Bài tập học kỳ Hình sự 1 - Tình huống: Đức biết gia đình anh Mạnh thường không có ai ở nhà vào buổi sáng. Khoảng 9h sáng ngày 26 tháng 7 năm 2010, Đức phá khóa vào nhà anh Mạnh để lấy tài sản. Đức đang dắt chiếc xe máy của anh Mạnh ra sân (chiếc xe máy trị giá 30 triệu đồng), đúng lúc đó, anh Mạnh quay về nhà, phát hiện và hô hoán. Đức bị mọi người bắt giữ. Đức bị Tòa án xử phạt 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản.

TÌNH HUỐNG
Đức biết gia đình anh Mạnh thường không có ai ở nhà vào buổi sáng. Khoảng 9h sáng ngày 26 tháng 7 năm 2010, Đức phá khóa vào nhà anh Mạnh để lấy tài sản. Đức đang dắt chiếc xe máy của anh Mạnh ra sân (chiếc xe máy trị giá 30 triệu đồng), đúng lúc đó, anh Mạnh quay  về nhà, phát hiện và hô hoán. Đức bị mọi người bắt giữ. Đức bị Tòa án xử phạt 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Câu hỏi:
1. Tội phạm mà Đức thực hiện dừng lại ở giai đoạn nào?
2. Giả sử Đức mới 15 tuổi thì Đức có phải chịu TNHS không? Tại sao?
3. Đức có thể được hưởng án treo không? Tại sao?
4. Giả thiết, khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, Đức đang phải chấp hành bản án 3 năm tù cho hưởng án treo và mới chấp hành được 2 năm thử thách thì Đức có được hưởng án treo lần nữa không? Nếu không được hưởng án treo lần nữa thì hình phạt tổng hợp của hai bản án là bao nhiêu năm tù?

GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG

1. Tội phạm mà Đức đã thực hiện dừng lại ở giai đoạn nào?

Trả lời:
Khoản 1 Điều 8 BLHS quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa,quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN”.
Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà những hành vi cô ý phạm tội của tội phạm phải dừng lại ở những giai đoạn khác nhau. Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các mức độ thực hiện tội phạm cố ý, bao gồm chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.
Điều 17 BLHS định nghĩa về chuẩn bị phạm tội: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm”.
Điều 18 BLHS định nghĩa về phạm tội chưa đạt: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”.
“Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong CTTP”.
Quay trở lại với tình huống mà đề bài nêu ra:
Ta thấy lỗi của Đức trong tình huống này là lỗi cố ý trực tiếp. Vì:
Đức nhận thấy rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi lén lút trộm cắp tài sản do mình gây ra là trái pháp luật và thấy trước được hậu quả của hành vi đó là gây thiệt hại về tài sản của anh Mạnh nhưng Đức vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Do lỗi của Đức là lỗi cố ý trực tiếp nên việc xác định giai đoạn phạm tội trong tình huống này hoàn toàn hợp lý.
Dựa vào những tình tiết đã được tình huống nêu ra, ta có thể xác định được tội phạm mà Đức thực hiện dừng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS. Vì:
Đức muốn trộm cắp tài sản nhà anh Mạnh, nên đã thăm dò rất kĩ giờ giấc sinh hoạt nhà anh Mạnh để chuẩn bị cho hành vi trộm cắp của mình. Sau khi biết được gia đình anh Mạnh thường không có ai ở nhà vào buổi sáng, Đức đã tự mình thực hiện hành vi lén lút trộm cắp tài sản nhà anh Mạnh. Sau khi phá khóa cửa, Đức vào nhà anh Mạnh và dắt đi chiếc xe máy trị giá 30 triệu đồng nhằm cụ thể hóa ý muốn trộm cắp tài sản của mình, lúc này Đức đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Tội trộm cắp tài sản có CTTP vật chất vì vậy yếu tố hậu quả ở đây là bắt buộc và là điều kiện quan trọng để xác định tội phạm, Đức đã thực hiện tất cả hành vi lén lút của mình, đó là đã phá khóa nhà anh Mạnh khi không có ai ở nhà và dắt chiếc xe ra ngoài định mang đi nhưng do anh Mạnh về nhà bất ngờ nên hành vi của Đức đã bị ngăn chặn, có thể thấy được Đức đã thực hiện tất cả hành vi cần thiết để gây ra hậu quả là thiệt hại về tài sản cho anh Mạnh nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn bởi anh Mạnh quay về nhà phát hiện ra và hô hoán mọi người khiến cho Đức bị bắt, nên hậu quả vẫn không xảy ra (Đức mới chỉ dắt xe tới phần sân nhà anh Mạnh thì bị phát hiện, chưa kịp thực hiện hành vi tẩu tán do chiếc xe là một vật khá cồng kềnh, Đức chưa thể hoàn toàn chiếm đoạt được chiếc xem, việc bị anh Mạnh phát hiện khi đang dắt xe ra sân hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của Đức)
Đức bị tòa xử phạt 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản, cụ thể ở đây ta có thể dựa vào giá trị tài sản là chiếc xe máy 30 triệu đồng mà có thể xác định được: Đức đã phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS. Khoản 1 Điều 138 BLHS quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Từ những phân tích trên ta có thể khẳng định được rằng tội phạm mà Đức thực hiện dừng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS và cụ thể hơn là phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS.

2. Giả sử Đức mới 15 tuổi thì Đức có phải chịu TNHS không? Tại sao?

Trả lời:
Với giả sử Đức mới 15 tuổi thì Đức không phải chịu TNHS về tội phạm mình đã gây ra như tình huống  đã nêu. Vì:
Theo Khoản 2 Điều 12 BLHS quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Khoản 1 Điều 138 BLHS: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Khoản 3 Điều 8 BLHS: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS và tội phạm mà Đức đã thực hiện thì ta có thể xác định được Đức phạm tội ít nghiêm trọng. Vì tội phạm mà Đức thực hiện gây nguy hại không lớn cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt mà Đức phải nhận tại khoản 1 Điều 138 BLHS là đến ba năm tù (Trong tình huống đề bài đã nêu Tòa án xử phạt Đức 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản, điều này phù hợp với việc xác định tội phạm của Đức như đã xác định bên trên).
Từ những phân tích trên và dựa trên cơ sở khoản 2 Điều 12 BLHS, ta có thể kết luận: Đức không phải chịu TNHS.

3. Đức có thể được hưởng án treo không? Tại sao?

Trả lời:
Theo BLHS hiện hành, án treo được hiểu là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Cụ thể, khoản 1 Điều 60 BLHS đã quy định án treo như sau: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”.Trong Nghị quyết số 01/2007/NQ - HĐTP ngày 02/10/2007, HĐTP TANDTC đã hướng dẫn chi tiết về các căn cứ cho hưởng án treo như sau:
- Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì.
Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.
- Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.
- Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.
Quay trở lại với tình huống: Đức có thể được hưởng án treo không?”. Ta cần phải dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 60 BLHS và hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết số 01/2007/NQ – HĐTP ngày 02/10/2007, HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Cụ thể:
Xét về căn cứ thứ nhất, ta có thể thấy Đức thỏa mãn căn cứ thứ nhất do Tòa án xử phạt Đức 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản, tức là mức phạt tù mà Đức phải chịu không quá 3 năm.
Xét về căn cứ thứ hai, đó là có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân. Tình huống trên không nêu rõ về vấn đề này nên khả năng  Đức thỏa mãn các điều kiện trong căn cứ thứ hai là có thể có.
Xét về căn cứ thứ ba, đó là có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên. Dựa vào khoản 1 Điều 46 BLHS và tình tiết như đề bài đã nêu, ta có thể xác định được Đức có thể có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại đây, cụ thể là tình tiết được quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 46 BLHS: “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” và có thể Đức còn thỏa mãn tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Ngoài ra, tình huống cũng không nêu rõ gì thêm, nên khả năng Đức không có các tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 BLHS là có (Vì trong các tình tiết tăng nặng tại Điều 48 BLHS thì khả năng chỉ có điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS là thỏa mãn, nhưng do tình huống không nêu rõ nên có thể Đức không thỏa mãn điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS:g) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm”.).
 Xét về căn cứ thứ tư, đó là nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Về căn cứ thứ tư này thì trường hợp của Đức có thể thỏa mãn căn cứ hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2007/NQ - HĐTP ngày 02/10/2007, HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.. Do trường hợp phạm tội của Đức thuộc tội ít nghiêm trọng nên không gây hậu quả quá lớn cho xã hội, dừng ở mức có thể chấp nhận được hay nói đúng hơn là có thể tự cải tạo thông qua việc tu dưỡng đạo đức ở nơi cư trú mà không cần biện pháp mạnh như phải chấp hành hình phạt tù.
Từ những phân tích trên, ta có thể đưa ra kết luận là: Đức có thể được hưởng án treo.
Tuy nhiên, trong tình huống trên, tài sản mà Đức trộm cắp là chiếc xe máy trị giá 30 triệu đồng, tức là chưa đến mức giá trị tài sản cao nhất là “…năm mươi triệu đồng, hơn nữa do bị phát hiện kịp thời nên lại chưa gây ra hậu quả, có tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS nhưng Tòa án lại tuyên mức hình phạt của Đức là 3 năm tù giam – mức cao nhất của khung hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 138 về tội trộm cắp tài sản. Như vậy, chứng tỏ khi xem xét thì các tình tiết tăng nặng trong vụ án của Đức phải nhiều hơn các tình tiết giảm nhẹ hoặc nhân thân của Đức không tốt…nên Đức mới phải chịu mức án là 3 năm tù giam.
Mặc dù ở đây, chưa xét hết các tình tiết giảm nhẹ khác nhưng với các tình tiết cụ thể trong vụ án và mức hình phạt mà Tòa án đã tuyên thì ta có thể thấy Đức trong trường hợp này không thể được hưởng án treo do không thỏa mãn các điều kiện cần thiết để Tòa án xét cho được hưởng án treo.
4. Giả thiết, khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, Đức đang phải chấp hành bản án 3 năm tù và mới chấp hành được 2 năm thử thách thì Đức có được hưởng án treo lần nữa không? Nếu không được hưởng án treo lần nữa thì hình phạt tổng hợp của hai bản án là bao nhiêu năm tù?
Trả lời:
Như chúng ta đã biết “án treo” không phải là một hình phạt, mà nó chỉ là biện pháp “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Điều kiện mà pháp luật quy định đó chính là “thời gian thử thách”. Vì vậy, có thể nói hình phạt tù mà Tòa án cho bị cáo được hưởng án treo là “tạm thời” chưa bắt bị cáo phải chấp hành,  nếu hết thời gian thử thách mà bịcáo không phạm tội mới thì coi như không bị phạt tù. Thời gian thử thách dài hay ngắn, ngoài thời hạn của pháp luật (từ 1 năm đến 5 năm) còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đặc biệt là nhân thân của người phạm tội.
BLHS của nước ta không quy định, HĐTP TANDTC cũng không có hướng dẫn, trong mọi trường hợp nếu phạm tội trong thời gian thử thách thì đều không được hưởng án treo một lần nữa, mà trong các Hội nghị tập huấn cũng như  tổng kết công tác xét xử TANDTC chỉ lưu ý các tòa, nếu bị cáo phạm tội trong thời gian thử  thách thì “không nên” cho hưởng án treo một lần nữa. Có nghĩa là: Một người đã được tòa án cho hưởng án treo, chưa hết thời gian thử thách lại phạm tội mới (dù tội mới đó được thực hiện do cố ý hoặc vô ý) thì rõ ràng bị cáo không thực hiện đúng điều kiện thử thách, không tỏ ra ăn năn, hối cải, không tự mình rèn luyện, sửa chữa sai lầm, nên không thể coi bị cáo là người có nhân thân tốt để tiếp tục cho hưởng án treo một lần nữa.
Quay lại với đề bài, ta thấy rằng tội phạm mới mà Đức đã thực hiện là tội trộm cắp tài sản được quy định trong khoản 1 điều 138 BLHS.Tuy hành vi của Đức mới chỉ dừng lại ở giai đoạn Phạm tội chưa đạt (khi Đức đang dắt chiếc xe máy của anh Mạnh ra sân thì đúng lúc anh Mạnh quay về nhà, phát hiệnvà hô hoán, Đức bị mọi người bắt giữ), điều Đức mong muốn là dắt được chiếc xe máy của anh Mạnh ra khỏi nhà anh và không bị ai phát hiện đã không xảy ra.Hành vi của Đức là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Đức bị Tòa án xử phạt 3 năm tù – đây là hình phạt tù có thời hạn.
Như vậy, Đức không được hưởng án treo một lần nữa.
Khoản 5 Điều 60 BLHS năm 1999 quy định: “Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại điều 51 của Bộ luật này”.
Khoản 2 Điêu 51 BLHS năm 1999 quy định : “Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này”
BLHS cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự không có điều khoản nào quy định về tổng hợp hình phạt tù với án treo. Về khoa học cũng không có cái gọi là tổng  hợp hình phạt tù với án treo. Vì thế trong khi nói cũng như viết nhất là khi trao đổi về những vấn đề mang tính khoa học pháp lý, không nên dùng từ “tổng hợp hình phạt tù với án treo”. Điều 50, 51 BLHS cũng chỉ quy định tổng hợp hình phạt cùng loại hoặc khác loại chứ không có quy định tổng hợp hình phạt tù với án treo.
Vì vậy, Tòa án sẽ phải áp dụng khoản 5 điều 60 BLHS buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước là 3 năm tù sau đó áp dụng khoản 2 điều 51 để tổng hợp hình phạt của hai bản án mà Đức đã thực hiện. Như vậy hình phạt tổng hợp của 2 bản án mà Đức sẽ phải chấp hành là 6 năm tù.
KẾT LUẬN

1.     Tội phạm mà Đức thực hiện dừng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.
2.     Với giả sử Đức mới 15 tuổi thì Đức không phải chịu TNHS
3.     Đức không thể được xem xét cho hưởng án treo
4.     Đức không thể được hưởng án treo thêm lần nữa và hình phạt tổng hợp của hai bản án mà Đức phải chấp hành là 6 năm tù.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam,     Tập 1, Nxb. CAND, Hà Nội.2013.
3. Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự (phần chung), Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2005.
4. Viện Khoa học pháp lí – Bộ Tư pháp, Bình luận khoa học bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001.
5. Lê Văn Luật, Chế định án treo trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007.

6. Nghị quyết của HĐTP TANDTC số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ Luật hình sự về án treo.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
8. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học luật hình sự Việt Nam (bình luận chuyên sâu ) từ tập 1-10, Nxb,TP.HCM, 2004 – 2006.

9. Nguyễn Ngọc Hòa, Mô hình luật hình sự Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008.


Related Post

Previous
Next Post »