Người khuyết tật chiếm
tỷ lệ khá lớn trong xã hội, ước tính có khoảng 10% dân số thế giới (hơn 650 triệu
người) phải sống chung với những khuyết tật. Khuyết tật là nguyên nhân khiến
nhiều người phải đối mặt với nguy cơ bị vi phạm nghiêm trọng các quyền và nhân
phẩm.Vì vậy, để thay đổi cuộc sống người khuyết tật trước tiên cần bắt đầu từ
thay đổi trong nhận thức của xã hội.[1]
Trong thế kỷ trước, người
ta đã chứng kiến một cuộc cách mạng lớn về vấn đề người khuyết tật, qua đó thay
đổi cách đề cập, nhìn nhận, tương tác và hỗ trợ đối với họ, cụ thể:
Trong
giai đoạn này, người khuyết tật mới chỉ được coi là đối tượng của tình thương;
theo đó một quan niệm phổ biến là người khuyết tật cần được hỗ trợ, chăm sóc và
họ không thể và không đủ khả năng chăm lo cho cuộc sống của mình. Việc bảo vệ,
hỗ trợ họ chủ yếu dựa trên cách tiếp cận của lòng nhân đạo chứ không bắt nguồn
từ nhận thức rằng họ cũng là những chủ thể của quyền,
còn nhà nước, xã hội và các cá nhân khác là những chủ thể có nghĩa vụ phải tôn
trọng và đảm bảo thực hiện các quyền ấy.
Các
văn bản pháp luật quốc tế liên quan đến quyền con người được các nước phê chuẩn
từ những năm 1940 đến năm 1960, như: Tuyên ngôn Liên hợp quốc (LHQ) về Quyền
con người năm 1948, Công ước của LHQ về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966
và Công ước của LHQ về quyền dân sự và chính trị năm 1966… nhưng đều không đề cập
trực tiếp đến người khuyết tật.
Đến
năm 1970, xuất phát từ Hoa Kỳ – bằng nhiều hình thức khác nhau, người khuyết tật
và các hiệp hội của họ đã minh chứng rằng họ hoàn toàn có khả năng và có quyền
được sống và lao động như những người bình thường. Sự nỗ lực bền bỉ của họ cùng
với sự thay đổi về nhận thức trong xã hội đã dẫn đến những biến đổi mạnh mẽ về
chính sách và pháp luật của Hoa Kỳ về người khuyết tật. Đến những năm 1980, những
quan niệm nhân quyền tiến bộ của Hoa Kỳ về người khuyết tật được phổ biến ở nhiều
nước như Thụy Điển, Nhật Bản, Brazin…và gần đây là Hàn Quốc, Thái Lan… Tư tưởng
cốt lõi của nhận thức mới này là các vấn đề về người khuyết tật được xem xét dưới
góc độ quyền con người, dựa trên quan điểm tất cả mọi người đều có quyền được sống
một cuộc sống đầy đủ và có phẩm giá đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế
giới về quyền con người năm 1948.[2]
Bản
Tuyên bố của LHQ về quyền người chậm phát triển và Tuyên bố về quyền của người
khuyết tật được thông qua vào những năm 70 được coi là văn kiện quốc tế đầu
tiên quy định rõ các nguyên tắc nhân quyền liên quan đến người khuyết tật. Việc
áp dụng những công cụ pháp lí này vào thời gian đó là bước tiến quan trọng
trong việc công nhận quyền của người khuyết tật, nâng cao nhận thức về quyền
con người của người khuyết tật. Tuy nhiên, các văn kiện này sớm bị chỉ trích bởi
người ta cho rằng chúng vẫn chỉ thể hiện các quan điểm y tế và từ thiện đối với
người khuyết tật và cuối cùng làm gia tăng thêm thái độ gia trưởng đối với người
khuyết tật.[3]
Theo
quan điểm khuyết tật cá nhân (quan điểm y tế) này, họ cho rằng khuyết tật là do
hạn chế cá nhân, là ở chính con người đó, chú trọng rất ít hoặc không để ý đến
các yếu tố về môi trường xã hội và môi trường vật thể xung quanh người khuyết tật.
Từ đó, họ quan niệm người khuyết tật có thể hưởng lợi từ phương pháp khoa học
như thuốc điều trị và các công nghệ cải thiện chức năng.Mô hình y tế chú trọng
vào việc trị liệu cá nhân chứ không xem trọng việc trị liệu xã hội.Như vậy, mô
hình y tế nhìn nhận người khuyết tật là người có vấn đề về thể chất và đưa ra
giải pháp chữa trị để làm người đó “bình thường”.[4]
Vào
thập niên 80, việc xác định lại vấn đề người khuyết tật theo mô hình xã hội diễn
ở cấp quốc gia như là kết quả của các phong trào ủng hộ cho quyền khuyết tật
đang dấy lên ở tầm quốc tế. Và đến cuối những năm 90, mô hình xã hội trở nên khá nổi trội trong những nghiên cứu
khuyết tật trên thế giới, đó là khái niệm được sử dụng phổ biến nhất. Những người
theo quan điểm khuyết tật xã hội nhìn nhận khuyết tật là hệ quả bị xã hội loại
trừ và phân biệt. Bởi vì xã hội được tổ chức không tốt nên những người khuyết tật
phải đối mặt với một số phân biệt đối xử như: i/Thái độ: thể hiện sự sợ hãi, sự
thiếu hiểu biết và ít kỳ vọng (ảnh hưởng bởi văn hóa và tín ngưỡng); ii/ Môi
trường: dẫn đến việc không tiếp cận về vật chất, ảnh hưởng đến tất cả các mặt của
đời sống (trường học, cửa hàng, tòa nhà công cộng, giao thông…); iii/ Thể chế:
là những phân biệt mang tính pháp lý (ví dụ như không được lập gia đình hay có
con, không được nhận vào trường học…)[5].
Mô
hình xã hội khuyết tật coi những khiếm khuyết của con người là bình thường, thể
hiện sự đa dạng về hình dáng của con người, và chỉ có xã hội là có vấn đề, là
‘khuyết tật”, qua đó đưa ra giải pháp là phải thay đổi xã hội. Chính xã hội và
chính sách cần phải cải tổ chứ không phải người khuyết tật[6].
Các
quyền con người của người khuyết tật trở thành phần quan trọng trong chương
trình nghị sự của các chính sách quốc tế. Ngày càng nhiều các chương trình, quy
tắc, chính sách đối với người khuyết tật được thông qua, có thể kể đến như:Chương
trình hành động thế giới liên quan đến người khuyết tật đã được thông qua bởi Đại
hội đồng tại phiên họp thứ 37 vào năm 1982; Các quy tắc tiêu chuẩn của LHQ về
bình đẳng hoá cơ hội cho người khuyết tật (1993); Công ước LHQ về xoá bỏ mọi
hình thức phân biệt đối với phụ nữ (1999), cụ thể hóa một số nội dung liên quan
đến phụ nữ khuyết tật; Các nguyên tắc bảo vệ người mắc bệnh tâm thần và Cải thiện
việc chăm sóc sức khỏe tâm thần đã được thông qua năm 1991…
Giai
đoạn 1983 – 1992 được LHQ lấy làm thập kỉ của người khuyết tật.Và đặc biệt, ngày
13/12/2006, tại kì họp lần thứ 61 của Đại hội đồng LHQ, các nước đã nhất trí
thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật.Đây là văn bản quy phạm pháp
luật quốc tế đầu tiên khẳng định mọi tiếp cận của người khuyết tật đều dựa trên
quyền của người khuyết tật. Công ước nhằm thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo người
khuyết tật được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả quyền con người và quyền tự do
cơ bản, đồng thời, thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của người khuyết tật.[7]
Từ
các phân tích trên, có thể thấy rằng, trong thời gian qua, pháp luật quốc tế về
người khuyết tật đã có những biến đổi trong cách nhìn nhận về người khuyết tật,
từ việc coi những người khuyết tật là đối tượng của tình thương, là đối tượng “vô
dụng” hay “bỏ đi” trong những năm 40, 50 của thế kỷ XX, đến những năm 70 đã có
những biến đổi về cách tiếp cận khi coi người khuyết tật là người, và có các
quyền con người như những người bình thường. Và đến nay, với những quan điểm tiến
bộ về mô hình khuyết tật xã hội, pháp luật quốc tế đã không coi những khiếm
khuyết của những người khuyết tật là khuyết tật, mà khuyết tật ở đây chính là sự
kỳ thị, sự phân biệt đối xử của xã hội.
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo
trình Luật người khuyết tật Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011;
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo
trình Luật người khuyết tật Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011, tr.1 – 2;
[3]Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo
trình Luật người khuyết tật Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011, tr.57;
[4] Sđd, tr.2
[5] Sđd, tr.4 – 5;
[6] “Quản lý giáo dục hòa nhập”, Bộ
Giáo dục và Đào tạo, NXB Phụ nữ, 2010, tr45-46
[7] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo
trình Luật người khuyết tật Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011, tr. 61.