SO SÁNH CẤU TRÚC NGUỒN LUẬT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ANH - MỸ


Anh và Mỹ là hai quốc gia thuộc dòng họ Common law nên hệ thống pháp luật (HTPL) của hai nước có những nét tương đồng nhất định. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng không có điểm khác biệt, điều này được thể hiện rõ qua cấu trúc nguồn luật của hai HTPL. Để làm rõ vấn đề này, nhóm em xin lựa chọn đề tài: So sánh cấu trúc nguồn luật của hệ thống pháp luật Anh và Mỹ”.



1. Những điểm tương đồng và khác biệt trong cấu trúc nguồn luật của hệ thống pháp luật Anh và Mỹ

1.1. Những điểm tương đồng

- Trong cấu trúc nguồn luật của 2 quốc gia đều có án lệ, các văn bản pháp luật (VBPL) và các tác phẩm của các học gia pháp lý có uy tín.
- Án lệ là nguồn luật được sử dụng phổ biến nhất. Án lệ của Anh và Mĩ đều có chung nguyên tắc Stare decisis, đều được ghi chép, xuất bản để sử dụng.
- Cả Anh và Mỹ đều thừa nhận và sử dụng các tác phẩm của các học giả pháp lí giống như là một nguồn luật. Các tác phẩm này thường được trích dẫn bởi các luật sư và thẩm phán trong quá trình hành nghề luật. 
- Luật thành văn ngày càng được coi trọng trong hệ thống nguồn luật của 2 quốc gia.

1.2. Những nét khác biệt

- Số lượng nguồn luật của HTPL Anh phong phú hơn: Mỹ có 3 loại (Án lệ, Luật thành văn và các tác phẩm của học gia pháp lý), còn Anh có tới 5 loại (Án lệ, Luật thành văn, Luật Liên minh Châu Âu, Tập quán pháp địa phương và các tác phẩm có uy tín).

- Điểm khác biệt trong một số loại nguồn cụ thể:

+ Án lệ

Ở Anh, án lệ được áp dụng một cách tuyệt đối, còn ở Mỹ chỉ chấp nhận thụ động án lệ – một thứ cứng nhắc và ra đời từ rất lâu không phù hợp với người Mỹ. Cùng áp dụng "nguyên tắc stare decicis" trong việc sử dụng án lệ, tuy nhiên ở Anh nguyên tắc này được thực hiện chặt chẽ, khắt khe hơn. Theo pháp luật Anh, án lệ của cấp trên có tính bắt buộc đối với cấp dưới và ngay cả chính mình. Vì vậy, các thẩm phán ở Anh không muốn phủ nhận những phán quyết trước đó của mình hoặc đào sâu hơn khi xét xử vụ án. Ở Mĩ, phán quyết của các tòa án tối cao ở cấp bang và liên bang không chịu sự ràng buộc của chính mình; tòa án bang không bị bắt buộc tuân thủ án lệ của các tòa án ở các bang khác, tuy nhiên các phán quyết phù hợp của các tòa án bang khác thường được viện dẫn, giá trị thuyết phục phụ thuộc vào việc tòa án nào đã đưa ra quyết định đó.

+  Luật thành văn

Anh không có hiến pháp thành văn còn Mỹ thì ngược lại. Các qui định có bản chất của hiến pháp Anh có thể tìm thấy trong đặc quyền Hoàng gia, trong một số truyền thống, án lệ cũng như văn bản pháp luật do Nghị viện ban hành.
Mỹ: Liên bang và các bang đều có hiến pháp viết. Hiến pháp Mỹ được coi là đạo luật cơ bản của quốc gia. Do đó, bất kể nguồn luật nào trên nước Mỹ đều không được trái với nội dung Hiến pháp.

Các VBPL ở Anh gồm: VBPL do Nghị viện trực tiếp ban hành và VBPL Nghị viện ủy quyền ban hành. Luật do Nghị viện ban hành có hiệu lực cao hơn án lệ do thẩm phán làm ra. Luật thường bổ sung hay thay thế án lệ. Các VBPL địa phương do chính quyền địa phương ban hành. Ở Mỹ, có rất nhiều đạo luật cả ở cấp Liên bang và cấp Bang. Ngoài Hiến pháp Mỹ, các đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua có giá trị pháp lí cao nhất, cao hơn phán quyết của Tòa án cấp Liên bang và cấp Bang và cao hơn các đạo luật tương ứng của các Bang. Mỗi Bang của Mỹ đều có quyền ban hành luật riêng áp dụng trong Bang.

2. Nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng và khác biệt trong cấu trúc nguồn luật của Anh và Mỹ

Sở dĩ có những điểm giống nhau là do cấu trúc của HTPL Anh và Mỹ đều bắt nguồn từ dòng họ Common law. Hơn nữa, trước đây Mỹ từng là thuộc địa của Anh nên ít nhiều cấu trúc pháp luật của Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi pháp luật Anh. Chẳng hạn, hiện nay các tòa án ở Mỹ vẫn viện dẫn quyết định của tòa án Anh có từ thời tiền cách mạng và coi đó là những án lệ bắt buộc. Thời hiện đại đã khiến cho pháp luật của Hợp Chủng quốc Hoa Kì phải có những cải cách và điều này xảy ra giống như với pháp luật Anh, ví dụ: việc xóa bỏ hệ thống Trát, sự sáp nhập của Common law với luật công bình về mặt thủ tục.

Nguyên nhân của những điểm khác nhau thì có rất nhiều yếu tố tác động: vị trí địa lý, dân cư, lịch sử, chế độ chính trị,Tuy nhiên, một cách tổng quát nhất có thể thấy, điểm dẫn tới sự khác biệt trong cấu trúc nguồn của Anh và Mỹ xuất phát từ nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Anh và Mỹ là hai quốc gia độc lập, có bộ máy nhà nước khác nhau, có sự khác biệt về kinh tế, chính trị nên sẽ ảnh hưởng phần nào đến HTPL của hai quốc gia.

Thứ hai, Anh là nước truyền thống lâu đời, dân cư gần như thuần nhất. Mỹ là nước ra đời muộn, dân cư chủ yếu là nhập cư, đa sắc tộc, đa tôn giáo nên cách tư duy pháp lí sẽ khác nhau, dẫn đến khác biệt trong HTPL cũng như cấu trúc nguồn luật của Anh và Mỹ.

Thứ ba, ở Anh không có Hiến pháp thành văn, cái mà Anh gọi là Hiến pháp là tổng thể các quy phạm có nguồn gốc luật thành văn hoặc nguồn luật án lệ. Có sự khác nhau này là vì Anh là quốc gia có bề dày truyền thống, hơn nữa nguyên tắc Stare decisis lại là xương sống của pháp luật Anh (nghĩa là án lệ phải được tôn trọng). Còn ở Mỹ lại có một bản Hiến pháp Liên bang, Mỹ phải xây dựng bản Hiến pháp thành văn  này là vì Mỹ là một nước liên bang trong đó có sự dung hòa về lợi ích của các tiểu bang.

Thứ tư, luật thành văn ở Mỹ được coi trọng hơn vì cơ quan lập pháp của Mỹ thường xuyên tiến hành luật hóa các phán quyết của Tòa án, các án lệ điển hình, hoạt động pháp điển hóa ở Mỹ được tiến hành thường xuyên hơn ở Anh.

C.   KẾT LUẬN

Mặc dù là những quốc gia tiêu biểu cho dòng họ Common Law nhưng giữa hai HTPL Anh và Mỹ luôn tồn tại những điểm khác biệt. Sự khác biệt đó được hình thành do những điều kiện, nhân tố hay những bản sắc riêng của từng quốc gia. Để đánh giá một cách cụ thể, chi tiết hơn thì luật thành văn và án lệ đều là những nguồn quan trọng của HTPL Anh, Mỹ. Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể thì vai trò của án lệ ở Anh nổi bật hơn ở Mỹ nhiều, ngược lại vai trò của luật thành văn ở Mỹ lại nổi bật hơn ở Anh. Cụ thể:

Án lệ có lịch sử phát triển lâu dài, có vị trí rất quan trọng trong HTPL của Anh. Yếu tố truyền thống ở đây chính là nguyên nhân khiến cho luật thành văn ở Anh không phát triển như ở Mỹ. Mỹ là nước chịu sự đô hộ của Anh nên cũng có truyền thống án lệ. Tuy nhiên, khi giành độc lập, Mỹ xây dựng Hiến pháp thành văn để khẳng định chủ quyền độc lập của mình, đồng thời, định hướng phát luật theo hướng thành văn. Vì vậy, luật thành văn ở Mỹ được chú trọng hơn ở Anh và nó có vị trí quan trọng trong HTPL nước này. Ở Mỹ, hệ thống VBPL điều chỉnh các lĩnh vực quan hệ xã hội cụ thể, khoa học, thể hiện trình độ lập pháp và sự coi trọng luật thành văn của Mỹ rất cao, kịp thời cho ra đời các loại văn bản điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh trong đời sống xã hội.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
2.     Michael Bogdan, Luật so sánh (bản tiếng Việt), Nxb. Kluwer, Norsredts Juridik, Tano, 2002.
3.     Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, Rene David, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
4.     Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới, Michel Fromont, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006.


Related Post

Previous
Next Post »