Đề bài: 09
Ngày
11/08/2001, Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Công ty Hữu Hòa GCNĐKNH số 3456 bảo hộ
nhãn hiệu “Hạ Long” đăng ký cho sản phẩm chả mực. Chả mực có mùi thơm đặc
trưng, vị mặn đậm, ngọt tự nhiên, giòn, dai, chắc và bùi của công ty này đã được
người tiêu dùng ưa thích và biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, khi nhận thấy tiềm
năng phát triển của sản phẩm này, tháng 6 năm 2006, UBND tỉnh Quảng Ninh triển
khai việc đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hạ Long” cho sản phẩm chả mực để nhiều cơ sở
tại Hạ Long có thể sử dụng cho sản phẩm của mình. Ngày 20/10/2008, UBND tỉnh Quảng
Ninh nhận được thông báo từ Cục SHTT về việc CDĐL trùng với nhãn hiệu đang được
bảo hộ cho Công ty Hữu Hòa.
1.
UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn yêu cầu
Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH của Công ty Hữu Hòa do đăng ký tên địa
danh mà không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và xúc tiến việc đăng ký
cấp GCNĐKCDĐL cho UBND tỉnh Quảng Ninh. Theo anh (chị), Cục SHTT có chấp nhận hủy
bỏ hiệu lực GCNĐKNH của Công ty Hữu Hòa không? Vì sao?
2.
Là luật sư tư vấn cho UBND tỉnh Quảng
Ninh, anh (chị) sẽ đề xuất những phương án nào để UBND có thể đăng ký thành
công CDĐL “Hạ Long” cho sản phẩm chả mực?
1. Cục Sở hữu trí tuệ không chấp nhận
hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH “Hạ Long” của Công ty Hữu Hòa
Căn
cứ Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau
đây gọi là Luật SHTT) quy định về việc hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ,
theo đó:
“1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn
bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a. Người nộp đơn đăng ký không có quyền
đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với…. nhãn hiệu;
b. Đối tượng sở hữu công nghiệp không
đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
2.
Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng
điều kiện bảo hộ.”
Có thể thấy rằng, văn bằng bảo hộ chỉ bị
hủy bỏ hiệu lực nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 96 Luật SHTT.Đó là,
i) người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền
đăng ký; ii) đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại
thời điểm cấp văn bằng.Hay nói cách khác, nếu không rơi vào hai trường hợp
trên, thì không được phép hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ.
Xét tình huống trên, có thể thấy:
Thứ nhất, Công ty Hữu Hòa có quyền nộp đơn
đăng ký nhãn hiệu.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật
SHTT về quyền đăng ký nhãn hiệu: “Tổ chức,
cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch
vụ do mình cung cấp”. Theo tình huống, có thể thấy Công ty Hữu Hòa đã sản
xuất, kinh doanh loại sản phẩm, hàng hóa là chả mực, và sản phẩm của Công ty Hữu
Hòa đã được người tiêu dùng ưa thích, biết đến rộng rãi nhờ mùi thơm đặc trưng,
vị mặn đậm, ngọt tự nhiên, giòn, dai, chắc và bùi của sản phẩm.
Mặt khác, chả mực do Công ty Hữu Hòa sản
xuất, kinh doanh không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm sản xuất, kinh doanh theo
quy định của pháp luật. Do đó, có thể khẳng định rằng, Công ty Hữu Hòa có quyền
nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hóa mà công ty đang sản xuất, kinh
doanh.
Thứ hai,dấu hiệu “Hạ Long” đáp ứng điều kiện
bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ (ngày 11/08/2001).
(Tại
thời điểm năm 2001, Luật SHTT chưa ra đời, nên em không rõ để được cấp GCNĐKNH
khi đó, thì cần đáp ứng điều kiện gì, do đó, em xin được áp dụng các điều kiện
quy định tại Luật SHTT năm 2005 – là văn bản đang có hiệu lực khi UBND tỉnh Quảng
Ninh có yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ).
Theo đó, điều kiện để được bảo hộ nhãn
hiệu đó là: i) Là dấu hiệu nhìn thấy được
dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu
tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; ii) Có khả năng phân biệt
hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể
khác. (Điều 72 Luật SHTT).
Dựa
theo vụ việc trên, có thể thấy:
Một
là,
dấu hiệu “Hạ Long” là dấu hiệu nhìn thấy được, được thể hiện dưới dạng chữ cái,
từ ngữ.
Hai
là,
dấu hiệu “Hạ Long” có khả năng phân biệt.Bởi, tại thời điểm đó, dấu hiệu này
không thuộc các trường hợp được coi là không có khả năng phân biệt được liệt kê
tại Khoản 2 Điều 74 Luật SHTT.
Ba
là,
dấu hiệu “Hạ Long” không thuộc các trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa
nhãn hiệu được liệt kê tại Điều 73 Luật SHTT.
Bốn
là,
tại thời điểm được cấp GCNĐKNH, không có nhãn hiệu nổi tiếng nào là “Hạ Long”.
Do đó, dấu hiệu “Hạ Long” của Công ty Hữu Hòa không xâm phạm đến nhãn hiệu nổi
tiếng.
Do đó, có thể thấy, dấu hiệu “Hạ Long”
đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ làm nhãn hiệu.
Thứ ba,Công ty Hữu Hòa trung thực khi nộp
đơn, không hề có hành vi bao che, dấu giếm thông tin.Và
với dấu hiệu “Hạ Long”, thì chắc chắn rằng, ai ai cũng biết (kể cả Cục SHTT) đó
là một địa danh. Và Công ty Hữu Hòa không hề che dấu hay khai báo gian dối khi
nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.
Thứ tư,
cần làm rõ thời điểm UBND tỉnh Quảng Ninh gửi công văn yêu cầu Cục Sở hữu trí
tuệ hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH của Công ty Hữu Hòa. Bởi, theo Khoản 3 Điều 96 Luật
SHTT, thì thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của GCNĐKNH là 5
năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ.
Theo tình huống, Công ty Hữu Hòa được cấp
GCNĐKNH ngày 11/08/2001. Mặc dù tình huống không nói rõ UBND tỉnh Quảng Ninh gửi
công văn yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ này khi nào, nhưng dựa
vào chi tiết: “Ngày 20/10/2008, UBND tỉnh
Quảng Ninh nhận được thông báo từ Cục SHTT về việc CDĐL trùng với nhãn hiệu
đang được bảo hộ cho Công ty Hữu Hòa”, nên có thể đoán rằng, UBND tỉnh Quảng
Ninh đã gửi công văn yêu cầu này sau ngày 20/10/2008. Tức đã hết thời hiệu thực
hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của GCNĐKNH. Tất nhiên, sẽ không áp dụng thời
hiệu này, nếu người nộp đơn không trung thực, nhưng như đã phân tích ở trên,
Công ty Hữu Hòa không gian dối, dấu giếm thông tin khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
“Hạ Long”.
Từ đó, không có đủ căn cứ để Cục SHTT hủy
bỏ hiệu lực của GCNĐKNH số 3456 bảo hộ nhãn hiệu “Hạ Long” đăng ký cho sản phẩm
chả mực của Công ty Hữu Hòa. Do đó, việc Cục SHTT thông báo việc không cấp Giấy
chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Hạ Long” cho sản phẩm chả mực của UBND tỉnh Quảng
Ninh là đúng quy định.
(Đến
năm 2009, sau khi sửa đổi Luật SHTT, tại Khoản 3, 4 Điều 87, có bổ sung thêm
quy định nếu dấu hiệu mà chỉ nguồn gốc địa lý hoặc đặc sản địa phương của Việt
Nam, thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Có lẽ, sau khi hàng
loạt các vụ việc như: chả cá Hạ Long, Kẹo dừa Bến Tre… xảy ra, thì pháp luật đã
có những quy định siết chặt việc đăng ký nhãn hiệu cho những dấu hiệu chỉ nguồn
gốc địa lý, đặc sản địa phương).
2. Tư vấn để UBND tỉnh Quảng Ninh đăng
ký thành công chỉ dẫn địa lý “Hạ Long” cho sản phẩm chả mực
Với
việc không thể hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH cho nhãn hiệu “Hạ Long” đăng ký cho sản
phẩm chả mực của Công ty Hữu Hòa, sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật
về sở hữu trí tuệ, tôi tư vấn, đề xuất đến UBND tỉnh Quảng Ninh 02 phương án
sau:
Phương
án 1: Mua lại nhãn hiệu “Hạ Long”, rồi sau đó, thực hiện các thủ tục đăng ký chỉ
dẫn địa lý.
Đối
với phương án này, UBND tỉnh Quảng Ninh phải chấp nhận mất một khoản tiền nhất
định để mua lại nhãn hiệu từ Công ty Hữu Hòa, trong khi ngân sách không thể chi
quá nhiều. Và khó có thể chắc chắn là Công ty Hữu Hòa sẽ đồng ý bán lại nhãn hiệu
“Hạ Long”, bởi công ty này đã sử dụng lâu dài và nhãn hiệu đã được biết đến rất
rộng rãi, nguồn lợi ích vật chất, tài sản trí tuệ (thông qua các hoạt động nhượng
quyền thương mại, li-xăng…) khi khai thác nhãn hiệu này đem lại rất lớn cho
công ty không chỉ ở hiện tại, mà còn ở tương lai, do đó, không dễ gì, Công ty Hữu
Hòa sẽ đồng ý bán lại nhãn hiệu này.
Tuy
nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh có thể hứa hẹn về việc sau khi đăng ký chỉ dẫn địa lý, các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Hữu Hòa vẫn
có thể tiếp tục sử dụng dấu hiệu này, và UBND tỉnh có thể tạo ra các cơ chế hỗ
trợ sản xuất, kinh doanh cho công ty.
Phương
án 2: sử dụng thêm các yếu tố cá biệt để đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Khoản
22 Điều 4 Luật SHTT có quy định: “Chỉ dẫn
địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực…”.Những “dấu hiệu” này có thể là tên địa danh;
hình ảnh, biểu tượng đặc trưng…
Do
đó, ngoài việc sử dụng dấu hiệu mang tên địa danh là “Hạ Long” đã được đăng ký
nhãn hiệu, UBND tỉnh Quảng Ninh có thể thêm các hình ảnh hoặc biểu tượng đặc
trưng, cách điệu hóa cụm từ “Hạ Long”, hoặc các chi tiết cá biệt khác, để không
gây nhầm lẫn và có khả năng phân biệt với nhãn hiệu “Hạ Long” đã đăng ký.
Phương
án này hoàn toàn khả thi, tuy nhiên sau khi đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý
“Hạ Long”, thì thực tế sẽ cùng tồn tại một nhãn hiệu, một chỉ dẫn địa lý. Và
khi mà người tiêu dùng đang ưa chuộng, và biết đến rộng rãi nhãn hiệu “Hạ Long”
của Công ty Hữu Hòa, thì rất khó để sản phẩm chả mực cùng loại có gắn chỉ dẫn địa
lý “Hạ Long” có thể cạnh tranh được.
Nếu UBND tỉnh quyết định sử dụng
phương án 2, Công ty Luật của chúng tôi rất sẵn sàng thực hiện các thủ tục đăng
ký chỉ dẫn địa lý này giúp quý vị với thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất.
1 nhận xét:
Write nhận xétChào bạn, mình đang tìm hiểu về case này của bạn. Sau khi đọc case này, mình có bắt tay vào tìm hiểu nhưng không tìm thấy một nguồn tài liệu nào nói về việc UBND Quảng Ninh đã giành được chỉ dẫn địa lý "chả mực Hạ Long" ra sao. Mình rất hy vọng sẽ có được những tài liệu liên quan của bạn.
Reply