Là một nước ven Biển Đông, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.200 km với hàng nghìn hòn đảo và các vùng biển rộng lớn. Kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp vô cùng lớn cho nền kinh tế đất nước. Các hoạt động liên quan đến biển có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và nhân dân ta. Chính vì vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, tạo cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển Việt Nam và quy chế pháp lý của các vùng biển đó là vô cùng cần thiết, nó góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của Việt Nam.
Để hình thành nên cách xác định và quy chế pháp lý các vùng biển như hiện nay Việt Nam đã phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từng bước xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý về các vùng biển. Xuất phát từ tầm quan trọng của biển đối với đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, em xin lựa chọn đề tài: “Phân tích quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách xác định và quy chế pháp lý các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982. Thực hiện Nghị quyết nêu trên của Quốc hội và để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, ngay từ năm 1998, việc xây dựng Luật Biển Việt Nam đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc Hội khóa X.
Dự thảo Luật Biển Việt Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII (tháng 12 năm 2011). Trong phiên họp ngày 21 tháng 6 năm 2012, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII Luật Biển Việt Nam đã được thông qua với số phiếu tán thành 495/496 phiếu, đạt tỷ lệ 99,8%.
Điều 2 Công ước Luật biển năm 1982 quy định: “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thuỷ của mình, (…) đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải (…).”
Như vậy, theo Công ước Luật biển năm 1982, các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam bao gồm vùng nội thuỷ và lãnh hải.
Do hoàn cảnh chiến tranh, Việt Nam chỉ thực sự có điều kiện ban hành quy định pháp lý về biển kể từ năm 1977. Quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý về biển nói chung cũng như quy định về các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nói riêng được thể thiện qua các văn bản pháp lý sau:
- Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
- Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam ngày 12/11/1982
- Luật biển Việt Nam năm 2012.
Điều 1 của Tuyên bố này ghi nhận:
Lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định là rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam.
Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam như sau:
1. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền các điểm có tọa độ ghi trong phụ lục đính theo Tuyên bố này.
2. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam từ điểm tiếp giáp 0 của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và PouLo Wai, đến đảo Cồn Cỏ theo các tọa độ ghi trong phụ lục nói trên được vạch trên các bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản đến 1979.
Vùng nước phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển, hải đảo của Việt Nam là nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về quy chế pháp lý các vùng biển, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề bất đồng về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên.
- Về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (Điều 8):
Luật biển Việt Nam quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố.
Năm 1982, Chính phủ đã ra Tuyên bố xác định đường cơ sở từ đảo Thổ Chu đến đảo Cồn Cỏ, gồm 10 đoạn thẳng gãy khúc nối giữa các điểm nhô ra xa nhất của các đảo ven bờ và bờ biển Việt Nam được xác định theo phương pháp “đường cơ sở thẳng” quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và phù hợp với thực tiễn quốc tế.
- Về phạm vi và chế độ pháp lý của nội thuỷ (Điều 9, Điều 10):
Nội thuỷ của nước ta là vùng nước nằm giữa bờ biển và đường cơ sở. Nhà nước ta thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy.
- Về phạm vi và chế độ pháp lý của lãnh hải (Điều 11, Điều 12):
Lãnh hải của nước ta rộng 12 hải lý (mỗi hải lý bằng 1852m) kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Nhà nước ta thực hiện chủ quyền đối với lãnh hải Việt Nam, tuy nhiên tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải.
Về việc đi qua không gây hại trong lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài: Phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam quy định tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải nước ta. Tàu quân sự nước ngoài thông báo trước khi đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam.
Luật biển Việt Nam đã nội luật hóa các điều khoản thuộc Mục 3, Phần II trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định về đi qua không gây hại trong lãnh hải. Việc Luật quy định tàu quân sự nước ngoài thông báo trước khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam là phù hợp với thực tiễn quốc tế và không trái với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Cụ thể, quy định trên của Luật biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp với khoản 1 (a) Điều 24 trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, theo đó đã quy định các quốc gia ven biển không được “áp đặt cho tàu thuyền nước ngoài những nghĩa vụ dẫn đến việc cản trở hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của các tàu thuyền này”.
Luật biển Việt Nam chỉ quy định thông báo trước các thông tin liên quan, không yêu cầu phải xin phép như quy định của một số nước, do đó không phải là sự cản trở hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của tàu quân sự nước ngoài. Trước đây, quy định của pháp luật Việt Nam yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước (Nghị định số 30/CP của Chính phủ năm 1980), nay Luật biển Việt Nam đã bỏ yêu cầu này và chỉ quy định cần thông báo để các cơ quan quản lý biết, điều phối cho việc qua lại được thuận lợi.
So với các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Luật Biển Việt Nam có một số điểm mới quan trọng sau:
Thứ nhất, Luật biển Việt Nam quy định một cách đầy đủ hơn về phạm vi, chế độ pháp lý các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, phù hợp với quy định tương ứng trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Thứ hai, Luật biển Việt Nam quy định chi tiết về việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam. Với quy định này của Luật biển Việt Nam, ta đã bỏ quy định trước đây yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam.
Thứ ba, thông qua Luật biển Việt Nam ở thời điểm hiện tại góp phần nâng cao hiệu quả quản lý biển, đảm bảo an toàn, an ninh trên biển. Đây là cơ sở quan trọng góp phần ngăn chặn mọi hành vi của lực lượng thù địch, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.
Như vậy, có thể khẳng định, Luật Biển Việt Nam ra đời trong bối cảnh hiện nay là một căn cứ pháp lí quan trọng, tiếp tục góp phần cũng cố, thể hiện sự tuyên bố mạnh mẽ trong bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một bước đi đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế giúp giải quyết vấn đề Biển Đông đang nóng bỏng trở nên hài hòa, cân đối dựa trên cơ sở pháp luật, không chỉ đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam mà còn là căn cứ xác định chi tiết, cụ thể về quyền, nghĩa vụ pháp lí trên Biển Đông của các quốc gia, dân tộc trong khu vực và thế giới.
Có thể nói Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản để luật hóa, cụ thể hóa theo từng lĩnh vực của các điều ước quốc tế về biển. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển đảo của Việt Nam bước đầu đã tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quản lý nhà nước trên biển, làm cơ sở điều chỉnh các hoạt động trên biển đối với các vấn đề xác định phạm vi và chế độ pháp lý của từng vùng biển cụ thể; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, đảm bảo các quyền và lợi ích quốc gia đối với từng vùng biển, thềm lục địa Việt Nam…