TAC KHÔNG CHỈ ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ GIỮA CÁC THÀNH VIÊN ASEAN MÀ CÒN ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ GIỮA CÁC NƯỚC ASEAN VỚI CÁC QUỐC GIA NGOÀI KHU VỰC


Ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX, quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN ngày càng gắn bó với nhau, từ đó góp phần củng cố và duy trì môi trường khu vực hoà bình, ổn định, xây dựng ASEAN vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước. Đồng thời, các quốc gia ASEAN cũng bắt đầu mở rộng các quan hệ ngoại khối. Để điều chỉnh các quan hệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, cũng như quan hệ giữa các quốc gia  ASEAN với các quốc gia ngoài ASEAN, ngay tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ nhất tổ chức tại Bali, Indonesia (2/1976), các quốc gia ASEAN đã ký kết Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) nhằm điều chỉnh các quan hệ này.

Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) gồm 5 chương, 20 điều và phần mở đầu được các quốc gia thành viên ASEAN khi đó ký tại Bali (Indonesia) vào ngày 24/02/1976 và được sửa đổi bằng hai nghị định thư năm 1987 và năm 1998. TAC được xây dựng trên cơ sở những điều khoản có liên quan về xây dựng quan hệ hữu nghị thân thiện (chương II) và hợp tác (chương III) giữa các quốc gia thành viên. Trọng tâm các quy định của TAC là xác lập các nguyên tắc và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp chính trị phát sinh trong quan hệ hệ quốc tế giữa các nước thành viên của ASEAN (chương IV).
TAC nhằm mục đích thúc đẩy nền hòa bình vĩnh viễn, sự thân thiện và hợp tác lâu bền những nhân dân các nước tham gia Hiệp ước, góp phần tăng cường sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ của nhân dân các nước khu vực Đông Nam Á.
ASEAN ra đời với mục tiêu hợp tác các quốc gia thành viên nhằm phát triển kinh tế và văn hóa trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Do đó, ngay tại Điều 1 của TAC, các quốc gia đã khẳng định lại mục đích “thúc đẩy nền hoà bình vĩnh viễn, sự thân thiện và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các quốc gia thành viên, góp phần vào sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ hơn của họ”. Sự hợp tác này được thể hiện trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, kỹ thuật, khoa học và hành chính, cũng như trong các vấn đề về lý tưởng chung và nguyện vọng về hoà bình quốc tế và sự ổn định trong khu vực và tất cả các vấn đề khác mà các bên cùng quan tâm[1].
Để thực hiện mục đích này, các quốc gia sẽ cố gắng phát triển và tăng cường quan hệ hữu nghị văn hoá và lịch sử truyền thống, quan hệ láng giềng tốt và sự hợp tác đã gắn bó họ với nhau và sẽ thực hiện với thiện ý các nghĩa vụ theo Hiệp ước này. Nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, các quốc gia sẽ khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tiếp xúc và giao lưu giữa nhân dân các nước với nhau[2].
Như vậy, có thể thấy, duy trì hòa bình và ổn định khu vực, tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực chính là mục tiêu xuyên suốt, duy nhất, quan trọng nhất mà các quốc gia ASEAN luôn hướng đến. Và đây cũng là một nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia ASEAN.
Trong quan hệ với nhau, các quốc gia ASEAN luôn tuân theo 5 nguyên tắc chính đã được nêu trong TAC[3], đó là: 1) Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các dân tộc; 2) Quyền của mọi quốc gia được lãnh đạo hoạt động của dân tộc mình, không có sự can thiệp, lật đổ hoặc cưỡng ép của bên ngoài; 3) Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 4) Giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, thân thiện, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực; 5) Hợp tác với nhau một cách có hiệu quả.
Đây là sự ghi nhận lại các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Cụ thể, TAC điều chỉnh việc các quốc gia thành viên của ASEAN sẽ làm hết sức mình để hợp tác đa phương hoặc song phương trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử và cùng có lợi[4]. Cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị, quốc gia có quyền lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh “phù hợp với những lý tưởng và nguyện vọng của mỗi nước, không có sự can thiệp từ bên ngoài cũng như những hoạt động lật đổ ở bên trong, để bảo vệ bản sắc dân tộc của mỗi nước”[5].
TAC tiếp tục ghi nhận lại nguyên tắc “cấm dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực” trong quan hệ giữa các thành viên ASEAN. Theo đó, các quốc gia thành viên “sẽ không tham gia, bằng bất kỳ cách nào và dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ hoạt động nào có thể đe doạ sự ổn định chính trị và kinh tế, chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác tham gia TAC”[6]. Song song với đó, TAC cũng điều chỉnh việc “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. TAC cấm các quốc gia thành viên can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe dọa can thiệp khác nhằm chống lại chủ quyền, nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia; cấm việc sử dụng các biện pháp kinh tế, chính trị hoặc các biện pháp khác để ép buộc quốc gia phụ thuộc mình; cấm việc tổ chức, xúi giục, khuyến khích các phần tử phá hoại, khủng bố chống lại quốc gia; và cấm can thiệp vào việc đấu tranh nội bộ ở quốc gia khác.
Đặc biệt, trọng tâm của TAC là điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên. Các tranh chấp và bất đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của TAC đã được ghi nhận rõ ở Điều 14 là “các tranh chấp mà sự tồn tại của nó có thể phá rối hòa bình và hòa hợp trong khu vực”. Sau khi được sửa đổi bằng nghị định thư năm 1987, Điều 14 TAC quy định: “các tranh chấp hoặc tình hình chắc chắn phá hoại hòa bình và hữu nghị khu vực”. Tiêu chí để xác định tranh chấp cần giải quyết là tranh chấp hoặc tình hình mà sự tồn tại của chúng tạo ra khả năng phá hoại hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, muốn giải quyết theo các điều khoản của TAC, phải có sự chấp thuận đồng ý sử dụng điều khoản của TAC của tất cả các bên tranh chấp để giải quyết vụ tranh chấp giữa họ.
Với việc ghi nhận lại các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, TAC đã trực tiếp điều chỉnh quan hệ giữa các thành viên. Theo đó, nếu một quốc gia làm trái các nguyên tắc này, thì hành vi làm trái đó là không có giá trị, không hợp pháp và bị lên án. Từ đó, các quốc gia khác có thể viện dẫn các nguyên tắc này làm cơ sở, công cụ pháp lý buộc quốc gia vi phạm phải ngừng hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình hoặc quốc gia khác khi bị xâm phạm.
Đồng thời, dựa vào các quy định này của TAC, cũng đã thể thiện thiện chí hợp tác, hòa bình của các quốc gia thành viên. Cũng là cam kết của các quốc gia thành viên trong việc tận tâm, thiện chí thực hiện các nghĩa vụ, các cam kết của mình phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của của pháp luật quốc tế, với mục tiêu hoạt động của ASEAN.
Không chỉ điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, TAC còn là văn bản điều chỉnh quan hệ giữa các nước ASEAN với các quốc gia ngoài ASEAN, thể hiện ở việc TAC có sự tham gia (chấp nhận sự ràng buộc pháp lý) của các quốc gia ngoài ASEAN.
Tại Điều 18, TAC “để ngỏ cho các nước khác ở Đông Nam Á tham gia”. Đến năm 1998, với mong muốn “bảo đảm có phương cách thích hợp để tăng cường hợp tác với tất cả các dân tộc yêu chuộng hoà bình, cả trong và ngoài Đông Nam Á và, đặc biệt là, các Quốc gia láng giềng của khu vực Đông Nam Á”[7], các quốc gia ASEAN đã sửa đổi Hiệp ước, qua đó cho phép “các quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á cũng có thể tham gia Hiệp ước này với sự đồng ý của tất cả các quốc gia Đông Nam Á, cụ thể là, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Mianmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam”[8].
Có thể thấy rằng, với sửa đổi này, TAC đã đề cập đến nhu cầu hợp tác với các quốc gia, các dân tộc yêu chuộng hòa bình, đặc biệt là các quốc gia láng giềng, các cường quốc, các đối tác lớn của ASEAN. Đến nay, TAC đã thu hút sự tham gia của 32 quốc gia và 01 tổ chức khu vực (Liên minh châu Âu), trong đó, có tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc[9], phản ánh sinh động những nỗ lực và thành quả hợp tác chính trị – an ninh của ASEAN nhằm thúc đẩy nền hòa bình vĩnh viễn, sự thân thiện và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các nước, tăng cường sự đoàn kết, ổn định và hòa hợp thế giới.
TAC với tư cách là một điều ước quốc tế đa phương, do đó, các quốc gia, tổ chức tham gia TAC phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được ghi nhận trong TAC một cách triệt để, không do dự và không phụ thuộc vào các sự kiện xảy ra trong nước cũng như quốc tế như: thay đổi chính phủ, các bất ổn chính trị,… hay viện dẫn sự khác biệt của nội luật để từ chối thực hiện các cam kết, nghĩa vụ đã được TAC ghi nhận.


TAC không những là bộ quy tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, mà còn là những nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với các nước ngoài khu vực. Bởi nó thể hiện ở chỗ, TAC ghi nhận lại các quy tắc cơ bản của pháp luật quốc tế điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, đồng thời, TAC còn là văn bản đặc biệt của ASEAN, khi có sự tham gia của các quốc gia ngoài khu vực.




[1] Điều 4 Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC).
[2] Điều 3 Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC).
[3] Điều 2 Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC).
[4] Điều 5 Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC).
[5] Điều 11 Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC).
[6] Điều 10 Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC).
[7] Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á.
[8] Điều 18 Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC).
[9] http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/cong-dong-chinh-tri-an-ninh-asean-va-vai-tro-cua-viet-nam/8657.html

Related Post

Previous
Next Post »