hoà nhập.
Ưu điểm của phương thức giáo dục bán hòa nhập:
Thứ nhất, từng bước giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Tuy chỉ một hoặc một số hoạt động, học sinh khuyết tật mới tham gia cùng học sinh bình thường nhưng đây cũng là bước đầu để học sinh khuyết tật tiếp xúc, học tập, vui chơi với người bình thường. Từ đó phần nào thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của người bình thường về họ và thay đổi chính suy nghĩa của họ.
Thứ hai, phương thức giáo dục này tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia học tập phù hợp với bản thân mình, không bị quá khả năng cũng không bị hạn chế khả năng và cơ hội học tập.
Hạn chế của phương thức giáo dục bán hòa nhập:
Thứ nhất, tuy có sự tiếp xúc và học tập với người bình thường nhưng phần lớn thời gian không nhiều nên cần nhiều thời gian hơn (hơn phương thức giáo dục hòa nhập) để người khuyết tật hòa nhập nhanh với cộng đồng.
Thứ hai, giống như phương thức giáo dục hòa nhập cộng đồng, sự kì thị của người bình thường đối với người khuyết tật là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu có nhiều thời gian, nhiều cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu như phương thức giáo dục hòa nhập thì những cái nhìn lệch lạc, sự xa lánh, kì thị ấy hoàn toàn có thể được xóa bỏ. Nhưng thời gian tiếp xúc và học tập chung với người bình thường ở phương thức này ít, dẫn đến người bình thường đã được nhìn  thấy người khuyết tật nhưng chưa được tìm hiểu nên sự đồng cảm không nhiều. Thậm chí không những không xóa được mà còn làm sâu sắc hơn sụ kì thị ấy. Điều này có thể khiến người khuyết tật tự ti, mặc cảm về bản thân mình, không muốn giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng.
Kết luận: Từ những ưu và nhược điểm của các phương thức giáo dục trên, người khuyết tật, cha, mẹ hoặc người giám hộ người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân người khuyết tật. Gia đình và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để người khuyết tật được học tập và phát triển theo khả năng của cá nhân. Trong những năm gần đây, việc giáo dục người khuyết tật nói chung và sự phát triển ngành giáo dục đặc biệt nói riêng tại Việt Nam đang được các cơ quan, tổ chức trong nước, ngoài nước chú trọng phát triển và đạt được những thành tựu nhất định. Tất cả những nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở vật chất để nuôi dạy học sinh khuyết tật; tìm tòi, nghiên cứu, đào tạo giáo viên, biên soạn tài liệu phục vụ cho quá trình giáo dục nêu trên của các nhà chuyên môn, giáo dục... giúp nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật tại Việt Nam hiện nay.




[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Người khuyết tật Việt Nam, trang 182.
[2]Khoản 1 Điều 2 Luật NKTVN 2010 nhưng để hợp lý hơn, em xin kiến nghi thay từ hoặc” thành từ  “dẫn đến
[3]Điểm d, Khoản 4 Luật NKTVN năm 2010
[4]Theo Khoản 1 Điều 28 Luật NKTVN năm 2010
[5]Khoản 4 Điều 2 Luật NKTVN năm 2010.
[6]Khoản 2 Điều 28 Luật NKTVN năm 2010
[7]Khoản 5 Điều 2 Luật NKTVN năm 2010.

Related Post

Previous
Next Post »

1 nhận xét:

Write nhận xét