Bài tập nhóm Hình sự 2 - Hiếp dâm: Sau khi uống rượu với mấy người bạn, trên đường về nhà đến đoạn đường qua một nghĩa trang, A gặp chị H là công nhân xí nghiệp giầy da đi làm về một mình bằng xe đạp. A có ý định hiếp dâm chị H nên chặn xe và kéo ngã chị H xuống đất để thực hiện hành vi giao cấu. Chị H chống cự lại thì bị A bóp cổ và dọa giết chị H nếu H còn kêu cứu. Sau khi A kết thúc hành vi giao cấu, chị H vội vã dắt xe đạp định bỏ chạy thì A quá: “Để chiếc xe đạp lại cho tao”. Chị H sợ hãi bỏ xe đạp lại và chay khỏi hiện trường. A đem chiếc xe đạp đi bán được 1.500.000 đồng.

ĐỀ BÀI:
Sau khi uống rượu với mấy người bạn, trên đường về nhà đến đoạn đường qua một nghĩa trang, A gặp chị H là công nhân xí nghiệp giầy da đi làm về một mình bằng xe đạp. A có ý định hiếp dâm chị H nên chặn xe và kéo ngã chị H xuống đất để thực hiện hành vi giao cấu. Chị H chống cự lại thì bị A bóp cổ và dọa giết chị H nếu H còn kêu cứu. Sau khi A kết thúc hành vi giao cấu, chị H vội vã dắt xe đạp định bỏ chạy thì A quá: “Để chiếc xe đạp lại cho tao”. Chị H sợ hãi bỏ xe đạp lại và chay khỏi hiện trường. A đem chiếc xe đạp đi bán được 1.500.000 đồng.
Hỏi:
1. Hãy xác định tội danh cho hành vi phạm tội của A? (3 điểm)
2. Giả sử sau khi kéo chị H ngã xuống đất, chị H nói mình bị nhiễm HIV nên A đã bỏ đi thì hành vi của A có được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Tại sao? (3 điểm)
3. Tội hiếp dâm là tội có cấu thành vật chất hay hình thức? Tại sao? (1 điểm)


1. Hãy xác định tội danh cho hành vi phạm tội của A?
Trả lời:
Do đề bài không đề cập đến độ tuổi, năng lực TNHS, nên ta mặc nhiên thừa nhận A đủ tuổi chịu TNHS (theo điều 12 BLHS), có đủ năng lực TNHS (không thuộc các trường hợp quy định tại điều 13 BLHS).
Thứ nhất, A phạm tội Hiếp dâm theo Điều 111 BLHS năm 1999. Vì:
Hành vi của A thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội hiếp dâm:
*Về khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm đến quyền được tôn trọng về nhân thân, danh dự của con người. Cụ thể, là xâm phạm quyền tự do, tự chủ về tình dục của chị H. Trong tình huống này, đề bài cũng không nói rõ tuổi của chị H, nhưng có chi tiết:“chị H là công nhân xí nghiệp giầy da”, nên ta có thể hiểu chị H đủ 18 tuổi.
*Về chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội hiếp dâm là chủ thể đặc biệt. Người thực hiện hành vi phạm tội chỉ có thể là nam giới. Nữ giới chỉ có thể tham gia trong đồng phạm hiếp dâm với vai trò là người xúi giục, giúp sức hay tổ chức. Do đề bài không đề cập đến giới tính, nên ta mặc nhiên thừa nhận A là nam giới.
*Về mặt khách quan của tội phạm:thể hiện ở hành vi“dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ” (khoản 1 Điều 111 BLHS).
Đối với hành vi thứ nhất là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân:
Hành vi dùng vũ lực là việc dùng sức mạnh về thể chất đối với nạn nhân. Ở đây, hành vi dùng vũ lực của A là chặn xe và nhanh chóng “kéo ngã” chị H xuống đất để thực hiện hành vi giao cấu. Khi chị H chống cự thì A“bóp cổ” chị H. Hành vi này đã đè bẹp sự phản kháng của nạn nhân. Bên cạnh đó A còn đe dọa chị H: “Im mồm, còn kêu nữa tao giết chết” – đây là hành vi đe dọa dùng vũ lực.Hành vi này tuy chưa tác động trực tiếp vào người nạn nhân nhưng nó đưa ra thông tin khiến cho nạn nhân hiểu rằng nếu không cho người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu thì có thể bị dùng vũ lực, làm tê liệt ý chí nạn nhân để giao cấu trái ý muốn của chị H.
Trong tình huống này, A cũng đã lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, chị H là công nhân xí nghiệp giày da, đang đi làm về, tình tiết này ta có thể hiểu rằng lúc này chị H đang trong tình trạng mệt mỏi sau ca làm việc, hơn nữa chị H“đi một mình bằng xe đạp” nên khả năng có thể tự vệ được là rất thấp. Bên cạnh đó, A lại gặp chị H ở nghĩa trang - nơi thường hoang vắng, ít người qua lại. Các tình tiết trên cho thấy chị H đang ở trong tình trạng không thể tự vệ được nếu hành vi xâm hại xảy ra.
Đối với hành vi thứ hai làhành vi giao cấu với nhân trái với ý muốn của họ:Hành vi giao cấu được coi là trái với ý muốn của nạn nhân khi hành vi đó không được nạn nhân đồng ý, chấp nhận.
Trong trường hợp thông thường, nạn nhân có thể biểu lộ được ý chí một cách đúng đắn thì tính chất trái ý muốn được thể hiện qua thái độ phản đối của nạn nhân. Ở đây, chị H đã có thái độ phản đối, kháng cự qua hành vi “chống cự lại” khi A dùng vũ lực nhằm thực hiện hành vi giao cấu với chị, việc chống cự của chị H chỉ dừng lại khi A thực hiện những thủ đoạn nhằm đè bẹp sự kháng cự của chị (hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực), điều này chứng tỏ hành vi giao cấu của A với chị H là trái với ý muốn của chị.
Về mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của A ở đây là lỗi cố ý trực tiếp. A biết hành vi giao cấu của mình là trái với ý muốn của chị H nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó bằng các thủ đoạn đã trình bày ở trên.
Như vậy, hành vi của A đã phạm tội hiếp dâm theo Điều 111 BLHS.
Thứ hai, A phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS. Vì:
* Khách thể của tội phạm:là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người và cụ thể ở đây là quyền sở hữu đối với chiếc xe đạp của chị H.
Đối tượng tác động là chiếc xe của chị H (giá trị đem bán là 1.500.000 đồng).
* Chủ thể của tội phạm:A đủ tuổi chịu TNHS và có đủ năng lực TNHS.
* Mặt chủ quan của tội phạm:Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Kẻ phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt và mong muốn chiếm đoạt tài sản đó. Ở đây,A nhận thức rõ hành vi của mình và thấy trước được hậu quả xảy ra và mong muốn chiếm đoạt được chiếc xe đạp của chị H.
Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Ở đây, A đe dọa chị H bỏ chiếc xe đạp lại là nhằm chiếm đoạt chiếc xe đạp, mục đích chiếm đoạt chiếc xe đạp của chị H đã rất rõ ràng.
* Mặt khách quan của tội phạm:
Đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi (lời nói hoặc hành động) làm cho người bị đe dọa lo sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập, tra khảo. Bản chất của việc đe dọa sẽ dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội thực hiện nhằm uy hiếp tinh thần của người bị hại, để từ đó tạo ra tâm lý lo sợ...rồi buộc phải giao tài sản cho người phạm tội.
Khác với hành vi đe dọa dùng vũ lực của tội cướp tài sản, hành vi đe dọa dùng vũ lực ở tội cưỡng đoạt tài sản không có đặc điểm “ngay tức khắc” như ở tội cướp tài sản. Biểu hiện của sự đe dọa trong tội cưỡng đoạt tài sản nó không xảy ra tức khắc, những biểu hiện của người phạm tội nhằm đe dọa người bị hại làm cho người này nhận thức được điều đó, và ngay bản thân người phạm tội cũng không có ý định sử dụng vũ lực ngay tức khắc. Giữa hành vi đe dọa và việc dùng vũ lực có khoảng cách về mặt thời gian. Sức mạnh của sự đe dọa chưa tới mức làm tê liệt ý chí chống cự của người bị đe dọa mà chỉ có khả năng khống chể ý chí của họ.Người bị đe dọa còn có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động. Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc ở tội cướp tài sản chỉ sự “nhanh chóng” về mặt thời gian và vừa dùng để chỉ sự mãnh liệt của hành vi đe dọa, sự mãnh liệt ở đây là làm cho người bị đe dọa thấy rằng vũ lực sẽ xảy ra ngay tức khắc, học không có hoặc khó có điều kiện tránh khỏi. Sự đe dọa làm tê liệt ý chí người bị hại.
Những thủ đoạn dùng để uy hiếp tinh thần khác của người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản: là hành vi đe dọa sẽ làm việc bất kỳ có hại cho người đe dọa về mặt tài sản, danh dự, uy tín bằng bất cứ thủ đoạn nào nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đọa của người phạm tội.
Trong trường hợp này, sau khi kết thúc hành vi giao cấu, chị H vội vã lấy chiếc xe đạp của mình định bỏ chạy thì A quát: “Để chiếc xe đạp lại cho tao”. Mặc dù A chưa có hành vi dùng vũ lực hay lời nói của A chưa thể hiện cụ thể mục đích để dọa sẽ làm gì chị H để lấy chiếc xe đạp nhưng trong trường hợp này A vẫn bị coi là dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần, đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với chị H. Sở dĩ khẳng định như vậy là vì, trước đó, khi chị H vừa bị A thực hiện hành vi giao cấu một cách trái ý muốn, bản thân chị H đã hoảng loạn, lo sợ và tâm lí trong tình trạng bất ổn. Đó là chưa kể để thực hiện được hành vi giao cấu với chị H, A đã có hành vi bóp cổ chị H và dọa nếu chị H còn kêu thì sẽ giết chết. Trong trạng thái tinh thần hoảng loạn, hoang mang do vừa bị hiếp dâm như vậy mà lại bị A quát lớn thì hoàn toàn có căn cứ là chị H lúc đó lo sợ rằng A sẽ giết mình hay làm tổn hại đến mình nếu không để lại chiếc xe đạp lại cho hắn. Đây được coi là một sự uy hiếp tinh thần, đe dọa sẽ dùng vũ lực một cách gián tiếp đối với nạn nhân của A (có thể nếu chị H không đưa xe đạp cho A thì A sẽ có những hành vi khác làm tổn hại đến sức khỏe hoặc nhân phẩm của chị).
Tuy nhiên xét thấy sức mạnh của sự đe dọa này chưa tới mức làm tê liệt ý chí chống cự của chị H mà chỉ có khả năng khống chế ý chí nên chị H hoàn toàn có thể có xử sự khác. Trong hoàn cảnh này, A không dùng vũ lực để triệt tiêu sự phản kháng của H mà A chỉ đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn uy hiếp tinh thần khác để chị H không dám kháng cự, dù vậy chị H vẫn có thể nhận biết được tính nguy hiểm từ hành vi đe dọa của A.
Vì vậy, trong tình huống này,  A đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 135 BLHS.
2. Giả sử sau khi kéo chị H ngã xuống đất, chị H nói mình bị nhiễm HIV nên A đã bỏ đi thì hành vi của A có được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Tại sao?
Trả lời:
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản.
Theo luật hình sự Việt Nam, chỉ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thỏa mãn những dấu hiệu sau:
- Thứ nhất, việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành.
- Thứ hai, việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải là tự nguyện và dứt khoát.
Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trước hết đòi hỏi việc chủ thể dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm phải hoàn toàn do động lực bên trong chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối và đây phải là sự từ bỏ hẳn ý định phạm tội. Khi dừng lại, người phạm tội tin rằng hiện tại không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp được tội phạm.
Xoay quanh tình huống này, có hai quan điểm trái ngược nhau:
Quan điểm thứ nhất: cho rằng sau khi kéo chị H ngã xuống đất, chị H nói mình bị nhiễm HIV nên A đã bỏ đi thì hành vi của A được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội.Để bảo vệ cho quan điểm này, họ lý giải: Tội hiếp dâm được coi là hoàn thành khi người phạm tội có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ, không cần việc giao cấu đó phải kết thúc về mặt sinh lý. Theo giả định của tình huống, thì A mới chỉ thực hiện hành vi dùng vũ lực “kéo ngã chị H xuống đất” và lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu chứ chưa thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân (chị H) trên thực tế nên tội phạm dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.
Sau khi kéo ngã chị H xuống đất, chị H nói mình bị nhiễm HIV thì A“đã bỏ đi” tức là A đã chấm dứt hoàn toàn việc thực hiện tội phạm. Việc chấm dứt hoàn toàn việc thực hiện tội phạm là do ý thức chủ quan của A chứ không phụ thuộc vào yếu tố khách quan bên ngoài. Bởi lẽ, cho dù chị H có nói mình bị nhiễm HIV đi chăng nữa thì A vẫn có những lựa chọn khác nhau, do thông tin chị H đưa ra không khiến A buộc phải chấm dứt việc phạm tội tức là nó không phải là nguyên nhân ngoài ý muốn của A khiến A không thực hiện được tội phạm đến cùng . Việc A lựa chọn cách xử sự nào là do ý thức chủ quan, theo sự mong muốn của A. Nếu A vẫn quyết định thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của chị H cho dù chị H nói mình bị nhiễm HIV thì A vẫn hoàn toàn thực hiện được. Bởi vì trước đó A đã thực hiện xong hành vi thứ nhất trong cấu thành tội phạm tội hiếp dâm, hành vi này đã đè bẹp sự kháng cự của chị H . Bên cạnh đó, A có căn cứ để tin rằng trong hoàn cảnh hiện tại thế chủ động đã hoàn toàn thuộc về mình, cho dù A quyết định thực hiện hành vi giao cấu với chị H thì cũng không có gì ngăn cản A hoàn thành tội phạm. Nếu A không thực hiện hành vi giao cấu với chị H thì vệc chấm dứt này cũng hoàn toàn là do ý thức chủ quan của A chứ không phải nguyên nhân khách quan bên ngoài. Như vậy rõ ràng bản thân A không mong muốn hoàn thành tội phạm nên A đã không thực hiện tội phạm đến cùng.
Từ đó, họ cho rằng việc chị H nói mình bị nhiễm HIV không phải là nguyên nhân bên ngoài buộc A phải chấm dứt việc phạm tội. Hơn nữa hành vi bỏ đi của A là sự thể hiện rõ ràng việc A đã từ bỏ hoàn toàn ý định phạm tội. Như vậy,A đã tự nguyện và dứt khoát không thực hiện tiếp tội phạm.
Quan điểm thứ hai: lại cho rằng hành vi của A không thể coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Và nhóm chúng em tán thành quan điểm này.
Trong trường hợp này, ta có thể khẳng định rằng đây là trường hợp phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành vì nó thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của giai đoạn phạm tội chưa đạt và người phạm tội vì nguyên nhân khách quan mà chưa thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm.
- Dấu hiệu thứ nhất: A đã bắt đầu thực hiện tội phạm, tức là A đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong CTTP tội hiếp dâm (Điều 111 BLHS). Điều đó thể hiện ở chỗ A đã có hành vi kéo chị H ngã xuống đất.
- Dấu hiệu thứ hai: A chưa thực hiện được tội phạm đến cùng, A đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa thực hiện được hết các hành vi được mô tả trong CTTP tội hiếp dâm. Cụ thể là A đã kéo ngã chị H nhưng chưa thực hiện được hành vi giao cấu.
- Dấu hiệu thứ ba: A chưa thực hiện được tội phạm đến cùng là do chị H nói mình bị nhiễm HIV, đây là nguyên nhân ngoài ý muốn của A, bản thân A không mong muốn điều đó xảy ra.
Mặc dù việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm xảy ra ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Tuy nhiên, việc chấm dứt này hoàn toàn không phải do động lực bên trong của A mà là do trở ngại khách quan bên ngoài chi phối (lời nói của chị H). Về mặt chủ quan, A không hoàn toàn tự nguyện từ bỏ ý định phạm tội của mình, A vì sợ bị lây nhiễm HIV nên mới dừng hành động phạm tội, đây chính là trở ngại ngăn cản A tiếp tục thực hiện hành vi tội phạm.
Chính vì vậy, trong trường hợp này hành vi của A không thể coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
3. Tội hiếp dâm là tội có cấu thành vật chất hay hình thức? Tại sao?
Trả lời:
Dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan, có thể chia CTTP thànhCTTP vật chất và CTTP hình thức:
- CTTP vật chất là CTTP có các dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
- CTTP hình thức là CTTP có một dấu hiệu khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Tội hiếp dâm có cấu thành hình thức, vì:
 Điều luật quy định của tội này chỉ quy định hành vi khách quan mà không quy định dấu hiệu hậu quả. Đồng thời, theo sự nghiên cứu thì thấy rằng giao cấu không phải là hậu quả mà là hành vi khách quan tội hiếp dâm đồng thời là mục đích của người phạm tội.
Tội hiếp dâm quy định tại điều 111 BLHS:“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu trái ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Dấu hiệu khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội ở đây là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu trái ý muốn của họ. Hành vi khách quan này đã thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội và rất khó khăn trong việc xác định hậu quả. Dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác được xác định là thủ đoạn phạm tội nhưng nhà làm luật đã mô tả thủ đoạn này vào trong CTTP như một hành vi cùng với hành vi chính. Hay nói cách khác những hành vi trên là hành vi tiền đề để thực hiện hành vi chính là giao cấu trái ý muốn nạn nhân. Tội hiếp dâm hoàn thành khi có hành vi giao cấu trái ý muốn với nạn nhân, không kể giao cấu đã kết thức về mặt sinh lý hay chưa.
Điểm khác nhau giữa CTTP vật chất và CTTP hình thức là ở chỗ xác định xem dấu hiệu hậu quả có phải là dấu hiệu bắt buộc hay không? Nhìn vào CTTP cơ bản của tội hiếp dâm, ta thấy rằng nhà làm luật không quy định hậu quả mà chỉ mô tả hai dấu hiệu: thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác và hành vi giao cấu trái ý muốn với nạn nhân. Do đó, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội hiếp dâm. Sở dĩ các nhà làm luật quy định tội hiếp dâm là tội có cấu thành hình thức vì:
- Bản thân hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân đã thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
- Những tội phạm có hậu quả khó xác định thường không quy định dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP. Do đó, chúng thường có CTTP hình thức. Hậu quả của tội hiếp dâm rất phức tạp và nhìn chung là khó xác định trong từng trường hợp cụ thể.
- Những tội phạm có tính chất nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao thường có cấu thành hình thức.
Từ đó khẳng định:Tội hiếp dâm là tội có cấu thành tội phạm hình thức.
KẾT LUẬN
1. A phạm tội Hiếp dâm theo điều 111 và Tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 BLHS năm 1999.
2. Sau khi kéo chị H ngã xuống đất, chị H nói mình bị nhiễm HIV nên A đã bỏ đi thì hành vi của A không được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội.

3. Tội hiếp dâm là tội có CTTP hình thức.

Related Post

Previous
Next Post »

XEM NHIỀU TRONG TUẦN