BÀI TẬP NHÓM
MÔN LUẬT DÂN SỰ MODUL 1
(Dành cho sinh viên K41– Học kỳ 2, năm học 2016 – 2017)
Đề 1:
Nhà ông A và nhà ông B là 2 hộ gia đình sống tại khu tập thể X, Phường Cổ
Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Căn hộ nhà ông A ở tầng 1 (P101), căn hộ nhà
ông B ở tầng 2 (P201) liền kề bên trên căn hộ nhà ông A. Khi khu tập thể X được
xây dựng, hệ thống đường ống dẫn nước thải được thiết kế độc lập cho từng hộ gia
đình. Theo đó, đường ống dẫn nước thải của gia đình ông B được lắp đặt ở phía
ngoài mép tường của khu tập thể, chạy dọc theo mép từng ngoài căn hộ nhà ông A.
Do sử dụng đã lâu nên đường ống dẫn nước thải nhà ông B bị hư hỏng, không thể
tiếp tục sử dụng. Thay vì sửa chữa thì gia đình ông A đề nghị gia đình ông B cho
dẫn nước thải qua đường ống nhà ông A và sẽ trả cho gia đình ông A một khoản
tiền. Gia đình ông A đồng ý và hai bên lập văn bản thỏa thuận trong đó xác định
hai nội dung: (1) gia đình ông A đồng ý để gia đình ông B cho nước thải sinh hoạt
chảy qua đường ống của mình; (2) gia đình ông B phải trả cho gia đình ông A số
tiền là 20 triệu đồng. Ngoài ra không có thỏa thuận gì thêm. Năm 2017, vì không
có nhu cầu sử dụng căn hộ, nên ông A đã bán căn hộ cho gia đình ông C. Mọi việc
vẫn diễn ra bình thường cho đến khi đường ống dẫn nước thải của gia đình ông B
bị vỡ (đoạn ống nằm trong mép phòng bếp của gia đình ông C, đoạn ống này được
ông B lắp đặt từ hố ga nhà mình nối xuống hố ga nhà ông A trước đó để thoát nước
thải sinh hoạt theo thỏa thuận giữa hai bên). Trước sự việc đó, gia đình ông C yêu
cầu gia đình ông B phải sửa chữa đường ống nhưng không được chấp thuận nên
hai bên gia đình xảy ra mâu thuẫn.Gia đình ông C khởi kiện ra Tòa.
Câu hỏi:
1. Tranh chấp trong tình huống trên có phải là tranh chấp liên quan đến
quyền đối với bất động sản liền kề không? Vì sao?
2. Xác định các căn cứ pháp lý được áp dụng để giải quyết vụ việc?
3. Gia đình ông C có quyền yêu cầu gia đình ông B chấm dứt việc dẫn nước
thải qua hố ga nhà mình không? Vì sao?
4. Gia đình ông C có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Đề 2:
Ngày 15/3/2017, cụ Hạnh (95 tuổi) đã tháo đôi bông tai tặng cho chị Hồng
làm nghề nhặt rác và sống cạnh nhà cụ Hạnh (đôi bông tai là kỷ vật mà người
chồng quá cố của cụ Hạnh đã tặng trong ngày cưới và cụ rất trân trọng. Đôi bông
tai bằng vàng có trị giá 15 triệu). Buổi tối, các con cháu cụ Hạnh đi làm về phát
hiện đôi bông tai cụ đeo hàng ngày không cánh mà bay liền hỏi cụ thì cụ nói rơi
đâu đó. Mọi người đi tìm quanh nhà và các khu vực cụ hay ngồi chơi nhưng đều
không thấy. Đột nhiên cụ Hạnh nhớ ra là buổi sáng đã tháo đôi bông tai tặng cho
chị Hồng. Trước sự việc đó, các con cụ Hạnh đã sang yêu cầu chị Hồng phải hoàn
trả cho cụ đôi bông tai vì lý do cụ bị lẫn (đãng trí tuổi già) nên mới tháo đôi bông
tai cho chị. Chị Hồng nói, vì cần tiền nên buổi chiều chị đã mang đôi bông tai ra
cửa hàng vàng của chị Nga bán được 10 triệu và trả nợ cho bà Hương toàn bộ 10
triệu đó. Đồng thời, chị Hồng cũng không đồng ý trả lại đôi bông tai, vì chị cho
rằng cụ Hạnh sang chơi nhà chị và tự nguyện cho chị chứ chị không xin và cũng
không cưỡng ép hay đe dọa cụ phải cho.
Hỏi:
1. Xác định các loại giao dịch trong tình huống và xác định giá trị pháp lý
của các giao dịch đó?
2. Xác định các căn cứ pháp lý có thể được sử dụng để giải quyết tình
huống?
3. Các con cụ Hạnh có thể đòi lại được đôi bông tai không?
4. Hãy xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến đôi bông
tai nếu giao dịch giữa cụ Hạnh và chị Hồng bị tuyên bố vô hiệu?
Đề số 3:
Ông A và bà B là hai vợ chồng, sinh được 4 người con là C và D là con trai,
E và F là con gái. Ông bà AB cùng các con sinh sống trên mảnh đất 500m2 của bố
mẹ bà B chết đi để lại (bà B là con duy nhất). Năm 1995, ông A qua đời không có
di chúc để lại. Năm 2004, bà B làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất (gọi tắt là SỔ ĐỎ) và đã được UBND quận X cấp sổ đỏ với phần nội dung ghi
người được cấp là: “cấp cho bà B (chồng đã chết)”. Năm 2017, bà B muốn lập di
chúc để định đoạt số đất 500m2. Nhưng khi ra phòng công chứng Y làm thủ tục thì
phòng công chứng yêu cầu phải có sự đồng ý của bốn người con của bà thì bà mới
có thể lập được di chúc, vì phòng công chứng cho rằng căn cứ vào sổ đỏ thì không
thể xác định quyền sử dụng đất đó là tài sản riêng của bà.
Câu hỏi:
1. Nhận định của phòng công chứng Y có hợp lý hay không? Vì sao?
2. Khi lập di chúc, bà B muốn để lại toàn bộ di sản cho C hưởng nhưng không
được bán vì bà sợ sau khi bà đã chết, C bán đất thì các em sẽ không có chỗ về thắp
hương cho bố mẹ. Vậy, bà B có thể lập di chúc như vậy không?Sau khi bà B đã
chết, C có quyền bán phần đất đã được thừa kế của bà B không?
3. Hãy tư vấn cho bà B cách thức lập di chúc đúng với mong muốn?
Đề số 4:
Ngày 15/6/2014, vợ chồng anh Sơn chị Hà được Tòa giải quyết cho ly hôn
theo quy định của pháp luật, theo đó, con chung duy nhất của vợ chồng anh chị là
cháu Nam (5 tuổi) sẽ do anh Sơn nuôi dưỡng. Sau khi ly hôn, chị Hà gặp tai nạn
chấn thương sọ não dẫn đến mất hoàn toàn khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.
Kể từ khi bố mẹ ly hôn, Nam thường xuyên bị bố đẻ đánh đập mỗi khi uống rượu
say. Mặc dù đã được gia đình, họ hàng, làng xóm nhiều lần can ngăn, thậm chí dọa
báo công an nhưng Sơn vẫn chứng nào tật ấy. Đỉnh điểm của sự việc là ngày
02/01/2017, Nam bị bố đẻ đánh chấn thương sọ não do Nam đi học bị điểm kém.
Trước sự việc đó, bố mẹ đẻ của chị Hà là ông Lâm và bà Phương đã báo công an
về sự việc cháu ngoại bị cha đẻ đánh đập. Ngay sau đó, anh Sơn bị bắt và bị kết án
về tội cố ý gây thương tích đối với con đẻ. Tuy nhiên, bố mẹ đẻ của anh Sơn là ông
Quang bà Sáng không đồng ý với yêu cầu của ông Lâm bà Phương vì cho rằng
Nam là cháu nội của mình nên mình mới được quyền nuôi dưỡng cháu.
Câu hỏi:
1. Ai là người đại diện cho cháu Nam (người bị thiệt hại về sức khỏe) tại
phiên Tòa xét xử về tội cố ý gây thương tích đối với anh Sơn?
2. Giả sử anh Sơn phải chấp hành hình phạt tù về tội cố ý gây thương tích
thì anh còn tư cách đại diện theo pháp luật của Nam không?
3. Nam có bắt buộc phải có người giám hộ không? Tại sao?Ai sẽ là người
giám hộ cho cháu Nam?
4. Nếu anh Sơn đã chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn mà Nam chưa
thành niên thì việc giám hộ đối với Nam có chấm dứt không? Tại sao?
................................................
Yêu cầu của bài tập nhóm:
- Mỗi nhóm chọn một vụ việc trong bốn vụ việc dưới đây theo thứ tự, các
nhóm thuyết trình trong một ca thảo luận không được trùng nhau về vụ việc.
- Phải có biên bản phân công công việc cho các thành viên trong nhóm và
đánh giá kết quả làm việc của từng thành viên.
- Sản phẩm của mỗi nhóm gồm: 01 bản word nộp cho tổ bộ môn Luật Dân sự,
01 bản thuyết trình được chuẩn bị dưới dạng powerpoint hoặc sơ đồ tóm tắt
mô tả vụ án được trình bày trên khổ giấy A0.
- Nội dung: 8 điểm, phương pháp trình bày 2 điểm
- Cộng điểm:
+ Phương pháp và kỹ thuật thuyết trình tốt sẽ được giảng viên cộng điểm từ
0,5 đến 1 điểm.
+ Các lập luận có cơ sở về lý luận và luật thực định được viện dẫn chính
xác sẽ được cộng từ 0,5 đến 1 điểm.
Lưu ý: Có bất cứ thắc mắc gì, sinh viên có thể liên hệ với cô Vũ Thị Hồng Yến
theo địa chỉ mail: vuthihongyenhlu@gmail.com; hoặc điện thoại: 0973586499.
Phụ trách TBM Luật Dân Sự
TS. Vũ Thị Hồng Yến (đã ký)