Để
đảm vảo quyền tiếp cận giao thông công cộng, Luật Người khuyết tật 2010 đã có
những quy định về việc tham gia giao thông đối với người khuyết tật (Điều 41)
và những yêu cầu đối với phương tiện giao thông công cộng (Điều 42). Ngoài ra,
các văn bản pháp luật liên quan cũng đã có những quy định về vấn đề này, cụ thể:
Về
mặt thiết kế, phương tiện giao thông công cộng nói chung, phương tiện tầu hỏa,
máy bay nói riêng, để người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn
kĩ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban
hành. Chẳng hạn trong lĩnh vực đường sắt, các toa xe khách có xét đến việc tiếp
cận sử dụng cho người khuyết tật phải đáp ứng các yêu cầu kĩ thuật được quy định
tại Thông tư số 67/2011/TT – BGTVT của Bộ Giao thông vận tải[1],
ví dụ: phải có thiết bị đưa xe lăn lên xuống toa xe khách; các toa xe ghế ngồi phải
có hệ thống đai an toàn... Nhìn chung, các phương tiện giao thông phải có chỗ
ưu tiên cho người khuyết tật, có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự
trợ giúp phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật (Điều 42 khoản 1, 2 Luật người
khuyết tật).[2]
Về
trách nhiệm của các chủ thể đối với người khuyết tật trong giao thông, ở từng
hình thức hoặc phương tiện giao thông, pháp luật đều có những quy định cụ thể.
Trong lĩnh vực đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách có nghĩa vụ
tổ chức lực lượng phục vụ hành khách là người khuyết tật vào ga, lên tàu, xuống
tàu thuận lợi (Điểm c Khoản 2 Điều 97 Luật đường sắt năm 2005). Đối với các
hãng hàng không, hành khách là người khuyết tật phải được quan tâm chăm sóc
trong quá trình vận chuyển (Điều 145 Khoản 2 Luật hàng không dân dụng năm
2006).Người khai thác phải xây dựng phương thức vận chuyển hành khách có khả
năng di chuyển bị hạn chế.[3]
Ngoài ra, khi sử dụng
các phương tiện giao thông công cộng, người khuyết tật được ưu tiên mua vé, được
giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện. Người khuyết tật đặc biệt nặng và người
khuyết tật nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng
một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Chính phủ (Điều 41 Khoản
3, 4 Luật người khuyết tật).[4]
Như vậy, có thể thấy rằng,
pháp luật Việt Nam đã có những quy định khá đầy đủ và toàn diện nhằm đảm bảo
quyền tiếp cận giao thông công cộng nói chung và đối với phương tiện tầu hỏa,
máy bay nói riêng, phù hợp với Công ước LHQ về quyền của người khuyết tật.
Trong
báo cáo mới nhất về dịch vụ hành khách là người khuyết tật gửi Cục Hàng không
Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – ông Lê Mạnh
Hùng cho biết, hiện tại tất cả các cảng
hàng không đều đã bố trí chỗ ngồi riêng cho người già yếu, phụ nữ có thai, người
khuyết tật. Tại hầu hết các cảng đều có bố trí ram dốc cho người khuyết tật tại
điểm tiếp cận, bố trí ghế chờ với số lượng không nhỏ hơn 5% tổng số ghế. Tương
tự, nhà vệ sinh cho người khuyết tật cũng đảm bảo chiếm ít nhất là 5% tổng số
phòng vệ sinh.Tuy nhiên, về hệ thống giao thông và khu vực vệ sinh cho người
khuyết tật mới chỉ có các cảng được xây dựng và sửa chữa trong khoảng 5 năm trở
lại đây như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Pleiku, Phú Bài, Phù Cát, Thọ Xuân, Cát Bi,
Vinh… là có đầy đủ. Những càng hàng không chưa đáp ứng yêu cầu trên sẽ được lên
kế hoạch sửa chữa trước năm 2020, đảm bảo phục vụ tốt người khuyết tật.
Liên
quan đến trang thiết bị phục vụ người khuyết tật, ông Hùng thừa nhận hiện chỉ
5/21 sân bay tại Việt Nam gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Liên
Khương có xe nâng phục vụ người khuyết tật.[5]
Sự
việc hãng hàng không Vietjet từ chối phục vụ một hành khách người khuyết tật đã
khiến nhiều người bày tỏ thái độ không đồng tình.Đồng thời cũng là một lời cảnh
báo việc thực thi quy định của pháp luật trên thực tế còn nhiều hạn chế.
Theo
bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Chương trình sống độc lập và Trung tâm sống độc lập
Hà Nội, sự chênh lệch giữa văn bản và trên thực tế còn rất lớn.Thực tế hiện
nay, dịch vụ hàng không chỉ hỗ trợ tốt cho những người đi lại được như người
khiếm thị, người khuyết tật vận động nhẹ. Người khiếm thính không có đủ thông
tin như những thay đổi về cổng ra máy bay, việc phục vụ trong chuyến bay... Bên
cạnh đó, nhiều quy định về dịch vụ không thân thiện đối với người khuyết tật.Nhân
viên phục vụ không hiểu dịch vụ và thiết bị hỗ trợ không chuyên nghiệp.
Đại
diện Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận hiện nay hạ tầng nhiều cảng hàng
không, đặc biệt là các cảng hàng không địa phương còn hạn chế trong việc cung cấp
dịch vụ cho người khuyết tật.Công tác trợ giúp hành khách của các hãng hàng
không Việt Nam còn thiếu sót. Đội ngũ nhân viên đại diện cho các hãng hàng
không làm việc trực tiếp với hành khách, đặc biệt khách là người khuyết tật
chưa nắm rõ về quy trình phục vụ của hãng, thông tin hướng dẫn hành khách chưa
được truyền tải rõ ràng, đầy đủ…[6]
Đối
với phương tiện tầu hỏa, một cuộc khảo sát cho thấy, trên các toa đều chưa có vị
trí hay toa ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật. Cửa tàu hẹp, chỉ rộng 72cm
nên xe lăn không thể tiếp cận. Toa tàu có 3 bậc lên xuống, các bậc lên xuống
cao, bậc đầu tiên là 45cm, các bậc tiếp theo là 30cm gây khó khăn rất lớn cho
người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật vận động.
Hành
lang đi lại giữa hai hàng ghế trong toa chỉ rộng 60cm, khoảng không gian trên các
toa giường nằm hẹp, không có chỗ cho xe lăn di chuyển. Mặc dù có hệ thống âm
thanh thông báo tên ga sắp đến, nhưng đa số các tầu không có hệ thống bảng
thông tin điện tử nên người khiếm thính sẽ gặp khó khăn trong việc nhận biết điểm
đến. Khu vệ sinh thiết kế không phù hợp với người khuyết tật, do chật chội và
do độ lắc của tầu.
Các
nhà ga hành khách hiện nay đều có nhà chờ rộng rãi, trang bị nhiều ghế ngồi.
Tuy nhiên, các nhà ga không có đường dốc đúng tiêu chuẩn cho xe lăn lên xuống
gây khó khăn cho việc di chuyển của người khuyết tật vận động, không có hệ thống
dẫn đường, gờ cảnh báo trước đường ga, vị trí lên tầu, gây khó khăn cho người
khiếm thị…[7]
Thứ
nhất, cần nhanh chóng rà soát hệ thống văn bản chuyên ngành tiến tới sửa đổi bổ
sung, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện cải tạo, sửa chữa
cơ sở hạ tầng để NKT tiếp cận giao thông theo các quy chuẩn, hướng dẫn tại các
văn bản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Thứ
hai, cần có những biện pháp kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với tổ chức, cá
nhân vi phạm những quy định về bảo đảm tiếp cận phương tiện giao thông công cộng
nhằm đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật, tránh để xảy ra những trường hợp
như vụ việc của hãng Vietjet Air.
Thứ
ba, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức
cho cộng đồng về nhu cầu và quyền được bảo đảm tiếp cận và tham gia giao thông
công cộng.
Thứ
tư, đảm bảo nguồn tài chính, huy động nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến trình
cải tạo cơ sở hạ tầng, sửa chữa, thay thế các phương tiện để phù hợp, đảm bảo
cho người khuyết tật có thể tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng,
trong đó có tầu hỏa và máy bay.
[1] Thay thế cho Quyết định
21/2006/QĐ – BGTVT;
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo
trình Luật người khuyết tật Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011, tr. 172;
[3]Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo
trình Luật người khuyết tật Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011, tr. 173;
[4] Sđd, tr.173;
[5]http://www.tapchigiaothong.vn/nam-2020-moi-du-xe-nang-phuc-vu-nguoi-khuyet-tat-tai-san-bay-d2216.html
[6]
http://voh.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/giup-nguoi-khuyet-tat-tiep-can-giao-thong-hang-khong-136233.html
[7]Viện Xã hội học, Tạp chí Xã hội học
số 1 (117), 2012.