Những ưu điểm và hướng phát huy ưu điểm của hình thức làm việc nhóm trong dạy – học ở bậc đại học


          Hiện nay ở nước ta, tín chỉ đang là hình thức học phổ biến trong các trường đại học. Và làm việc nhóm là một trong những phương pháp được áp dụng trong đổi mới phương pháp dạy học để có thể mang lại hiểu quả tối đa cho hình thức học mới mẻ này. Tuy nhiên làm việc nhóm là phương pháp khá mới đối với sinh viên Việt Nam đặc biệt là sinh viên năm nhất. Bởi hoạt động nhóm ở bậc phổ thông là rất ít hoặc không có cho nên để có thể làm quen và vận dụng phương pháp này một cách hiệu quả thì đòi hỏi mỗi cá nhân phải thấy được những thuận lợi của làm việc nhóm cùng những khó khăn để từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát huy những điểm mạnh đồng thời khác phục những điểm hạn chế. Đó là lí do em lựa chọn câu hỏi: “ Những ưu điểm và hướng phát huy ưu điểm của hình thức làm việc nhóm trong dạy – học ở bậc đại học”.   

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Khái niệm về nhóm, hoạt động của làm việc nhóm.
Nhóm là một tập hợp nhiều người có chung mục tiêu, thường xuyên tương tác, làm việc với nhau. Mỗi thành viên đảm nhận một công việc, vai trò cụ thể, rõ ràng và có quy tắc chung chi phối lẫn nhau. Làm việc nhóm là hoạt động tất cả các thành viên trong nhóm cùng họp lại, thảo luận, đưa ra ý kiến… sau đó thống nhất quan điểm, đưa ra một cách giải quyết vấn đề xác định nhằm đặt được mục đích đề ra một cách hiệu quả nhất Có hai hình thức nhóm gồm nhóm chính thức và nhóm không chính thức:                           
  -  Nhóm chính thức là nhóm có tổ chức ổn định, có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, thường tập hợp những người có chung chuyên môn hoặc có chuyên môn gần gũi nhau và tồn tại trong một thời gian dài.                                             
-  Nhóm không chính thức thường được hình thành theo những yêu cầu, nhiệm vị đột xuất, có thể là tập hợp của những người có chuyên môn không giống nhau và ở nhiều lĩnh vực khác nhau và thường có nhiệm vụ giải quyết nhanh một hoặc một số vấn đề trong thời gian ngắn.

II. Những thuận lợi trong hoạt động làm việc nhóm.
           Trong thực tế cuộc sống, không có ai là hoàn hảo cả, do đó làm việc nhóm có thể tập trung được những mặt mạnh của từng người và bổ sung, hoàn thiện cho nhau những điểm yếu, hơn nữa nó còn tạo được niềm vui và sự hứng thú trong học tập. Vì thế chúng ta cần phải thấy được những ưu điểm của hình thức làm việc nhóm để phát huy những điểm mạnh của nó. Sau đây em xin được trình bày 4 thuận lợi như sau:                                                                
Trước hết, hoạt động làm việc nhóm sẽ nâng cao tính tương tác giữa các thành viên nhằm tác động tích cực đến người học như tăng cường động cơ học tập, nảy sinh những hứng thú mới, kích thích sự giao tiếp, phát triển các mối quan hệ và quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm. Với tư cách là một sinh viên năm nhất, khi mới bỡ ngỡ bước chân vào cánh cửa đại học, lạc lõng giữa hàng nghìn sinh viên trong trường thì khi được phân công vào một nhóm học tập, chúng ta sẽ có cơ hội làm quen với rất nhiều người bạn mới, từ đó thích nghi hơn với cuộc sống đại học. Hơn thế nữa, không giống như cấp 3, các thành viên trong nhóm đến từ rất nhiều vùng miền trên đất nước với những giọng nói, nét văn hóa khác nhau. Vì vậy khi được tiếp xúc, học tập cùng các bạn thì bản thân mỗi người sẽ học hỏi được rất nhiều thứ, có cơ hội mở rộng được vốn kiến thức và quan trọng nhất là mở rộng được mối quan hệ với những người bạn đồng trang lứa. Và một khi đã xây dựng được mối quan hệ đó thì các thành viên sẽ thấy hiểu và thân thiết với nhau hơn từ đó có thể dễ dàng trao đổi, học tập cùng nhau một cách hiểu quả nhất. Không chỉ đối với sinh viên năm nhất mà với sinh viên năm hai, năm ba,… thì hoạt động nhóm cũng là cơ hội để làm việc với nhiều người bạn mới và mở rộng hơn nữa các mối quan hệ.
Thứ hai, hoạt động làm việc nhóm giúp chúng ta học hỏi được kiến thức của nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm. Bởi như em đã nói, trong cuộc sống thì không có ai là hoàn hảo cả, mỗi người sẽ có một thế mạnh riêng ở từng lĩnh vực và đồng thời cũng có không ít những điểm yếu thì làm việc nhóm sẽ giúp mỗi người nhận ra được ưu và nhược của mình để từ đó có thể phát huy cũng như khắc phục, sửa chữa. Đó là điểu mà khi không làm chung với nhóm thì chúng ta khó có thể nhận ra. Cụ thể là trong quá trình thảo luận nhóm, các thành viên sẽ đưa ra những ý kiến của mình. Mỗi ý kiến là một quan điểm, cách nhìn nhận ở một góc độ riêng sau đó cả nhóm sẽ cùng tổng hợp lại và đi đến thống nhất. Như vậy, trong tất cả những ý kiến đó thì có những ý kiến đúng,cũng có thể có những ý kiến sai, hoặc cũng có thể là có ý kiến còn phiến diện… tuy nhiên qua đó thì mỗi thành viên sẽ bộc lộ ra được những ưu điểm cũng như hạn chế của mình và kết quả mà nhóm đạt được không những chỉ là một sản phẩm chung đúng đắn, toàn diện mà còn là sự hoàn thiện hơn trong suy nghĩ của từng thành viên – điều quan trọng nhất.                                   
Thứ ba, hoạt động làm việc nhóm sẽ tăng khả năng phối hợp và tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhóm. Do mỗi thành viên được phân công một công việc, đảm nhiệm một vai trò nhất định trong việc giải quyết vấn đề chung của nhóm nên bản thân mỗi người không thể trốn tránh trách nhiệm được mà họ tự ý thức được đó là việc của mình và mình phải có trách nhiệm phải hoàn thành nó. Như vậy, có thể ban đầu các thành viên trong nhóm là  những người có tinh thần trách nhiệm không cao, thậm chí là không có nhưng qua sự rèn luyện từng ngày đó thì bản thân họ sẽ hình thành cho mình được thói quen tốt và sẽ trở thành những con người thực sự có trách nhiệm trong công việc và rộng hơn là trong mọi lĩnh vực khác của đời sống. Và một khi đã có trách nhiệm thực sự với công việc của cá nhân mình thì họ sẽ có trách nhiệm với công việc chung của nhóm và từ đó các thành viên sẽ biết cách phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn để hiệu quả làm việc là cao nhất. Sự phối hợp ở đây được thể hiện ở chỗ, khi nắm bắt được vấn đề cần làm là gì, các thành viên trong nhóm sẽ có sự phân công nhau một cách hợp lý ví dụ như ai giỏi trong khía cạnh nào thì sẽ đảm nhận làm về khía cạnh đó hoặc ai là người sẽ là người đảm nhận việc tìm tài liệu, ai phụ trách đánh máy,in bài… Như vậy nhờ có tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp giữa các thành viên mà công việc đã được giải quyết theo đúng mong muốn của nhóm và đảm bảo tính công bằng khi ai cũng phải làm và được hưởng thành quả đúng với công sức đã bỏ ra.       
  Thứ tư, hoạt động làm việc nhóm giúp chúng ta cải thiện khả năng giao tiếp, trình bày, tự tin thể hiện trước đám đông. Kĩ năng thuyết trình, hùng biện là một kĩ năng mềm rất cần thiết đối với mỗi cá nhân không chỉ trong học tâp mà còn cần cho cuộc sống sau này. Thực tế trong nhóm thì vẫn còn rất nhiều bạn rất rụt rè, khép mình ngại thể hiện trước đám đông – đây là rào cản lớn mà nếu không khắc phục sớm thì nó ảnh hưởng rất lớn đến học tập cũng như cuộc sống sau này. Và làm việc nhóm sẽ giúp bạn cải thiện được điểm yếu này. Các bạn sẽ rèn luyện khả năng nói trước hết là trong phạm vi nhóm mình. Bởi trong quá trình làm việc nhóm thì các thành viên sẽ phải thường xuyên đóng góp ý kiến của mình. Và một khi bạn đã có thể trình bày một cách rành mạch, lưu loát ý kiến, quan điểm của mình trước các thành viên khác trong nhóm thì bạn đã bước đầu khắc phục được sự tự ti của bản thân. Không chỉ trong phạm vi nhóm mà còn trong phạm vi lớn hơn nhiều. Bởi các bài tập nhóm hầu như đều cần phải thuyết trình. Như vậy đây chính là cơ hội để bạn có thể nói trước đám đông, có thể lần đầu đó là điều khó khăn với bạn nhưng khi bạn đã làm được một lần rồi thì đến lần thứ hai, thứ ba… đó sẽ trở thành điều hết sức bình thường và bạn đã có thể hoàn toàn tự tin để thuyết trình trước đám đông.
III. Khó khăn trong hoạt động làm việc nhóm.
           Bên cạnh những thuận lợi mà hoạt động nhóm đem lại thì vẫn còn rất nhiều những khó khăn mà hầu hết nhóm nào cũng mắc phải. Sau đây em xin đưa ra 3 khó khăn chủ yếu sau:                                                                     
Trước hết là về vấn đề thời gian và khoảng cách địa lí. Hầu như các bạn sinh viên đều ở trọ và ở cách xa nhau, đi lại khó khăn và rất khó trong việc bố trí lịch họp nhóm và địa điểm họp nhóm để tạo thuận lợi nhất cho tất cả thành viên trong nhóm. Tuy nhiên đó là việc hết sức khó khăn, chính vì thế khi có lịch họp nhóm, các thành viên đều rất ngại đi hoặc đi muộn gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc nhóm                                                                                           
Thứ hai, làm việc nhóm rất dễ tạo tâm lí ỷ lại dẫn đến hiện tượng trong nhóm chỉ có một số thành viên tích cực làm việc, đóng góp ý kiến còn các thành viên còn lại thì không chịu làm việc, chỉ chờ người khác làm và hưởng thành quả. Đặc biệt là ỷ lại vào nhóm trưởng, suy nghĩ rằng đã có nhóm trưởng lo rồi thì mình không cần làm nữa. Hoặc có thái độ bất cần, suy nghĩ rằng bao nhiêu điểm cũng được, không quan trọng nên làm việc một cách hời hợt, không có sự đầu tư. Hoặc cũng có những trường hợp thành viên trong nhóm chỉ đến cho có mặt, không lo làm việc, đóng góp ý kiến mà chỉ lo làm việc riêng… Điều đó thể hiện thái độ không tôn trọng người khác và cũng là không tôn trọng chính bản thân mình.                                      
  Thứ ba, đó là cái tôi quá lớn của thành viên trong nhóm – đây là trở ngại đến hoạt động làm việc nhóm hiệu quả. Có nhiều bạn khi đưa ra ý kiến của mình, chỉ khăng khăng bảo vệ quan điểm đó mà không quan tâm rằng điều đó có đúng không và cũng không chịu lắng nghe ý kiến của các thành viên khác trong nhóm. Điều đó rất dễ gây bất hòa, tạo không khí căng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm. Sự bảo thủ cá nhân đó không những gây ảnh hưởng đên hiệu quả làm việc nhóm mà còn đem lại nhiều bất lợi cho chính bản thân người đó. Bởi bản thân mỗi người không ai là toàn diện về mọi mặt, không thể tránh được những thiếu sót trong suy nghĩ, hành động. Vì vậy khi nghe người khác nhận xét nhược điểm của mình sẽ giúp ta nhận ra những thiếu sót để từ đó khắc phục.
III. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động làm việc nhóm.
            Để làm việc nhóm có hiệu quả cần phải có những giải pháp phù hợp để phát huy những thuận lợi đồng thời khắc phục những điểm yếu để giúp hoạt động nhóm trở nên hiệu quả.                                                               
Trước hết, mối cá nhân phải có thái độ và quan điểm về sự hợp tác đúng đắn. Làm việc nhóm tức là bạn đang làm việc trong môi trường tập thể chính vì thế bản thân mỗi người cần hạn chế cái tôi cá nhân, phải biết láng nghe ý kiến của người khác với một thái độ tôn trọng. Bởi tôn trọng người khác chính là bạn đang tôn trọng chính bản thân mình và cũng là cách mà bạn làm người khác tôn trọng mình. Hơn nữa làm việc nhóm đòi hỏi sự phối hợp giữa các thành viên và cũng không ai là giỏi toàn diện, biết được tất cả mọi thứ cả vậy nên các thành viên trong nhóm cần chấp nhận sự khác biệt về ý kiến của nhau để giải quyết vấn đề được hoàn thiện và tốt nhất.                                                         
Thứ hai, để làm việc nhóm hiệu quả thì mỗi thành viên cần xác định được điểm mạnh của mình để phát huy một cách tốt nhất trong quá trình thảo luận và vượt qua những điểm yếu của chính mình, khắc phục những điểm yếu đó để hòa nhậpvới các thành viên trong nhóm. Điểm mạnh của người này cũng có thể là điểm yếu của người kia, vì thế mỗi thành viên cần tìm hiểu thế mạnh của nhau để tạo sự hỗ trợ, bổ sung cho nhóm. Vì khi đó, ý kiến của các thành viên trong nhóm đưa ra sẽ trở nên toàn diện hơn với nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau từ đó sản phẩm chung mà nhóm làm ra sẽ hoàn thiện hơn.                         
Thứ ba, chúng ta cần phải có tinh thần học hỏi, chịu khó lắng nghe, tất cả vì tập thể. Trong khi làm việc nhóm, tất cả mọi người đều đưa ra quan điểm khác nhau, khi quan điểm được trình bày thì các thành viên phải chú ý lắng nghe, không nên cắt ngang hoặc có phản ứng một cách thái quá cho dù ý kiến đó là trái với ý của bạn hoặc nó không đúng… Bởi nếu đặt nạn vào vị trí của người đang nói và bạn bị một ai đó cắt ngang thì chắc hẳn bạn sẽ thấy rất khó chịu và cảm thấy mình đang không được tôn trọng. Vậy nên lắng nghe cũng là cách mà bạn tôn trong người khác.                                                                      
Thứ tư, các thành viên trong nhóm cần phải tôn trọng lẫn nhau. Và cần hiểu rõ những điều cơ bản khi xây dựng nhóm là phải nói ra quan điểm của mình, không sợ nói sai, luôn cởi mở, tích cực trong quá trình làm việc và hoàn thiện một cách nhanh chóng nhiệm vụ của nhóm. Nhóm cần động viên, khen ngợi khi thành viên có ý kiến hay bởi đôi khi chỉ với một lời nói như vậy thôi cũng đủ làm người khác vui mừng, có thêm động lực và thấy tự tin về bản thân hơn từ đó làm tăng hiệu quả làm việc nhóm. Bên cạnh đó cũng không nên chê bai ý kiến của người khác, nếu bạn thấy rằng ý kiến đó là không phù hợp thì nên góp ý một cách tinh tế và nhẹ nhàng để người đó không cảm thấy khó chịu và sẽ nhận thức được điểm sai trong quan điểm của mình.                              
Thứ năm, chúng ta cần tích cực giao lưu, đối thoại, thuyết trình trước bạn bè để đẩy lùi sự tự ti, tăng khả năng nói trước đám đông. Bởi đây là cơ hội tốt để rèn luyện bản thân mà khi không làm việc nhóm thì chúng ta chưa chắc có cơ hội đó. Hơn nữa giao tiếp là kĩ năng không thể thiếu đối với mỗi sinh viên và rộng hơn là đối với tất cả mọi người. Bởi chỉ khi chúng ta có một kĩ năng giao tiếp, thuyết trình  tốt thì chúng ta mới có thể trình bày được sản phẩm chung do nhóm đã dày công làm ra đồng thời thuyết phục được người nghe ủng hộ, tin theo quan điểm, cách giải quyết đó đồng thời có cơ hội mở rộng các mối quan hệ, phục vụ cho công việc cũng như trong cuộc sống sau này.             
Thứ sáu, cần có một nhóm trưởng có tình thần trách nhiệm cao và khả năng lãnh đạo tốt. Bởi nhóm trưởng là người đóng vai trò định hướng cũng như phân công công việc cho các thành viên khác trong nhóm. Đồng thời nhóm trưởng cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa các thành viên và bầu không khí làm việc trong nhóm. Sự phân công của nhóm trưởng sẽ đảm bảo rằng ai trong nhóm cũng đều sẽ phải làm một khối lượng công việc tương đương nhau để từ đó mọi thành viên sẽ có ý thức trong việc hoàn thành công việc của bản thân mình và nhằm tránh trường hợp người không làm gì nhưng vẫn được hưởng thành quả chung của cả nhóm. Hơn nữa bầu không khí làm việc nhóm cũng đóng vai trò khá quan trọng đến hiệu quả làm việc nhóm bởi quá trình làm việc nhóm không thể diễn ra trong một bầu không khí quá căng thẳng, nghiêm túc nhưng cũng không nên đùa cợt quá nhiều. Trong lúc các thành viên đưa ra ý kiến không thể tránh được những lúc xẩy ra xích mích, bất đồng quan điểm vì thế nhóm trưởng sẽ đóng vai trò là người trung gian ở giữa, giải quyết mối bất hòa đó để có thể duy trì được hoạt động của nhóm diễn ra bình thường và hiệu quả nhất.                 
  Cuối cùng thì trong thời đại công nghệ hiện đại ngày nay, cần biết tận dụng những thành quả của khoa học công nghệ trong việc liên lạc và tìm tài liệu nhằm giải quyết khó khăn trong việc sắp xếp lịch làm việc nhóm và tìm thông tin phục vụ cho quá trình làm việc nhóm. Ví dụ như chúng ta có thể trao đổi ý kiến, bàn bạc công việc thông qua email, yahoo, facebook … mà không phải mất thời gian di chuyển, tìm địa điểm, bố trí thời gian gặp mắt để trao đổi với nhau. Hoặc chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên internet với một khối lượng thông tin khổng lồ trong một thời gian ngắn và chỉ bằng những thao tác vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, đó chỉ là những công cụ hỗ trợ vì thế nên chúng ta cần biết tận dụng một cách có hiệu quả và khoa học nhưng cũng không nên quá phụ thuộc vào nó.   

C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ.

          Chúng ta đang sống trong một thời đại của những cách thức làm việc mới mẻ với những cái đầu biết tổ chức. Làm việc độc lập hay làm việc nhóm thì cái cuối cùng mà chúng ta hướng đến vẫn là chất lượng và hiệu quả của công việc. Do đó tùy theo phương pháp làm việc nào mà bạn phải tự biết cách thay đổi thói quen và cách làm việc của mình để thích nghi được với môi trường làm việc đó. Làm việc nhóm là cách thức học tập và làm việc hiệu quả và phổ biến hiện nay nhất là với những công việc có khối lượng việc cần giải quyết lớn và đòi hỏi tập trung cao. Do đó ngay từ bây giờ bạn hãy học cách làm việc, từ độc lập tự chủ đến việc biết hòa mình vào tập thể. Và quan trọng nhất là nâng cao khả năng của bản thân trong việc xử lí công việc của mình cũng như biết cách phối hợp với người khác để hoàn thành công việc chung.


Related Post

Previous
Next Post »