Việc ký kết Hiệp định biên giới trên bộ Việt Nam – Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ hai nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc quốc giới hiện đại, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới Việt – Trung hòa bình, hữu nghị, ổn định, lâu dài, hợp tác và phát triển, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Nhận thức rõ ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, trong phạm vi bài tập học học kỳ, em xin làm rõ quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện Hiệp định biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc.
I. Khái quát về biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc
Biên giới trên bộ Việt Nam với Trung Quốc đã hình thành và tồn tại một cách tương đối ổn định kể từ khi Việt Nam thoát khỏi ách Bắc thuộc (thế kỷ X). Tuy nhiên, biên giới Việt Nam – Trung Quốc chưa phải là đường biên giới được phân giới cắm mốc, đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới chính xác.
Lần đầu tiên, biên giới Việt Nam – Trung Quốc được pháp lý hóa bởi Công ước ngày 26/6/1887 và Công ước bổ sung ngày 20/6/1895 giữa Chính phủ Pháp (nhân danh Việt Nam) và triều đình Mãn Thanh, Trung Quốc. Đường biên giới theo Công ước Pháp – Thanh đã được hoạch định, phân giới cắm mốc và cụ thể hóa trên thực địa bằng một hệ thống mốc quốc giới (314 mốc) từ Móng Cái đến tận biên giới Việt Nam – Trung Quốc – Lào.
Ngày 30/12/1999, Việt Nam – Trung Quốc ký Hiệp ước biên giới trên đất liền. Sau khi Hiệp ước được Quốc hội hai nước phê chuẩn và có hiệu lực tháng 7/2000, hai bên thống nhất triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa.
Công tác phân giới cắm mốc trên thực địa được bắt đầu triển khai từ tháng 12/2001 bằng việc cắm mốc 1369 tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) – Đông Hưng (Quảng Tây). Ngày 31/12/2008 hai bên chính thức ra Tuyên bố kết thúc toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Ngày 18/11/2009, hai nước chính thức ký ba văn kiện pháp lý về biên giới lãnh thổ gồm Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Ngày 14/7/2010, hai nước chính thức tuyên bố ba văn kiện biên giới có hiệu lực và chính thức quản lý biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc theo ba văn kiện biên giới và hệ thống mốc quốc giới mới.
II. Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định giữa Việt Nam với Trung Quốc
Trải qua gần 100 năm, dưới tác động của thời tiết và những biến động của chính trị – xã hội, đường biên giới Việt – Trung theo Công ước Pháp – Thanh năm 1887 và 1895 đã có nhiều biến đổi. Với mục tiêu xác lập đường biên giới rõ ràng, giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ, trong những năm 70 của thế kỷ XX, hai nước đã tiến hành ba lần đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên bộ, sau đó đàm phán bị gián đoạn do những hành động bành trướng, thù địch của Trung Quốc. Cuộc đàm phán được nối lại ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991.
Tháng 10/1993, hai nước đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam – Trung Quốc. Theo đó, hai nước thỏa thuận trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp và thực tiễn quốc tế hiệp thương hữu nghị để giải quyết vấn đề biên giới trên bộ; lấy Công ước Pháp – Thanh 1887 và 1895 và các văn kiện, bản đồ hoạch định, cắm mốc biên giới kèm theo làm căn cứ để xác định lại đường biên giới Việt – Trung.
Ngày 30/12/1999, tại Hà Nội, thay mặt hai Nhà nước, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền đã ký Hiệp ước về biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, đặt nền tảng cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài giữa hai nước. Ngay sau đó, hai bên đã thành lập Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; thỏa thuận chia đường biên giới Việt – Trung thành 12 đoạn, giao cho 12 Nhóm liên hợp phối hợp tiến hành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa.
Tháng 12/2001, hai bên tiến hành cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc). Từ tháng 10/2002, hai bên đồng loạt triển khai phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung.
Trong quá trình đàm phán, tại những khu vực rất nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời và dư luận hai nước Việt Nam Trung Quốc đều rất quan tâm, hai nước đã căn cứ lời văn và bản đồ Hiệp ước 1999; giải quyết tranh chấp các khu vực này trên cơ sở công bằng hợp lý, hai bên đều có thể chấp nhận được; tôn trọng các dấu tích lịch sử; ưu tiên ổn định đời sống cư dân biên giới. Cụ thể:
Tại cửa khẩu Hữu Nghị: Đây là cửa khẩu lâu đời nhất trên tuyến biên giới Việt – Trung. Ải Nam Quan, các mốc cũ do Pháp và Nhà Thanh xây dựng cuối thế kỷ thứ 19 và điểm nối ray của tuyến đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường là những vị trí quan trọng, liên quan đến đường biên giới. Về Ải Nam quan, sử sách của ta còn lưu giữ đều khẳng định Ải Nam quan do các triều đại phong kiến Trung Quốc xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay. Về các mốc Pháp – Thanh, mốc 19 vẫn còn tồn tại và nằm đúng vị trí cũ. Mốc 18 đối diện với mốc 19, do yếu tố thời gian, hai bên đều không thể xác định được. Về điểm nối ray, do có bị lệch về phía Việt Nam so với đường biên giới lịch sử, hai bên đồng ý điều chỉnh về phía Bắc. Kết quả giải quyết: đường biên giới đi qua Km0 đến mốc 19 cũ rồi đến điểm cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc. Hiện nay ta đã cắm mốc 1116 và 1117 đối xứng với nhau qua quốc lộ 1A của Việt Nam, và mốc 1118 trùng vị trí mốc 19 (cũ). Như vậy, đường biên giới lịch sử tại khu vực này không những được duy trì mà còn được cụ thể hóa bằng hệ thống mốc giới mới hiện đại.
Tại Thác Bản Giốc: Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn, là sông chung của Việt Nam và Trung Quốc. Các bản đồ Pháp – Thanh đã khẳng định sông Quây Sơn là sông biên giới và Thác Bản Giốc là thác chung của Việt Nam và Trung Quốc. Khi ký Hiệp ước 1999, hai bên chưa giải quyết được cồn Pò Thoong nằm trên thác, có diện tích khoảng 2,6 ha. Theo pháp luật quốc tế và Hiệp ước 1999, tại khu vực này đường biên giới theo trung tuyến dòng chảy chính. Về kỹ thuật, xác định dòng chảy chính nằm ở phía nam cồn Pò Thoong. Qua nhiều vòng đàm phán, hai bên thỏa thuận giải quyết khu vực thác Bản Giốc kết hợp giải pháp chính trị và giải pháp kỹ thuật: Đường biên giới đi từ mốc 53 (cũ) lên cồn Pò Thoong rồi đến điểm giữa của mặt thác chính. Như vậy, toàn bộ thác phụ và ½ thác chính thuộc Việt Nam. Hai bên cũng thoả thuận sẽ bàn bạc việc hợp tác phát triển tiềm năng du lịch tại thác Bản Giốc.
Khu vực cửa sông Bắc Luân kéo dài từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu đường phân định Vịnh Bắc Bộ, độ dài khoảng 14km. Khu vực này đã được Pháp – Thanh hoạch định và cắm mốc, nhưng vào thời điểm đó các cồn bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót đều chưa xuất hiện trên bản đồ hoạch định. Khi ký Hiệp ước 1999, hai bên chưa thống nhất được phương án giải quyết. Vào ngày đàm phán cuối cùng 31/12/2008, hai bên thống nhất giải quyết khu vực cửa sông Bắc Luân bằng giải pháp chính trị: Đường biên giới đi lên bãi Tục Lãm, ¾ bãi Tục Lãm thuộc Việt Nam ¼ bãi Tục Lãm thuộc Trung Quốc sau đó đi tiếp lên hòn Dậu Gót (1/3 hòn Dậu Gót thuộc Việt Nam, 2/3 hòn Dậu Gót thuộc Trung Quốc) rồi đi đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đã thỏa thuận không xây dựng công trình nhân tạo tại khu vực này, đồng thời nhất trí thiết lập khu vực đi lại tự do cho cư dân biên giới tại cửa sông.
Ngày 31/12/2008, hai bên đã giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại, hoàn thành phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Hai trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ đã ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
Suốt 8 năm, hai bên đã cùng nhau cố gắng giải quyết các vấn đề trên thực địa và trong đàm phán trên tinh thần thông cảm và chiếu cố đến mối quan tâm của nhau nhằm tìm ra một giải pháp công bằng, phù hợp với lời văn và tinh thần của Hiệp ước 1999. Đối với một số nơi, hai bên cùng điều chỉnh theo nguyên tắc cân bằng về lợi ích và diện tích nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý và không gây xáo trộn đối với cuộc sống của cư dân biên giới.
Hai bên đã tiến hành 13 vòng đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ và rất nhiều cuộc gặp hai Trưởng đoàn; 31 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc. Càng về cuối đàm phán càng khó khăn phức tạp. Riêng trong năm 2008, hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp, vòng ngắn nhất kéo dài 9 ngày, vòng dài nhất kéo dài 23 ngày, phiên họp dài nhất tiến hành liên tục suốt hơn 30 giờ liền.
Kết quả: Hai bên đã phân giới xong toàn bộ tuyến biên giới đất liền Việt – Trung dài 1449,566km; cắm tổng số 1971 cột mốc(trong đó có 01 mốc ba Việt Nam – Trung Quốc – Lào; 1548 cột mốc chính; 422 cột mốc phụ). Hệ thống mốc giới này đã được đánh dấu, ghi nhận và mô tả phù hợp với địa hình thực tế một cách khách quan, khoa học, chi tiết. Nếu so sánh với đường biên giới của các nước trên thế giới, đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc được đánh giá là có mức độ cột mốc dầy đặc và rõ ràng nhất, được xác định theo phương pháp hiện đại đảm bảo tính trung thực và bền vững lâu dài.
Ngay sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc, bước sang năm 2009 Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy đàm phán 3 văn kiện: Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Với sự nỗ lực chung của hai bên, ngày 18/11/2009, tại Bắc Kinh, hai bên chính thức ký 03 văn kiện nêu trên đánh dấu hai nước đã hoàn thành trọn vẹn việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền.
Tiếp đó, hai bên khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê chuẩn. Ngày 14/7/2010, tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang, Việt Nam) – Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc) hai bên tổ chức lễ công bố các văn kiện trên chính thức có hiệu lực.
III. Thực hiện Hiệp định biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc
Thực hiện Chỉ thị số 1326/CT – TTg ngày 27/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai 03 văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, các bộ, ngành và địa phương biên giới đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong chỉ đạo, điều hành và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, giữ vững sự ổn định của đường biên giới, mốc quốc giới, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân biên giới.
Các bộ, ngành liên quan và 07 tỉnh biên giới phía bắc đã tích cực phối hợp, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện 03 văn kiện; phát huy có hiệu quả vai trò, chức năng quản lý Nhà nước về biên giới, lãnh thổ; hoàn thành tốt những công việc sau phân giới cắm mốc như: nhận biết đường biên giới, di dời mồ mả, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến 03 văn kiện, xây dựng kè bảo vệ bờ sông, suối, cồn bãi trên sông suối biên giới, kè bảo vệ mốc quốc giới; mở, nâng cấp các cặp cửa khẩu mà hai nước đã thỏa thuận; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch; và tăng cường giao lưu hữu nghị, kết nghĩa thôn bản ở vùng biên giới hai nước.
Về song phương, hai nước thường xuyên trao đổi, phối hợp thực hiện có hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, lãnh thổ; hợp tác hữu nghị giữa các địa phương biên giới hai nước ngày càng được tăng cường, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới hai nước và xây dựng đường biên giới Việt – Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
IV. Ý nghĩa của việc đàm phán, ký kết và thực hiện Hiệp định biên giới trên bộ Việt Nam – Trung Quốc
Thứ nhất, ta đã giải quyết hai trong ba vấn đề lớn do lịch sử để lại trong quan hệ Việt – Trung. Đó là giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền và vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ, chỉ còn lại vấn đề Biển Đông. Những kinh nghiệm giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền sẽ tạo cơ sở cho việc đàm phán giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước.
Thứ hai, việc xác định đường biên giới rõ ràng trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc tạo cơ sở để quản lý biên giới hiệu quả, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh, xâm cư do thiếu hiểu biết về đường biên giới; mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.
Thứ ba, việc hoàn thành giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền là biểu hiện sinh động của mối quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Việt Nam – Trung Quốc, góp phần gia tăng sự tin cậy giữa hai bên, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ Việt – Trung phát triển mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn.
Thứ tư, việc giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đóng góp thiết thực đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, góp phần khẳng định nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế: giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ bằng thương lượng hòa bình; không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 30 tháng 12 năm 1999.
2. Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 18 tháng 11 năm 2009.
3. Hiệp định về quy chế quản lý trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 18 tháng 11 năm 2009.
4. Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 18 tháng 11 năm 2009.
5. Các trang web: