Con người không thể sống độc lập, mà phải cùng sống, phải có mối liên hệ
với nhau để tạo thành xã hội, tồn tại và phát triển như một thực thể của xã hội.
Vì thế liên hệ xã hội là nền tảng cuộc sống của con người. Trong
cuộc sống xã hội, con người luôn thực hiện các hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu,
lợi ích nhất định, dù được tự do thực hiện những hoạt động theo ý muốn cá nhân
nhưng con người vẫn phải đặt mình trong các nhóm xã hội hoặc xã hội nói chung,
tuân theo những quy tắc, yêu cầu đòi hỏi của những người xung quanh để định hướng
hành động của mình. Chính vì thế mà trong xã hội
xuất hiện nhu cầu phải có những phương tiện xã hội nhất định để điều chỉnh hành
vi của con người. Từ đó, trong xã hội hình thành và xuất hiện một hệ thống các
chuẩn mực xã hội (social norm, standard). Vậy, chuẩn mực xã hội là gì? Và nó có
tác dụng như thế nào đến đời sống xã hội, pháp luật? Để làm rõ hơn vấn đề này,
em xin tìm hiểu vấn đề:
“Phân tích khái niệm chuẩn mực xã hội, các đặc
trưng cơ bản của chuẩn mực xã hội? Tác dụng của chuẩn mực xã hội
đối với đời
sống xã hội và pháp luật?”
Chuẩn mực xã hội
là hệ thống các quy tắc, yêu cầu đòi hỏi của xã hội đối với mỗi cá nhân hay
nhóm xã hội, trong đó xác định ít nhiều sự chính xác về tính chất, mức độ, phạm
vi, giới hạn của cái có thể, cái được phép, cái không được phép hay cái bắt buộc
phải thực hiện trong các hành vi xã hội của mỗi con người, nhằm đảm bảo sự ổn định,
giữ gìn trật tự, kỉ cương của xã hội([1]).
Nội
dung khái niệm chuẩn mực xã hội đề cập đến ba vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất,
chuẩn mực xã hội là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, do chính
các thành viên của xã hội đặt ra nhằm áp
đặt cho hành vi xã hội của mỗi người. Điều đó nói lên nguồn gốc xã hội của chuẩn
mực xã hội - hình thành từ chính nhu cầu điều tiết điều chỉnh các mối quan hệ
xã hội đa dạng, phức tạp của đời sống xã hội. Đối với các thành viên xã hội,
chuẩn mực xã hội được coi là một giá trị chi phối rộng rãi và được tuân theo một
cách phổ biến.
Thứ hai,
chuẩn mực xã hôi không phải là một cái gì đó chung chung, trừu tượng, khó nhận
biết, mà nó luôn được xác định một cách
cụ thể, rõ ràng ở mức độ ít hay nhiều sự chính xác về tính chất , mức độ, phạm
vi và giới hạn của những khía cạnh, chỉ báo liện quan đến hành vi xã hội của mỗi
người([2]).
Bao gồm cái có thể, cái được phép, cái không được phép hay cái bắt buộc phải thực
hiện.
“Cái có thể” là khái niệm dùng để chỉ khả năng thực hiện
hay không thực hiện một hành vi xã hội của ác nhân con người khi tham gia hoặc ở
trong một tình huống, sự khiện xã hội, quan hệ xã hội nhất định. Chẳng hạn một
người phát hiện một người khác có nguy cơ chết đuối nếu không được cứu kịp thời.
Trong tình huống này, người phát hiện nhảy xuống hay không nhảy xuống phụ thuộc
vào việc anh ta có biết bơi hay không biết bơi cùng với cơ chế thúc đẩy hành vi
hoàn toàn trông chờ vào sự tự nguyện, tự giác của người đó.
“Cái được phép” dùng để chỉ tất cả những hành vi, hoạt động
mà các cá nhân đã và đang được phép thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, phù hợp
với các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của chuẩn mực xã hội khi họ tham gia vào các
sự kiện xã hội, quan hệ xã hội.
“Cái không được phép” là khái niệm
chỉ tát cả những hành vi, hoạt đọn mà chuẩn mực xã hội cấm các cá nhân
thực hiện, vì chúng gây ra hoặc có thể gây ra trạng thái nguy hiểm cho xã hội,
xâm phạm đến các quan hệ xã hội.Thông thường cái không được phép được nêu và
quy định trong các chuẩn mực pháp luật.
“Cái bắt buộc phải thực hiện” là khái niệm chỉ tất cả các hành vi, hoạt động
mà chuẩn mực xã hội buộc các cá nhân phải thực hiện, dù muốn hay không muốn,
khi cá nhân tham gia hay đang ở trong một tình huống, sự kiện xã hội, quan hệ
xã hội nhất định. Khía cạnh này của hành vi thường được quy định trong pháp luật
hình sự.
Thứ
ba, với hệ thong các quy tắc, yêu cầu được đưa ra
nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi xã hội của con người, chuẩn mực xã hội hướng
tới thực hiện các chức năng xã hội, giảm bớt tính hỗn tạp trong các ý kiến,
quan điểm đánh giá hành vi, gạt đi những bất đồng mâu thuẫn trong các tranh luận,
tránh được những xung đột không cần thiết, tạo cơ sở cho quá trình hòa giải,
thương lượng giữa các cá nhân để đi đến chấp nhận “mẫu số chung” nhỏ nhất của mọi hành vi. Thực hiện các chức năng đó
chuẩn mực xã hội góp phần tạo nên sự đồng thuận, đảm bảo sự ổn định xã hội, giữ
gìn và bảo vệ trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội([3]).
II.
Các đặc trưng cơ bản của chuẩn mực xã hội
Các chuẩn mực xã hội có nguồn gốc từ thực tiễn
đời sống xã hội, được hình thành, nảy sinh từ chính nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Chúng được tạo thành từ ý chí chung của các thành viên trong xã hội, các nhóm
xã hội, các giai cấp nhằm củng cố, bảo vệ hay phục vụ nhu cầu, lợi ích của họ.
Nội dung của các chuẩn mực xã hội phản ánh nội dung của các quan hệ xã hội, chứa
đựng các quy tắc, yêu cầu về mặt xã hội đối với hành vi của con người. Chính vì
vậy, sự xuất hiện , tồn tại và phát huy vai trò, hiệu lực của các chuẩn mực xã
hội trong đời sống xã hội ngày càng được coi là có tính khách quan và mang tính
tất yếu xã hội. Bên cạnh đó, các chuẩn mực xã hội còn mang tính lợi ích và tính
bắt buộc thực hiện, nghĩa là mọi thành viên của cộng đồng xã hội, dù muốn hay
không muốn, đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy định của chuẩn mực xã hội. Sự
tuân thủ và thực hiện các nguyên tắc, yêu cầu của chuẩn mực xã hội trong hành
vi xã hội của mỗi người được coi là trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ của người đó.
Nếu đi lệch ra khỏi quỹ đạo chung này, hành vi của cá nhân đó sẽ là bất bình
thường, sai lệch, là tội ác…Khi đó, cá nhân này sẽ bị xã hội phê phán, lên án
hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt theo tính chất, mức độ của hành vi.
Định
hướng là khái niệm chủ yếu
sử dụng trong các lĩnh vực hoạt động, trong đó, có hoạt động quản lý nhà nước,
quản lý xã hội. Trong hoạt động quản lý,
định hướng là hoạt động có căn cứ, có mục đích của chủ thể quản lý, hướng sự
chú ý của đối tượng tới nội dung, những vấn đè trọng tâm của sự việc, sự kiện
hay hiện tượng xã hội xảy ra trong dời sống xã hội theo mong muốn của chủ thể. Sự định hướng của chủ thể với một vấn đề xã hội
luôn luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng, nó giúp cho chủ
thể quản lý, nắm bắt được tình hình của một vấn đề, một sự kiện xã hội; chủ động
can thiệp, hướng dẫn quá trình vận động, phát triển của vấn đề, sự kiện xã hội
sao cho phù hợp với lợi ích của xã hội nói chung, của công tác quản lý nói
riêng; tránh được những sự cố đáng tiếc xảy ra. Chuẩn mực xã hội được định hướng
theo không gian, thời gian và đối tượng chịu sự tác động của chuẩn mực xã hội.
Theo
không gian, các chuẩn mực xã hội
được xác định có thể chỉ có giá trị, hiệu lực trong một phạm vi không gian xã hội,
một khu vực địa lý nhất định; vượt ra ngoài phạm vi không gian chúng sẽ không
còn vai trò, tác dụng nữa.Vì thế, cần định hướng chuẩn mực xã hội sao cho phù hợp
với các lợi ích chung của xã hội, với các đặc điểm về lịch sử, kinh tế, văn
hóa, lối sống, phong tục tập quán của từng khu vực địa lý nhất định.
Theo
thời gian, vai trò của các
chuẩn mực xã hội có thể biểu hiện khác nhau qua từng giai đoạn, thời kỳ phát
triển của xã hội. Sự định hướng chuẩn mực xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi
của xã hội và bám sát thực tiễn xã hội trong tiến trình phát triển của xã hội
là hết sức quan trọng và cần thiết.
Theo đối tượng,
có nhiều loại chuẩn mực xã hội phản ánh lợi ích vật chất, tinh thần của các đối
tượng xã hội khác nhau. Sự định hướng
chuẩn mực xã hội theo đối tượng đòi hỏi phải chú ý đến lợi ích của các cộng đồng
người, các nhóm xã hội khác nhau([4]).
Các chuẩn mực xã hôi không mang tính bất biến
mà luôn ở trạng thái động. Chúng thường xuyên vận động, biến đổi và phát triển
cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội loài người. Đối với mỗi chế độ xã hội, mỗi nhà nước, mỗi nhóm xã hội
đều có hệ thống các chuẩn mực xã hội riêng tùy thuộc vào đặc điểm , tính chất của
các quan hệ xã hội có tính phổ biến, điển hình trong xã hội đó ở những giai đoạn
lịch sử khác nhau.
Chuẩn mực xã hội không phải bao giờ cũng có ý
nghĩa tuyệt đối, vì trong xã hội, các cộng đồng người thường có các cá nhân
không theo chuẩn mực. Có những chuẩn mực xã hội được phổ biến, tuân thủ ở một giai
cấp, dân tộc này, nhưng lại không thừa nhận ở một giai cấp, dân tộc khác. Ví dụ:
mỗi cộng đồng dân tộc có những chuẩn mực phong tục tập quán riêng của mình xuất
phát từ những đặc trưng về lịch sử, địa lý, văn hóa và lối sống. Cho nên phong
tục tập quán của dân tộc này có thể không được thừa nhận ở một dân tộc khác vì
nó không phù hợp với truyền thống văn hóa, lối sống của họ.
Các chuẩn mực xã hội được hình thành và xuất
phát từ chính những nhu cầu của hệ thống
các quan hệ xã hội trong xã hội.Tùy thuộc vào nội dung, tính chất của từng
loại quan hệ xã hội, các chuẩn mực xã hội quy định ch các thành viên của nó những
cái cần phải làm, cái được phép, cái có thể, cái bị ngăn cấm trong các hành vi
xã hội của họ. Qua đó, các chuẩn mực xã hội thực hiện chức năng hợp nhất, tập
trung ủng hộ các quá trình hoạt động xã hội như một hệ thống các tương tác xã hội
giữa các cá nhân và các nhóm xã hội, nghĩa là quá trình hành động và hành động
đáp lạicủa một chủ thể này với một chủ thể khác. Các chuẩn mực xã hội góp phần
điều tiết, điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo khuôn mẫu cho hành vi xã hội của
con người, duy trì sự ổn định, hài hòa trong xã hội, bảo vệ trật tự, kỷ cương,
an toàn xã hội.
Chuẩn mực xã hội là yếu tố không thể thiếu được
trong hoạt động quản lý các mặt, các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Chúng tham gia và phát huy tác dụng trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống.
Dù là chuẩn mực xã hội thành văn hay bất thành văn, dù là chuẩn mực pháp luật,
chuẩn mực đạo đức hay chuẩn mực thẩm mĩ, chúng đều là phương tiện định hướng,
điều chỉnh các hành vi của cá nhân và các nhóm xã hội trong những điều kiện xã
hội nhất định; đồng thời, là phương tiện kiểm tra xã hội đối với các hành vi của
họ. Nhờ có các chuẩn mực xã hội mà các cá nhân luôn phải xem xét, suy nghĩ, kiểm
nghiệm trước khi thực hiện một hành vi xã hội nào đó, xem hành vi đó đúng hay
sai, phù hợp hay không phù hợp với các chuẩn mực xã hội, nếu thực hiện thì có bị
xã hội lên án hoặc trừng phạt không? Qua đó, chuẩn mực xã hội góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi sai trái,
vi phạm pháp luật và tội phạm.
Các chuẩn mực xã hội củng cố các hành vi, thể
hiện những mối liên hệ xã hội điển hình, hành vi tiêu biểu cho tất cả các thành
viên trong xã hội, cho đa số đại biểu của giai cấp hay một nhóm xã hội nhất định,
được họ tán thành và thực hiện. Với ý nghĩa đó, nhiều chuẩn mực xã hội được coi
là những giá trị xã hội, chi phối rộng rãi và được tuân theo một cách phổ biến,
như các giá trị pháp luật, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mĩ…
Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị
trường cùng với quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, bên cạnh những
thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã đạt được, vẫn còn
nhiều vấn đề đang đặt ra, trong đó có vấn đề nhận thức, hiểu biết, tôn trọng và
thực hiện các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực xã hội nói chung, chuẩn mực pháp luật nói riêng. Tình trạng gia
tăng các vụ việc vi phạm pháp luật, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm,
sự lãng quên các giá trị truyền thống, sự thờ ơ, lãnh đạm trong giao tiếp xã hội…
đang là những vấn đề hết sức đáng lo ngại. Ý thức pháp luật của một bộ phận đội
ngũ cán bộ các cấp, các ngành, của tầng lớp nhân dân còn nhiều hạn chế chưa
theo kịp và chưa được nâng lên tương xứng với sự đổi mới hệ thống pháp luật.
Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, một số mặt trái của nó cũng đang được
bộc lộ, như chủ nghĩa thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tha hóa về đạo
đức, tệ nạn xã hội; một bộ phận cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất trước
những cám dỗ về lợi ích vật chất…Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng
đã nhận định: “Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống
chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn
của chế độ ta. Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến”([5]).
Đến đaị hội X Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng
phí vẫn nghiêm trọng. Tội phạm và một số tệ nạ xã hội có chiều hướng tăng”([6]). Một trong những nguyên nhân của thực trạng
trên đây là do cán bộ và người dân thiếu hiểu biết, chưa tôn trọng và thực hiện
các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực xã hội nói chung, chuẩn mực pháp luật nói
riêng. Trong điều kiện như vậy, việc nghiên cứu, củng cố và phát huy vai trò,
tác dụng của các loại chuẩn mực xã hội càng có ý nghĩa quan trọng và thiết thực([7]).
Trong đời sống xã hội có sự hiện diện của nhiều
chuẩn mực xã hội khác nhau với tính chất, mức độ phổ biến, phạm vi tác động, điều
chỉnh và cơ chế thực hiện khác nhau. Các loại chuẩn mực xã hội có tính phổ biến
hơn cả là chuẩn mực chính trị, chuẩn mực tôn giáo, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực
phong tục, tập quán và chuẩn mực thẩm mỹ.
Chuẩn mực chính trị phản ánh mối quan hệ giữa
các giai cấp và lợi ích của mỗi giai cấp trong việc giành, bảo vệ và sử dụng
chính quyền nhà nước. Chỉ có nhà nước mới là tổ chức chính trị có khả năng và
điều kiện sử dụng công cụ pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vì vậy
chuẩn mực chính trị phải thông qua pháp luật để thể hiện vai trò, tác dụng và
hiệu lực của nó. Chuẩn mực chính trị thường thể hiện trong đường lối, chính
sách của chính đảng cầm quyền và thường được ghi nhận trong Hiến pháp. Từ Hiến
pháp mà các quy tắc chính trị được chế biến hóa thành pháp luật. Như vậy chuẩn
mực chính trị là nguồn cơ bản góp phần xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật
của một quốc gia.
Chuẩn mực chính trị trong mối quan hệ giữa các
nhà nước với nhau thường thể hiện trong các quy tắc giao tiếp, ứng xử quốc tế;
trong các hiệp ước, hiệp định được kí kết giữa các nhà nước với nhau hoặc trong
các Công ước quốc tế. Như vậy, chuẩn mực chính trị là nguồn cơ bản và quan trọng
để hình thành và phát triển hệ thống pháp luật quốc tế.
Trong lịch sử nhân loại, chuẩn mực tôn giáo có
ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối nhà nước và pháp luật. Trong quá trình các tôn giáo
xâm nhập, truyền bá vào các quốc gia khác nhau có thể gây nên những xung đột giữa
tôn giáo và chính quyền sở tại do những khác biệt về giáo lý tôn giáo và hệ thống
pháp luật của các nước. Cho nên về nguyên tắc, tôn giáo và nhà nước phải độc lập
với nhau.
Tại các quốc gia mà chuẩn mực tôn giáo bị hiểu
và vận dụng một cách cực đoan thì ngay cả chính trị và pháp luật cũng bị đồng
nhất với chuẩn mực tôn giáo.
Một số chuẩn mực tôn giáo phù hợp với thuần
phong, mĩ tục, với các giá trị đạo đước, pháp luật hiện hành có tác dụng tích cực
đối với thực hiện pháp luật của các cá nhân.
Ở nước ta hiện nay, nghiên cứu chuẩn mực tôn
giáo và các tín ngưỡng cho phép nắm bắt được nguồn gốc xuất hiện, nguyên nhân tồn
tại và tác động của tôn giáo, tín ngưỡng tới đời sống tâm linh của con người.
Đó cũng là cơ sở nhận thức về lý luận và thực tiễn để Đảng và nhà nước ta xác định
và thừa nhận công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo
một tôn giáo nào. Không ai được xâm phạm quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền đó được ghi nhận trong Hiến pháp([8])
và được pháp luật bảo vệ. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng
đã xác định: “ Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết
dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo
bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng
bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo.Phát huy những giá trị văn
hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và
các chức sắc tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo.Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động
theo pháp luật và được pháp luật bảo vệ”([9]).
Bên cạnh đó nhà nước ta cũng cương quyết trừng
trị nghiêm khắc các hành vi đội lốt tôn giáo để thực hiện các âm mưu chính trị
đen tối , gây rối, bạo loạn, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…([10])
Trong xã hội có giai cấp, mỗi giai cấp, tầng lớp
khác nhau đều có những quan niệm đạo đức của riêng mình.
Vì vậy, các quy phạm đạo đức tồn tại trong xã
hội cũng có nhiều loại và chúng tác động qua lại lẫn nhau. Giai cấp thống trị
vì nắm quyền lực trong tay, nên có điều kiện và ưu thế để nâng các quan niệm đạo đức của mình thành pháp luật. Trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật,
các nhà làm luật xây dựng nên pháp luật như thể hiện ý chí chung của mọi tầng lớp
trong xã hội.
Chuẩn mực đạo đức là chuẩn mực tinh thần để thực
hiện các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân trong xã hội
thực hiện một hành vi pháp luật hợp pháp không phải vì họ hiểu các quy định của
pháp luật mà hoàn toàn xuất phát từ các quy tắc đạo đức.Nhiều quy tắc đạo đức
được nhà nước sử dụng và nâng lên thành
quy phạm pháp luật. Khi xây dựng và ban hành pháp luật, nhà nước không thể
không tính tới các quy tắc của chuẩn mực đạo đức. Ví dụ: “ Tội không tố giác tội
phạm” ( điều 314 BLHS năm 1999) nếu tội phạm đó không phải là tội xâm phạm an
ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì nhà nước không truy cứu trách
nhiệm hình sự đối với ông bà, cha mẹ, con cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng
của người phạm tội vì không ai muốn người thân của mình dính lứu vào vòng tù tội.
Chuẩn mực phong tục, tập quán và pháp luật có
mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nhiều phong tục, tập quán trở thành luật tục, ăn
sâu, bén rễ rất bền chặt trong nhân dân và có sức mạnh hơn cả những đạo luật.
Khi nhà nước xuất hiện, nhà nước đã tìm cách vận dụng những phong tục tập quán
để phục vụ cho lợi ích của mình, thay đổi nội dung của chúng cho phù hợp, thừa
nhận và nâng cấp chúng thành các quy phạm pháp luật hoặc coi chúng là tập quán
pháp. Như vậy, chuẩn mực phong tục, tập quán là nguồn quan trọng để hình thành
pháp luật.
Đối với các phong tục, tập quán có giá trị
truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc,… có tác động tích cực đối với cộng đồng
xã hội thì pháp luật cần thừa nhận, củng cố và phát huy([11]).
Còn những phong tục tập quán đã lạc hậu, lỗi
thời đã trở thành hủ tục thì bên cạnh việc tuyên truyền để nhân dân nhận thức
được và tự giác loại bỏ thì nhà nước cần phải dùng đến sức mạnh cưỡng chế của
pháp luật nhằm loại bỏ chúng ra khỏi đời sống xã hội.
Chuẩn mực thẩm mỹ tác động trong hầu hết các
lĩnh vực quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ pháp luật, điều chỉnh hành vi thẩm
mỹ của con người phù hợp với các quan điểm, quan niệm trong xã hội về cái đẹp,
cái xấu, cái cao cả… Chuẩn mực thẩm mỹ đòi hỏi các bộ luật, đạo luật được ban
hành phải phù hợp với các giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ đang phổ biến trong xã hội
thì mới dễ dàng được nhân dân tuân thủ và thực hiện. Khi đó, bản thân các bộ luật
đạo luật cũng mang các giá trị thẩm mỹ, là một “tác phẩm nghệ thuật”. Nhiều quy
tắc, yêu cầu của chuẩn mực thẩm mỹ, do phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, lợi ích
của nhà nước về tổ chức, quản lý xã hội, đã được nhà nước thừa nhận và vận dụng
trong các đạo luật. Các văn bản luật của nhà nước điều chỉnh các lĩnh vực văn
hóa, văn nghệ, trật tự công cộng … là những minh chứng cho mối liên hệ này. Như
vậy, chuẩn mực thẩm mỹ là cơ sở lý luận và thực tiễn để nhà nước xây dựng và
ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô
thị, văn hóa – nghệ thuật, quảng cáo, du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, thời
trang…
Chuẩn mực thẩm mỹ có tác dụng định hướng, điều
chỉnh hành vi pháp luật của các cá nhân phù hợp với các quy tắc, yêu cầu của
chuẩn mực thẩm mỹ. Trong nhiều trường hợp vì những lý do nhất định, các cá nhân
không biết đến quy định của pháp luật, nhưng do các quy tắc pháp luật phù hợp với
các chuẩn mực thẩm mỹ, các cá nhân thực hiện hành vi pháp luật dựa trên các
quan điểm, quan niệm thẩm mỹ của họ([12]).
Trong xã hội ngày nay, chuẩn mực xã hội đóng
vai trò không hề nhỏ trong đời sống của các cộng đồng người, mỗi địa phương, mỗi
dân tộc giúp xây dựng và phát triển một xã hội lành mạnh, tiến bộ hơn. Bên cạnh
đó chuẩn mực xã hội này, còn có vai trò rất lớn đối với việc ban hành và thực
thi pháp luật. Vì vậy, phải phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các
chuẩn mực xã hội để chuẩn mực xã hội phù hợp hơn với các chính sách phát triển
kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Có như vậy thì đất nước mới ngày một
phát triển bền vững.
1.
Đại
học Luật Hà Nội, Tập bài giảng Xã hội học, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. TS.
Ngọ Văn Nhân, Xã hội học Tội phạm, Nxb. Tư pháp
3.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ IX của Đảng, 2001.
4.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ X của Đảng, 2006.