Bài tập Hình sự 2: Thấy chiếc máy cày của nhà ông H đang đậu trước sân, do hiếu kỳ nên A đã leo lên, nổ máy chơi. Không ngờ máy nổ. A lúng túng gạt phải cần số làm máy cày chuyển động. Cạnh đó có một đám trẻ con đang chơi bắn bi không để ý và có 2 em bị máy cày cán chết.

Đề bài 04
Thấy chiếc máy cày của nhà ông H đang đậu trước sân, do hiếu kỳ nên A đã leo lên, nổ máy chơi. Không ngờ máy nổ. A lúng túng gạt phải cần số làm máy cày chuyển động. Cạnh đó có một đám trẻ con đang chơi bắn bi không để ý và có 2 em bị máy cày cán chết.
Hỏi:
1. Hãy định tội danh cho A. (2 điểm)
2. Giả sử A mới 15 tuổi thì A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? (2 điểm)
3. Dựa vào đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm hãy xác định tội phạm do A thực hiện là loại CTTP gì? (1 điểm)
4. Giả sử chiếc máy cày đang đậu ở ven đường làng và A có hành vi nêu trên thì tội danh của A có thay đổi không? Tại sao? (2 điểm)


1.Hãy định tội danh cho A .
Trả lời : A phạm tội vô ý làm chết người được quy định tại khoản 2 điều 98 của BLHS.
Điều 98.Tội vô ý làm chết người.
 “ 1.Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
    2.Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
Trong tình huống đề bài đã nêu ra ta thấy hành vi của A có những dấu hiệu pháp lí thỏa mãn cấu thành tội vô ý làm chết người, cụ thể đó là:
Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Thứ nhất, về mặ khách quan, người phạm tội có những hành vi tương tự hành vi của tội giết người; hậu quả xảy ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cũng tương tự như đối với giết người.
Thứ hai, về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi vô ý do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
Theo quy định tại Điều 10 BLHS thì vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
“ Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
  Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hậu quả đó.”
Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề, v.v..
Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.
Trong trường hợp này do hiếu kỳ nên A đã leo lên máy cày để ở sân nhà ông H nổ máy chơi. A lúng túng gạt phải cần số làm máy cày chuyển động. Cạnh đó có một đám trẻ con đang chơi bắn bi không để ý và có 2 em bị máy cày cán chết. Như vậy hành vi A đã gây ra hậu quả chết người. Thỏa mãn về mặt khách quan tội phạm.
Thứ ba, về mặt chủ thể ,chủ thể của tội này là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định. Do đề bài không đề cập đến tuổi và năng lực TNHS của A nên trong trường hợp này mặc nhiên coi rằng A là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định.
Thứ tư, về ý thức chủ quan, lỗi của A là lỗi vô ý. A không chủ đích gây ra cái chết cho 2 đứa trẻ. Có thể thấy A không thấy trước được hậu quả rằng máy cày có thể nổ máy (bất ngờ thấy máy nổ và A lúng túng gạt phải cần số) gây ra cái chết cho 2 đứa trẻ mặc dù trong trường hợp này A buộc phải nhìn thấy được hậu quả này. Như vậy lỗi của A là lỗi vô ý do do cẩu thả.
Hành vi của A dẫn đến cái chết cho 2 người ( 2 đứa trẻ ngồi chơi trên sân ) vì vậy khung hình phạt của A là khoản 2 điều 98 BLHS
Như vậy hành vi của A bị truy cức trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 98 BLHS về tội vô ý làm chết người có tình tiết định khung tăng nặng làm chết 2 người.
Căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt cho A là 10 năm thì theo khoản 3 điều 8 BLHS tội phạm của A là tội phạm rất nghiêm trọng.
2. Giả sử A mới 15 tuổi thì A có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Trả lời: Trong trường hợp A mới 15 tuổi có thể khẳng định A không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo điều khoản 12 BLHS quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
“1.Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2.Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo giả thiết trong trường hợp này A mới 15 tuổi. Như vậy A sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như đã phân tích ở phần mở rộng ý 1: Căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt cho A là 10 năm thì theo khoản 3 điều 8 BLHS tội phạm của A là tội phạm rất nghiêm trọng. Tuy nhiên lỗi của A là lỗi vô ý. A không chủ đích gây ra cái chết cho 2 đứa trẻ.
Vậy theo theo khoản 2 điều 12 BLHS thì A chưa đủ thỏa mãn các yếu tố về mặt chủ thể, bởi vậy sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Dựa vào đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm hãy xác định tội phạm do A thực hiện là loại CTTP gì?
Trả lời : A phạm tội vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 BLHS là loại CTTP vật chất.
Điều 98. Tội vô ý làm chết người
“1.Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
* Cấu thành tội phạm:
Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
 Về khách quan, người phạm tội có những hành vi tương tự hành vi của tội giết người; hậu quả xảy ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cũng tương tự như đối với giết người.
 Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi vô ý do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
*Xác định loại CTTP
Dựa theo cấu trúc cấu thành tội phạm vô ý làm chết người thì đây là tội phạm có cấu thành vật chất. Đối với tội phạm có CTTP vật chất: cần thỏa mãn dấu hiệu về hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả trong đó dấu hiệu hậu quả là bắt buộc, nếu không có hậu quả xảy ra thì không cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể thấy trong tội phạm vô ý làm chết người, yêu cầu phải có hành vi vô ý nguy hiểm có khả năng là chết người cùng với đó là hậu quả chết người do hành vi này đưa lại. Tại điều 98BLHS có viết “Người nào vô ý làm chết người thì…”như vậy có thể thấy hậu quả chết người là yếu tố bắt buộc để xác định CTTP. Nói cách khác hậu quả chết người là bắt buộc, nếu chỉ có hành vi nguy hiểm có nguy cơ làm chết người mà không có hậu quả chết người trên thực tế thì chưa cấu thành được tội vô ý làm chết người. Bởi lẽ đó tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS) là tội có CTTP vật chất.
4. Giả sử chiếc máy cày đang đậu ở ven đường làng và A có hành vi nêu trên thì tội danh của A có thay đổi không? Tại sao?
Trong trường hợp A leo lên máy cày đậu ở ven đường làng và nổ máy chơi. Không ngờ máy nổ. A lúng túng gạt phải cần số làm máy cày chuyển động. Cạnh đó có một đám trẻ con đang chơi bắn bi không để ý và có 2 em bị máy cày cán chết. Trong trường hợp này tội danh của A sẽ thay đổi so với trường hợp máy cày đề trong sân nhà. A sẽ bị truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định giao thông đường bộ ( theo khoản 2 điều 202 BLHS).
Điều 202.Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
“1.Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Khách thể của tội phạm này là sự an toàn của hoạt động giao thông vận tải đường bộ cũng như sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.”
Về nguyên tắc chỉ xử lý hình sự hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi sự vi phạm này có tính nguy hiểm cao, tức là đã gây hậu quả nghiêm trọng về người, về tài sản hoặc sự vi phạm có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Về mặt khách quan của tội phạm. Thứ nhất cần làm rõ khái niệm :
- Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hành vi trực tiếp thực hiện các chứng năng điều kiển sự vận động của phương tiện giao thông vận tải đường bộ.
- Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. ( theo điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)
Hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ở đây là sự thực hiện không đúng những quy định về điều kiển phương tiện giao thông đường bộ.
Hành vi vi phạm bị coi là phạm tội khi :
- Hành vi vi phạm gây thiệt hại đến tính mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tài sản.
- Hành vi vi phạm có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý. Tùy từng trường hợp cụ thể mà lỗi của người phạm tội có thể là lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả. Trong cả hai trường hợp lỗi trên, người phạm tội hoàn toàn không mong muốn cho hậu quả xảy ra.
Xét trong trường hợp này:
Thứ nhất, hành vi của A đã gây hậu quả nghiêm trọng về người cụ thể làm chết hai đứa trẻ. A đã thực hiện hành vi leo lên máy cày đậu ở ven đường làng và nổ máy chơi. Không ngờ máy nổ A gạt phải cần số làm máy cày chuyển động. Như vậy dù không chủ ý điều kiển nhưng hành vi của A đã thỏa mãn các dấu hiệu của việc điều khiển phương tiện. Hành vi điều khiển này đã không đảm bảo quy định an toàn gây nên hậu quả chết người.
Thứ hai ,về phương tiện, trong trường hợp này là máy cày, có nhiều quan điểm cho rằng máy cày không phải phương tiện giao thông đường bộ tuy nhiên theo khoản 17, 18, 19 Luật giao thông đường bộ thì: Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.
 - Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
 - Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
 - Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
- Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.
Như vậy máy kéo có thể xếp vào xe máy phục vụ nông nghiệp – xe máy chuyên và như vậy cũng là phương tiện giao thông đường bộ.
Về ý thức chủ quan ,lỗi của A là lỗi vô ý. A không chủ đích gây ra cái chết cho 2 đứa trẻ. Có thể thấy A không thấy trước được hậu quả rằng máy cày có thể nổ máy (bất ngờ thấy máy nổ và A lúng túng gạt phải cần số) gây ra cái chết cho 2 đứa trẻ mặc dù trong trường hợp này A buộc phải nhìn thấy được hậu quả này. Như vậy lỗi của A là lỗi vô ý do do cẩu thả.
Lý do tội danh của A trong trường hợp này thay đổi từ tội vô ý làm chết người sang tội vi phạm quy định về điều kiển phương tiện giao thông đường bộ là do máy cày đang được đặt trên đường làng, như vậy hành vi leo lên máy cày và điều kiển như A đã thực hiện không chỉ có nguy cơ xâm phạm, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của người khác mà đã xâm hại đến sự an toàn của hoạt động giao thông vận tải đường bộ.
Theo Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/04/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC
“4.2 Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là "gây hậu quả rất nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
A. Làm chết hai người;
B. Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;
C. Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
D. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%;
Đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;”
Như vậy hành vi của A làm chết 2 người phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Tập I, Nxb. CAND, Hà Nội, 2012.
2.Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), tập 1, Nxb. TPHCM, 2002.
3.Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
4. Luật giao thông đường bộ
4.Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP
5. Hà Hồng Sơn ;Nghd. : TS. Trịnh Tiến Việt, Các tội vô ý làm chết người theo luật hình sự Việt Nam và thực tiễn xét xử ở nước ta hiện nay.


Related Post

Previous
Next Post »