Đề bài:
Vũ K (37 tuổi) và Trần Kim H (41 tuổi) đã
bàn bạc trước rất kỹ càng về việc chiếm đoạt tài sản của gia đình ông N (giám đốc
một doanh nghiệp). Chiều 07/02/2010, lợi dụng gia đình ông N đi sắm tết, K và H
mang theo một túi quà đến gõ cửa nhà ông N và nói với bà P (57 tuổi, là người
giúp việc) là đến để chúc tết gia đình. Không nghi ngờ gì, bà P đã mở cửa cho K
và H vào nhà. Sau khi vào nhà, chúng vờ xin nước uống rồi xông vào đe doạ và định
trói bà P. Bà P sợ hãi van xin K, H và nói: “Các anh lấy gì thì cứ lấy, tôi chỉ
là người giúp việc thôi”
K và H phá két sắt của gia đình, lấy đi 70
triệu đồng, 47 chỉ vàng cùng một số ngoại tệ .Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt
là 460 triệu đồng. Sau khi K, H lấy được tài sản và bỏ đi thì bà P mới chạy ra
đường hô hoán. K, H bị bắt giữ ngay sau đó.
Có 3 ý kiến khác nhau về tội danh của K và
H:
a. K và H phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài
sản vì chúng đã có hành vi gian dối đánh lừa người giúp việc.
b. K và H phạm tội trộm cắp tài sản vì
chúng có hành vi lợi dụng lúc gia đình ông N đi vắng để lấy tài sản. Tuy bà P ở
nhà nhưng bà chỉ là người giúp việc, không phải là chủ sở hữu của những tài sản
đó, và giả sử bà P lợi dụng hoàn cảnh đó để lấy tài sản của chủ thì bà P cũng sẽ
bi coi là phạm tội trộm cắp tài sản.
c. K và H phạm tội công nhiên chiếm đoạt
tài sản vì chúng công khai lấy tài sản
trước mắt người giúp việc.
Hỏi:
1. K và H phạm tội gì? Hãy chứng minh.
2. Hãy phản bác các ý kiến mà anh (chị)
cho là sai.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế
thị trường đã và đang nảy sinh những mặt trái của nó. Đó là sự tha hóa trong lối
sống, đạo đức của một bộ phận những người có lối sống tiêu cực, muốn hưởng thụ
về vật chất nhưng lại lười lao động nên đã dấn thân vào con đường phạm tội, trong
đó cướp tài sản là loại tội diễn ra tương đối phổ biến. Để đi sâu tìm hiểu làm
rõ những dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội cướp tài sản so với các tội xâm phạm
sở hữu khác, em xin chọn đề bài số 02 để đi sâu phân tích làm rõ một tình huống
cụ thể, qua đó làm sáng rõ về hình thức tội phạm này.
1.
K
và H phạm tội gì? Hãy chứng minh.
K và H phạm tội cướp tài sản.
Tội cướp tài sản được quy định tại điều
133 BLHS như sau: “1.Người nào dùng vũ lực,
đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng
không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản..”[1]
Như vậy, ta có thể thấy: Tội cướp tài sản
xâm phạm tới khách thể là quyền sở hữu đối với tài sản, ngoài ra còn xâm phạm đến
tính mạng, sức khỏe của công dân.
Hành
vi khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ
lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng
không thể chống cự được. Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực
tiếp nhằm mục đích vụ lợi, do chủ thể là người có năng lực trách nhiệm hình sự
và đạt độ tuổi luật định.[2]
Áp dụng phận tích vào bài ra, ta có:
K và H không những xâm phạm đến khách thể
là quyền sở hữu của gia đình ông N đối với số tài sản bị H và K lấy mất mà còn
xâm phạm đến sức khỏe tính mạng của bà P (người giúp việc nhà ông N).
Về mặt
khách quan: K và H đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc “xông vào
đe doạ và định trói bà P” tác động trực tiếp vào bà P – người quản lý tài sản (Trong
đề bài đưa ra, bà P tuy không phải là chủ sở hữu chính thức đối với tài sản bị
cướp vì chủ sở hữu là ông N, nhưng bà P được ông N giao cho quản lý tài sản, do
bà P là người giúp việc trong gia đình). K và H xác định và cho rằng bà P (người
quản lý tài sản) có thể là người sẽ cản trở việc thực hiện hành chiếm đoạt tài
sản gia đình ông N của chúng, nên chúng đã đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với
bà P. Xét về cách thức đe dọa, chúng đã chọn thời điểm gia đình ông N đi vắng
chỉ còn bà P ở nhà, địa điểm: chúng đã vào được tận trong nhà. Bà P là một người
phụ nữ, tuổi cũng đã cao lại (57 tuổi) vào hoàn cảnh một mình ở trong nhà,
trong khi đó K(37 tuổi) và H(41 tuổi) là 2 người đàn ông còn khá trẻ, họ có sức
khỏe. So sánh tương quan cả về số lượng, tình trạng sức khỏe hiện tại thì ta dễ
dàng nhận thấy sự chênh lệch rõ rệt và khi bị dùng vũ lực thật sự thì bà P là rất
khó có thể chống cự được. Do đó, khi K và H vào được trong nhà, thấy K và H có
hành vi “xông vào đe dọa” ‘định trói” thì bà P hiểu rằng, nếu không để K và H lấy
tài sản thì lập tức bà sẽ bị chúng sử dụng vũ lực ngay tức khắc. Do đó bà có biểu
hiện “sợ hãi van xin” qua biểu hiện này ta thấy, những hành vi của K và H đã
làm cho bà P nhận thức được tính mạng, sức khỏe của bà đang bị đe dọa. Dẫn tới
việc ý chí phản kháng của bà P bị tê liệt, sức chống cự của bà P đối với hành
vi của chúng không còn, do đó bà không thể biểu hiện được hành vi ngăn cản việc
thực hiện tội phạm của chúng, và đã nói “Các anh lấy gì thì cứ lấy, tôi chỉ là
người giúp việc thôi”. Sau khi K và H lấy được tài sản và bỏ đi, bà P mới có điều
kiện để “chạy ra đường hô hoán”, lúc này bà không còn bị tê liệt về ý chí nữa,
bà đã biểu hiện sự phản kháng thông qua việc thông báo cho mọi người biết về
hành vi phạm tội của K và H.
Sau khi thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực
ngay tức khắc đối với bà P, K và H thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chúng
“phá két sắt của gia đình, lấy đi 70 triệu đồng, 47 chỉ vàng cùng một số ngoại
tệ. Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 460 triệu đồng”. Đây là một số lượng
tài sản lớn, phản ánh mức độ xâm hại quan hệ sở hữu cao.
Về mặt
chủ quan: K và H thực hiện tội cướp tài sản với hình thức lỗi cố ý trực tiếp.
Giữa K và H đã có sự “bàn bạc trước rất kỹ càng” chúng đã có sự tính toán về việc
chiếm đoạt tài sản gia đình ông N. Đối tượng chúng định cướp là gia đình ông N
– chủ doanh nghiệp- như vậy chúng xác định, trong nhà ông N chắc chắn sẽ có nhiều
tài sản có giá trị. Chúng còn xác định thời gian gia đình ông N đi vắng lúc
nào, tìm hiểu rõ trong nhà chỉ còn mình bà P là người giúp việc. K và H đã chủ
động đưa ra thông tin sai lệch để được vào trong nhà ông N (nói là đến chúc tết).
Chúng tạo cho mình những điều kiện thuận lợi để thực hiện việc cướp tài sản của
gia đình ông N được nhanh chóng và dễ dàng nhất. Về lý trí, khi thực hiện hành
vi cướp tài sản K và H nhận thức được hành vi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội,
trái pháp luật. K và H cũng đều nhận thức và biết rõ về hậu quả chung mà cả 2
phải gánh chịu khi tham gia thực hiện. Về ý chí K và H có ý thức mong muốn đạt
được mục đích chiếm đoạt được tài sản (K và H cướp được tài sản, tổng giá trị
tài sản lớn). Mục đích của chúng là cướp được tài sản của nhà ông N. Tổng số tiền
chúng cướp được là 460 triệu đồng, điều này biểu thị tính chất mức độ nguy hiểm
do hành vi K và H gây ra mang tính nguy hiểm cao.
Về mặt
chủ thể: K và H đều đạt độ tuổi theo luật định Vũ K (37 tuổi) và Trần Kim H
(41 tuổi) họ hoàn toàn có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. K
và H ở một tuổi đã chín chắn trong nhận thức và điều khiển hành vi. Với sức khỏe
của mình, họ hoàn toàn có thể kiếm những đồng tiền lương thiện nhưng họ đã chọn
cách thực hiện tội phạm để chiếm đoạt tài sản.
Từ những phân tích nêu trên, ta xác định K
và H phạm tội Cướp tài sản quy định tại điều 133 BLHS với tình tiết tăng nặng
trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, khoản 3 điều 133 BLHS “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm
triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”.
Ngoài ra, theo đề bài, ta nhận định K và H
là đồng phạm về tội Cướp tài sản theo điều 133 BLHS với vai trò của cả 2 đều là
người thực hành. Vì: việc thực hiện tội phạm giữa K và H đã thỏa mãn dấu hiệu về
số lượng; các hành vi của K và H có sự liên kết với nhau (họ cùng xông vào định
trói bà P, cùng phá két sắt, cùng lấy tiền…); họ cùng cố ý thực hiện tội phạm,
họ đã có sự bàn bạc trước với nhau về thời gian gây án, mong muốn có sự tham
gia thực hiện của người kia, họ cùng mục đích chiếm đoạt tài sản của nhà ông N(xác
định từ trước mục tiêu là tài sản của ông N), cùng nhận thức được hành vi trái
pháp luật của mình gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới các quan hệ xã hội mà
pháp luật bảo vệ nhưng vẫn thực hiện…
2. Hãy phản bác những ý kiến mà anh (chị)
cho là sai.
2.1. Về quan điểm cho rằng “K và H phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
vì chúng đã có hành vi gian dối đánh lừa người giúp việc.”
Trước tiên, ta khẳng định: đây là quan điểm
sai.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài xâm phạm đến
khách thể là quyền sở hữu đối với tài sản. Mặt khách quan của tội phạm thể hiện
ở hai hành vi: hành vi lừa dối (hành vi đưa ra thông tin không đúng sự thật) và
hành vi chiếm đoạt, trong đó, hành vi lừa dối là biểu hiện cụ thể của thủ đoạn
gian dối–dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về mặt chủ
quan, người phạm tội biết đó là thông tin sai sự thật nhưng mong muốn người
khác tin đó là sự thật. Tội phạm được thực hiện bởi chủ thể có NLTNHS và đạt độ
tuổi theo luật định.[3]
Tội
lừa đảo chiếm đoạt tài sản phân biệt với tội cướp tài sản đặc trưng nhất bởi
cách thức có được tài sản của tội phạm. Ở tội cướp tài sản, người phạm tội dùng
vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm người bị tấn
công rơi vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, do được
miêu tả trong điều luật bằng các hành vi phạm tội nên tội cướp tài sản có CTTP
hình thức. Còn ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội thông qua hành
vi lừa dối (đưa ra thông tin không đúng sự thật) làm cho chủ tài sản tin đó là
sự thật và tự nguyện giao tài sản, đây là tội có CTTP vật chất.
Vận dụng vào bài ra, ta có: Lúc đầu, K và
H đã thực hiện thủ đoạn gian dối. : K và H đã đưa ra thông tin không đúng sự thật
về việc đến để chúc tết. Chúng “lợi dụng việc gia đình ông N đi sắm tết, K và H
mang theo một túi quà đến gõ cửa nhà ông N và nói với bà P là đến để chúc tết”,
như vậy, K và H đã giả danh người quen biết của gia đình ông N để tạo lòng tin
của bà P (người được giao quản lý tài sản) bà P tin K và H đến chúc tết thật và
cho phép K và H vào trong nhà một cách dễ dàng. Tuy nhiên, việc thực hiện hành
vi gian dối của chúng chỉ dừng lại ở việc tiếp cận được tài sản, giữa chúng và
bà P không có diễn ra một hợp đồng nào khiến bà P tự nguyện giao tài sản cho K
và H. Mặt khác, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ được coi là hoàn thành khi
người phạm tội nhận được tài sản trên cơ sở người quản lý tài sản do nhầm lẫn,
tin người phạm tội mà tự nguyện giao tài sản, nhưng trong theo bài ra ta có: việc
chúng có được tài sản là do chúng đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc đối với bà P
và tự chúng thực hiện hành vi chiếm đoạt “phá két sắt lấy tiền…”Trong trường hợp
này, không có hợp đồng nào được xác lập, cũng chưa có hành vi tự nguyện giao
tài sản của người được giao quản lý tài sản (bà P). Khi đưa ra thông tin gian dối
để vào được trong nhà thì K và H lại có những hành vi đặc trưng của tội cướp
tài sản, chúng “xông vào đe dọa” “ định trói” bà P, làm tê liệt ý chí phản kháng
của bà P và sau đó chúng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Như vậy hành vi
gian dối của K và H không có quan hệ chặt chẽ với hành vi chiếm đoạt tài sản,
hành vi gian dối mà K và H thực hiện chỉ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho K và
H tiếp cận được tài sản và thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của tội
cướp tài sản. Tài sản mà chúng chiếm đoạt được là do chúng tự thực hiện hành vi
chiếm đoạt chứ không có sự “tự nguyện” đưa cho của chủ tài sản.
Như vậy, ta kết luận quan điểm “K và H phạm
tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì chúng đã có hành vi gian dối đánh lừa người
giúp việc.” là sai.
2.2. Về quan điểm “K và H phạm tội trộm cắp tài sản vì chúng có hành vi
lợi dụng lúc gia đình ông N đi vắng để lấy tài sản. Tuy bà P ở nhà nhưng bà chỉ
là người giúp việc, không phải là chủ sở hữu của những tài sản đó, và giả sử bà
P lợi dụng hoàn cảnh đó để lấy tài sản của chủ thì bà P cũng sẽ bi coi là phạm tội
trộm cắp tài sản.”
Thứ
nhất, về quan điểm “K và H phạm tội trộm cắp tài sản vì chúng có hành vi lợi
dụng lúc gia đình ông N đi vắng để lấy tài sản. Tuy bà P ở nhà nhưng bà chỉ là
người giúp việc, không phải là chủ sở hữu của những tài sản đó”. Đây là quan điểm
sai.
Tội trộm cắp tài sản xâm hại đến quyền sở
hữu đối với tài sản. Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật, trốn tránh sự
phát hiện của người quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản. Hành vi khách quan của
tội trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt với đặc trưng thể hiện ở dấu hiệu
lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ (đang có người quản lý). Tội phạm được
thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, do người có NLTNHS và đạt độ tuổi theo quy định
thực hiện.[4]
Tội cướp
tài sản phân biệt với tội trộm cắp tài sản đặc trưng nhất qua tính chất
hành vi chiếm đoạt. Ở tội cướp tài sản, tính chất hành vi là dùng vũ lực đe dọa
dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm
vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản, ở đây, mức độ đe
dọa được thể hiện cao độ, tình chất nguy hiểm của tội phạm được biểu hiện rõ, thông
qua việc tác động vào ý chí của chủ sở hữu tài sản, người phạm tội mới chiếm đoạt
được tài sản. Còn ở tội trộm cắp tài sản, người phạm tội không tác động vào chủ
tài sản, mà lén lút, tránh sự phát hiện của chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản,
chủ tài sản không gặp thiệt hại hoặc đe dọa bị gây thiệt hại về tính mạng, sức
khỏe, ở đây, mức độ nguy hiểm của tội phạm thấp hơn tội cướp tài sản.
Phân
tích tình huống, ta có: Xét về dấu hiệu tài sản đang có chủ. Tuy gia đình ông N
(chủ sở hữu đích thực của tài sản) đi vắng, nhưng bà P là người giúp việc, bà P
đương nhiên là người có trách nhiệm, nghĩa vụ trông coi quản lý tài sản. Tức
là, tài sản của gia đình ông N – đối tượng tác động của hành vi chiếm đoạt của
K và H vẫn đang có người quản lý (bà P đang trông coi bảo vệ, tài sản thuộc sự
chiếm hữu của bà P), như vậy, khi K và H có hành vi lấy tài sản trước mặt bà P
không thể được coi là việc lén lút. Mặt kháckhác, việc K và H “mang theo một
túi quà” và “nói với bà P là đến chúc tết gia đình” đây không phải là việc bằng
cách này hay cách khác trốn tranh sự phát hiện của người quản lý tài sản, cũng
không phải là hành vi lén lút, bí mật. Việc K và H đến bà P biết, thậm chí bà
còn “mở cửa cho K và H vào nhà”, việc làm của K và H biểu hiện rõ ràng việc
không trốn tránh sự phát hiện của bà P – người được giao quản lý tài sản, mà
chúng còn được công khai tiếp cận tài sản. Việc K và H hành vi chiếm đoạt tài sản
là do chúng đã tác động vào bà P “xông vào đe dọa” “định trói” bà P mà đạt được.
Như vậy, xét về dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là “tính lén lút,
trốn tránh sự phát hiện của người quản lý tài sản” trong quá trình thực hiện tội
phạm của K và H không có, không thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm này, do đó, nói
“K và H phạm tội trộm cắp tài sản vì chúng có hành vi lợi dụng lúc gia đình ông
N đi vắng để lấy tài sản, tuy bà P ở nhà nhưng bà chỉ là người giúp việc, không
phải là chủ sở hữu của những tài sản đó” là sai.
Thứ
hai, về quan điểm “giả sử bà P lợi dụng hoàn cảnh đó để lấy tài sản của chủ
thì bà P cũng sẽ bi coi là phạm tội trộm cắp tài sản” đây là quan điểm sai.
Trong trường hợp này, bà P phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
xâm hại đến quyền sở hữu đối với tài sản. Mặt khách quan biểu hiện qua hành vi
chiếm đoạt tài sản mà người chủ tài sản đã tín nhiệm giao cho một cách ngay thẳng
hợp pháp. Việc được giao tài sản không phải do người phạm tội dùng thủ đoạn
gian dối mà do do có lòng tin từ trước. Mục địch chiếm đoạt xuất hiện sau khi
được giao tài sản.[5]
Ta
phân biệt tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tội trộm cắp tài sản
qua dấu hiệu thời điểm người phạm tội nảy sinh ý thức phạm tội và cách thức
có được tài sản. Tội trộm cắp tài sản phát sinh khi người phạm tội chưa có được
tài sản, người phạm tội phải thực hiện hành vi lén lút, trốn tránh sự phát hiện
của chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản. Còn ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt
tài sản, tài sản có được là do người chủ tài sản tin tưởng giao cho và ý thức
phạm tội xuất hiện sau khi người phạm tội đã có được tài sản.[6]
Theo bài ra, ta có: Việc chuyển giao tài sản
giữa ông N và bà P là hoàn toàn ngay thẳng. Do có sự tin tưởng từ trước đối với
bà P (bà P là người giúp việc trong nhà) nên khi cả gia đình đi sắm tết, ông N
đã không nghi ngờ và để toàn bộ tài sản trong nhà cho bà P quản lý. Ở đây, việc
bà P có được tài sản không phải do bà dùng thủ đoạn gian dối do có lòng tin của
ông N từ trước (việc người giúp việc trong nhà quản lý tài sản khi chủ nhà đi vắng
là chuyện đương nhiên), trách nhiệm của bà P là phải trông coi tài sản. Theo đề
bài ra, thì bà P đang nắm giữ quản lý số tài sản của ông N. Nhưng khi K và H có
hành vi chiếm đoạt tài sản dẫn đến thiệt hại về tài sản mà bà P lại dụng hoàn cảnh
đó để lấy tài sản của chủ thì tức là bà đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt
tài sản. Bà lợi dụng việc K và H có lấy tài sản, và bà cũng lấy tài sản. Như vậy,
mọi người đều sẽ tin rằng tất cả số thiệt hại về tài sản đều do K và H chiếm doạt,
bà P sẽ không bị phát hiện về số tài sản bà lấy sau này. Trước khi có hành vi
chiếm đoạt tài sản của K và H, bà P không hề có ý định chiếm đoạt mà bà đang là
người quản lý tài sản. Tuy nhiên, bà lợi dụng sự việc có thật là K, H chiếm đoạt
tài sản trong nhà, P liền nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối
của bà P biểu hiện qua việc lợi dụng vụ cướp tài sản của K và H để chiếm đoạt
tài sản mà bà đang đang quản lý. Như vậy, giả sử bà P lợi dụng hoàn cảnh đó để
lấy tài sản của chủ thì bà P cũng sẽ bị coi là phạm tội trộm cắp tài sản là
sai. Bà P phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
2.3. Về quan điểm “K và H phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì
chúng công khai lấy tài sản trước mắt
người giúp việc”
Đây là quan điểm sai.
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản xâm phạm
quyền sở hữu đối với tài sản. Công nhiên chiếm đoạt tài sản là lợi dụng người
chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công khai chiếm đoạt tài sản của họ.
Mặt khách quan biểu hiện qua hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tội phạm do
chủ thể có NLTNHS và đạt độ tuổi thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.[7]
Tội
công nhiên chiếm đoạt tài sản phân biệt rõ nhât với tội cướp tài sản qua thủ
đoạn chiếm đoạt. Trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, người quản lý tuy biết
việc chiếm đoạt đang xảy ra nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan (không do
người phạm tội mang lại) nên không có khả năng quản lý bảo vệ tài sản, mà người
phạm tội đã lợi dụng tình trạng này của người quản lý tài sản ngang nhiên lấy
tài sản trước mắt người quản lý tài sản. Ở tội cướp tài sản, người phạm tội bị
đẩy vào tình trạng tê liệt về ý chí, không có khả năng quản lý và bảo vệ tài sản,
khiến cho những hành vi cản trở tội phạm không được thực hiện.
Đối chiếu vào bài, ta thấy: Đối với bà P,
K và H đã dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận được vào trong nhà, nơi có tài sản,
khi chiếm đoạt, chúng có tính chất công khai trắng trợn, tuy nhiên, khi thực hiện
hành vi chiếm đoạt, chúng đã phải dùng đến thủ đoạn đe dọa dùng vũ lực ngay tức
khắc “xông vào đe dọa và định trói” bà P. Người được giao quản lý tài sản (tức
bà P) không bảo vệ được tài sản tuy biết việc chiếm đoạt đang xảy ra nhưng do
điều kiện khách quan K và H đưa đến (chúng xông vào đe dọa và định trói bà P)
nên bà P không có khả năng quản lý, bảo vệ tài sản. Chúng không lợi dụng sơ hở
của bà P khi đi rót nước mà chúng vô hiệu hóa sự phản kháng của bà P bằng cách
đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tài sản bà P đang được phép
trông coi quản lý. Sau đó, dù chúng có công khai, trắng trợn lấy tài sản trước
mặt bà P đi chăng nữa thì cũng không phải là biểu hiện của tội công nhiên chiếm
đoạt tài sản.
Như vậy, quan điểm “K và H phạm tội công
nhiên chiếm đoạt tài sản vì chúng công khai lấy tài sản trước mắt người giúp việc” là sai.
Từ những nhận định trên đây, em hi vọng đã
mang lại một cách giải quyết yêu cầu đề bài đưa ra một cách xác đáng, và có sự
phân biệt giữa các tội phạm một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. Em hi vọng,
thông qua bài tập này, sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh, góp phần đẩy lùi các tội
phạm xâm phạm sở hữu trong đời sống xã hội hiện nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ
Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 sửa đổi bổ sung
năm 2009.
2. Trường
Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình
sự Việt Nam tập 1, Nxb Công an nhân dân, năm 2010.
3. Trường
Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình
sự Việt Nam tập 2, Nxb Công an nhân dân, năm 2010.
4. Khoa
Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo
trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb Đại học Quốc gia, năm
2007.
5. TS.
Lê Đăng Doanh, Định tội danh đối với các
tội xâm phạm sở hữu (Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009),
Nxb Tư pháp, Hà Nội, năm 2013.
6. Ths.
Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học bộ luật
hình sự phần các tội phạm tập II, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2002.
7. Ts.
Trần Minh Hưởng, Học viện cảnh sát nhân dân,
Hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam tập 1, Bình luận khoa học bộ luật hình sự
đã được sửa đổi bỏ sung năm 2009 thực hiện ngày 1/1/2010, Nxb Lao động, năm
2009
8. PGS.TS
Nguyễn Ngọc Hòa, PGS.TS Lê Thị Sơn, Từ điển
pháp luật hình sự, Nxb Tư pháp, Hà Nội,
2006.
9. TS.
Dương Tuyết Miên, Định tội danh và quyết
định hình phạt, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, năm 2007.
10.
Ths. Đinh Văn Báu, Tội cướp tài sản theo luật Hình sự Việt Nam, Tạp chí Luật học số
10/2010, tr3-9.
11.
Mai Thị Thanh Nhung, Một số vấn đề về định tội danh nhóm tội xâm
phạm sở hữu có tính chiếm đoạt theo quy định Bộ Luật Hình sự Việt Nam, Khóa
luận tốt nghiệp, Hà Nội, năm 2012
[1] Điều 133, Bộ Luật Hình sự nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1999 sửa đổi bỏ sung năm 2009.
[2] TS. Trần Minh Hưởng, Hệ thống
pháp luật Hình sự Việt Nam tập I Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự đã được sửa
đổi bổ sung năm 2009, Nxb Lao động, Hà Nội, Năm 2009, trang 276,277,278
[3]
TS. Trần Minh Hưởng, Hệ thống
pháp luật Hình sự Việt Nam tập I Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự đã được sửa
đổi bổ sung năm 2009, Nxb Lao động, Hà Nội, Năm 2009
[4] TS. Trần Minh Hưởng, Hệ thống
pháp luật Hình sự Việt Nam tập I Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự đã được sửa
đổi bổ sung năm 2009, Nxb Lao động, Hà Nội, Năm 2009
[5] TS. Trần Minh Hưởng, Hệ thống
pháp luật Hình sự Việt Nam tập I Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự đã được sửa
đổi bổ sung năm 2009, Nxb Lao động, Hà Nội, Năm 2009, tr
[6] TS. Lê Đăng Doanh, Định tội đối với
các tội xâm phạm sở hữu, Nxb Tư pháp, Hà Nội, năm 2013, tr27
[7] TS. Trần Minh Hưởng, Hệ thống
pháp luật Hình sự Việt Nam tập I Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự đã được sửa
đổi bổ sung năm 2009, Nxb Lao động, Hà Nội, Năm 2009, tr