Mua bán tài sản là hợp đồng thông dụng và phổ biến nhất trong các giao
dịch dân sự. Nó là công cụ pháp lý không thể thiếu để các chủ thể đạt được lợi
ích của mình thông qua việc thỏa thuận về việc chuyển quyền sở hữu tài sản và
chuyển giao tiền. Tuy nhiên, thực tế các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng
mua bán vẫn đang diễn ra phức tạp. Trong phạm vi bài tập nhóm, nhóm chúng em
xin được làm rõ các vấn đề tại tình huống số 1. Tình huống:
Do quen biết, ngày 18/6/2010 anh A có mua một chiếc tàu câu mực của anh
B. Hai bên có lập hợp đồng với giá là 130 triệu đồng, bên mua phải trả tiền
trong thời hạn 2 tháng: từ tháng 7 đến tháng 8/2010. Anh A đã trả tiền trước là
36 triệu 500 đồng, đã nhận tàu và đưa vào hoạt động ngay.
Đến ngày 16/8/2010, anh B
báo cho anh A biết là sẽ lấy toàn bộ số tiền còn lại, và định thời gian là 7
ngày nữa cho anh A. Đến ngày 24/8/2010 anh A không trả đủ tiền nên anh B đã lấy
lại tàu và bán ngay cho người khác.
Anh A cho rằng: việc mua
bán có giấy tờ, quyền sở hữu đã chuyển giao, thời hạn thanh toán ghi là trong
tháng 8, nên việc lấy lại con tàu là vi phạm hợp đồng, xâm phạm đến quyền sở hữu
của anh.
Anh B cho rằng: Ngày làm hợp
đồng là ngày 19/6/2010, và quy định thời hạn trả tiền là 2 tháng, nên hạn cuối
cùng là 19/8, nhưng anh đã gia hạn đến 24/8 là hợp tình và chinh bên mua mới là
người vi phạm.
Được biết, trong 2 tháng đó
anh A đã sửa chữa, tu bổ con tàu hết 16 triệu và yêu cầu được thanh toán nhưng
anh B không đồng ý vì cho rằng con tàu khi bán vẫn hoạt động bình thường, không
có nhu cầu phải sửa chữa.
Hãy cho biết:
1.
Anh B (bên bán) có quyền đòi lại chiếc tàu câu mực trong tình huống trên hay
không?Tại sao?
2. Hợp đồng mua bán giữa A và B
đã được giao kết chưa? Đã phát sinh hiệu lực chưa?
3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu
đối với tài sản trong hợp đồng mua bán? Ý nghĩa pháp lý của việc xác định thời
điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản mua bán?
4. Trách nhiệm chậm thanh toán
tiền trong hợp đồng mua bán tài sản? Trách nhiệm này có gì khác so với trách
nhiệm chậm trả tiền trong hợp đồng vay tiền theo quy định của pháp luật hiện
hành.
5. Căn cứ để tuyên hủy bỏ hợp
đồng mua bán? Việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán có phải là điều kiện hủy bỏ hợp
đồng mua bán theo quy định của pháp luật? Đưa ra giải pháp tổng thể cho tình huống
trên.
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
1.
Anh B (bên bán) có quyền đòi lại chiếc tàu câu mực trong tình huống trên hay
không? Tại sao?
Trả lời: Anh B (bên bán) không có quyền đòi lại chiếc tàu câu mực.
Trong hợp đồng
thông dụng, luật không thừa nhận quyền hủy bỏ hợp đồng của người bán trong trường
hợp người mua không trả tiền. Trong phần chung về hợp đồng, chỉ có quy định tại
Điều 417 (BLDS năm 2005) nhưng Điều 417 cũng không cho phép hủy bỏ hợp đồng
trong những hoàn cảnh nói trên. Khi áp dụng Điều 417, một bên có thể hủy bỏ hợp
đồng nhưng phải với một số điều kiện:
Thứ nhất, đây là hợp đồng song vụ và vụ việc trên là hợp đồng
chuyển nhượng có đền bù nên điều kiện này không thỏa mãn.
Thứ hai, một bên không thực hiện do lỗi của bên kia. Ở vụ việc
này, anh B đòi lại tàu từ anh A mà tàu này lúc giao kết hợp đồng xong, thỏa thuận
xong xuôi anh A đã nhận tàu. Như vậy, để áp dụng Điều 417, phải chứng minh được
anh B “không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi” của anh A. Tuy nhiên đây
là hợp đồng mua bán mà bên bán đã giao tài sản và nhận một khoản thanh toán nhất
định (dù bên mua chưa thanh toán hết) nên điều kiện thứ hai không thỏa mãn. Như
vậy, Điều 417 không được áp dụng đối với hoàn cảnh anh B đòi lại chiếc tàu câu
mực từ anh A. Nói cách khác, hiện nay, không có quy định cho phép hủy bỏ hợp đồng
khi bên mua không thanh toán tiền.
Mặt khác, theo
quy định tại khoản 2 Điều 438 BLDS 2005 quy định về nghĩa vụ trả tiền thì bên
mua phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà
nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Mà trong hợp đồng mua
bán trên không thấy đề cập đến có bất kỳ thỏa thuận nào khác giữa A và B nếu A
chậm trả tiền, nên ưu tiên giải quyết bằng phương pháp là A phải trả lãi suất cho
B đối với số tiền chậm trả đó. Luật cũng không có quy định nào mà anh B được
quyền đòi lại tài sản đã bán nếu anh A không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền
cho anh B khi đến hạn thanh toán.
2.
Hợp đồng mua bán giữa A và B đã được giao kết chưa? Đã
phát sinh hiệu lực chưa?
2.1. Thời điểm giao kết hợp
đồng
Thời điểm
giao kết hợp
đồng có ý
nghĩa quan trọng trong việc xác định đối tượng trong hợp đồng
đó. Ngoài ra, thời điểm giao kết
hợp đồng còn là một trong các căn cứ để
xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Thời điểm
giao kết của hợp
đồng luôn phải
được xác định
một cách cụ thể.
Tuỳ thuộc vào
hình thức thiết lập hợp đồng
mà hợp đồng
dân sự được
coi là giao kết vào các thời điểm
cụ thể. Theo khoản 3, khoản 4 Điều 404 BLDS có quy định, hợp
đồng được giao
kết bằng văn bản thì
thời điểm giao
kết hợp đồng
là thời điểm bên sau cùng
kí vào văn bản.
Trong trường hợp này, xác định thời điểm giao
kết dựa vào hợp đông mà hai bên A và B đã kí kết bằng văn bản. Ngày 18/6/2010
giữa A và B đã có hoạt động mua bán một chiếc tàu câu mực và hai bên đã thực
hiện hành vi mua bán này bằng một hợp đồng có ghi rõ giá trị của chiếc tàu được
bán là 130 triệu đồng. Như vậy, chiếc tàu là một động sản, có đăng ký quyền sở hữu.
Đề bài có ghi rõ, chiếc tàu này đã được giao luôn cho anh A và đi vào sử dụng
sau khi ký hợp đồng, đồng thời quyền sở hữu chiếc tàu đã được chuyển giao. Như
vậy, hợp đồng này đã được giao kết theo đúng thủ tục pháp luật quy định (đề bài
không nói rõ nên mặc định là như vậy).
2.2. Về thời điểm có hiệu lực
của hợp đồng
Việc xác định thời điểm
có hiệu lực của một hợp đồng là rất quan trọng. Bởi kể từ thời điểm hợp đồng có
hiệu lực thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới phát sinh, và được pháp luật bảo
vệ. Căn cứ vào các quy định hiện hành, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được
xác định tại nhiều thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào hình thức của hợp đồng,
tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên, cũng như những quy định khác của pháp luật
chuyên ngành.
Tại Điều 405 Bộ luật
dân sự 2005 quy đinh: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời
điểm giao kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, hợp đồng nói chung sẽ có hiệu lực ngay sau thời điểm giao kết, tuy
nhiên có một số hợp đồng để có hiệu lực không chỉ cần điều kiện bắt buộc mà bên
cạnh đó còn có điều kiện về đăng kí khác.
Xét tình huống trên ta
thấy có trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Theo Nghị định số 97/1997/NĐ – CP, tàu câu mực trên đây phải đăng
ký quyền sở hữu theo điểm d, khoản 1, Điều 2:
“1.
Các loại tàu dưới đây bắt buộc phải được đăng ký theo quy định của quy chế này:
…
d)
Các tàu biển chuyên dùng đánh bắt, chế biến và vận chuyển trong nước thủy hải
sản…”
Như
vậy, theo quy định này nếu như B đã đăng kí quyền sở đối với tàu
câu mực trên thì hợp đồng giữa A và B đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ 2: Theo như quy định tại Nghị định số 97/1997/NĐ-CP, có thể thấy, kể từ
khi hợp đồng hoàn thiện về mặt hình thức thì mới phát sinh thời điểm có hiệu lực
của hợp đồng. Nói cách khác mặc
dù hợp đồng đã được công chứng, nhưng nếu chưa thực hiện thủ tục đăng ký thì vẫn
chưa phát sinh hiệu lực. Như vây mặc dù đã có sự chuyển quyền sở hữu nhưng nếu
B chưa làm thủ tục đăng kí quyền sở hữu thì hợp đồng trên chưa có hiệu lực.
3. Thời điểm chuyển quyền sở
hữu đối với tài sản trong hợp đồng mua bán? Ý nghĩa pháp lý của việc xác định
thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản mua bán?
3.1. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với
tài sản trong hợp đồng mua bán
* Trường hợp đối tượng của hợp đồng mua
bán là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm chuyển quyền sở
hữu được xác định như sau:
- Nếu các bên có thỏa thuận về thời
điểm chuyển quyền sở hữu thì thời điểm chuyển quyền sở hữu cho bên mua được xác
định theo thỏa thuận.
- Nếu pháp luật có quy định về thời
điểm chuyển quyền sở hữu thì xác định theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: đối với hợp
đồng mua trả chậm, trả dần thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua khi bên mua
đã thanh toán đủ tiền cho bên bán.
- Nếu các bên không có thỏa thuận và
pháp luật không có quy định thì thời điểm chuyển quyền sở hữu được xác định là
thời điểm bên bán chuyển giao tài sản cho bên mua.
* Trường hợp đối tượng của hợp đồng mua
bán là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm chuyển quyền sở hữu cho
bên mua là thời điểm hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản cho bên mua.
Tuy nhiên, đối với
tài sản mua bán là nhà ở thì Luật Nhà ở năm 2005 lại có quy định khác về thời
điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở. Theo quy định tại khoản 5 Điều 93 Luật nhà ở
năm 2005, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho bên mua là các thời điểm khác
nhau tùy vào hình thức của hợp đồng. Đối với hợp đồng phải công chứng, chứng thực
thì thời điểm chuyển quyền sở hữu cho bên mua là thời điểm hoàn thành thủ tục
công chứng, chứng thực. Đối với hợp đồng không phải công chứng, chứng thực thì
thời điểm chuyển quyền sở hữu cho bên mua là thời điểm bên mua nhận được nhà ở.
3.2.
Ý nghĩa pháp
lý của việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản mua bán
· Việc xác định thời điểm chuyển quyền
sở hữu là căn cứ để xác lập quyền sở hữu của bên mua đối với tài sản mua bán.
Theo đó chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với
tài sản mua.
· Việc xác định thời điểm chuyển quyền
sở hữu còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm chịu rủi ro đối
với tài sản:
Thời điểm chịu rủi
ro đối với tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản trước hết do các bên thỏa thuận.
Trong trường hợp các bên không thỏa thuận, pháp luật xác định thời điểm chịu rủi
ro đối với tài sản dựa và thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên bán sang
cho bên mua.
Theo đó, đối với
tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro đối với tài sản
cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài
sản mua bán kể từ khi nhận tài sản (khoản 1 Điều 440).
Đối với tài sản
phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục
đăng ký cho bên mua, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục
đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản (khoản 2 Điều 440 – BLDS).
3.3.
Tình huống
Đối với tình huống
trong bài, tàu câu mực là động sản phải đăng ký quyền sở hữu, vì vậy thời điểm
chuyển quyền sở hữu được xác định là thời điểm anh A hoàn thành thủ tục đăng ký
quyền sở hữu đối với con tàu.
4. Trách nhiệm chậm thanh
toán tiền trong hợp đồng mua bán tài sản? Trách nhiệm này có gì khác so với
trách nhiệm chậm trả tiền trong hợp đồng vay tiền theo quy định của pháp luật
hiện hành
v Trách nhiệm chậm thanh toán tiền trong hợp đồng mua bán tài
sản
Điều 438 BLDS quy
định về nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán thì bên mua phải trả tiền vào
thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì phải trả đủ tiền
vào thời điểm và tại địa điểm giao tài sản.
Nếu đến hạn mà bên mua chưa thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trả
tiền thì xử lý theo khoản 2 Điều 438 BLDS. Theo đó thì: “Bên mua phải trả lãi,
kể từ ngày chậm trả theo quy định tại khoản 2 điểu 305 của Bộ luật này, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Theo đó khoản 2 Điều 305 quy định nếu bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó
phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước
công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp
có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Vậy trong trường hợp trên, đã đến hạn nhưng anh A vẫn chưa
thanh toán đầy đủ tiền cho anh B nên anh A phải trả lãi đối với số tiền chưa
thanh toán là 95 triệu 500 nghìn đồng theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước
công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm anh A thanh toán phần
nghĩa vụ còn thiếu.
v Trách nhiệm này có gì khác so với trách nhiệm chậm trả tiền
trong hợp đồng vay tiền theo quy định của pháp luật hiện hành
Trách nhiệm chậm
thanh toán của hai hợp đồng trên là khác nhau: trách nhiệm chập thanh toán của
hợp đồng vay được quy định tại khoản 4, 5 điều 474 còn hợp đồng mua bán tài sản
đưuọc quy định tại khoản 2 điều 305. Theo đó thì:
- Với hợp đồng
mua bán tài sản thì khi chậm thanh toán tiền, bên mua sẽ phải trả lãi đối với
phần nghĩa vụ chưa thực hiện kể từ ngày chậm thanh toán trừ trường hợp hai bên
có thỏa thuận khác. Cón đối với hợp đồng vay tiền, khi chậm trả thì bên vay bên
cho vay có thể gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và cũng có thể không phải trả
thêm lãi. Sở dĩ như vậy vì trường hpwj vay tiền với số tiền lớn dễ dẫn đến việc
chậm trả thường là phục vụ vào ciệ sản xuất kinh doanh. Việc sản xuất kinh
doanh không tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn dẫn đến việc thực hiện nghãi vụ gặp nhiều khó khăn nên đối với hợp đồng vay
có thể sẽ chưa bị tính lãi khi chậm trả.
- Đối với hợp đồng
mua tài sản khi bên mua chậm trả tiền sẽ phải trả lãi đối với số tiền chưa
thanh toán đủ theo lãi suất cơ bản so Ngân hàng Nhà nước cồng bố tướng ứng với
thời gian chậm trả tại thời điển thanh toán. Còn đối với hợp đống vay tiền thì
có thể tồn tại hai cách thức tính lãi riêng biệt áp dụng cho hai trường hợp là
vay có lãi và vay không lãi.
5. Căn cứ để tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán ? Việc vi phạm
nghĩa vụ thanh toán có phải là điều kiện hủy bỏ hợp đồng mua bán theo quy định
của pháp luật? Đưa ra giải pháp tổng thể cho tình huống trên
5.1. Căn cứ để tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán
Khoản 1 Điều 425
BLDS 2005 quy định về hủy bỏ hợp đồng dân sự , như sau: “Một bên có quyền hủy bỏ
hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên có thỏa thuận
hoặc pháp luật có quy định”. Đối với hợp đồng mua bán, các căn cứ để tuyên hủy
bỏ hợp đồng, cụ thể:
Theo Khoản 2, Điều
435 BLDS thì “Trong trường hợp bên bán giao ít hơn số lượng đã thỏa thuận thì
bên mua có một trong các quyền sau đây:
a. Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi
thường thiệt hại;
b. Nhận phần đã giao và định thời hạn để
bên bán giao tiếp phần còn thiếu;
c. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường
thiệt hại”.
Như vậy, căn cứ
thứ nhất để tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán là giao vật ít hơn số lượng đã thỏa thuận.
Tiếp theo, Khoản
1 Điều 436 BLDS quy định: “Trong trường hợp vật được giao không đồng bộ làm cho
mục đích sử dụng của vật không đạt được thì bên mua có một trong các quyền sau
đây:
a. Nhận và yêu cầu bên bán giao tiếp
phần hoặc bộ phận còn thiếu, yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoãn thanh toán
phần hoặc bộ phận đã nhận cho đến khi vật được giao đồng bộ;
b. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường
thiệt hại.
Như vậy, căn cứ
thứ hai để tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán là giao
vật không đồng bộ.
Bên cạnh đó, Điều
437 có quy định về Trách nhiệm giao vật không đúng chủng loại như sau: “Trong
trường hợp vật được giao không đúng chủng lạo thì bên mua có một trong các quyền
sau đây:
1. Nhận và thanh toán theo giá theo các
bên thỏa thuận;
2. Yêu cầu giao đúng chủng loại và bồi
thường thiệt hại;
3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường
thiệt hại”.
Như vậy, căn cứ
thứ ba để tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán là giao
vật không đúng chủng loại.
Ngoài ra, Điều
442 có quy định về Nghĩa vụ cung cấp
thông tin và hướng dẫn cách sử dụng: “Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua
thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu
bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải
thực hiện; nếu bên bán vẫn không thực hiện thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng
và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, căn cứ
thứ tư để tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán là bên
bán không cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng đối với tài sản.
Khoản 2 Điều
443, quy định: “Trong trường hợp tài sản bị người thứ ba tranh chấp thì bên bán
phải đứng về phía bên mua để bảo vệ quyền lợi của bên mua; nếu người thứ ba có
quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản mua bán thì bên mua có quyền hủy bỏ
hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, căn cứ
thứ năm để tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán là bên
bán không đảm bảo quyền sở hữu của bên mua đối với tài sản mua bán.
Tóm lại, có 5
căn cứ để tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán , gồm:
- Giao vật ít hơn số lượng đã thỏa thuận;
- Giao vật không đồng bộ;
- Giao vật không đúng chủng loại;
- Không cung cấp thông tin và hướng dẫn
cách sử dụng đối với tài sản;
- Không đảm bảo quyền sở hữu của bên
mua đối với tài sản mua bán.
5.2. Việc vi phạm nghĩa vụ
thanh toán có phải là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng mua bán theo điều kiện của
pháp luật?
Dựa vào 5 căn cứ
tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán trên, ta thấy việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán
không phải là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng mua bán theo điều kiện của pháp luật.
Điều 438 BLDS quy định về
nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng vay như sau:
“1. Bên mua phải trả đủ tiền
vào thời điểm và tại địa điểm đã thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì phải
trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm giao tài sản.
2. Bên mua phải trả lãi, kể
từ ngày chậm trả theo quy định tại Khoản 2 Điều 305 của Bộ luật này, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, việc vi
phạm nghĩa vụ thanh toán, hay nghĩa vụ trả tiền không là điều kiện để tuyên hủy
bỏ hợp đồng mua bán mà chỉ phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất
cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời
điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định
khác.
5.3. Đưa ra giải pháp tổng
thể cho tình huống
Đối với tình huống
mà đề bài nêu trên, nhóm xin đưa ra một số giải pháp như sau: cả hai bên cùng
thỏa thuận, anh B đưa lại tàu câu mực cho anh A, còn anh A trả đủ số tiền như
đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán trước đó. Ngoài ra, anh A còn phải có
nghĩa vụ trả lãi đối với số tiền chậm trả cho anh B.
Vì anh A vẫn là
chủ sở hữu của chiếc tàu câu mực này rồi nên việc tu bổ, sửa chữa con tàu sẽ do
anh A chịu trách nhiệm. Vì thế anh B sẽ không phải trả lại số tiền 16 triệu do
sửa chữa, tu bổ con tàu cho anh A.
Trên đây là toàn
bộ quan điểm, cách tiếp cận tình huống của nhóm. Trong quá trình giải quyết
tình huống, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sai sót, thiếu sót nhất định,
vì vậy, rất mong nhận được sự nhận xét, góp ý của thầy cô để bài làm được hoàn
thiện hơn, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quan trọng cho những lần sau.
Nhóm xin chân
thành cảm ơn !
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật
Dân sự năm 2005
2. Trường
Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân
sự Việt Nam (tập 2), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009;
3. Lê Đình
Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự
Việt Nam (tập 2), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
4.
Nguyễn Mạnh Bách, Pháp luật về hợp đồng, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 1995;
5. Nguyễn Ngọc Điện, Bình
luận các hợp đồng thông dụng trong luật dân sự Việt Nam, Nxb. Trẻ, Thành phố
Hồ Chí Minh;
6. Nguyễn Mạnh Bách, Luật dân sự Việt Nam lược giải: Các hợp đồng dân sự thông dụng, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997;