Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự

Thi hành án là hoạt động thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tính uy nghiêm của Nhà nước. Hoạt động thi hành án là hoạt động đưa các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. Trong đó,“thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự” là vấn đề quan trọng nhưng còn tồn tại nhiều bất cập.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là thời hạn do pháp luật quy định cho người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức THADS.
Theo Luật THADS hiện hành, thời hiệu yêu cầu THADS được định nghĩa tại Khoản 5 Điều 3 Luật THADS 2014: “Thời hiệu yêu cầu THADS là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này”.
Bản chất của thời hiệu yêu cầu THADSlà việc Nhà nước giới hạn quyền yêu cầu THADScủa đương sự trong thời hạn nhất định. Do đó, thời hiệu yêu cầu THADSchỉ đặt ra đối với phần bản án, quyết định thi hành theo yêu cầu của đương sự. Đối với phần bản án, quyết định việc thi hành mang lại lợi ích cho Nhà nước thì cơ quan THADScó trách nhiệm chủ động thi hành án nên không áp dụng thời hiệu THADS.

2. Đặc điểm

- Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự do pháp luật quy định;
- Chỉ áp dụng đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu;
- Thời hiệu yêu cầu thi hành án không có tính liên tục;
- Khi thời hiệu yêu cầu thi hành án kết thúc sẽ dẫn đến hậu quả người được thi hành án, người phải thi hành án mất quyền yêu cầu thi hành án.

3. Ý nghĩa

Thứ nhất, việc pháp luật quy định thời hiệu yêu cầu THADSbảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự trong THADS.
Thứ hai, căn cứ vào thời hiệu THADSdo pháp luật quy định các đương sự được lựa chọn, quyết định thời điểm thích hợp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình để yêu cầu thi hành án.
Thứ ba, việc pháp luật quy định về thời hiệu yêu cầu THADSbảo đảm cho việc tổ chức THADSđược thuận lợi.
Pháp luật quy định về thời hiệu yêu cầu THADStrong thời hạn nhất định, hết thời hạn đó họ sẽ không có quyền yêu cầu THADSnữa. Do vậy, sẽ tránh được những trường hợp việc xét xử đã lâu đương sự mới yêu cầu THADSgây khó khăn cho cơ quan THADStrong việc xác minh tài sản, địa chỉ của người phải thi hành án, tổ chức thi hành án…[1]

II. Quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thời hiệu

1. Quyền yêu cầu thi hành án

Theo quy định của Luật THADS 2014 đã quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ các đương sự, ở đây là quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án.
Đối với quyền yêu cầu thi hành án của người được thi hành án quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Luật THADS 2014. Như vậy, quyền yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đã được quy định cụ thể và riêng biệt trong một điều luật. Việc quy định này nhằm nêu nổi bật các quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án và cụ thể đã đưa quyền yêu cầu thi hành án – một quyền rất quan trọng đối với người được thi hành án nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Ngoài ra, quyền yêu cầu thi hànhán còn là một quyền của người phải thi hành án, cụ thể quyền này được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7a Luật THADS 2014. Việc thi hành án là một bất lợi cho người phải thi hành án nhưng lại đặt ra quyền yêu cầu thi hành án đối với trường hợp này vì trong rất nhiều trường hợp người phải thi hành án chủ động muốn thực hiện bản án, quyết định của Tòa án nhằm đảm xác định cụ thể các quyền đối với các tài sản của họ từ đó làm tiền để cho họ thực hiện các quyền cũng như nghĩa vụ dân sự khác mà chỉ khi họ thực hiện xong các bản án, quyết định của tòa thì họ mới có thể tự mình định đoạt được các tài sản khác.
Hơn nữa, việc chủ động thực hiện thi hành án đối với người phải thi hành án sẽ giúp họ được miễn, giảm một số khoản trong thi hành án cũng như được hưởng các chính sách khoan hồng của pháp luật. Ví dụ: khi đương sự chủ động thực hiện việc thi hành quyết định về bồi thường thiệt hại trong một bản án hình sự, thì khi đó pháp luật sẽ có những quy định cụ thể xem xét việc giảm nhẹ các hình phạt.

2. Cách tính thời hiệu

Theo quy định của Luật THADS 2014 thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm. Nhưng 05 năm này có thể được tính từ ngày bán án, quyết định có hiệu lực pháp luật; thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định hoặc bản án, quyết định theo định kì.
2.1. Thời hiệu 5 năm từ ngày bản án, quyết định của hiệu lực pháp luật
* Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị
Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không bị kháng cáo kháng nghị thì ngày có hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định được tính từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
- Bản án không bị kháng cáo thì sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án thì bản án có hiệu lực pháp luật (căn cứKhoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Như vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án sẽ được tính từ sau 15 ngày tuyên án của Tòa án.
- Bản án  không bị kháng nghị thì sau thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án thì bản án có hiệu lực pháp luật (căn cứ vào Khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Như vây, thời hiệu yêu cầu thi hành án sẽ được tính từ sau 30 ngày tuyên án của Tòa án.
Ở đây là chia trường hợp cụ thể căn cứ vào thời điểm có hiệu lực của bản án nhưng nhìn một cách tổng quan cũng như trên thực tế thì thời điểm muộn nhất để bán án có hiệu lực pháp luật là sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Vì trên thực tế sẽ tính thời gian cuối cùng để xét trên thực tế bản án có hiệu lực thực thi hay không.
- Quyết định không bị kháng cáo thì sau 10 ngày kể từ ngày ra quyết định hoặc nhận được quyết định giải quyết việc thì quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật (căn cứ Khoản 1 Điều 372 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Do vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án sẽ được tình sau 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
- Quyết định không bị kháng nghị của Viện kiểm sát sau 10 ngày đối với Viện kiểm sát cùng cấp hoặc 15 ngày đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thì quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật (căn cứ Khoản 2 Điều 372 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Do vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án sẽ được tính trên thực tế là sau 15 ngày kể từ ngày ra Tòa án ra quyết định.
Tóm lại, với quyết định của Tòa án thì xét trên thực tế thời điểm cuối cùng để xét quyết định có hiệu lực hay không là sau 15 ngày kể từ ngày ra quyết định. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho đương sự thì thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với quyết định của Tòa án là sau 15 ngày kể từ ngày ra quyết định.
* Bản án, quyết định phúc thẩm
- Đối với bản án phúc thẩm thì thời điểm có hiệu lực pháp luật là kể từ ngày tuyên án – căn cứ Khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Do vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với bản án phúc thẩm là kể từ ngày tuyên bán án phúc thẩm.
- Đối với quyết định phúc thẩm thì thời điểm có hiệu lực là kể từ ngày ra quyết định – căn cứ Khoản 4 Điều 375 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Do vậy, cũng giống như thời hiệu yêu cầu đối với bản án phúc thẩm thì với quyết định phúc thẩm thời hiệu cũng tính từ ngày ra quyết định phúc thẩm
* Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm
Theo quy định tại Điều 349 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì thời điểm có hiệu lực pháp luật đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm là kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm hoặc Hội đồng xét xử tái thẩm ra quyết định. Như vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án sẽ được tính từ ngày ra quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.
* Quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh
Theo quy định tại Điều 114 Luật Cạnh tranh 2004 thì quyết định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày kí hoặc có trường hợp đặc biệt thì có thể gia hạn thêm 30 ngày. Do vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh là sau 30 ngày kể từ ngày kí hoặc tối đa là 60 ngày kể từ ngày ký.
* Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 427 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì thời điểm có hiệu lực của bán án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày có quyết định công nhận của Tòa án Việt Nam. Do vậy, thì thời hiệu yêu cầu thi hành án sẽ được tính từ ngày Tòa án Việt Nam ra quyết định công nhận và cho thi hành.
2.2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ được án định trong bản án, quyết định
Trong trường hợp này theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật THADS 2014 thì thời hiệu yêu cầu thi hành án sẽ được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Ở đây, việc tính thời hiệu sẽ phụ thuộc vào ngày nghĩa vụ đến hạn mà không phụ thuộc vào thời điểm có hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài hay Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
2.3. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo định kì
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật THADS 2014 thì thời hiệu yêu cầu thi hành án được tính theo từng định kì kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

3. Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Luật THADS thì các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án sẽ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Ở đây, nếu người được thi hành án mà đồng ý cho hoãn thi hành án thì thời gian hoãn vẫn được tính vào thời gian yêu cầu thi hành án, việc quy định như vậy dựa trên sự thỏa thuận của các bên và khi các bên đã thỏa thuận được thì pháp luật coi như các bên vẫn các thực hiện các nghĩa vụ và vẫn tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Nhưng việc quy định như vậy cũng rất dễ dẫn đến việc khi các bên thỏa thuận hoãn thi hành án nhưng bên phải thi hành án lợi dụng điều này để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cũng như kéo dài thời gian ảnh hưởng đến quyền yêu cầu thi hành án của người được thi hành án. Điều này cũng là một sự thiếu sót cần được khắc phục nhằm khắc phục vấn đề lợi dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án để không thực hiện các nghĩa vụ.

4. Khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự

4.1. Điều kiện khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 30 Luật THADS 2014 thì các điều kiện để được khôi phục thi hành án gồm:
- Trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng làm người yêu cầu thi hánh án không thể yêu cầu thi hành án trong thời hạn luật định;
- Trở ngại khách quan đó phải phát sinh trong thời gian còn thời hiệu yêu cầu thi hành án;
- Người yêu cầu thi hành án phải chứng minh mình gặp phải trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng.
4.2. Trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 về các trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng như:
- Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
- Đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới hải đảo mà không thể yêu cầu thi hánh án đúng hạn…
Nếu trường hợp đương sự thuộc các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ – CP thì được coi là sự kiên bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Việc quy định các trường hợp này dựa trên các vấn để liên quan đến thiên nhiên hoặc sự kiện mà con người không thể tiên liệu được trước hoặc có nhưng không thể khắc phục được. Việc đặt ra những trường hợp này với việc liệt kê nhằm rõ ràng cụ thể các trường hợp giúp cho các đương sự có thể dễ dàng nhận diện thuộc trường hợp trở ngại khách quan hay sự kiện bất khả kháng nào, nhưng phần nào đó cũng gặp những khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn vì cuộc sống luôn thay đổi; các sự kiện, hiện tượng luôn thay đổi không ngừng.
4.3. Hình thức yêu cầu khôi phục thời hiệu
Việc yêu cầu thi hành án quá hạn được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 31 Luật THADS 2014, nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Tài liệu chứng minh gồm:
a) Đối với trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hoặc do trở ngại khách quan xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp quy định tại các Điểm b, c, d, đ và e Khoản này;
b) Đối với trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo, nếu có;
c) Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó;
d) Đối với trường hợp do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan đã ra bản án, quyết định, cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
đ) Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa đối với tổ chức phải thi hành án thì phải có xác nhận của cơ quan ra quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa.
e) Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
4.4. Xem xét yêu cầu khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sư
Việc đưa ra vấn đề khôi phục thời hiệu nhằm hướng đến việc có các quyết định có cho khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án hay không, đây cũng là điều quan trọng nhất khi đặt ra quy định về trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng. Do vậy:
- Nếu có đủ các căn cứ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án.
- Nếu xét thấy không có đủ căn cứ khôi phục thời hiệu thì từ chối nhận đơn yêu cầu khôi phục thời hiệu.

III. Thực tiễn của việc quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án

Thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật THADS 2014. Cụ thể, như sau: “Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 5 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 5 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành hoãn thi hành án. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án”.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án là không cần thiết. Tuy rằng, việc quy định giới hạn về thời hiệu hiệu yêu cầu thi hành án của người được thi hành án là 5 năm  thiết nghĩ là hợp lý vì đó là quyền lợi của họ cũng như  sẽ rất thuận lợi cho cơ quan thi hành án trong việc lưu trữ hồ sơ cũng như tổng kết vụ án, tránh trường hợp án bị lưu trữ quá lâu mà không giải quyết được và còn tồn đọng. Nhưng mặt khác, bất cập lớn nhất của xã hội Việt Nam nói chung là người dân đa phần có trình độ hiểu biết pháp luật khá kém, nếu không có người tư vấn thì họ hoàn toàn không biết nếu sau 5 năm họ không yêu cầu thi hành án tức là họ đã đương nhiên từ bỏ quyền của mình, quyền và lợi ích của họ đương nhiên mất đi hoặc một phần cũng có thể do hoàn cảnh, điều kiện của họ chưa thể thi hành ngay được nên quyền lợi của họ cũng đương nhiên mất đi. Phải chăng pháp luật chỉ là để phục vụ ý chí quyền lực của Nhà nước, dù Nhà nước là của Dân, do Dân và vì Dân?
Song bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy, quy định về quyền yêu cầu thi hành án của người phải thi hành án là một trong những quy định cũng đã thể hiện tính đúng đắn, khoa học của pháp luật THADSnhưng quyền đó của người phải thi hành án lại bị giới hạn bởi thời hiệu yêu cầu thi hành án. Đây có thể coi là một điểm hạn chế,bất cập của pháp luật thi hành án hiện hành. Nguyên nhân một phần đã nói ở trên và vấn đề giải thích thời hiệu và quyền yêu cầu thi hành án từ trước tới nay ít được chú ý nên các bên đương sự không biết để yêu cầu. Đặc biệt trong các vụ án hình sự mà bị cáo bị tuyên án phạt tù với mức cao hơn 5 năm,người được thi hành án không được giải thích về thời hiệu và quyền yêu cầu thi hành án nên họ chờ người bị kết án thi hành án phạt tù xong họ mới yêu cầu thi hành án thì thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết. Trên thực tế còn có một số trường hợp đã quá thời hiệu thi hành án theo quy định của pháp luật và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 30 Luật THADS nhưng người phải thi hành án lại tự nguyện đem tiền tới cơ quan THADScó thẩm quyền xin được nộp tiền được cơ quan THADS xác nhận là đã thực hiện nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định.
Xin nêu một trường hợp sau: Bán án hình sự sơ thẩm số 151/HSST ngày 30/7/1999 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên phạt Phan Trọng Khánh hình phạt tù chung thân, buộc Khánh bồi thường cho gia đình nạn nhân do ông Hoàng Văn Thời đại diện số tiền là 19.630.000 đồng. Bản án hình sự phúc thẩm số 2046/HSPT ngày 22/10/1999 của Tòa án nhân dân tối cao giữ nguyên hình phạt tù chung thân đối với bị cáo, các quyết định của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Ngày 3/8/2011 bà Nguyễn Thị Nạp là mẹ đẻ của Phan Trọng Khánh được ủy quyền đến cơ quan thi hành án xin tự nguyện thi hành án khoản tiền 19.630.000đ. Đối với trường hợp này, có hai quan điểm xử lý: Thứ nhất, căn cứ theo Điều 30 Luật THADS và Điều 2 Nghị định 58/2009/NĐ-CP để giải thích cho đương sự đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án và không nhận đơn yêu cầu thi hành án. Quan điểm thứ hai cho rằng tuy đã hết thời hiệu nhưng nhà nước ta luôn khuyến khích các đương sự tự nguyện thi hành án.
Với ví dụ trên, Khánh có tích cực cải tạo tốt được nhiều lần giảm án thì thời hạn phải chấp hành án phạt tù ít nhất là 20 năm sau đó mới được ra ngoài xã hội để lao động sản xuất, do vậy, không nên xác định thời hiệu yêu cầu THADStrong trường hợp này. Nếu theo quan điểm thứ hai sẽ được đa số người dân ủng hộ vì không chỉ làm lợi cho người được thi hành án, người phải thi hành án mà còn thu thêm một khoản phí thi hành án nộp cho ngân sách nhà nước, đồng thời bản án được thi hành một cách triệt để. Muốn vậy, cần chỉnh sửa quy định của pháp luật về vấn đề này. Mục đích của quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án chính là để giới hạn thời gian thực hiện quyền của các đương sự tương ứng với quyền của người yêu cầu là nghĩa vụ của bên bị yêu cầu. Đối với người phải thi hành án, việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án cũng chính là việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo bản án,quyết định của Tòa án, do vậy không cần thiết phải hạn chế thời gian để người phải thi hành án tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình. Trên thực tế có nhiều trường hợp ngoài phải thi hành phần dân sự trong bản án hình sự,họ còn phải chấp hành hình phạt tù,không được ở ngoài xã hội để lao động nên gia đình họ cũng chưa có điệu kiện kinh tế để thi hành án phần dân sự trong thời hạn quy định.
Hiện nay cũng có nhiều quan điểm về trường hợp gặp trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS. Thế nào sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan đã được quy định rõ theo Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này. Tuy nhiên có một vấn đề đó là khoảng thời gian gặp trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng ở thời điểm nào sẽ được gia hạn thêm. Giả sử thời gian gặp trở ngại khách quan,sự kiện bất khả kháng là 1 năm, sau 1 năm đó thời hạn còn lại để yêu cầu thi hành án là 2 năm nhưng họ chưa yêu cầu. Hết thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, người có quyền yêu cầu thi hành án làm đơn thì khoảng thời gian 1 năm gặp trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng đó có được tính vào thời hạn 5 năm hay không? Cũng tương tự như trên nhưng thời gian gặp trở ngại khách quan,sự kiện bất khả kháng ở thời điểm cuối của thời hạn 5 năm.Luật chưa quy định rõ điều này nên có các cách hiểu khác nhau về sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Có thể mục đích của nhà làm luật hướng tới khoảng thời gian gặp trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng ở đây là nằm ở thời điểm cuối, sau khi gặp trở ngại thì họ đã hết thời hạn yêu cầu nên luật quy định sẽ không tính thời gian gặp trở ngại đó; còn trường hợp sau khi gặp trở ngại khách quan mà người có quyền yêu cầu vẫn còn thời hạn yêu cầu nhưng không yêu cầu thì tức là họ có khả năng để yêu cầu nhưng không thực hiện,tự mình từ bỏ quyền lợi nên sẽ không chấp nhận lí do trở ngại khách quan đó. Tuy nhiên, hiện tại luật không quy định rõ nên ta hoàn toàn có thể hiểu theo cách thứ nhất (có lợi cho người yêu cầu). Nhưng hiểu như thế nào hoàn toàn là do luận điểm của Luật sư bảo vệ cho thân chủ của mình và Hội đồng xét xử lại phiên tòa quyết định.
Để tổ chức THADScó hiệu quả đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, luật nên quy định cụ thể rõ ràng hơn để tránh hiểu sai luật và áp dụng không chính xác. Về quyền yêu cầu thi hành án của người được thi hành án và người phải thi hành án là quy định hợp lý. Tuy nhiên, thời hiệu yêu cầu thi hành án nên sửa theo hướng có lợi cho người phải thi hành án. Việc không quy định thời hiệu yêu cầu THADSđối với người phải thi hành án sẽ tạo điều kiện cho họ có thêm cơ hội để thực hiện nghĩa vụ,trách nhiệm của mình và cũng để tạo điều kiện cho người phải thi hành án được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong các đợt xét giảm án hình sự.
Quy định về trở ngại khách quan,sự kiện bất khả kháng cần rõ ràng hơn để tránh gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và áp dụng pháp luật khác nhau.
Hơn nữa, công tác tuyên truyền pháp luật cũng cần tăng cường hơn nữa. Ngay sau khi các bản án,quyết định được tuyên, Tòa án nên giải thích cho các bên đương sự biết về thời hiệu THADSđể họ có đơn yêu cầu đúng thời hạn. Ngoài ra, trong trường hợp thực sự có trở ngại khách quan, các đương sự cũng cần lưu giữ chứng cứ để được xem xét.Đối với các cơ quan THADScũng không nên quá dễ dãi trong việc chấp nhận trở ngại khách quan vì như vậy sẽ đồng nghĩa với tiêu cực.

Thực tiễn thi hành án đã chỉ ra những bất cập trong những quy định về thời hiệu thi hành án, do đó, cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn để tránh hiểu sai luật và áp dụng không chính xác, bảo đảm các điều kiện, hướng có lợi hơn để người phải thi hành án có thể dễ dàng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.



[1]Giáo trình Luật Thi hành án dân sự; Trường Đại học Luật Hà Nội; Nxb. CAND; Hà Nội, 2012; tr.50.

Related Post

Previous
Next Post »