MỞ ĐẦU
Quốc
triều hình luật (còn được gọi là Luật Hồng Đức) là bộ luật hoàn chỉnh nhất
trong lịch sử pháp luật phong kiến Việt Nam. Bộ luật được xem như là văn bản
pháp luật quan trọng nhất, có vai trò to lớn trong việc cai trị đất nước hơn
300 năm của triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XV. Đồng thời, đây cũng là
bộ luật xưa nhất còn lưu giữ được đầy đủ cho đến ngày nay. Cũng như các bộ luật
phong kiến khác, hình luật là nội dung trọng yếu và có tính chất chủ đạo, bao
trùm toàn bộ nội dung của QTHL. QTHL đã thể hiện những nguyên tắc hình sự chủ yếu
như: nguyên tắc vô luật bất hình, nguyên tắc chiếu cố, nguyên tắc chuộc tội bằng
tiền,… trong đó, nguyên tắc chiếu cố vừa thể hiện tính giai cấp, vừa thể hiện
tính nhân đạo, có nhiều điểm tiến bộ so với thời đại. Để tìm hiểu kĩ hơn về vấn
đề này, em đã chọn đề tài: “Thống kê các điều khoản và nhận xét về
nguyên tắc chiếu cố trong Bộ Quốc triều hình luật” làm bài tập cuối kì.
NỘI DUNG
I. Các điều khoản chứa đựng nguyên tắc chiếu cố
Chiếu
cố là nguyên tắc khá điển hình của cổ luật Việt Nam và Trung Hoa. Đối với QTHL,
nguyên tắc chiếu cố là một trong những nguyên tắc hình sự chủ đạo, được quy định
tại các điều 1, 3 - 5, 7, 8, 10, 12, 16, 17, 680. Nguyên tắc này được thể hiện ở
một số loại người được chiếu cố và một số nội dung chiếu cố.
1. Chiếu cố theo
địa vị xã hội
Điều
3 quy định tám hạng người được nghị xét giảm tội (bát nghị), gồm:
1.
Nghị thân, là họ tôn thất từ hàng đản miếu (họ hàng nhà vua trong 5 thế hệ) trở
lên, họ hoàng thái hậu từ hàng phải để tang ty ma (hạng để tang ba tháng), họ
hoàng thái hậu từ tiểu công (hạng để tang năm tháng trở lên).
2.
Nghị cố, là những người cố cựu (chỉ những người cũ, đã theo giúp vua lâu ngày
hoặc những người giúp vua từ triều trước).
3.
Nghị hiền, là những người có đức hạnh lớn.
4.
Nghị năng, là những người có tài năng lớn.
5.
Nghị công, là những người có công huân lớn.
6.
Nghị quý, là những quan viên có chức sự từ tam phẩm trở lên, những quan viên tản
chức (chức quan nhàn tản, như chức học quan, hàn lâm) có tước từ nhị phẩm trở
lên.
7.
Nghị cần, là những người cần cù chăm chỉ.
8.
Nghị tân, là con cháu các triều vua trước.
Nội
dung nghị giảm được quy định cụ thể ở các điều 4, 5, 8 và 10. Theo đó, những
người thuộc diện bát nghị, trừ khi phạm tội thập ác, nếu phạm vào tội tử thì
các quan nghị án phải khai rõ tội trạng và hình phạt nên xử như thế nào, làm
thành bản tấu dâng lên để vua quyết định, nếu phạm từ tội lưu trở xuống thì được
giảm một bậc, những người thuộc nghị thân được miễn tội đánh roi, đánh trượng,
thích chữ vào mặt (riêng họ hoàng hậu thì phải dùng tiền để chuộc). Nếu người
phạm tội mà được hưởng nhiều bậc nghị giảm thì chỉ được giảm theo bậc giảm nhiều
nhất chứ không được giảm cả.
2. Chiếu cố theo
tuổi tác và đối với người tàn tật, phụ nữ
Điều
16 QTHL quy định: “Những người từ 70 tuổi
trở lên, từ 15 tuổi trở xuống hoặc người bị tàn phế, phạm từ tội lưu trở xuống
đều cho chuộc bằng tiền, trừ khi phạm thập ác. Từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở
xuống hoặc bị ác tật, nếu phạm tội phản nghịch, giết người đáng tội chết, thì
cũng phải tâu để vua quyết định, nếu ăn trộm và đánh người bị thương thì cho
chuộc bằng tiền, còn ngoài ra thì không bắt tội. Từ 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở
xuống dầu bị tội chết cũng không hành hình, nếu có kẻ nào xui xiểm thì bắt tội
kẻ đó, nếu ăn trộm có tang vật thì kẻ nào chứa chấp tang vật ấy phải bồi thường”.
Điều
17 QTHL quy định: “Khi phạm tội chưa già
cả tàn tật, đến khi già cả tàn tật việc mới được phát giác thì xử theo luật già
cả, tàn tật. Khi ở nơi bị đồ mà già cả, tàn tật thì cũng thế. Khi còn bé nhỏ phạm
tội đến khi lớn mới phát giác thì xử tội theo luật lúc nhỏ”.
Trong
lượng hình hoặc thi hành hình phạt đối với phạm nhân nữ, nhà làm luật đã dành một
số ưu đãi. Theo điều 1, khi phạm tội đồ hoặc lưu, nam phạm nhân bao giờ cũng bị
đánh thêm trượng, còn nữ phạm nhân chỉ phải chịu tội roi. Theo điều 680, nữ phạm
nhân tội tử tội xuy mà đang có thai thì phải đủ 100 ngày sau khi sinh con mới
được đem ra hành hình hoặc đánh roi.
II.
Nhận xét
1.
Ưu điểm
Ở
điều 16, 17 đã không quy định một mức độ khoan hồng chung chung cho những người
già từ 70 tuổi trở lên hay trẻ em từ 15 tuổi trở xuống và những người bị tàn tật,
mà quy định các mức độ khoan hồng khác nhau tùy theo độ tuổi và mức độ tàn tật
của họ. Sự giảm nhẹ được tính tỉ lệ thuận với độ tuổi của người già và tỉ lệ
nghịch với độ tuổi của trẻ em. Tương tự như vây, người phạm tội bị ác tật được
giảm nhẹ hơn người bị phế tật.
Qua
các quy định trên cho thấy Quốc triều hình luật đã thể hiện chính sách hình sự
đặc biệt nhân đạo đối với những người phạm tội là người già trẻ em và người bị
tàn tật, miễn cho họ không phải chịu hình phạt tàn ác bằng cách cho họ được chuộc
tội bằng tiền hoặc tha tội nếu họ không phạm tội thập ác, tội tử hình hay tội
giết người được quy định là tử hình.
Điều
1 quy định trượng hình chỉ đàn ông phải chịu, kèm theo làm tượng phường binh
đàn ông bị đáng 80 trượng, thích vào cổ hai chữ; đàn bà bị đánh 50 roi, thích
vào cổ hai chữ đã thể hiện, dù mới chỉ ở một mức độ nhất định sự bênh vực quyền
lợi người phụ nữ của pháp luật thời Lê.
Quy
định này càng được đánh giá tiến bộ nếu đặt nó trong mối liên hệ với quan niệm
phong kiến về địa vị thấp kém của người phụ nữ so với người chồng trong gia
đình.
So
với bộ Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long, năm 1811) ra đời sau hàng thế kỷ, có
thể thấy QTHL chưa có tính khái quát hóa cao và phân ngành rõ như Hoàng Việt luật
lệ (HVLL). Tuy nhiên, sự bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong QTHL lại tốt
hơn so với HVLL. Giáo sư Vũ Văn Mẫu đã viết khi nhận xét về HVLL “Bao nhiêu những sự tân kỳ mới lạ trong
bộ luật triều Lê đã không còn lưu lại một chút dấu tích nào trong luật nhà Nguyễn”.
(Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử, quyển 1, tập 1, Sài Gòn,1973).
Tất
cả những biểu hiện trên đều được thể hiện dưới những sắc thái khác trong luật
hình sự Việt Nam hiện đại. Tương ứng với những tinh thần đã được nêu trong các
quy định trên, BLHS Việt Nam hiện nay đã có các quy định về tuổi chịu trách nhiệm
hình sự đối với người chưa thành niên, về tình tiết giảm nhẹ hình phạt đối với
người phạm tội là người già, người bị bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức, khả
năng điều khiển hành vi của mình. BLHS cũng quy định không áp dụng hình phạt tử
hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm
tội hoặc xét xử, không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang
nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Từ đó, có thể thấy QTHL mang nhiều biểu hiện của một
BLHS thời hiện đại.
2. Nhược điểm
Chiếu
cố về địa vị xã hội đã thể hiện bản chất giai cấp của bộ luật. QTHL ra đời mục
đích cuối cũng vẫn là tạo ra một trật tự xã hội ổn định để phục vụ cho lợi ích
lâu dài của giai cấp thống trị.
QTHL
phân biệt rất rõ ràng 2 nhóm người: những người có đặc quyền và những người
không có đặc quyền. Như bộ luật của Trung Hoa, QTHL công nhận “tám hạng người có quyền đặc lợi” (bát
nghị) dành cho hoàng than, quốc thích, gia quyến của các tông thất tiền triều,
người có đạo đức cao cả, các đại thần và một số người khác. Tám hạng người này
được đề cao toàn khối khỏi đám đông dân chúng và được hưởng lợi thế về pháp luật
cao hơn. Khi hai người trong đó một người thuộc nhóm có đặc quyền và một nhóm
không có đặc quyền bị dính líu vào môt vụ hình án, thì hình phạt dành cho họ là
khác nhau, tùy thuộc vào sự cách biệt về địa vị xã hội giữa kẻ phạm tội và nạn
nhân. Chẳng hạn: một người dân thường mà đánh một quan chức thuộc hạng nhị phẩm
thì bị xử phạt tội lưu đày, trong khi một hành vi như thế giữa hai người cùng đẳng
cấp có thể chỉ bị phạt đánh 60 trượng.
Quả
thật, hệ thống tôn ti về đặc quyền của một nhóm này so với một nhóm kia là điều
không thể tránh khỏi, bởi vua chúa không thể giải quyết hết mọi mâu thuẫn của
xã hội. Phải thấy rằng, đặc quyền pháp luật gắn bó mật thiết với sự duy trì quyền
lực của vua chúa, nghĩa là không một kẻ kém đặc quyền nào được phép thách thức
quyền lực của nhà vua, và những kẻ có đặc quyền mà phạm vào các tội như mưu phản,
mưu đại nghịch, mưu bạn thì cũng bị trừng trị nghiêm khắc như dân thường.
So sánh với nguyên tắc chiếu cố ở HVLL thì
ngoài sự giống nhau trong việc quy định tám hạng người có đặc quyền, HVLL đã
cũng cố vững chắc hơn địa vị của tầng lớp thống trị bằng việc mở rộng sự chiếu
cố đối với ông bà, cha mẹ, vợ con của những người thuộc diện bát nghị.
KẾT
LUẬN
QTHL
là bộ luật cổ nổi tiếng của Việt Nam, là sản phẩm của thời kỳ phát triển cực thịnh
của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam. QTHL có 13 chương, được ghi chép
trong 6 quyển với 722 điều, trong đó, nguyên tắc chiếu cố đã trở thành một
nguyên tắc nổi bật nhất, thể hiện những nét tiến bộ của luật pháp triều Lê. Qua
tìm hiểu về nguyên tắc chiếu cố trong QTHL trên đã giúp thấy được những tư tưởng
tiến bộ, những nét độc đáo riêng trong bộ luật này.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch
sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2013.
2.
Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo
trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2008.
3. Quốc
triều hình luật (Luật hình triều Lê), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2013.
4. Hoàng
Việt luật lệ, Nxb. VHTT, Hà Nội, 1994.
5.
Lê Thị Sơn (chủ biên), Quốc triều hình luật
- Lịch sử hình thành, nội dung và giá trị, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2004.
6. Vũ
Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử
diễn giảng, Sài Gòn, 1973.
7.
Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam thông khảo,
Sài Gòn, 1974.
8.
Viện Nhà nước và Pháp luật, Nghiên cứu về
pháp luật Việt Nam thế kỉ XV - XVIII, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1994.