Phân tích và đánh giá các điều kiện nuôi con nuôi giữa cha dượng hoặc mẹ kế với con riêng của một bên vợ, chồng

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội.
Nuôi con nuôi ở nước ta đang ngày càng gia tăng với mục đích vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ, chồng làm con nuôi sẽ giúp trẻ sống với gia đình gốc của mình, dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống mới nhanh chóng hơn. Đây là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc có ý nghĩa không chỉ đối với các cá nhân tiến hành nhận nuôi con nuôi, trẻ em được nhận nuôi mà còn có ý nghĩa đối với xã hội về sự đùm bọc, yêu thương nhau.
Một trong những  nguyên tắc của pháp luật về nuôi con nuôi được ghi nhận trong Luật Nuôi con nuôi năm 2010, cùng những văn bản hướng dẫn thi hành những quy định về việc nuôi con nuôi và các điều kiện của việc nuôi con nuôi là “cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc”. Vì vậy, việc cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của một bên vợ, chồng làm con nuôi luôn được ưu tiên hàng đầu. Trong phạm vi bài tập học kỳ, em xin chọn đề  tài “Phân tích và đánh giá các điều kiện nuôi con nuôi giữa cha dượng hoặc mẹ kế với con riêng của một bên vợ, chồng” để làm rõ hơn về vấn đề này.


I.    Một số khái niệm cơ bản
1.   Con nuôi, cha mẹ nuôi
Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010 đã đưa ra khái niệm con nuôi và cha mẹ nuôi. Theo đó: “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký”; và “Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký”.
2.   Cha dượng, mẹ kế, con riêng
Theo Từ điển Tiếng Việt thì:
“Cha dượng là chồng sau của mẹ, trong quan hệ với con của người chồng trước (không dùng để xưng gọi)”.
“Mẹ kế là người phụ nữ là vợ kế, trong quan hệ với con người vợ trước của chồng (không dùng để xưng gọi)”.
“Con riêng là con của chồng hay của vợ (với người phụ nữ hay người đàn ông khác”.
3.   Nuôi con nuôi
·      Về góc độ pháp luật:  
Khoản  1 điều  3 Luật  Nuôi con nuôi quy định : “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi”. Nuôi con nuôi là việc một người nhận nuôi dưỡng một người khác không do họ trực tiếp sinh ra nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên. Việc nhận nuôi được coi là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ nuôi dưỡng giữa người nhận nuôi và con nuôi, bao gồm các sự kiện:
-    Sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi: phải thể hiện ý chí của mình về việc mong muốn nhận nuôi trẻ.
-    Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được cho làm con nuôi: ý chí này phải hoàn toàn độc lập.
-    Sự thể hiện ý chí của bản thân người con nuôi: con từ 9 tuổi trở lên có quyền được thể hiện ý chí đối với việc nhận nuôi.
-   Sự thể hiện ý chí của Nhà nước: qua việc công nhận (hay không công nhận) việc nuôi con nuôi thông qua thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi.
·                  Nuôi con nuôi với tư cách là 1 quan hệ pháp luật có đầy đủ các yếu tố:
-    Chủ thể: gồm có cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và con nuôi.
-    Khách thể: những lợi ích mà các bên chủ thể hướng tới (quyền nhân thân, tình cảm gắn bó lâu dài, các quyền tài sản,…)
-    Nội dung: những quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ nuôi con nuôi do pháp luật quy định.
4.   Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
Tại Khoản 5 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định: “Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài”.
II. Điều kiện nuôi con nuôi giữa cha dượng hoặc mẹ kế với con riêng của một bên vợ, chồng
1.   Điều kiện đối với người được nhận nuôi là con riêng của một bên vợ, chồng
Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định chung về người được nhận làm con nuôi trong các trường hợp như sau:
“1. Trẻ em dưới 16 tuổi
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi”.
Như vậy, người con riêng cần phải đáp ứng được các điều kiện đó là:
-    Độ tuổi: Trong trường hợp này, Luật cho phép người dưới 18 tuổi thì được nhận làm con nuôi.
-    Chỉ được làm con của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
a.   Về độ tuổi của người được nhận làm con nuôi
Người được nhận làm con nuôi trong Luật Nuôi con nuôi 2010 là trẻ em dưới 16 tuổi. Trẻ em dưới 16 tuổi là người chưa có năng lực hành vi đầy đủ, họ chưa nhận thức được đầy đủ hành vi của mình, việc thiết lập quan hệ nuôi con nuôi sẽ được đảm bảo cho người con nuôi có được sự giám hộ của cha mẹ nuôi. Mục đích việc nuôi con nuôi là để gắn kết giữa những người nhận nuôi và người con nuôi, trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường gia đình, Luật quy định người nhận làm con nuôi là dưới 16 tuổi nhằm phù hợp với độ tuổi của trẻ em được quy định trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004. Quy định góp phần thưc hiện cam kết quốc tế trong trường hợp nước ta gia nhập Công ước Lahaye năm 1993.
Tuy nhiên, việc cha dượng hoặc mẹ kế nhận con nuôi là con riêng của một bên vợ, chồng lại là một trường hợp ngoại lệ về độ tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi. Quy định này nhằm đảm bảo cho họ được chăm sóc, giáo dục trong một môi trường gia đình, đảm bảo tính nhân đạo của việc nuôi con nuôi. Nó tạo điều kiện cho trẻ được sống trong gia đình có mối quan hệ huyết thống, đây là môi trường sống mà trẻ đã quen thuộc nên việc hòa nhập với gia đình mới sẽ dễ dàng hơn.
Mặt khác, trong mối quan hệ giữa bố dượng, mẹ kế với con riêng thì quyền và nghĩa vụ giữa họ là rất hạn chế. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định bố dượng, mẹ kế và con riêng chỉ có một số quyền nhất định (Điều 79 Luật Hôn nhân và gia đình 2014), bao gồm:
 Khoản 1 điều 79: “Bố dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ và quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng cùng sống chung với mình (theo quy định tại các điều 69, 71, 72 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)”;
Khoản 2 điều 79: “con riêng có quyền và nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình (theo quy định tại các điều 70, 71, Luật Hôn nhân và gia đình 2014)”; bố dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau.
Do đó, nếu có những ưu tiên trong việc để cho bố dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng mình làm con nuôi thì giữa họ sẽ thiết lập quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, giữa họ sẽ phát sinh và tồn tại tất cả các quyền và nghĩa vụ như cha mẹ đẻ và con đẻ. Điều này đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên chủ thể mà đặc biệt là quyền của người được nhận nuôi.
b.   Chỉ được làm con của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng
Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi: “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”. Quy định này chỉ cho phép một người độc thân hoặc cả hai người là vợ chồng nhận con nuôi. Vì vậy, người đang có vợ hoặc có chồng tự đứng ra nhận con nuôi riêng thì sẽ không được chấp nhận, việc nhận con nuôi cần có sự thống nhất của cả hai vợ chồng. Đây cũng là điều luật nhằm đảm bảo cho trẻ được cho làm con nuôi có một môi trường gia đình trọn vẹn.
Mặt khác, nếu được nhận nuôi, trẻ sẽ có sự chăm sóc, dạy dỗ đồng thời của cả bố và mẹ, qua đó nhân cách của trẻ cũng được hoàn thiện hơn. Quy định này cũng được hiểu một cặp vợ chồng chứ không phải là hai người chung sống với nhau như vợ chồng hoặc của một bên vợ, chồng.
Nhưng ở trường hợp này, Luật cho phép người nuôi là bố dượng hoặc mẹ kế không đang trong tình trạng độc thân nhưng vẫn được nhận con nuôi (là con riêng của vợ hoặc chồng mình). Điều đó cũng có nghĩa là người được nhận nuôi (là con riêng của một bên vợ, chồng) vẫn có thể làm con nuôi của một người không đang trong tình trạng độc thân (đang là vợ hoặc chồng của bố hoặc mẹ mình). Đây là ngoại lệ đặc biệt vì về nguyên tắc, một người không thể làm con nuôi của người đang trong tình trạng có vợ hoặc có chồng.
2. Điều kiện đối với cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của một bên vợ, chồng làm con nuôi
Điều kiện chung đối với người nhận con nuôi trong các trường hợp được quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010:
“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này”.

Do đó, cha dượng, mẹ kế muốn nhận con riêng của một bên vợ chồng vẫn phải tuân thủ các điều kiện trên nhưng theo khoản 3 Điều 14 thì trong trường hợp này, họ không phải đáp ứng quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.
Sự điều chỉnh của pháp luật là hợp lý bởi nếu cha dượng, mẹ kế muốn nhận con riêng của vợ hoặc chồng mà phải đáp ứng đủ các điều kiện về tuổi như điểm b khoản 1 trên thì sẽ ngăn cản việc trẻ em có một mái ấm trọn vẹn hoặc các thành viên khác trong gia đình độ tuổi chưa phù hợp với người con nuôi sẽ gây khó khăn cho họ trong việc đưa đứa trẻ được nhận nuôi về đoàn tụ dưới một mái nhà. Như vậy, quy định này nhằm đảm bảo cho con nuôi được sống trong môi trường gia đình với những người thân thuộc dù người nhận nuôi là cha dượng, mẹ kế không có đủ điều kiện về khoảng cách tuổi.
Về quy định không phải đáp ứng điều kiện sức khỏe, kinh tế,  chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi là để tạo điều kiện cho trẻ được sống cùng cha đẻ hoặc mẹ đẻ, đảm bảo được quyền lợi cho trẻ cũng như sự thích nghi môi trường mới thuận lợi hơn. Điều đó phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống đạo đức của dân tộc, vừa phù hợp với các văn bản pháp lý quốc tế về nuôi con nuôi.
a.   Phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Theo Điều 17 BLDS 2005: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Do đó, người nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng đủ hai điều kiện: từ đủ 18 tuổi trở lên; không phải là người bị mất năng lực hành vi dân sự (bị mắc các bệnh không thể nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình, bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự) và không phải là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (người nghiện các chất kích thích dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, bị tòa án quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự).
Quy định này đảm bảo sự thể hiện ý chí tự nguyện của người nhận nuôi con nuôi cũng như khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi của cha mẹ nuôi. Nếu người nhận nuôi con nuôi không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không nhận thức được trách nhiệm làm cha, mẹ của họ.
b. Người nhận nuôi phải có tư cách đạo đức tốt
Điều kiện này rất có ý nghĩa vì tư cách đạo đức của cha mẹ nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Do trên thực tế, nhiều người nhận nuôi con nuôi đã không thực hiện trách nhiệm làm cha làm mẹ, phân biệt giữa con nuôi – con đẻ dẫn tới hành vi ngược đãi con nuôi hoặc tạo không khí nặng nề trong gia đình có trường hợp hoàn cảnh kinh tế khó khăn không đảm bảo được việc chăm sóc con cái.
Mặt khác, Luật Nuôi con nuôi 2010 cũng quy định rõ việc cấm ông bà nhận cháu làm con nuôi, cấm anh chị em ruột nhận nhau làm con nuôi tránh sự đảo lộn thứ bậc trong gia đình, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống của dân tộc.
Luật Nuôi con nuôi có quy định này để ngăn chặn việc thực hiện quan hệ nuôi con nuôi vì các mục đích khác không dựa trên việc đảm bảo lợi ích cho trẻ được nhận nuôi. Ví dụ: anh, chị xác lập quan hệ nuôi con nuôi với em để nhằm mục đích chuyển đổi hàng thừa kế  hoặc lợi dụng danh nghĩa cha mẹ nuôi để quản lý, định đoạt tài sản của người được nhận nuôi,…
Tuy nhiên, việc xác định tư cách đạo đức của một cá nhân là rất khó. Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể với điều kiện này. Tại khoản 2 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi mới chỉ có liệt kê các trường hợp không được nhận con nuôi ; tuy nhiên đây chỉ là một giới hạn rất nhỏ đối với khái niệm “tư cách đạo đức tốt”.
3. Điều kiện về sự tự nguyện trong việc nuôi con nuôi
Trong trường hợp này trẻ em còn cha, mẹ đẻ thì việc cho nhận con nuôi chỉ hợp pháp khi cha mẹ đẻ của trẻ thể hiện sự đồng ý của họ (khoản 1 Điều 21). Việc nhận con nuôi được quy định rất rõ ràng, chặt chẽ trong Luật Nuôi con nuôi 2010. Ngoài những điều kiện quy định cụ thể áp dụng cho cả cha dượng, mẹ kế cũng như con riêng của một bên vợ, chồng, việc nuôi con nuôi buộc phải bao gồm cả sự biết đến của bên thứ ba là cha đẻ hay mẹ đẻ còn lại, điều này tăng tính công khai cho việc nhận nuôi con nuôi.
Thêm vào đó, trường hợp nhận trẻ em từ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì ý chí của trẻ đối với việc đi làm con nuôi cũng phải được xác định. Quy định này cũng là sự kế thừa khoản 2 Điều 71 Luật HNGĐ năm 2000 (tại thời điểm xây dựng Luật Nuôi con nuôi, hiện tại, theo Luật HNGĐ năm 2014 thì độ tuổi của trẻ được rút từ 9 tuổi xuống còn 7 tuổi) và Công ước Lahaye năm 1993 về quyền trẻ em:
Tại điểm d Điều 4 Công ước có quy định:
“d) Sau khi đã tính đến tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em, đảm bảo:
1. Trẻ em đã được tham khảo ý kiến và đã được thông báo đầy đủ về những hệ quả của việc làm con nuôi và của việc các em đồng ý làm con nuôi, nếu đòi hỏi phải có sự đồng ý đó,
2. Đã xem xét những mong muốn và ý kiến của trẻ em,
3. Trẻ em đồng ý làm con nuôi, theo những hình thức do pháp luật đòi hỏi và sự đồng ý đó được thể hiện hoặc xác nhận bằng văn bản, nếu đòi hỏi phải có sự đồng ý này.
4. Không có bất kỳ một sự trả tiền hay bồi thường nào để có được sự đồng ý nói trên”.
Khoản 3 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”. Sự tự nguyện ở đây là rất cần thiết, đáp ứng được mục đích cho nhận con nuôi, là yếu tố quyết định việc xác lập quan hệ cha mẹ và con được tốt đẹp. Khoản 4 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi còn quy định: “Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày”.
4. Thủ tục nhận nuôi con nuôi
·      Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi
Theo quy định tại Điều 9 Luật Nuôi con nuôi và Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi đối với từng trường hợp cụ thể. Trường hợp “cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi … thì Ủy ban nhân dân cấp xã thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.” (khoản 1 Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP).
·      Trình tự đăng ký nuôi con nuôi
Về hồ sơ đăng ký:
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 19/2011/NĐ-CP có quy định: “Hồ sơ của người nhận con nuôi trong nước được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ quy định tại Điều 17 của Luật Nuôi con nuôi”.
Điều 17. Hồ sơ của người nhận con nuôi
“Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:
1. Đơn xin nhận con nuôi;
2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
3. Phiếu lý lịch tư pháp;
4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này”.
 Vậy trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 sẽ không phải đáp ứng yêu cầu hồ sơ tại khoản 5 điều 17.
Về trình tự, thời hạn đăng ký, theo quy định tại Điều 22 Luật Nuôi con nuôi, thời hạn của việc giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước tổng cộng là 30 ngày, kể từ ngày UBND xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lấy được đầy đủ ý kiến của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ, ý kiến của trẻ em (trong trường hợp trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên). UBND xã sau khi kiểm tra hồ sơ nếu thấy hợp lệ thì sẽ trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho các bên.
III. Điều kiện nuôi con nuôi giữa cha dượng hoặc mẹ kế với con riêng của một bên vợ, chồng có yếu tố nước ngoài
Do việc nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phức tạp, chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật: Luật Việt Nam, Luật nước ngoài, các văn bản hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi mà hai bên tham gia ký kết. Điều 28 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Theo đó, tại  điểm  a khoản 2 Điều này có quy định về trường hợp của cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi như sau:
“2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây:
a) Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi” ;
Đây là trường hợp người nhận nuôi sẽ chỉ đích danh người mình muốn nhận nuôi mà không qua sự giới thiệu của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người đó phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 28. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho những người muốn trở thành cha mẹ nuôi nhưng không định cư tại một trong các quốc gia đã kí điều ước quốc tế với Việt Nam. Trong đó, đặc biệt ưu tiên với những người đã có quan hệ với người được nhận nuôi từ trước đó hoặc vì mục đích nhân đạo với những yêu cầu đơn giản hơn. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người được nhận nuôi cũng như người nhận con nuôi, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người được nhận làm con nuôi.
1. Điều kiện về cha mẹ nuôi
 Người muốn nhận con nuôi trong trường hợp này phải đáp ứng các điều kiện có trong Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề con nuôi nếu người đó thường trú ở nước kí kết Hiệp định với Việt Nam. Một số nước đã kí kết Hiệp định này với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Ba Lan, Pháp,... Nếu không thì theo Luật Nuôi con nuôi thì họ phải đáp ứng các điều kiện sau :
Điều 29. Điều kiện đối với người nhận con nuôi
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của Luật này.
2. Công dân Việt Nam nhận người nước ngoài làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 14 của Luật này và pháp luật của nước nơi người được nhận làm con nuôi thường trú”.
Vậy ở trường hợp nhận con nuôi đích danh sẽ phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của Luật này. Điều kiện quy định tại Điều 14 được phân tích rõ ở phần II.2 ở trên.
2. Điều kiện về trẻ được nhận làm con nuôi
Vì trẻ được nhận làm con nuôi trong trường hợp này là người Việt Nam nên phải đáp ứng được các điều kiện tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi (như đã phân tích ở trên).
IV. Hoàn thiện pháp luật hiện hành về điều kiện nuôi con nuôi giữa cha dượng hoặc mẹ kế với con riêng của một bên vợ, chồng
1. Những hạn chế còn tồn tại trong các quy định của pháp luật và trên thực tế
- Luật nuôi con nuôi quy định khoảng cách giữa bố dượng, mẹ kế và con riêng là quá ngắn. Như vậy phải chăng cũng là điều bất hợp lý, tạo điều kiện cho các cá nhân được hưởng ưu tiên này vi phạm pháp luật như việc cha dượng, mẹ kế xâm phạm tình dục con nuôi. Vấn đề này rõ ràng cần được bổ sung thêm để vừa đảm bảo không gây khó dễ cho các em sống chung với người thân, vừa có cơ chế bảo vệ các em khi cần thiết.
- Điều kiện của người nhận con nuôi theo Luật nuôi con nuôi chưa mở rộng đến việc cấm những người nhận con nuôi có nguy cơ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ, chưa quy định rõ những người mắc các bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao sang người khác như: HIV/AIDS… có được nhận nuôi con nuôi không? Pháp luật 1 số nước như Trung Quốc cũng quy định cấm người mắc một số bệnh nguy hiểm không được nhận nuôi con nuôi.
- Người nhận con nuôi có tư cách đạo đức tốt. Đây là một quy định đúng đắn nhưng không rõ ràng. Không có cơ sở để kiểm tra, xác định như thế nào là có tư cách đạo đức tốt. Do vậy sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật và không có tính khả thi.
- Về thời gian thử thách trong việc xác lập nuôi con nuôi. Trên thực tế có nhiều người nhận trẻ em làm con nuôi không vì lợi ích của trẻ mà để trục lợi sức lao động, trẻ bị đánh đập dã man hoặc thậm chí là bị xâm phạm tình dục. Hiện nay pháp luật của một số nước đã quy định về vấn đề này như Pháp, Philippin và coi đó là điều kiện để xem xét công nhận việc nuôi con nuôi.
- Vẫn còn nhiều trường hợp nuôi con nuôi trên thực tế nhưng không đăng ký theo quy định của pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi mà chỉ có dự thỏa thuận của hai bên; còn tồn tại nhiều hình thức nuôi con nuôi có tính chất “dân gian” trong  nhân dân, làm giảm đi ý nghĩa giá trị của việc nuôi con nuôi đích thực, ảnh hưởng tới quyền lợi của con nuôi, bố mẹ nuôi. Nhiều trường hợp đến nay con nuôi tuổi đã lớn không đủ điều kiện để làm thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
2. Giải pháp hoàn thiện
- Luật nuôi con nuôi quy định khoảng cách độ tuổi khi bố dượng mẹ kế nhận con riêng của 1 bên vợ chồng làm con nuôi có phần không phù hợp. Do đó, luật cũng nên quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này, không nên chỉ quy định ưu tiên đối với các trường hợp ngoại lệ tại khoản 3 Điều 14 mà nên có con số cụ thể về khoảng cách giữa người nhận nuôi và con nuôi. Có thể quy định sự chênh lệch tuổi tác giữa hai bên từ 12 đến 15 tuổi. Như vậy cũng đã dễ dàng hơn cho cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của 1 bên vợ, chồng làm con nuôi.
- Cần quy định cụ thể về các điều kiện thực tế của người nhận nuôi con nuôi là gì để có cơ sở thống nhất khi xem xét công nhận việc nuôi con nuôi, cần quy định rõ những người mắc các bệnh hiểm nghèo có nguy cơ lây nhiễm cho người khác… có được nhận nuôi con nuôi hay không? Pháp luật nên quy định những người như vậy không được nhận nuôi con nuôi để đảm bảo sức khỏe của trẻ em, vì trẻ em không có khả năng tự bảo vệ mình.
- Luật cũng nên quy định thời gian thử thách (có thể là 6 tháng). Sau khoảng thời gian đó, nếu đứa trẻ không thể hòa nhập được với gia đình mới thì nên chấm dứt việc nuôi con nuôi. Thời gian thử thách là 1 điều kiện được quy định tại Điều 20 Công ước Lahaye 1993. Thời gian thử thách là khoảng thời gian pháp luật quy định mà trong khoảng thời gian đó, người nhận nuôi sống chung với người được nhận làm con nuôi để cùng thích nghi và xem xét khả năng phù hợp với nhau giữa hai bên, từ đó cơ quan nhà nư­ớc có thẩm quyền quyết định công nhận hay không công nhận việc nuôi con nuôi trên cơ sở bảo đảm lợi ích tốt nhất của ngư­ời được nhận làm con nuôi.
V. Ý nghĩa của việc nuôi con nuôi
- Về mặt xã hội: Nuôi con nuôi thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Việc nhận  nuôi con nuôi phản ánh phong tục, tập quán, những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Đối với Nhà nước: Việc nhận nuôi con nuôi  làm giảm gánh nặng của nhà nước trước tình trạng trẻ em không nơi lương tựa, không nguồn nuôi dưỡng, phải lang thang kiếm sống, hạn chế khả năng trẻ em đi vào con đường xấu dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật hay mắc phải những tệ nạn xã hội do thiếu sự quan tâm, giáo dục.
- Về mặt pháp lí: Nhận nuôi con nuôi là một quyền tự do về nhân thân của các cá nhân được pháp luật công nhận và bảo hộ.Nuôi con nuôi không chỉ là biện pháp tốt nhất, phù hợp và còn có lợi ích với trẻ em mà còn là  cách thực hiện hợp pháp quyền làm cha mẹ của cá nhân.
KẾT LUẬN
Nuôi con nuôi là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi giữa các bên, đặc biệt là đối với trẻ em. Để việc áp dụng pháp luật diễn ra đúng quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa các bên trong việc  nuôi con nuôi.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
2. Đại học Huế, Giáo trình luật HNGĐ Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2003.
3. Bộ môn luật HNGĐ, “Hoàn thiện chế định nuôi con nuôi trong pháp luật Việt Nam”, Đề tài khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2008.
4. Công ước Lahaye 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.
5. Bộ luật Dân sự 2005.
6. Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
7. Luật Nuôi con nuôi 2010.
8. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004.
9.Nghị định của Chính phủ số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.
10. TS. Nguyễn Thị Lan (2011), Về việc nuôi con nuôi giữa bố dượng hoặc mẹ kế và con riêng của vợ hoặc chồng theo Luật nuôi con nuôi, Tạp chí Luật học Số 8/2011, Trường ĐH Luật Hà Nội, Tr 44-48.
11. Nguyễn Thúy Hằng (2014), Điều kiện nuôi con nuôi – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội.
12. Đỗ Thị Liên (2012), Điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Luật Hà Nội.
13. Nguyễn Thanh Huyền (2012), Vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội.

14. Cục con nuôi quốc tế - Bộ tư pháp, Pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006.

Related Post

Previous
Next Post »