Trong quá trình tố tụng
hình sự, hoạt động nhận thức luôn được đánh giá là hoạt động giữ vai trò trung
tâm, là tiền đề, cơ sở cho các hoạt động khác. Để hoạt động nghiên cứu tâm lý
này được thực hiện có hiệu quả, cần nhận thức đúng đắn về hoạt động này và vai
trò của nó. Vì vậy, trong phạm vi bài tập học kỳ, em xin làm rõ hơn vấn đề này qua
chủ đề: “Phân tích vai trò của hoạt động
nhận thức trong các giai đoạn tố tụng (điều tra vụ án hình sự; xét xử vụ án
hình sự; giáo dục, cải tạo phạm nhân). Rút ra kết luận cần thiết”.
1. Khái quát chung về hoạt động nhận thức
1.1.
Khái niệm hoạt
động nhận thức
Sống và hoạt động trong
thế giới khách quan, con người phải nhận thức, phản ánh hiện thực xung quanh và
hiện thực của bản thân, trên cơ sở đó con người tỏ thái độ, tình cảm và hành
động. “Hoạt động nhận thức là quá trình
tâm lý phản ánh hiện thực khách quan và bản thân con người thông qua các cơ
quan cảm giác và dựa trên những hiểu biết vốn liếng kinh nghiệm đã có của bản
thân”.[1]
1.2.
Đặc điểm của
hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp
Thứ nhất: Quá trình nhận thức là quá trình
phát triển của tất cả các thành phần của hoạt động tư pháp. Nhận thức chính là
phương tiện để thực hiện các hoạt động khác trong hoạt động tư pháp.
Thứ hai: Hoạt động nhận thức trong hoạt động
tư pháp phần lớn mang tính chất gián tiếp, ít trường hợp mang tính chất trực
tiếp.
Thứ ba: Trong hoạt động nhận thức của quá
trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng thu nhận được khối lượng thông tin
rất lớn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng những thông tin cần thiết, liên quan
trực tiếp đến vụ án thường bị thiếu hụt, khó xác định. Do đó, những người tiến
hành tố tụng phải có khả năng tạo ra các mô hình tư duy về sự kiện đã xảy ra,
đối chiếu các mô hình này với thực tế và rút ra kết luận về thực tế của sự
kiện.
Thứ tư: Hoạt động nhận thức trong hoạt động
tư pháp liên quan chặt chẽ với các thủ tục tố tụng.
Thứ năm: Hoạt động nhận thức trong quá tình tố tụng luôn mang sắc thái tình cảm
cao, được tiến hành trong trạng thái tâm lí căng thẳng.
Thứ sáu: Nhận thức bị hạn chế về thời gian.
Sự hạn chế này đã thôi thúc người tiến hành tố tụng phải hoạt động tích cực để
xác định sự thật khách quan của vụ án đã xảy ra. Hạn chế này được quy định
trong các văn bản pháp luật.
1.3.
Các giai đoạn
của hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp
- Giai đoạn 1: Tri giác các sự việc
bằng các cơ quan cảm giác.
- Giai đoạn 2: Thiết lập và tìm ra các
cách thức phương hướng thu thập chứng cứ tài liệu liên quan đến vụ án.
- Giai đoạn 3: Xây dựng mô hình tư duy
năng động về vụ án đã xảy ra trên cơ sở các chứng cứ tài liệu đã thu thập được.
- Giai đoạn 4: Đề ra và giải quyết các
nhiệm vụ cụ thể.
2.
Vai trò của hoạt động nhận thức
trong các giai đoạn tố tụng
2.1.
Vai trò hoạt
động nhận thức trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó
cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định
để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc
giải quyết vụ án.[2]
Trong quá trình điều tra
vụ án hình sự, hoạt động nhận thức là thành phần chủ yếu trong cấu trúc tâm lí
của hoạt động điều tra tội phạm. Trong quá trình này, hoạt động nhận thức gắn
liền với việc thu thập, nghiên cứu các sự kiện đã xảy ra, nghiên cứu nhân cách
của bị can. Đồng thời, thông qua hoạt động nhận thức, Điều tra viên thu thập,
chọn lựa, đánh giá các nguồn tin nhận được, qua đó đưa ra những giả định về mối
liên hệ giữa các sự kiện của vụ án. Mặt khác, trong hoạt động của Điều tra
viên, khía cạnh tìm kiếm và tái tạo của hoạt động nhận thức luôn giữ vai trò
chủ đạo. Thu thập thông tin về sự việc phạm tội thông qua nhận thức trong hiện
tại và quá khứ để khôi phục lại mô hình về diễn biến khách quan của vụ án đã
xảy ra. Hoạt động nhận thức nhằm đảm bảo thu thập tất cả chứng cứ tài liệu liên
quan đến vụ án, phân tích, đánh giá chứng cứ, tìm hiểu thái độ, hành vi xử sự,
nắm bắt được đặc điểm tâm lý của người tham gia tố tụng, đưa ra các cách thức,
phương pháp tác động tới tâm lý của người tham gia tố tụng.
Ví dụ: Trong quá trình hỏi cung bị can,
thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Điều tra viên nhận thức được bị can đang
khai báo gian dối, không thành khẩn, Điều tra viên đã áp dụng các phương pháp
tác động tâm lý bị can như: phương pháp truyền đạt thông tin; đặt và thay đổi
vấn đề tư duy; phương pháp thuyết phục; giao tiếp tâm lý có điều khiển,… nhằm làm
thay đổi thái độ, quan điểm của bị can. Hoặc khi Điều tra viên nhận thấy bị can
vẫn còn quanh co, khai báo không thành khẩn, điều tra viên thuyết phục để bị
can hiểu rằng thành khẩn khai báo sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Hoạt động nhận thức trong
quá trình tiến hành điều tra vụ án hình sự chủ yếu dựa vào quá trình nhận thức
của Điều tra viên. Trong quá trình nhận thức, Điều tra viên không chỉ tự mình
giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tư duy mà còn đưa ra những
nhiệm vụ tư duy để có thể khôi phục lại những sự kiện đã xảy ra, hoặc ủy nhiệm
cho người khác khôi phục lại những sự kiện đã xảy ra. Việc nhận thức những sự
kiện của vụ án thực hiện thông qua việc xây dựng mô hình tội phạm trên cơ sở
những thông tin thu thập được cùng với các thông tin bổ trợ khác. Ngoài ra,
Điều tra viên phải xây dựng mô hình tư duy về mối liên hệ biện chứng giữa các
sự kiện đã xảy ra với những sự kiện thực tại. Do đó, Điều tra viên cần phải
nghiên cứu kĩ lưỡng thông tin, đánh giá chính xác các sự kiện và đề ra hướng
hành động, kiểm tra các giả định.
Trong quá trình nhận
thức, Điều tra viên phải luôn chủ động để phân tích các nguồn thông tin. Sự
phong phú về thông tin vụ án, kết hợp cùng với những tin tức chưa đầy đủ hiện
có là điều kiện giúp quá trình tư duy của Điều tra viên về vụ án gặp nhiều
thuận lợi, từ đó mà nhanh chóng xây dựng được mô hình chính xác về vụ án đã xảy
ra.
Đặc biệt, trong quá trình
điều tra vụ án hình sự thì hoạt động nhận thức của Điều tra viên được thể hiện
ở sự tập trung tinh thần cao độ. Vì vậy, đòi hỏi Điều tra viên phải có sự chuẩn
bị tâm lí. Thông qua hoạt động nhận thức, Điều tra viên có thể khôi phục lại mô
hình của sự kiện đã xảy ra theo các phương thức: trực tiếp nhận thức những sự
kiện của thực tế khách quan hoặc nhận thức về các nguồn tin do người khác cung
cấp khi không có điều kiện trực tiếp xem xét. Vì vậy, khi thực hiện hoạt động
nhận thức, ở Điều tra viên thường nảy sinh hai quá trình liên quan mật thiết
với nhau, là: Nhận thức về sự kiện cần thiết cho việc xây dựng mô hình xảy ra
và nhận thức về những người cung cấp thông tin có liên quan đến vụ án.
Qua phân tích ở trên, có
thể thấy: Ở giai đoạn điều tra vụ án hình sự, vai trò của hoạt động nhận thức
chủ yếu thể hiện thông qua quá trình nhận thức của Điều tra viên. Nó đóng vai
trò chủ đạo, có vị trí trung tâm (vì nó ảnh hưởng đến các hoạt động khác sẽ
diễn ra ở các giai đoạn sau), và là hoạt động có tính chất cơ sở, là phương
tiện để tiếp tục thực hiện các giai đoạn sau. Bởi lẽ, mục đích của giai đoạn
này là thu thập các thông tin về vụ án nhằm xác minh sự thật mang tính khách
quan của vụ án. Do đó, Điều tra viên cần có nhận thức đúng đắn và khách quan về
các sự kiện, tình tiết của vụ án, xây dựng nên mô hình tư duy đúng đắn về vụ
án.
2.2.
Vai trò của hoạt động nhận thức trong giai đoạn xét
xử vụ án hình sự
Xét xử vụ án hình sự là một giai đoạn của tố tụng hình sự
trong đó Tòa án có thẩm quyền tiến hành xem xét, giải quyết vụ án để ra bản án,
quyết định tố tụng theo quy định của pháp luật.[3]
Trong giai đoạn xét xử,
hoạt động thiết kế đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, để thực hiện được tốt và
chính xác hoạt động thiết kế trong giai đoạn này thì nhất thiết phải có hoạt
động nhận thức trước đó. Mục đích cuối cùng của giai đoạn này là ra được bản
án, quyết định đúng về vụ án đã xảy ra – đó là nhiệm vụ cơ bản của Tòa án.
Nhưng hoạt động thiết kế của Tòa án chỉ có thể diễn ra và thực hiện có kết quả
khả thi sau khi đã thực hiện đúng yêu cầu của hoạt động nhận thức trên cơ sở
kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu đã thu thập được trong hồ sơ vụ án của cơ
quan điều tra chuyển sang. Do đó, hoạt động nhận thức trong giai đoạn xét xử
của Tòa án có nhiều khác biệt so với hoạt động nhận thức ở giai đoạn điều tra
(hoạt động trọng tâm của giai đoạn điều tra). Để thực hiện hoạt động thiết kế dễ
dàng và có kết quả đúng đắn thì các thông tin cần thiết phải được thu thập đầy
đủ và chính xác từ giai đoạn điều tra. Bởi vì, tài liệu điều tra sẽ giúp Tòa án
dễ dàng xác định được mô hình vụ án và hành vi phạm tội và mối quan hệ giữa
chúng. Trên cơ sở của hoạt động điều tra thu thập chứng cứ và tìm kiếm những
thông tin cần thiết, Tòa án có thể chọn lọc và hệ thống hóa thông tin, từ đó,
nhận thức về các tình tiết của vụ án, các tình tiết liên quan đến vụ án dễ dàng
hơn. Bởi vì, tất cả thông tin về vụ án, mô hình vụ án được thể hiện rõ rang, cụ
thể trong hồ sơ điều tra của cơ quan điều tra, qua nghiên cứu hồ sơ đó sẽ giúp
cho Tòa án có cách nhìn toàn diện về vụ án. Tuy nhiên,
kết luận về tài liệu của cơ quan điều tra chỉ mang tính sơ bộ. Do đó,
Tòa án phải nghiên cứu và kiểm tra lại mô hình này tại tòa. Xét hỏi về các tình
tiết của vụ án là giai đoạn trung tâm của hoạt động xét xử, là giai đoạn quan
trọng nhất, giai đoạn độc lập trong hoạt động xét xử để nhằm xác minh sự thật
của vụ án. Đây là yếu tố tìm kiếm của hoạt động nhận thức. Hoạt động nhận thức
của Tòa án là quá trình nhận thức những chứng cứ mang tính gián tiếp cao. Lí do
chủ yếu là vì trong các vụ án hình sự, Tòa án không tiếp xúc trực tếp với vụ
án, không tham gia vào giai đoạn điều tra mà chỉ tiếp nhận chứng cứ, tài liệu
thông qua điều tra viên. Từ đó, trong giai đoạn điều tra, Điều tra viên phải có
những biện pháp củng cố tài liệu thu thập một cách đầy đủ và các tài liệu đó
phải giúp cho Tòa án nhận thức được chứng cứ, xây dựng mô hình tư duy về vụ án
cần nghiên cứu một cách dễ dàng hơn. Hoạt động nhận thức ở giai đoạn xét xử
được thực hiện bởi các thành viên Hội đồng xét xử nhằm kiểm tra lại tính đúng
đắn của các thông tin thu thập được trong giai đoạn điều tra thông qua hồ sơ và
lời khai của những người tham gia tố tụng. Hoạt động nhận thức mang tính chủ
động, ít căng thẳng hơn so với hoạt động nhận thức ở giai đoạn điều tra do chủ
thể nhận thức đã được tiếp cận với lượng thông tin ít hơn, cô đọng hơn, đã được
sàng lọc ở giai đoạn điều tra.
Từ phân tích trên, có thể
thấy trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự tuy không đóng vai trò chủ đạo như hoạt
động thiết kế nhưng hoạt động nhận thức có vai trò quan trọng, không thể thiếu.
2.3.
Vai trò hoạt động nhận thức trong giáo dục, cải tạo
phạm nhân
Toàn bộ hoạt động giáo
dục, hoạt động cải tạo cá nhân người phạm tội chỉ có thể tiến hành được với sự
hiểu biết sâu sắc về các đặc điểm tâm lý của mỗi phạm nhân. Nhà giáo dục phải
biết họ cần phải giáo dục cho phạm nhân những phẩm chất nào và cần phải loại bỏ
những phẩm chất nào. Quá trình giáo dục, cải tạo phải kết hợp với việc nghiên
cứu biểu hiện thái độ của phạm nhân trong lao động, học tập và đời sống xã hội…
Do vậy, để đạt được hiệu quả nhất mục đích của hoạt động giáo dục thì hoạt động
nhận thức trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân chiếm một vai trò khá
quan trọng. Trên cơ sở hoạt động nhận thức sẽ đảm bảo cho hoạt động giáo dục,
cải tạo phạm nhân đạt kết quả tốt. Để giáo dục, cải tạo phạm nhân, cán bộ quản
giáo không những phải biết trạng thái tâm lý của họ trong hiện tại mà còn phải
biết những thiếu sót tâm lý – xã hội của họ đã nảy sinh bằng cách nào trong quá
trình hình thành những thói quen, cách xử sự chống đối pháp luật của họ. Nội
dung hoạt động nhận thức trong quá trình giáo dục, cải tạo bao gồm: nghiên cứu
điều kiện sống và lao động của phạm nhân; nghiên cứu hệ thống giao tiếp bắt
buộc mà họ phải tham gia vào giao tiếp với cán bộ quản giáo, với những phạm
nhân khác; ngoài ra, cán bộ quản giáo cũng phải thu thập những thông tin về điều
kiện phát triển của phạm nhân, thông tin về gia đình phạm nhân, những mối quan
hệ của họ với gia đình, về giáo dục, văn hóa, thói quen lao động của phạm nhân.
Mặt khác, Điều tra viên điều tra vụ án hình sự do phạm nhân thực hiện có thể
giúp cán bộ quản giáo thực hiện hoạt động nhận thức ở giai đoạn cải tạo. Nếu
trong quá trình nghiên cứu, điều tra viên thu thập và tổng hợp lại những thông
tin quan trọng để tổ chức giáo dục, cải tạo nhằm xác định người có ảnh hưởng
tích cực đến phạm nhân,... thì sẽ thông báo thông tin này cho ban giám thị trại
giam, giúp lựa chọn đúng biện pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân. Cán bộ quản
giáo cần phải nghiên cứu tỉ mỉ về thái độ, hành vi, hứng thú,…của phạm nhân.
Kết quả nghiên cứu giúp cán bộ quản giáo hiểu rõ hơn về những phẩm chất của
phạm nhân: tính cách, phẩm chất, ý chí của phạm nhân,…đã hình thình ở họ. Quá
trình nghiên cứu nhân cách phạm nhân cho phép cán bộ quản giáo phát hiện cả
những phẩm chất tích cực, tạo cơ sở củng cố nhân cách của họ và tác động đến
phạm nhân khác, tạo cơ sở để thành lập nhóm phạm nhân tích cực. Thông qua những
hoạt động này sẽ góp phần đáng kể trong việc nhận thức về cá nhân phạm nhân để
thông qua đó có thể xây dựng, tổ chức quá trình giáo dục, cải tạo, biện pháp
cải tạo…
Tuy hoạt động giáo dục
đóng vị trí quan trọng nhất trong giai đoạn này, tuy nhiên, để hoạt động giáo
dục có vai trò đó là phải dựa trên những tác động của hoạt động nhận thức. Ở
giai đoạn này, hoạt động nhận thức tạo ra cơ sở về nhận thức tâm lí bên trong
của phạm nhân, từ đó mà cán bộ quản giáo có những phương pháp giáo dục cải tạo
phạm nhân phù hợp, cảm hóa dần những sai làm của họ và hướng tới việc đảm bảo
cho họ sẽ không thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật nữa sau khi đã chấp
hành xong hình phạt.
3. Quan điểm cá nhân
Nhận thức là một trong
những dạng hoạt động cơ bản của hoạt động tư pháp; là phương tiện thực hiện các
hoạt động khác trong hoạt động tư pháp. Trong hoạt động nhận thức của quá trình
tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng nhận được một khối lượng thông tin lớn từ
nhiều nguồn khác nhau, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành sàng lọc, chắp
nối các thông tin lại, phân tích, đánh giá, rút ra mối quan hệ biện chứng giữa
các nguồn thông tin. Do đó, người tiến hành tố tụng phải có khả năng tư duy,
kinh nghiệm, có phẩm chất tâm lý vững vàng và ổn định.
Hoạt động nhận thức trong
hoạt động tư pháp không phải là hoạt động nhận thức đơn thuần một sự việc nào
đó, mà nó liên quan chặt chẽ đến các thủ tục tố tụng, đảm bảo quy định của pháp
luật một cách triệt để, xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự một cách
nhanh chóng.
Hoạt động nhận thức là
một trong những dạng hoạt động cơ bản và không thể thiếu được trong hoạt động
tư pháp. Bởi vì có nhận thức được đúng đắn thì chúng ta mới có thể đưa ra được
những nhận xét đúng đắn và khách quan về đối tượng cần nghiên cứu. Dẫn chiếu
vào bài viết này ta nhận thấy, nếu không có hoạt động nhận thức thì các điều
tra viên sẽ không đánh giá được các nguồn tin, tài liệu nào là cần thiết cho vụ
án. Thậm chí là có thể đánh giá sai về hành vi phạm tội, về người phạn tội… từ
đó mà sẽ không xây dựng lên được mô hình phạm tội, cũng như hành vi của người phạm
tội. Ngoài ra, do không có nhận thức đúng đắn về vụ án nên cũng sẽ dẫn đến hiện
tượng oan sai ngay từ giai đoạn điều tra. Do đó, trong giai đoạn điều tra thì
hoạt động nhận thức là trung tâm, có vai trò quan trọng nhất.
Bước sang giai đoạn xét
xử, để Tòa án có thể ra được quyết định đúng pháp luật, xử phạt đúng người đúng
tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan sai người vô tội thì Hội đồng xét
xử cần có nhận thức đúng đắn về vụ án thông qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ
án, cũng như đánh giá sự thật khách quan tại phiên tòa thông qua giai đoạn xét
hỏi…Như vậy, bản án quyết định của Tòa án có đúng pháp luật hay không sẽ phụ
thuộc rất nhiều vào quá trình nhận thức khách quan về vụ án của các cơ quan tư
pháp. Để cải tạo và giáo dục phạm nhân tốt, việc nhận thức về tính cách, thái
độ, hành vi,… của phạm nhân sẽ giúp cán bộ quản giáo nhận biết được về phạm
nhân, từ đó, những phương án cải tạo, giáo dục phù hợp để cảm hóa phạm nhân trở
thành con người tốt sau khi chấp hành xong hình phạt.
Hoạt động nhận thức có
tính chất là cơ sở và là phương tiện để thực hiện các hoạt động tư pháp tiếp
theo. Để hoạt động thiết kế và hoạt động cải tạo, giáo dục đạt được hiệu quả
cao thì nhất thiết chúng ta phải dựa trên những căn cứ của hoạt động nhận thức.
Tránh được tình trạng oan sai khi quyết định hình phạt cũng như giáo dục không
đúng mục đích của hoạt động tư pháp.
Hoạt động nhận thức và
các hoạt động tư pháp khác (hoạt động thiết kế, hoạt động giáo dục, cải tạo) có
mối quan hệ biện chứng với nhau. Bởi, tuy các hoạt động có vị trí và vai trò
khác nhau nhưng tổng thể có sự tác động qua lại với nhau, hỗ trợ nhau và hướng
tới mục tiêu cuối cùng là làm cho hoạt động tư pháp diễn ra thống nhất, khách
quan và đúng pháp luật, tránh những tình trạng oan, sai trong quá trình tố tụng
hình sự.
Hoạt động nhận thức giữ vai trò trung
tâm, là tiền đề, cơ sở cho các hoạt động khác. Do đó, cần có biện pháp, chính
sách, cải cách tư pháp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của hoạt
động nhận thức trong quá trình tố tụng, trong hoạt động tư pháp Việt Nam trong
giai đoạn hội nhập ngày nay.
1. Trường
Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tâm lý học Tư pháp, Nxb. CAND, Hà Nội, 2006.
2. Chu
Liên Anh, Giáo trình tâm lí học tư pháp, Viện đại học mở, Nxb. CAND, Hà Nội,
2009.
3. Chu
Liên Anh, Dương Thị Loan, Giáo trình tâm lí học tư pháp, Nxb. Giáo dục, Hà Nội,
2010.
4. Chu
Liên Anh, Dương Thị Loan, Tâm lí học tư pháp - Hướng dẫn trả lời lí thuyết,
giải bài tập tình huống và trắc nghiệm, Nxb. Chính trị-hành chính, Hà Nội,
2010.
5. Nguyễn
Hồi Loan, Đặng Thanh Nga, Giáo trình tâm lí học pháp lí, Nxb. Đại học quốc gia
Hà Nội, 2004.
[1] Trường
Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tâm lý học Tư pháp, Nxb. CAND, Hà Nội, 2006,
Tr. 46.
[2] Trường
Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. CAND, Hà
Nội, 2014, Tr. 265.
[3] Trường
Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng hình sự, Nxb. CAND, Hà Nội, 2014,
Tr. 345.