Quá trình hình thành, phát triển chế định về tội phạm môi trường; phân tích một tội phạm môi trường cụ thể

Bảo vệ môi trường đã và đang là vấn đề cấp bách được Nhà nước ta đặc biệt chú trọng trong thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội hướng tới phát triển bền vững.Thực tế trong nhiều năm qua, hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được phát hiện và xử lý.Tuy nhiên, mức độ xử lý chưa tương ứng với mức độ thiệt hại gây ra đối với môi trường. Mặc dù, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là BLHS 2009) đã có những quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm môi trường, nhưng thực tiễn thực hiện cho thấy, những quy định này chứa đựng nhiều vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện, sức răn đe đối với tội phạm về môi trường không cao.
Nhận thấy rõ sự bất cập, vướng mắc đó, ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 đã thông qua BLHS năm 2015, trong đó, có những quy định về tội phạm môi trường tại chương XIX (từ Điều 235 đến Điều 246). Những quy định mới này đã phần nào hạn chế được những bất cập, vướng mắc so với quy định tại BLHS năm 1999, bảo đảm cho việc thực thi có hiệu quả trên thực tế.
Thấy rõ những điểm mới tiến bộ đó, với giới hạn chỉ phân tích và làm rõ một tội phạm về môi trường, em đã lựa chọn tộigây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 BLHS 2015 để phân tích, bình luận và làm sáng rõ quy định của BLHS về tội danh này trong mối quan hệ với các quy định của pháp luật môi trường.

Môi trường là tất cả những gì tồn tại bao quanh con người, bao gồm các yếu tốt tự nhiên và các yếu tố nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.
Các tội phạm về môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, qua đó gây thiệt hại cho môi trường.
Khi BLHS năm 1985 ra đời, các tội phạm về môi trường dường như chưa được quan tâm đúng mức. Tại thời điểm đó, các tội phạm gây thiệt hại cho môi trường được hiểu như là những hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Điều 179, 180, 181 BLHS 1985), hoặc các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (Điều 216 BLHS 1985). Và chỉ có duy nhất một điều luật dành để quy định tội phạm xâm hại đến môi trường là Điều 195.
BLHS năm 1999 lần đầu tiên dành hẳn một chương quy định các tội phạm về môi trường tại chương XVII, bao gồm 10 điều luật. Sau khi được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009, BLHS có tất cả 11 điều luật, từ Điều 182 đến Điều 191a, quy định về các tội danh cụ thể liên quan đến lĩnh vực môi trường
Sau một thời gian triển khai thực hiện BLHS 2009, đã xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc trong việc xử lý tội phạm về môi trường.Để khắc phục những bất cập, hạn chế đó, BLHS năm 2015 đã có những quy định mới về tội phạm môi trường. Cụ thể, tội phạm về môi trường tại BLHS 2015 được quy định tại chương XIX (từ Điều 235 đến Điều 246), bao gồm các tội danh: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236); Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông(Điều 238); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240); Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 241); Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242); Tội hủy hoại rừng (Điều 243); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246).
Khi xây dựng BLHS 1999, các nhà làm luật dành 10 điều luật để quy định các hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường tại Chương XVII. Trong đó, ba hành vi trực tiếp gây ô nhiễm môi trường là: Tội gây ô nhiễm không khí; Tội gây ô nhiễm nguồn nước; Tội gây ô nhiễm đất.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, các quy định bộc lộ một số điểm bất hợp lý như: Quy định về xử lý hình sự đối với chủ thể phạm tội là pháp nhân; dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” trong cấu thành tội phạm… Thực tế đó đã đặt ra cho các nhà lập pháp hình sự với hai phương án lựa chọn: Một là, quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm hoặc; Hai là, sửa đổi cấu thành tội phạm của các hành vi gây ô nhiễm môi trường.[1]
Khắc phục những hạn chế trên, BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã gộp 3 tội danh trên thành tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182). Ngoài ra, nhà làm luật đã bỏ đi dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” trong cấu thành tội phạm của tội này.Theo đó, chỉ cần việc xả thải ra môi trường nước, không khí và đất “vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” thì hành vi đã cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn mắc phải nhiều vướng mắc, khiến quy định khó triển khai trong thực tế. Đặc biệt là việc truy cứu trách nhiệm của pháp nhân – khi mà pháp nhân mới chính là người chủ yếu gây ra các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, BLHS năm 2015 đã có những quy định mới về vấn đề này nhằm siết chặt các hành vi gây ô nhiễm môi trường và truy cứu trách nhiệm của các cá nhân và các pháp nhân thương mại.
Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ  10, Quốc hội khóa XIII đã thống nhất thông qua BLHS nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015. BLHS sẽ thay thế BLHS 2009. BLHS 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2016, nhưng do mắc phải một số sai sót về mặt kỹ thuật và một số nội dung chưa phù hợp, nên BLHS đã bị hoãn thời gian có hiệu lực.
Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 BLHS năm 2015.Mặc dù chưa có hiệu lực thi hành, nhưng vẫn có thể xem xét tội phạm này dưới một số góc độ cơ bản.
Tội gây ô nhiễm môi trường là hành vi cố ý chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường các chất gây ô nhiễm, phát tán bức xạ vượt quá các giới hạn quy định tại Khoản 1 Điều 235 BLHS. Cụ thể:
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;
- Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
- Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần;
- Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
- Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;
- Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
- Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.
Trước đây, khi muốn xử lý một hành vi có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, cơ quan hữu quan thường phải xem xét nhiều văn bản khác nhau, để biết hành vi xả thải vào môi trường đó đã gây “hậu quả nghiêm trọng”, hay hành vi đó đã làm môi trường bị “ô nhiễm nghiêm trọng” hay chưa? Đó là văn bản của rất nhiều cơ quan khác nhau, như: hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mặt nước, chất lượng nước ngầm, về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất,… hay phải tham khảo các quy định pháp luật có liên quan về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, hay những quy định về hàng hải theo Bộ luật Hàng hải,…
Chính vì vậy, thực tế xảy ra là việc áp dụng các quy định trên thực tế diễn ra khó khăn, bất cập. Khi BLHS 2015 quy định rất chi tiết các hành vi, mức độ, khối lượng chất thải được thải vào môi trường như trên sẽ khiến cho việc áp dụng trên thực tế chính xác và dễ hơn bởi tránh tình trạng phải giải thích ở quá nhiều văn bản hướng dẫn về hậu quả nghiêm trọng như trước đây.
Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng, các mức định lượng (ngưỡng xả thải định khung) tại Điều 235 BLHS 2015 làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa hợp lý, dẫn tới thực tế khó có thể thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại điểm b và điểm d Khoản 1, Điểm b và điểm d Khoản 2, điểm c và điểm e Khoản 3 quy định việc xả thải ra môi trường nguy hại, vượt quá mức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải từ 10 lần trở lên là không phù hợp; mức xả thải có thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật thải ra môi trường từ 5000 m3/ngày là quá nhiều.[2]
Thực tế cho thấy rằng, chỉ cần xả thải vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật là đã gây ra ô nhiễm về môi trường.Vượt qua 2, 3 lần quy chuẩn là đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, chế độ sinh hoạt của cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến môi trường.Do đó, cần điều chỉnh hạ thấp các mức định lượng này cho phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm. Nếu mức định lượng không được hạ xuống thì chúng ta sẽ tiếp tục không xử lý hình sự được vụ gây ô nhiễm môi trường nào và chúng ta phải chứng kiến tiếp tục những hậu quả nặng nề từ ô nhiễm môi trường.Mức định lượng được hạ thấp đến bao nhiêu là hợp lý cần tham khảo ý kiến các bộ, ngành có liên quan.[3]
Nếu như BLHS 2009, chỉ quy định trách nhiệm của cá nhân (đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự) đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường thì theo quy định của BLHS 2015, pháp nhân thương mại phạm tội gây ô nhiễm môi trường cũng có thể bị xử lý hình sự về tội danh này. Đây là một quy định mới của BLHS 2015 xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đấu tranh tội phạm đối với các hành vi xâm phạm môi trường sống, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tổ chức.
Theo quy định tại Điều 75 BLHS 2015, thì pháp nhân thương mại có thể là: các pháp nhân có mục tiêu chính tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên; bao gồm: doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Có thể thấy rằng, trên thực tế, chính các doanh nghiệp mới là người chủ yếu gây ra ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, BLHS 2009 lại không có quy định về trách nhiệm của pháp nhân thương mại.
BLHS 2009 đã vô tình tạo ra “kẻ hở” cho các pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại ngang nhiên xả thải ra môi trường rồi chấp nhận bị xử lý vi phạm hành chính, so với bồi thường thiệt hại cho người dân và chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải một cách bài bản thì họ vẫn có lợi hơn nhiều.[4]
Trong khi đó, cũng khó có thể xử lý hình sự đối với người đứng đầu pháp nhân đó, bởi lẽ, người đại diện của pháp nhân thực hiện hành vi vì lợi ích của pháp nhân đó hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, kéo dài, có tổ chức cao và có những trường hợp mang yếu tố ngoại giao, hoặc có tính quốc tế.
Thấy rõ vấn đề này, BLHS 2015 đã quy định các pháp nhân thương mại này sẽ phải chịu trách nhiệm nếu hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân, có sự điều hành, chỉ đạo của pháp nhân đó và phải còn nằm trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm.
Việc quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là quy định rất phù hợp với thực tiễn hiện nay, đảm bảo rằng mọi hành vi, thủ đoạn gây ô nhiễm môi trường đều được xử lý kịp thời, nhanh chóng, nghiêm minh.
Đối với cá nhân phạm tội, nếu thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 235 BLHS 2015 thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Nếu thực hiện một trong các hành vi tại khoản 3 này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với với pháp nhân thương mại phạm tội, nếu thực hiện hành vi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng;
Nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, thì bị phạt tiền từ 5 tỷ đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng;
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Ngoài ra, nếu pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp tại Điều 79 BLHS 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, đó là các trường hợp:
- Pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
- Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Nhìn chung, mức hình phạt tại Điều 235 BLHS 2015 so với Điều 182 BLHS 2009 đã có tính răn đe cao hơn, khi đã tăng mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân từ 500 triệu đồng lên 3 tỷ đồng. Đồng thời mức phạt tù tối thiểu cũng được tăng từ 6 tháng lên thành một năm.
Đối với pháp nhân thương mại, mức trách nhiệm mà pháp nhân phải gánh chịu nếu vi phạm khá lớn. Cụ thể, tối đa pháp nhân có thể phải chịu phạt đến 10 tỷ đồng, hoặc có thể bị “phạt tù có thời hạn” (đình chỉ hoạt động đến 3 năm), hoặc bị “tước” quyền kinh doanh (bị cấm hoạt động, kinh doanh đến 3 năm), và cao nhất, pháp nhân thương mại có thể bị “tử hình” (bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn).
Mặc dù mức hình phạt theo BLHS 2015 cao hơn mức hình phạt tại BLHS 2009, nhưng sức răn đe của mức hình phạt vẫn còn chưa cao. Cụ thể, tội gây ô nhiễm môi trường có thể gây hậu quả chết người, nhưng vì không chết tức thì mà gây ra cái chết lâu dài nên nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, môi sinh của nhiều thế hệ mai sau. Trong khi đó, Điều 235 với hình phạt nặng nhất là 10 tỷ đồng và 7 năm tù là chưa thỏa đáng.[5]
Do đó, cần siết chặt chế tài đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường theo hướng tăng nặng mức hình phạt, như vậy, mới thực sự tạo ra được sức răn đe lớn đối với các cá nhân, pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm môi trường.


Rõ ràng những quy định về tội gây ô nhiễm môi trường tại BLHS 2015 đã có những chế tài mạnh nhằm răn đe các cá nhân vi phạm và quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, Điều 235 BLHS 2015 cũng đã mắc phải một số hạn chế nhất định. Hy vọng rằng, trước khi BLHS 2015 có hiệu lực, những hạn chế này sẽ được sửa đổi, bổ sung cho hợp lý để có thể thực thi trên thực tế, đảm bảo xử lý nghiêm minh mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường của mọi cá nhân, pháp nhân thương mại, bảo đảm phát triển bền vững, giữ vững môi trường sống trong lành cho thế hệ hiện tại và mai sau.



[1] http://baotainguyenmoitruong.vn/phap-luat/201601/se-bo-tu-nguoi-gay-o-nhiem-moi-truong-2661775/
[2] http://baodauthau.vn/thoi-su/khung-hinh-phat-toi-gay-o-nhiem-moi-truong-chua-co-tinh-ran-de-28528.html
[3] http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=182&id=184584
[4] http://www.sotuphapqnam.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=2539:k-t-ngay-0172016-doanh-nghip-nao-x-thi-gay-o-nhim-moi-trng-s-b-x-ly-hinh-s&catid=108:vn-bn-chinh-sach-mi&Itemid=110
[5] http://baodauthau.vn/thoi-su/khung-hinh-phat-toi-gay-o-nhiem-moi-truong-chua-co-tinh-ran-de-28528.html

Related Post

Previous
Next Post »