Ưu điểm, hạn chế của nguồn tài liệu trên Internet và kỹ năng thu thập tài liệu trên Internet

A. ĐẶT VẤN ĐỀ
          Thu thập tài liệu cho mục đích học tập, nghiên cứu và làm việc là vô cùng quan trọng. Tài liệu là nguồn thông tin phục vụ cho mục đích nhất định. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì nguồn tài liệu trên Internet, đang là nguồn tài liệu chủ yếu, phổ biến nhất, nó chứa đựng tất cả các thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khoa học.
          Để làm rõ hơn ưu, nhược điểm của nguồn tài liệu này và qua đó tìm ra kỹ năng thu thập tài liệu trên Internet. Sau đây em xin làm rõ vấn đề: “Ưu điểm, hạn chế của nguồn tài liệu trên Internet và kỹ năng thu thập tài liệu trên Internet”.
          Trong bài viết, do vốn kiến thức còn hạn chế, khả năng thu thập thông tin còn yếu kém nên không thể tránh khỏi những sai sót, mong các thầy cô xem xét, đóng góp ý kiến để bài biết hoàn thiện và rút kinh nghiệm cho các lần sau.
Em xin chân thành cảm ơn!

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Khái niệm Internet, nguồn tài liệu trên Internet
          Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa. Hệ thống này bao gồm hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân, và các chính phủ trên toàn thế giới.
          Nguồn tài liệu trên Internet là nguồn tài liệu tồn tại dưới dạng điện tử và truy cập bằng công nghệ tin học mà không phải ở dạng văn bản (tuy nhiên, có thể in ra thành văn bản).
2. Ưu điểm của nguồn tài liệu trên Internet
          Nguồn tài liệu trên Internet có rất nhiều những ưu điểm đặc trưng mà các nguồn tài liệu khác không thể có được. Sau đây là 4 ưu điểm điển hình của nguồn tài liệu trên Internet:
          Thứ nhất, Đa dạng và phong phú là đặc trưng cơ bản cùa nguồn tài liệu trên Internet. Nguồn tài liệu này đề cập đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp người đọc khai thác triệt để những khía cạnh, thông tin của vấn đề mình cần nghiên cứu. Những vấn đề này được đưa ra đánh giá, bình luận, có nhiều ý kiến đóng góp khác nhau, từ đó người đọc có thể tham khảo để đưa ra nhận xét của chính bản thân mình, khai thác và phân tích triệt để để biến thông tin thu thập được từ nguồn tài liệu đó thành của mình. (Ví dụ: thu thập các số liệu thống kê về quy mô nền kinh tế, thống kê về quy mô dân số, tài liệu học tập, tài liệu chuyên ngành, sách điện tử, ảnh, video, ca nhạc,…).
          Thứ hai, Nguồn tài liệu Internet có tính di động và tính linh hoạt rất cao. Người đọc có thể tìm và thu thập tài liệu tại bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, không bị ngăn cách bởi thời gian, không gian và đối tượng. Thậm chí họ còn có thể thu thập, tải về, lữu giữ lại để lần sau có thể đọc ngoại tuyến. Không khó khăn như một số cách thu thập tài liệu khác như phải đến tận thư viện, đi làm bài phỏng vấn, khảo sát số liệu thực tế… Họ chẳng cần phải quan tâm thời tiết hôm nay như thế nào, tình trạng giao thông ra làm sao, chẳng cần phải bước chân ra khỏi nhà, có thể ngồi trong phòng khách hay nằm ngay trên giường của mình để thu thập tài liệu, còn nếu họ đang ở ngoài đường thì chỉ cần có thiết bị có thể vào mạng và có kết nối Internet, đơn giản như là một chiếc điện thoại có thể vào mạng hay những chiếc laptop, tablet có thể bắt sóng wifi. Nếu không có điều kiện cơ sở vật chất như trên thì cũng không đáng ngại vì người đọc có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin tại các đại lý Internet công cộng. Ưu điểm này dường như chỉ thấy ở tài liệu trên Internet.
          Thứ ba, Nguồn tài liệu trên Internet còn giúp chúng ta tiết kiệm không gian lưu trữ, thời gian tìm kiếm. Từ ưu điểm về tính linh hoạt và cơ động của nguồn tài liệu Internet, có thể nhận thấy thêm một vài ưu điểm nổi bật nữa là không phải tốn thời gian, công sức, tiết kiệm giấy mực và không gian lưu trữ như các nguồn tài liệu sách báo thông thường. Các tài liệu giấy thông thường phải có không gian lưu trữ lớn như các thư viện, cục lưu trữ, trung tâm lưu trữ,… Vì vậy kéo theo việc tìm kiếm và thu thập loại tài liệu này rất tốn thời gian. Một ví dụ đơn giản như khi vào thư viện, phải trải qua rất nhiều công đoạn, thủ tục rườm rà thì độc giả mới có thể mượn được một cuốn sách và thời gian mượn sách cũng rất hạn chế, chưa kể đến một số loại sách quý hiếm không được mượn về, chỉ được đọc tại thư viện nên rất khó để khai thác hết nội dung của nó. Trái lại, dữ liệu Internet là dữ liệu số được lữu trữ tại các máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ đặt tại khắp nơi trên thế giới, vì vậy việc tìm kiếm, truy xuất tài liệu được đáp ứng rất nhanh và không gian lưu trữ là không giới hạn. Chỉ cần biết một số thông tin của tài liệu như địa chỉ trang web, từ khóa liên quan đến tài liệu cần tìm, là có thể dễ dàng tìm ra nó. Người dùng có thể tìm kiếm tài liệu thông qua các dịch vụ tìm kiếm trực tuyến của các hãng phần mềm lớn như: Google, Microsoft, Yahoo… Việc này giúp chúng ta có thể cải thiện kỹ năng tìm kiếm.
          Thứ tư, Tài liệu Internet có tính cập nhật rất cao. Lấy ví dụ đơn giản như đối với  các loại sách về khoa học, sau một thời gian xuất bản thì sách cần được sửa đổi, bổ sung, tái bản để cập nhật, thay thế thông tin cho phù hợp với xu hướng phát triển chung của ngành khoa học mà nó đề cập tới, việc này tiêu tốn rất nhiều tiền của. Một ví dụ nữa là về sách giáo khoa, một đợt thay sách giáo khoa cho một cấp học có thể tiêu tốn đến hàng trăm tỷ đồng. Trái lại, đối với tài liệu Internet thì việc cập nhật thông tin lại rất đơn giản, nó có thể được cập nhật từng ngày, từng giờ, không phải mất quá nhiều thời gian và tiền bạc cho công tác chuẩn bị. Vì vậy, người đọc sẽ rất dễ dàng nắm bắt được quá trình vận động và phát triển của vấn đề mình nghiên cứu.
3. Hạn chế của nguồn tài liệu trên Internet
          Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm trên của nguồn tài liệu Internet thì nó cũng có một số hạn chế nhất định:
          Thứ nhất, Không xác định được chính xác nguồn gốc là hạn chế lớn nhất của tài liệu Internet. Vì tài liệu Internet mang tính mở, bất cứ ai cũng có thể đóng góp ý kiến, có thể là tác giả thật, nhưng đa phần là những người khác thực hiện tính năng chia sẻ. Ví dụ điển hình là báo điện tử, nhiều trang báo điện tử đăng tải các bài viết có nội dung giống hệt nhau, không có trích dẫn cụ thể là từ nguồn nào. Vì thế, người đọc không thể xác định được đâu là nguồn gốc chính xác của bài viết đó để thẩm định mức độ khách quan của nó. Còn đối với viết bài luận, nếu trích dẫn trong tài liệu nào đó thì việc xác định nguồn gốc của tài liệu là bắt buộc. Vì thế việc xác định chính xác nguồn gốc của tài liệu trước khi sử dụng là rất cần thiết.
          Thứ hai, Nguồn tài liệu phong phú trên Internet sẽ khiến chúng ta quá lệ thuộc vào nguồn tài liệu này. Từ việc không xác định được nguồn gốc của tài liệu chính là nguyên nhân dẫn tới việc copy, ăn cắp bản quyền thông tin một cách tràn lan. Nhất là trong lĩnh vực giáo dục, học sinh, sinh viên có thể copy một phần hoặc toàn bộ nội dung của tài liệu như bài văn, bài tiểu luận,… của tác giả đã đẳng tải lên Internet rồi đơn giản là “dán” vào bài của mình.
Chính việc đọc và chép này sẽ làm cản trở sự phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của con người, bộ óc không chịu tự thân vận động trong khi “cái miệng luôn há sẵn chờ sung rụng”. Việc thu thập tài liệu quá phụ thuộc vào Internet khiến người ta suốt ngày chỉ biết ngồi dán mắt vào màn hình máy tính, điện thoại… không có kinh nghiệm thu thập tài liệu sơ cấp. Phải kết hợp thu thập tài liệu từ Internet và thu thập tài liệu từ các nguồn khác để tự  rèn luyện cho mình kỹ năng so sánh, đánh giá.
          Thứ ba, Lập trường của người đọc và độ chính xác của tài liệu. Tài liệu Internet rất đa dạng, nhiều chủng loại, mỗi vẫn đề được đưa ra bàn luận lại có những ý kiến đóng góp trái chiều, có cả những ý kiến đồng tình ủng hộ; cả những ý kiến, quan điểm phản đối, bác bỏ. Những điều này sẽ gây ra các tác động không nhỏ đối với lập trường của người đọc. Ngoài ra độ chính xác của nguồn tài liệu Internet không được kiểm nghiệm chặt chẽ như các loại nguồn tài liệu khác nên mức độ tin cậy của nó cũng không được đánh giá cao. Trước những hạn chế này, người đọc phải có kỹ năng phân tích, chọn lọc những tài liệu có nguồn gốc rõ ràng, có độ chính xác và tin cậy cao; sàng lọc, quan tâm, chú ý đến những ý kiến đúng đắn. Loại bỏ những thông tin, ý kiến tiêu cực nhằm củng cố lập trường của mình.
4. Kỹ năng thu thập tài liệu trên Internet
          Đầu tiên, nên sử dụng các trang mạng tìm kiếm lớn như: Google, Yahoo,… Tuy nhiên, chúng ta cần xác định chính xác từ khóa để việc tìm kiếm có hiệu quả hơn.
          Thứ hai, Chúng ta nên truy cập, xem và tải các tài liệu tại các trang web uy tín, chất lượng, các trang web của các cơ quan nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các trang web có địa chỉ cụ thể,… tránh sử dụng tài liệu của các trang web nhỏ, không uy tín, không có địa chỉ cụ thể, các trang web phản động,….
          Thứ ba, Hãy biết cách giới hạn sự tìm kiếm khi mà thông tin trên mạng rất tràn lan, và hãy giữ sự tỉnh táo, nếu không thì bạn sẽ chìm vào một đống thông tin hỗn độn. Đừng quá phụ thuộc vào các trang web mới, các trang web được nhiều người truy cập, hãy dành thời gian tìm kiếm những nguồn tài liệu hiếm, ít phổ thông nhưng quan trọng, khi đó, kết quả thu được sẽ mới lạ, độc đáo hơn.
          Thứ tư, Chúng ta cần phải nhanh nhẹn. Với khối lượng thông tin khổng lồ như vậy, chúng ta cần phải nhanh nhẹn mới có thể thực hiện quá trình tìm kiếm một cách hiệu quả.
          Thứ năm, Chúng ta nên thực hiện nhiều lượt tìm kiếm thông tin, đọc và đánh giá thông tin, truy tìm nguồn gốc thông tin và kiểm định thông tin.

C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
      Tóm lại, mỗi nguồn tài liệu đều có cái hay, cái dở của nó. Nguồn tài liệu Internet tuy ra đời muộn nhất nhưng nó là một hệ thống kết nối toàn cầu nên mức độ phổ biến của nó cũng vì thế mà rộng khắp nhất. Nguồn tài liệu Internet có những ưu điểm và hạn chế riêng so với các nguồn tài liệu khác. Từ những ưu điểm, hạn chế đó; mỗi người khi khai thác tài liệu từ nguồn này cần có những kỹ năng thu thập, phương pháp phân tích, chọn lọc tài liệu phù hợp, kết hợp với thu thập tài liệu từ các nguồn khác để tài liệu được tận dụng một cách triệt để.

D. TÀI LIỆU THAM KHẢO


Related Post

Previous
Next Post »