CƠ QUAN BẢO HIẾN CỦA PHÁP VÀ ĐỨC; KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

BẢNG TỪ NGỮ VIẾT TẮT

TAHPLB
Tòa án Hiến pháp Liên bang

LB
Liên bang

HĐLB
Hội đồng Liên bang

HPLB
Hiến pháp Liên bang

PLLB
Pháp luật Liên bang

HĐBH
Hội đồng Bảo hiến

TAHPTB
Tòa án Hiến pháp Tiểu bang


 
Ở Việt Nam, vấn đề thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp đang ngày được quan tâm. Vì vậy, em xin lựa chọn đề tài: “Tổ chức, hoạt động của cơ quan bảo hiến của Pháp và Đức; kinh nghiệm thực tiễn cho Việt Nam” để làm rõ hơn vấn đề này.

I.    Tổ chức và hoạt động của cơ quan bảo hiến ở Đức
1.   Tổ chức
Ở Đức, TAHPLB vừa là cơ quan xét xử sơ thẩm và chung thẩm các vụ kháng cáo, kháng nghị liên quan đến tính hợp hiến của các đạo luật, xung đột về thẩm quyền giữa các bang và giữa các bang với LB.
TAHPLB gồm 2 văn phòng (senate) có quyền hạn như nhau và độc lập với nhau, với 16 thẩm phán, chia đều cho 2 văn phòng, một nửa do Hạ viện LB, một nửa do Thượng viện LB bầu với đa số (2/3 số phiếu thuận). 6 thẩm phán được lựa chọn trong số các thẩm phán Toà án LB. 10 Thẩm phán còn lại là những nhân vật không dưới 40 tuổi và không quá 68 tuổi, đủ điều kiện để được chọn thành dân biểu Hạ viện, đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, có khả năng chuyên môn cần thiết để hành nghề thẩm phán. Thẩm phán ở TAHPLB không được kiêm chức vụ ở Trung ương hay Chính phủ, nhưng có thể tham gia giảng dạy ở các trường đại học và nghiên cứu khoa học. Nhiệm kì các thẩm phán là 12 năm và không được tái nhiệm.
Đứng đầu TAHPLB là Chánh án, sau là phó Chánh án do Quốc hội và HĐLB bầu ra từ số thành viên của Đoàn chủ tịch TAHPLB theo nguyên tắc luân phiên. Nghĩa là Quốc hội bầu Chánh án thì HĐLB bầu phó chánh án và ngược lại đến nhiệm kì sau.

2.   Hoạt động
TAHPLB chia làm 6 hội đồng xét xử, mỗi hội đồng gồm 3 Thẩm phán, chịu trách nhiệm giải quyết phần lớn các khiếu kiện.
Pháp luật Đức phân định rõ những loại vụ việc được giải quyết ở mỗi Tòa. Theo đó, những vụ việc liên quan đến mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân được trao cho "Tòa thứ nhất". Các vụ việc liên quan đến mối quan hệ giữa các bộ phận và nhánh quyền lực khác nhau trong nội bộ Nhà nước thì được trao cho "Tòa thứ hai".
Tòa thứ nhất xem xét tính không phù hợp với quyền cơ bản (ghi nhận trong Hiến pháp) của một quy định pháp luật cũng như giải quyết những khiếu nại hiến pháp:
- Tranh chấp hoặc nghi ngờ về sự phù hợp với HPLB của PLLB hay tiểu bang, hay với  PLLB của pháp luật tiểu bang, theo đề nghị của Chính phủ LB, của một chính phủ tiểu bang hoặc của 1/3 số đại biểu Quốc hội.
- Về sự phù hợp của đạo luật của LB hay của tiểu bang với HPLB, một đạo luật hay pháp luật khác của một tiểu bang với Luật của LB theo đề nghị của một tòa án.
Tòa thứ hai tập trung giải quyết những vấn đề tranh chấp theo luật công, phát sinh từ mối quan hệ giữa các nhánh quyền lực (Quốc hội - Chính phủ), giữa các cấp quyền lực (Liên bang - tiểu bang) và các tranh chấp khác theo luật công. Đó là:
- Về việc thực hiện quyền cơ bản công dân (từ 1951 – 1999 có 122.257 vụ).
- Về việc cấm hoạt động của một đảng chính trị (từ 1951 – 1999 có 5 vụ).
- Khiếu nại chống một quyết định của Quốc hội về tư cách đại biểu.
- Khiếu kiện của Quốc hội hay HĐLB chống lại Tổng thống LB.
- Trường hợp giải thích Hiến pháp của cơ quan tối cao LB khi có tranh chấp về phạm vi quyền và nghĩa vụ cơ bản.
- Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của LB và các tiểu bang, đặc biệt liên quan đến việc thực thi PLLB của các tiểu bang hay liên quan đến hoạt động giám sát của LB (từ 1951 – 1999 có 106 vụ).
- Các tranh chấp khác theo luật công giữa LB và các tiểu bang, hoặc giữa các tiểu bang với nhau cũng như trong nội bộ một tiểu bang, khi chúng không thể được giải quyết bằng tòa án thông thường.
- Trường hợp có nghi ngờ về khả năng trở thành PLLB của pháp luật quốc tế, theo đề nghị của một tòa án.
- Trường hợp một TAHPTB muốn giải thích HPLB khác với quyết định của TAHPLB hay của một TAHPTB khác, theo đề nghị của chính TAHPTB này.
- Trường hợp có ý kiến khác nhau về vấn đề tiếp tục có hiệu lực của PLLB…
II. Tổ chức và hoạt động của cơ quan bảo hiến ở Pháp
1.     Tổ chức
Ở Pháp, cơ quan bảo hiến được gọi là HĐBH. Điều 56 Hiến pháp 1958 quy định: HĐBH gồm 9 thành viên do Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện , Chủ tịch Hạ viện bổ nhiệm (mỗi người bổ nhiệm ba thành viên), nhiệm kì 9 năm và không gia hạn. HĐBH thay đổi 1/3 thành viên sau 3 năm. Ngoài 9 thành viên kể trên, thành viên đương nhiên và vĩnh viễn là cựu Tổng thống Pháp. Chủ tịch HĐBH do Tổng thống bổ nhiệm. Chủ tịch có quyền quyết định nếu số phiếu bằng nhau.
Thành viên HĐBH không đồng thời là thành viên Chính phủ, Nghị viện, Hội đồng Kinh tế và xã hội. Điều 57 Hiến pháp quy định: “Không được kiêm nhiệm chức vụ hội viên HĐBH hay chức vụ dân biểu”. Thành viên HĐBH không thể đảm nhiệm bất kì chức vụ gì của một cơ quan công cộng hoặc tham gia vào lĩnh vực mà có thể dễ ảnh hưởng đến quyết định của HĐBH, cũng không được tham gia vào bất kì một vị trí có trách nhiệm hoặc chức vụ trong các đảng chính trị hoặc các nhóm lợi ích.
2.   Hoạt động
Theo Hiến pháp 1958, HĐBH có 3 loại thẩm quyền chính:
Thẩm quyền tư vấn: HĐBH có quyền tham gia vào quá trình thiết lập vị trí Tổng thống khi vị trí này không thực thi được nhiệm vụ của mình, có quyền đưa ra ý kiến cho Tổng thống quyết định những biện pháp đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt.
Thẩm quyền xem xét các tranh chấp trong bầu cử (Nghị viện và Tổng thống) và trưng cầu ý dân: quyết định của HĐBH là quyết định cuối cùng bắt buộc thi hành với tất cả cơ quan nhà nước và không được khiếu nại. Nhưng HĐBH thường không tự mình hành động, thẩm tra, giải thích hay phán quyết nếu không có yêu cầu.
Thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật trước khi công bố và giữ gìn. Tuy nhiên, chỉ xem xét vụ việc khi có đơn đề nghị của Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, 60 thượng nghị sỹ hoặc 60 hạ nghị sỹ.
Ngoài ra, HĐBH có thể tham gia soạn thảo hoặc sửa đổi các đạo luật khi có sự tranh chấp về thẩm quyền giữa Nghị viện và Chính phủ. HĐBH có thể kiểm soát sự vi phạm của các đạo luật đã có hiệu lực (đạo luật được thông qua Hiến pháp 1958; đạo luật được thông qua sau 1958, có những quy định không thuộc phạm vi của lập pháp, nhưng Chính phủ lại không đệ trình vấn đề đó lên HĐBH).
III. Kinh nghiệm thực tiễn cho Việt Nam
Ở Việt Nam, việc thành lập cơ chế bảo hiến không còn là vấn đề tranh luận, nhất là khi đã có tuyên bố, quy định của Hiến pháp và pháp luật về nhà nước pháp quyền, tính tối thượng của Hiến pháp… Vấn đề phải bàn nhiều hiện nay là lựa chọn mô hình bảo hiến nào? Việt Nam không tổ chức bộ máy nhà nước theo chế độ lưỡng viện, không thừa nhận sự đa nguyên chính trị, trật tự nhà nước pháp quyền cũng không thể có diện mạo và mức độ "phát triển" như ở Pháp và Đức, ý thức pháp luật và thói quen tự bảo vệ mình trước công quyền của người dân cũng chưa bằng ở Pháp và Đức.
Trước hết, sự tương thích của cơ chế bảo hiến với nguyên tắc thống nhất quyền lực ở Việt Nam. Khi Hiến pháp đã ở vị trí tối thượng thì tất cả định chế quyền lực đều dưới Hiến pháp, kể cả Quốc hội. Vấn đề thống nhất quyền lực chỉ còn là vấn đề không tạo ra một cơ chế mâu thuẫn, đối trọng giữa Quốc hội và Chính phủ như: Chính phủ không được yêu cầu giải tán Quốc hội, Quốc hội cũng không được lật đổ Chính phủ, Chính phủ không được từ chức tập thể. Nếu nhận thức như vậy về thống nhất quyền lực, tài phán hiến pháp không mâu thuẫn với nguyên tắc căn bản này của việc tổ chức quyền lực nhà nước ở ViệtNam. Ngược lại, cũng không ít ý kiến cho rằng, cơ chế bảo hiến không phù hợp với nguyên tắc thống nhất quyền lực nhà nước.
Thứ hai, năng lực để thực hiện cơ chế bảo hiến. Thẩm phán cơ quan bảo hiến ở các nước phải là những người có uy tín rất cao về chuyên môn luật và đạo đức, là chuyên gia hàng đầu trong giới luật. Không những thế, năng lực của cơ quan bảo hiến còn phải được bảo đảm bằng những yếu tố hỗ trợ như bộ máy, con người, thông tin v.v…Ở Việt Nam, dường như tiêu chí chuyên môn nhiều khi nhường chỗ cho yếu tố chính trị, có thể ảnh hưởng đến yếu tố chuyên môn của công tác bảo hiến.
Thứ ba, tính độc lập của cơ chế bảo hiến, dù đó là Tòa án bảo hiến, Tòa án tối cao, hay là một mô hình khác. Qua các phần trình bày trên, có thể thấy cần có những yếu tố để bảo đảm sự độc lập này như: cách thức thành lập, bổ nhiệm thẩm phán, nhất là chánh án, nguồn lực v.v… Ở Việt Nam, liên quan đến tính độc lập, một trong những yếu tố hết sức quan trọng là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các thiết chế nhà nước như cơ quan bảo hiến. Đối với hoạt động của cơ quan bảo hiến sau này, đây là yếu tố hàng đầu liên quan đến sự độc lập của cơ quan này.
Thứ tư, nhu cầu sử dụng cơ chế bảo hiến. Mặc dù sự cần thiết thành lập cơ chế bảo hiến không còn là vấn đề tranh luận nhiều, nhưng khi thành lập, nhu cầu sử dụng cơ chế bảo hiến có cao không? Hay là thành lập ra nhưng chỉ xét xử mỗi năm vài vụ? Tâm lý chung của xã hội, người dân và các chủ thể công ở Việt Nam đều ngại ra tòa nói chung, chứ chưa nói đến một thiết chế hoàn toàn mới lạ như cơ quan bảo hiến.
Thứ năm, sự phân định giữa cơ quan bảo hiến và những thiết chế hiện có ở Việt Nam để thực hiện kiểm soát tính hợp hiến của VBQPPL như thẩm định, thẩm tra. Khi tìm hiểu các sự lựa chọn đối với mô hình bảo hiến, các thiết chế có tính chất tư vấn như các cơ quan quốc gia phụ trách quyền con người, Thanh tra nghị viện, Ủy ban thông tin, Ủy ban bầu cử, Ủy ban về hiến pháp của nghị viện…. cũng được đề cập.

Dù theo mô hình nào thì mục đích cuối cùng vẫn là bảo vệ hiến pháp – đạo luật tối cao, bảo đảm nhà nước pháp quyền. Hoạt động bảo hiến dù với hình thức hiến định nào cũng đều thực hiện những nhiệm vụ: bảo đảm sự ổn định và tối cao của hiến pháp, sự tuân thủ những mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước, bảo vệ những quyền và tự do hiến định của con người.

Related Post

Previous
Next Post »