SỰ VẬN DỤNG NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊ-NIN ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY


          Tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa là một tiến trình lịch sử lâu dài, gian khổ và khó khăn, trong đó, tất yếu xuất hiện các vấn đề chính trị - xã hội cần phải giải quyết một cách khoa học dựa trên lập trường thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc ở từng thời kì nhất định. Vấn đề dân tộc là một vấn đề rộng lớn, phức tạp và rất nhạy cảm, đặc biệt là đối với Việt Nam - một quốc gia đa dân tộc, các dân tộc chung sống đan xen lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.   
          Từ khi mới ra đời, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vấn đề dân tộc có một vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quán triệt những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc, ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nguyên tắc và định hướng chiến lược về chính sáchKho Sách Trực Tuyến dân tộc ở Việt Nam.
       Vì vậy, trong phạm vi bài tập lớn học kỳ, em xin được trình bày đề tài:  Sự vận dụng những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin để giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong những năm gần đây” .
       



B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và nguyên tắc giải quyết vấn đề dân tộc
1) Dân tộc và hai xu hướng phát triển khách quan của dân tộc
      a. Khái niệm dân tộc
       Dân tộc là cộng đồng người hình thành và phát triển trong lịch sử. Khái niệm dân tộc thường được hiểu theo hai cấp độ:
       Thứ nhất, khái niệm dân tộc được hiểu với nghĩa là dân tộc - quốc gia (hay quốc tộc), thể hiện ở những đặc điểm cơ bản là: có lãnh thổ chung, có ngôn ngữ giao tiếp chung, có phương thức sinh hoạt kinh tế chung, có nền văn hóa, tâm lý chung.
       Thứ hai, khái niệm dân tộc - tộc người, dùng để chỉ cộng đồng người cụ thể nào đó có những mỗi liên hệ chặt chẽ, bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ chung của cộng đồng và trong sinh hoạt văn hóa có những nét đặc thù so với những cộng đồng khác; xuất hiện sau cộng đồng bộ lạc; có sự kế thừa và phát triển hơn những nhân tố tộc người ở cộng đồng bộ lạc và thể hiện thành ý chí tự giác của các thành viên trong cộng đồng đó.
       Với nghĩa như vậy, khái niệm dân tộc và khái niệm quốc gia có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, dân tộc bao giờ cũng ra đời trong một quốc gia nhất định và thực tiễn lịch sử chứng minh rằng những nhân tố hình thành dân tộc chín muồi thường không tách rời với sự chín muồi của những nhân tố hình thành quốc gia. Đây là những nhân tố bổ sung, thúc đẩy nhau trong quá trình phát triển.
b. Hai xu hướng phát triển khách quan của dân tộc
       Theo những nghiên cứu về dân tộc và phong trào dân tộc trong chủ nghĩa tư bản, Lênin đã phân tích và chỉ ra hai xu hướng phát triển có tính khách quan của nó:
       Xu hướng thứ nhất: Do sự chín muồi của ý thức dân tộc và sự thức tỉnh về quyền sống của mình mà các dân tộc - nhất là các dân tộc bị áp bức - có xu hướng tách ra thành những cộng đồng dân tộc độc lập, tự lựa chọn chế độ chính trị và con đường phát triển của dân tộc mình. Xu hướng này biểu hiện rõ nhất trong phong trào giải phóng dân tộc.
       Xu hướng thứ hai: các dân tộc trong từng quốc gia, thậm chí các dân tộc ở nhiều quốc gia muốn liên hiệp lại với nhau. Xu hướng này nổi lên trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Do sự phát triển của lực lượng sản xuất, của khoa học và công nghệ, của giao lưu kinh tế và văn hoá trong xã hội tư bản đã làm xuất hiện nhu cầu xoá bỏ hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc, tạo nên mối liên hệ quốc gia và quốc tế rộng lớn giữa các dân tộc, thúc đẩy các dân tộc xích lại gần nhau.
       Đến nay, hai xu hướng này vẫn song song tồn tại, nhưng biểu hiện ra dưới nhiều hình thức đa dạng và không ít phần phức tạp phức tạp.
2. Những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin trong việc giải quyết vấn đề dân tộc
       Trên cơ sở tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen về vấn đề dân tộc và giai cấp, cùng với sự phân tích hai xu hướng của vấn đề dân tộc, V.I.Lênin đã nêu ra “Cương lĩnh dân tộc” với ba nội dung cơ bản: Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết; liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc. Đây được coi là cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin.
       Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng: Bình đẳng dân tộc là không phân biệt đối xử, đa số hay thiểu số, không phân biệt trình đẳng cấp, trình độ. Biểu hiện thành việc khắc phục những chênh lệch về mức độ hưởng thụ cuộc sống giữa các dân tộc trong một nước và gắn với cuộc đấu tranh chống lại các loại chủ nghĩa dân tộc cực đoan như: phát xít, độc tài, chống chủ nghĩa bành chướng, chống các tư tưởng kì thị, tự ti, mặc cảm dân tộc.
       Các dân tộc có quyền tự quyết: Quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của mỗi dân tộc, quyền tự quyết định con đường phát triển kinh tế, chính trị - xã hội của dân tộc mình. Quyền dân tộc tự quyết bao gồm quyền tự do phân lập thành cộng đồng quốc gia dân tộc độc lập (vì lợi ích của các dân tộc, chứ không phải vì mưu đồ và lợi ích của một nhóm người nào) và quyền tự nguyện liên hiệp lại với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng.
       Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc: Đây là tư tưởng, nội dung quan trọng nhất trong “Cương lĩnh dân tộc” của chủ nghĩa Mác – Lênin vì nó chỉ ra con đường để giành được quyền bình đẳng và tự quyết cho các dân tộc bị áp bức. Đây cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh bảo đảm cho thắng lợi của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
II. Sự vân dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin trong việc giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay
1. Một số đặc điểm của dân tộc ở nước ta hiện nay
       Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ lẫn nhau. Trong đó, dân tộc Kinh (Việt) chiếm đa số với khoảng  87% dân số (dân số Việt Nam năm 2013 là khoảng 90 triệu người), các dân tộc khác chiếm 13% còn lại, phân bố rải rác trên địa bàn cả nước. 10 dân tộc có số dân từ 100 nghìn người đến dưới 2 triệu người là: Êđê, Bana, Giarai, Dao, Mông, Mường, Thái, Nùng, Tày; 20 dân tộc có số dân dưới 100 nghìn người; 17 dân tộc có số dân từ 1 nghìn đến dưới 10 nghìn người; 6 dân tộc có số dân dưới 1 nghìn người như: Cống, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.
       Dân tộc Việt Nam được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước từ hàng ngàn năm trong lịch sử, do đó, đã tạo thành truyền thống đoàn kết, sự thống nhất và hình thành nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hình thành nên chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
       Mỗi một dân tộc ở nước ta, dù là đa số hay thiểu số đều có những giá trị, những bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
       Do nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan, hiện nay, giữa các dân tộc còn có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, và khả năng thực hành pháp luật,…
       Quan hệ dân tộc ở nước ta hiện nay đã và đang chịu những tác động từ đời sống chính trị - xã hội trong nước và thế giới. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, các thế lực phản động luôn luôn tìm mọi cách lợi dụng những khó khăn về đời sống, trình độ dân trí còn thấp của đồng bào dân tộc và những sai sót, khuyết điểm của các cơ quan nhà nước để kích động, chia rẽ nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội.
       Từ những thực trạng, tình hình và đặc điểm như trên của quan hệ dân tộc ở Việt Nam, đời hỏi phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo những phương hướng và giải pháp thiết thực.
2. Chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay
       Vận dụng những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như dựa vào tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta ngay từ khi thành lập cho đến nay luôn luôn coi vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đồng bào các dân tộc đều là anh em ruột thịt, là con cháu một nhà, thương yêu đoàn kết giúp đỡ nhau là nhiệm vụ thiêng liêng của các dân tộc. Người còn khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
       Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam có viết: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng; làm tốt công tác định canh, định cư và xây dựng vùng kinh tế mới. Quy hoạch, phân bổ, sắp xếp lại dân cư, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tri thức là người dân tộc thiểu số. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải gần gũi, hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc, làm tốt công tác dân vận. Chống các biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc”.
       Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI có đoạn: “Nâng cao nhận thức, trách nhiện của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung; tăng cường đồng thuận xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải pháp hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội”.
       Những chính sách dân tộc cơ bản của Đảng và Nhà nước ta được biểu hiện cụ thể như sau:
       Có chính sách phát triển kinh tế hàng hóa ở vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc, đảm bảo để các dân tộc khai thác được các thế mạnh sẵn có của địa phương để làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng để thu hẹp, tiến tới xóa bỏ sự chênh lệch về kinh tế, văn hóa, bảo đảm sự bình đẳng thức sự giữa các dân tộc. Tuy nhiên, đi đôi với phát triển kinh tế, cần phải bảo vệ môi trường thiên nhiên, ổn định đời sống của đồng bào, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi.
       Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc; từng bước nâng cao dân trí các dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng núi cao, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là vấn đề quan trọng nhưng rất tế nhị, do đó, cần lắng nghe, thấu hiểu đồng bào dân tộc và có chính sách cụ thể nhằm làm cho nền văn hóa dân tộc vừa tiên tiến, hiện đại, vừa mang tính dân tộc đậm đà, ngày càng phát triển, phong phú.
       Phát huy truyền thống đoàn kết và đấu tranh kiên cường của các dân tộc vì sự nghiệp chung của đất nước, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, nghiêm cấm mọi hành vi miệt thị, khinh miệt, chia rẽ dân tộc.
       Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; đồng thời giáo dục tinh thần đoàn kết hợp tác cho cán bộ các dân tộc. Bởi vì, chỉ có tinh thần đó mới phù hợp với đòi hỏi khách quan của công cuộc phát triển dân tộc và xây dựng đất nước. Trong công cuộc đó, không có một dân tộc nào có thể chỉ sử dụng cán bộ xuất phát từ dân tộc mình mà phải có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa đội ngũ cán bộ thuộc mọi dân tộc trong cả nước.
3. Một số phương hướng để thực hiện tốt chính sách dân tộc nhằm giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay
       Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới. Tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cho mọi cán bộ, đảng viên và cho nhân dân.
       Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc và nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới.
       Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc.
       Tăng cường công tác vận động quần chúng trong việc bảo đảm thực hiện tốt chính sách dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.
       Đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc; quán triệt và thực hiện tốt phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương  thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương. Cán bộ công tác ở vùng  dân  tộc và miền núi phải quán triệt và  thực hiện thật đúng phong cách công tác dân vận : "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân".

C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
       Như vậy, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước mang tính toàn diện, tổng hợp, quán xuyến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến mỗi dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc trong cả cộng đồng  quốc gia. Phát triển kinh tế – xã hội của các dân tộc là nền tảng để tăng cường đoàn kết và thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, là cơ sở để từng bước khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Do đó, chính sách dân tộc còn mang tính cách mạng và tiến bộ, đồng thời còn mang tính nhân đạo, bởi vì, nó không bỏ sót bất cứ dân tộc nào, không cho phép bất cứ tư tưởng khinh miệt, kỳ thị, chia rẽ dân tộc; nó tôn trọng quyền làm chủ của mỗi con người và quyền tự quyết của các dân tộc. Mặt khác, nó còn nhằm phát huy nội lực của mỗi dân tộc kết hợp với sự giúp đỡ có hiệu quả của các dân tộc anh em trong cả nước.
       Qua đó, có thể thấy Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong những năm gần đây dự trên hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta và thế giới cùng những tiếp thu từ tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Từ đó góp phần hoàn thiện khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần đưa Đất nước ta ngày một phát triển vững mạnh.
       Nhận thức đúng đắn bản chất, nội dung, tính chất của chính sách dân tộc có ý nghĩa quyết định tới việc định hướng và đổi mới các biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, làm cho chính sách dân tộc đi vào cuộc sống.

D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
3. Viện nghiên cứu chính sách dân tộc và miền núi: Vấn đề dân tộc và định hướng xây dựng chính sách dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
4. Tạp chí Cộng sản - Ủy ban Dân tộc: Kỷ yếu hội thảo khoa học: Thực hiện chính sách dân tộc – Vấn đề và giải pháp, Hà Nội, 2004.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 449 - 456.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.10, tr. 349.
8. Đậu Tuấn Nam (Chủ biên): Vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay: Sách tham khảo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
9. Một số trang web:
       http://www.na.gov.vn
       http://www.moj.gov.vn
       http:// www.ubdt.gov.vn
       http://www.gso.gov.vn


Related Post

Previous
Next Post »