Đình chỉ thi hành án dân sự

Đình chỉ THADS được hiểu là việc cơ quan THADS mà cụ thể là Thủ trưởng cơ quan bằng một quyết định cụ thể làm chấm dứt một quan hệ thi hành án cụ thể hay nói cách khác là chấm dứt vai trò của Chấp hành viên đối với việc thi hành án đó khi có một trong các căn cứ do pháp luật quy định.
Trong một số trường hợp, việc đình chỉ thi hành án chỉ làm chấm dứt một quan hệ pháp luật thi hành án mà không làm thay đổi hay chấm dứt các quyền, nghĩa vụ đã được ấn định trong Bản án, quyết định.
Quy định về đình chỉ thi hành án dân sự được quy định cụ thể tại Điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Đặc điểm của đình chỉ thi hành án là việc chấm dứt thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự. Do đó, sau khi có quyết định đình chỉ thi hành án, các hoạt động thi hành án được ngừng lại hẳn, các bên đương sự cũng chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của họ đã tuyên trong bản án, kể cả nghĩa vụ đối với Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, do vậy cơ quan THADS không thụ lý ra quyết định thi hành án mà hướng dẫn đương sự yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án (Khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định: “Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm, người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một Văn phòng Thừa phát lại hoặc cơ quan THADS tổ chức thi hành án”. Chưa có văn bản nào quy định về việc Văn phòng Thừa phát lại không được thụ lý các vụ việc thi hành án mà cơ quan THADS đã ra quyết định đình chỉ thi hành án.
Hoặc cơ quan THADS có thể hướng dẫn đương sự khởi kiện tại Tòa án để đảm bảo quyền lợi chính đáng với lý do ở giai đoạn thi hành án hai bên đã thực hiện một giao dịch mới có điều kiện khác (ví dụ giao tài sản như nhà, đất… trừ nợ, nếu không giao phải trả thêm tiền lãi…), giao dịch mới này không trái pháp luật, đạo đức và đã phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, vấn đề này có ý kiến cho rằng không thể kiện lại được vì một tranh chấp không thể giải quyết hai lần.[1]
Thứ nhất, người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế (Điểm a Khoản 1 Điều 50).Theo đó, cần phải làm rõ 02 trường hợp:
-  Trường hợp 1: Người phải thi hành án chết không để lại di sản.Đối với cả các nghĩa vụ có thể chuyển giao hay không thể chuyển giao cho người khác, chỉ cần xác định được người phải thi hành án đã chết (về mặt pháp lý nhất thiết phải có giấy chứng tử của UBND cấp xã nơi người phải thi hành án chết cấp) mà không có di sản để lại thì hồ sơ thi hành án chỉ cần thu thập được giấy chứng tử và biên bản xác minh tài sản của Chấp hành viên là hoàn toàn có đủ căn cứ ra quyết định đình chỉ thi hành án.
-  Trường hợp 2: Nghĩa vụ của người phải thi hành án theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.Trong trường hợp này, đặc thù của loại nghĩa vụ của người phải thi hành án là được pháp luật quy định nghĩa vụ đó chỉ gắn với người phải thi hành án mà không ai được thực hiện thay vì vậy dù người phải thi hành án chết có để lại di sản đi nữa thì cũng không có giá trị gì, cơ quan THADS hoàn toàn có đủ căn cứ để ra quyết định đình chỉ thi hành án. Ví dụ: Khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “... nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.”
Thứ hai, người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế (Điểm b Khoản 1 Điều 50).Theo quy định này, cần làm rõ 02 trường hợp:
-  Trường hợp 1: Pháp luật đã có quy định quyền và lợi ích của người được thi hành án theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người khác.Tương tự như quy định ở trên, ở đây là trường hợp quyền và lợi ích chỉ được trao cho một người nhất định, người khác không thể thụ hưởng thay khi người đó chết đi. Trong quy định tại Khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì khi người được cấp dưỡng chết thì quyền được cấp dưỡng cũng mất và quan hệ cấp dưỡng cũng sẽ chấm dứt.
-  Trường hợp 2: Quyền và lợi ích của người được thi hành án có thể chuyển giao cho người khác nhưng lại không có người thừa kế thụ hưởng quyền này. Để đình chỉ thi hành án thuộc trường hợp này, cần phải xác định rõ có hay không có những người thừa kế theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
Thứ ba, đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan THADS không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba (Điểm c Khoản 1 Điều 50).Theo căn cứ này, cần làm rõ 02 trường hợp:
-  Trường hợp 1: Đương sự có thoả thuận bằng văn bản yêu cầu cơ quan THADS không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.Bản chất đây là một trường hợp thoả thuận trong THADS nên nội dung và hình thức thoả thuận cũng phải tuân thủ các quy định chung về thoả thuận thi hành án.
-  Trường hợp 2: Người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan THADSkhông tiếp tục tổ chức thi hành nữa, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.Cũng tương tự như trong trường hợp trên, nhưng ở đây chỉ cần ý kiến đơn phương bằng văn bản của người được thi hành án mà không cần phải là ý kiến thống nhất của cả hai bên đương sự.
Quy định này của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã khắc phục được tình trạng người phải thi hành án lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người được thi hành án đã đạt được thỏa thuận không tiếp tục việc thi hành án, dẫn đến việc cơ quan THADS phải đình chỉ thi hành án theo quy định, nhưng sau đó, người phải thi hành án đã không giữ đúng cam kết khi thỏa thuận với người được thi hành án, người được thi hành án yêu cầu cơ quan THADS tiếp tục thi hành án nhưng việc thi hành án đã bị đình chỉ[2].
Thứ tư, bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ.
 Đối với bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật (hoặc bản án, quyết định sơ thẩm được đưa ra thi hành ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 2  Luật THADS) và bản án, quyết định phúc thẩm, cơ quan THADS đang tổ chức thi hành mà có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì nếu bản án chưa được thi hành xong một phần hoặc toàn bộ, thông thường kèm theo Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ có nội dung tạm đình chỉ thi hành án và khi đó Thủ trưởng cơ quan THADS phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 49  Luật THADS. Sau khi có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định huỷ một phần hay toàn bộ bản án mà cơ quan THADS đang tổ chức thi hành thì Thủ trưởng cơ quan THADS sẽ áp dụng căn cứ nêu trên để ra quyết định đình chỉ thi hành án.
Tuy nhiên, trong căn cứ này có loại trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 103 Luật THADS, nhằm mục đích bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá. Theo đó, luật đã bổ sung quy định không đình chỉ thi hành án trong trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận. Quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung là căn cứ vào Bộ luật Dân sự về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình mua được tài sản bán đấu giá[3].
Thứ năm, người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác.
Trường hợp này gần tương tự trường hợp người phải thi hành án là cá nhân chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người khác. Điểm khác biệt ở đây có thể thấy trong căn cứ thứ năm này bao gồm 3 điều kiện khác nhau mà phải thoả mãn đủ cả ba điều kiện đó thì cơ quan THADS mới có thể đình chỉ thi hành án, bao gồm:
-         Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể.
Việc giải thể đối với tổ chức và xác định khi nào thì tổ chức được coi là giải thể được thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động hoặc tại Điều lệ hoạt động của chính tổ chức đó. Khi tổ chức thi hành án đối với trường hợp này, Chấp hành viên cần nghiên cứu các quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng... và điều lệ của tổ chức đó để xác định và thu thập căn cứ chứng minh tổ chức đó đã bị giải thể.
-         Tổ chức sau khi đã giải thể không còn tài sản
Thông thường, trong quyết định hoặc thông báo giải thể, tổ chức bị giải thể bao giờ cũng có kế hoạch để xử lý các khoản nợ. Chấp hành viên cần nhanh nhạy trong việc nắm bắt kịp thời các thông tin này và liên hệ trực tiếp với bộ phận phụ trách giải quyết nợ của tổ chức đó để có thể giải quyết nghĩa vụ mà tổ chức đó phải thực hiện theo bản án, quyết định hoặc xác minh về các tài sản của tổ chức đó sau khi giải thể để làm căn cứ xử lý tiếp theo.
-  Nghĩa vụ của tổ chức đã bị giải thể theo quy định của pháp luật không được chuyển giao cho tổ chức khác
Tuỳ thuộc vào từng loại nghĩa vụ cụ thể theo Bản án, quyết định để Chấp hành viên xác định nghĩa vụ đó có thể được chuyển giao cho tổ chức khác thực hiện hay không hoặc cũng cần phải xác định có tổ chức nào có thể tiếp nhận nghĩa vụ của tổ chức đã bị giải thể hay không. Nếu nghĩa vụ có thể chuyển giao và cũng có tổ chức được chuyển giao nghĩa vụ thì Chấp hành viên cần căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 54  LuậtTHADS thực hiện chứ không thể đình chỉ thi hành án được.
Thứ sáu, có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án.
Việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án hiện nay khi thực hiện căn cứ vào các quy định tại Nghị quyết số 24 của Quốc hội, Điều 61, 62, 63 và 64  LuậtTHADS và các văn bản hướng dẫn.
Thứ bảy, Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.Căn cứ này áp dụng đối với người phải thi hành án là Doanh nghiệp và Hợp tác xã, trình tự, thủ tục phá sản đối với các đối tượng này chịu sự điều chỉnh của Luật Phá sản năm 2014.
Thứ tám, người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên.
Về việc thi hành nghĩa vụ giao người chưa thành niên nuôi dưỡng có những đặc thù và khó khăn nhất định. Do đó,  LuậtTHADS đã dự liệu đến tình huống việc kéo dài thời gian tổ chức thi hành nghĩa vụ giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng là điều tất yếu và cơ chế để cơ quan THADS có thể kết thúc việc thi hành án này là đình chỉ thi hành án khi người được giao nuôi dưỡng đã thành niên.Đây là vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhưng do Luật THADS 2008 và văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nên cơ quan THADS khôngg có căn cứ pháp lý để giải quyết. Quy định này là phù hợp vì đối tượng thi hành án không còn tồn tại và nghĩa vụ này không thay thế được nên cần đình chỉ thi hành án.[4]
Thủ trưởng cơ quan THADS sự đã ra quyết định thi hành án có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ THADS. Khi có căn cứ đình chỉ THADS, chấp hành viên đề nghị thủ trưởng cơ quan THADS quyết định. Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ THADS bằng văn bản.
Trong trường hợp đình chỉ thi hành án do người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền và lợi ích thì việc từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải được thể hiện bằng văn bản theo quy định của pháp luật. Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với khoản mà người được thi hành án từ bỏ quyền, lợi ích của mình. Trong trường hợp này, người được thi hành án sau đó không còn quyền yêu cầu thi hành án trở lại.
Trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm sửa đổi hay hủy bỏ bản án, quyết định đang được thi hành để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm thì cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với việc thi hành bản án, quyết định trước đây và ra quyết định thi hành án theo bản án, quyết định đang có hiệu lực pháp luật.
Cơ quan THADS phải gửi thông báo về việc đình chỉ thi hành án cho các bên đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.[5]
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật THADS 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014, thì thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án theo quy định tại Khoản 1.
Cơ quan thi hành án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật THADS sẽ không thụ lý đơn yêu cầu thi hành án trở lại. Quy định này là chưa phù hợp, bởi:
-  Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Luật THADS: Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan THADS thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
-  Khoản 5 Điều 31 có quy định về các trường hợp cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án, nhưng không hề có trường hợp quy định từ chối nhận đơn yêu cầu đối với trường hợp thỏa thuận đình chỉ theo điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật THADS, nhưng sau đó yêu cầu thi hành án trở lại.
-  Theo quy định tại Điều 217 và Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp quy định tại… Điểm c Khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này...Như vậy, người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận ra quyết định đình chỉ thì sau đó vẫn được khởi kiện lại.
Mặt khác, về thẩm quyền ra quyết định đình chỉ THADS.Theo quy định tại Điều 50 Luật THADS thì chỉ có Thủ trưởng cơ quan THADS mới có thẩm quyền ra quyết định.Đây là quy định không hợp lý, bởi: tại Điều 219 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì lại có quy định rất rõ về thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sẽ thuộc về thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự hoặc thuộc về Hội đồng xét xử phụ thuộc vào thời điểm trước phiên tòa hay tại phiên tòa.
Thứ nhất, cần có quy định cơ quan thi hành án vẫn được nhận đơn yêu cầu thi hành án trở lại để ra quyết định thi hành án, vì theo Khoản 5 Điều 31 của Luật THADS không quy định từ chối nhận đơn yêu cầu đối với trường hợp thỏa thuận đình chỉ theo điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật THADS, nhưng sau đó yêu cầu thi hành án trở lại.
Thứ hai, cần quy định thẩm quyền đình chỉ thi hành án cho chấp hành viên – là người đang trực tiếp tổ chức thi hành án, cho phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động thi hành án và phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.


[1] http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=100
[2], 3Tổng cục Thi hành án dân sự, Tài liệu tập huấn – Triển khai các nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, các văn bản hướng dẫn thi hành và kỹ năng rà soát, chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo về THADS, Hà Nội, 12/2015.

[4] Tổng cục Thi hành án dân sự, Tài liệu tập huấn – Triển khai các nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, các văn bản hướng dẫn thi hành và kỹ năng rà soát, chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo về THADS, Hà Nội, 12/2015.
[5] TS. Nguyễn Công Bình (Chủ biên), Luật Thi hành án dân sự Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. CAND, Hà Nội, 2007, tr. 160.

Related Post

Previous
Next Post »