Hồ
Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta và
của thế giới, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người là nền
tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và giữ vai trò vô cùng
quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, là tấm gương sáng cho Đảng
và nhân dân ta cùng các thế hệ người Việt Nam phấn đấu suốt đời học tập và noi
theo. Trong đó, tư tưởng về đại đoàn kết là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường
tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc và của toàn nhân loại, là tư tưởng
xuyên suốt, nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Hồ
Chí Minh và đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, gắn liền với những
thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Trong
Di chúc mà Người để lại cho toàn Đảng,
toàn dân ta, trong 6 vấn đề lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tới, Người đặc
biệt chú trọng đến vấn đề đoàn kết, là vấn đề mà Người lo ngại và trăn trở nhất.
Người đã từng nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn
kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[1].
“Nói về Đảng” có 5 lần Người nhắc lại
“đoàn kết”, và Người nhắn nhủ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu
của Đảng và của dân ta”[2].
Với
ý nghĩa đó, đồng thời, để làm rõ thêm tư tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc,
em đã chọn đề tài: “Phân tích những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân
tộc” để làm bài tập cá nhân cuối kỳ.
I. Những cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại
đoàn kết dân tộc
Tư
tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được hình thành trên cơ
sở tư tưởng – lý luận và thực tiễn rất phong phú. Đại đoàn kết dân
tộc có nguồn gốc từ nhiều yếu tố và được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát
triển chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đoàn kết của dân tộc, tinh hoa văn hóa
nhân loại, đặc biệt là đã vận dụng và phát triển sáng tạo, chủ nghĩa Mác –
Lênin phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn
cách mạng.
1. Những giá trị
truyền thống của dân tộc
Đó
là tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, ý chí bất khuất, tự lực, tự cường, tinh
thần tương thân, tương ái, lạc quan, yêu đời gắn liền với ý thức cộng
đồng, ý thức cố kết dân tộc, đoàn kết dân tộc đã được hình thành
và củng cố trong hàng nghìn năm lịch sử tạo nên sức mạnh to lớn để nhân
dân ta đấu tranh dựng nước và giữ nước, chống lại thiên tai, địch họa,
tạo thành một truyền thống bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình
cảm, tâm hồn mỗi con người Việt Nam.
Với
mỗi người Việt Nam, yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết đã trở thành một tình cảm tự
nhiên, một triết lý nhân sinh, thành phép ứng xử và tư duy chính trị.
Tất cả đã ghi đậm dấu ấn trong cấu trúc xã hội truyền thống. Và
truyền thống ấy được phản ánh trong kho tàng văn học dân gian, như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gươm, Người trong một
nước, phải thương nhau cùng”, “Tình
làng, nghĩa nước, Nước mất thì nhà tan”, hay “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”,… Truyền thống ấy, được tiếp
nối trong tư tưởng tập hợp lực lượng dân tộc của các nhà yêu nước
trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phản động
tay sai.
Hồ
Chí Minh đã sớm tiếp thu được những
giá trị của truyền thống yêu nước – nhân nghĩa – đoàn kết của dân tộc.
Hơn nữa, Người còn kết hợp những truyền thống đó với những giá trị của thời
đại để hình thành hệ thống quan điểm cách mạng của mình.
2.
Quá trình tổng kết thực tiễn các phong trào yêu nước, cách mạng Việt Nam và
cách mạng thế giới
Trong
hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, đã có rất nhiều xu hướng khác nhau để cứu nước
nhưng cuối cùng tất cả các xu hướng đó đều thất bại. Hồ Chí Minh đã cảm nhận được
những hạn chế trong chủ trương tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước tiền bối
và trong việc nắm bắt những đòi hỏi khách quan của lịch sử trong giai đoạn này.
Từ thực tiễn đó, Người đã chỉ ra rằng: chỉ có tinh thần yêu nước thì
không thể đánh bại các đế quốc thực dân xâm lược. Vận mệnh của đất
nước đòi hỏi phải có một lực lượng lãnh đạo cách mạng mới, đề ra
được một đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với quy luật phát
triển của lịch sử và những yêu cầu của thời đại mới, đủ sức quy
tụ, tập hợp được cả dân tộc vào cuộc đấu tranh chống đế quốc và
thực dân, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững thì
giành được thắng lợi.
Trong
30 năm bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước. Thực tiễn của cách mạng thế
giới đã giúp Người nhận thức một sự thực: “Các
dân tộc thuộc địa tiềm ẩn một sức mạnh vĩ đại, song cuộc đấu tranh của họ chưa
đi đến thắng lợi bởi vì các dân tộc bị áp bức chưa biết tập hợp lại, chưa có sự
liên kết chặt chẽ với giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đế quốc, chưa có tổ
chức và chưa biết tổ chức…”. Từ thực tiễn cách mạng thế giới Người đã rút
ra kết luận: Cách mạng Mỹ, Pháp là những cuộc cách mạng chưa đến nơi vì sau khi
cách mạng thành công, nhân dân vẫn bị áp bức, bóc lột, nghèo nàn. Cuộc đấu
tranh của các dân tộc thuộc địa tiềm ẩn một sức mạnh to lớn, nhưng chưa có sự
lãnh đạo đúng đắn, chưa biết đoàn kết và chưa có tổ chức. Chỉ có Cách mạng
tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để vì “cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay
một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh
phúc”[3].
Phong
trào cách mạng ở các nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã để lại những bài học quý
giá về việc huy động lực lượng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp
cách mạng.
Những
kết luận trên đã giúp Người chuẩn bị những nhân tố cần thiết, những kinh
nghiệm để huy động, tập hợp lực lượng quần chúng cho việc lãnh đạo nhân dân Việt
Nam thực hiện sự nghiệp cách mạng của mình.
3. Quan điểm của
Chủ nghĩa Mác – Lênin
Chủ
nghĩa Mác – Lênin cho rằng: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; nhân dân là
người sáng tạo lịch sử, giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng phải trở thành giai cấp dân tộc; liên minh công nông là cơ sở
để xây dựng lực lượng cách mạng; đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc
tế, …
Chủ
nghĩa Mác – Lênin cũng chỉ ra cho các dân tộc bị áp bức con đường tự giải
phóng. Lênin cho rằng: sự liên kết giai cấp, trước hết là liên minh giai cấp
công nhân là hết sức cần thiết, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng vô sản. Rằng
nếu không có sự đồng tình và ủng hộ của
đa số nhân dân lao động với đội ngũ tiên phong của nó, tức giai cấp vô sản, thì
cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa
Mác – Lênin vì nó đã chỉ ra cho các dân tộc bị áp bức con đường tự
giải phóng, chỉ ra sự cần thiết và con đường tập hợp, đoàn kết các
lực lượng cách mạng trong phạm vi từng nước và trên toàn thế giới
để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa
đề quốc, thực dân.
Hồ
Chí Minh đã sớm nắm được nội dung căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin,
qua đó, Người đã có cơ sở khoa học để đánh giá chính xác các yếu
tố tích cực cũng như những hạn chế trong các di sản truyền thống,
trong tư tưởng tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước Việt Nam tiền
bối và các nhà cách mạng lớn trên thế giới, những bài học rút ra
từ các cuộc cách mạng các nước, từ đó hình thành và hoàn chỉnh tư
tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc.
II.
Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc
1.
Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của
cách mạng
Chiến
lược đại đoàn kết là chiến lược vận động, tập hợp mọi lực lượng nhân dân, nhằm
hình thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của
dân tộc và giai cấp. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành chân
lí: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”[4],
“Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng
lợi”[5],
“Đoàn kết là then chốt của thành công”[6],…
Trong
từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh
chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng cho phù hợp với những đối tượng
khác nhau. Người cho rằng: Đại đoàn kết là vấn đề sống còn của cách mạng, và đoàn
kết phải luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng:
Đoàn
kết không phải là thủ đoạn chính trị nhất thời mà là tư tưởng cơ bản, nhất
quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam.
Đoàn
kết quyết định thành công cách mạng. Vì đoàn kết tạo nên sức mạnh, là then chốt
của thành công. Cách mạng muốn thắng lợi phải có lực lượng đủ mạnh, muốn có lực
lượng phải quy tụ cả dân tộc thành một khối thống nhất. Giữa đoàn kết và thắng
lợi có mối quan hệ chặt chẽ, quy mô của đoàn kết quyết định quy mô,mức độ
của thành công.
2. Đại đoàn kết
là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng
Đảng
Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng mà sức mạnh của Đảng
là sức mạnh của khối đoàn kết giữa các thành viên. Vì vậy, đoàn kết trong Đảng
là hạt nhân để củng cố khối đại đoàn kết trong các tổ chức chính trị xã hội nói
chung. Hồ Chí Minh cho rằng: Vấn đề đoàn kết phải được quán triệt từ chủ
trương, đường lối, chính sách cho đến những hoạt động thực tiễn của Đảng, luôn
là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng.
Về
mục tiêu của Đảng, tại Đại hội lần thứ hai năm 1951, Người chỉ ra: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam
có thể gồm tám chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”[7].
Từ đó, Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, chuyển những
đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành những đòi hỏi tự
giác, thành hiện thực có tổ chức, thành sức mạnh vô địch trong cuộc
đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con
người.
3. Đại đoàn kết
dân tộc là để thực hiện khối đoàn kết toàn dân
“Dân”
vừa được hiểu là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa được hiểu là mỗi con người
Việt Nam cụ thể và dùng để chỉ mọi con dân nước Việt, con Rồng, cháu Tiên,
không phân biệt già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, quý, tiện, tín ngưỡng,… Như vậy, “dân” được hiểu là chủ thể, là đối tượng,
là lực lượng của đại đoàn kết dân tộc.
Đại
đoàn kết dân tộc là cơ sở thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân, với ý nghĩa là
không chỉ huy động lực lượng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong toàn
lãnh thổ Việt Nam mà còn huy động tập hợp lực lượng những người Việt Nam đang
sinh sống và định cư ở nước ngoài vào khối đại đoàn kết dân tộc.
Muốn
thực hiện đại đoàn kết toàn dân thì phải kế thừa truyền thống yêu nước – nhân
nghĩa – đoàn kết của dân tộc, phải có tấm lòng khoan dung, độ lượng với con người.
Xác định khối đại đoàn kết là liên minh công nông, trí thức. Tin vào dân, dựa
vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân. Người cho rằng: liên minh công – nông –
lao động trí óc làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân, nền tảng được củng
cố vững chắc thì khối đại đoàn kết dân tộc càng được mở rộng, không thế lực nào
có thể làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc.
4.
Đại đoàn kết dân tộc trở thành sức mạnh vật chất, có tổ chức dưới sự lãnh đạo của
Đảng
Theo
quan điểm của Hồ Chí Minh thì quần chúng nhân dân phải được tổ chức mới tạo
thành sức mạnh vật chất. Quy tụ quần chúng nhân dân vào một tổ chức yêu nước
phù hợp với từng bước phát triển của phong trào cách mạng là sự quan tâm ngay từ
đầu của Hồ Chí Minh và là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng ta.
Tổ
chức thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết là Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đó
là một tổ chức chính trị rộng rãi tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, dân
tộc, tôn giáo, đảng phái, các tổ chức và cá nhân yêu nước ở trong và ngoài ngước,
phấn đấu vì mục tiêu độc lập, thống nhất của tổ quốc và tự do, hạnh phúc của
nhân dân.
Mặt
trận Dân tộc thống nhất được xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc:
Thứ nhất,
Mặt trận Dân tộc thống nhất phải được xây dựng trên nền tảng liên minh công –
nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Từ đó, Mặt trận được mở rộng và thực sự
quy tụ cả dân tộc, tập hợp toàn dân, kết thành một khối vững chắc.
Thứ hai,
Mặt trận Dân tộc thống nhất hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, lấy
việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân
dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng. Lợi ích tối cao của dân tộc là
Tổ quốc độc lập và thống nhất, xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Vì vậy, phải làm cho mọi người đặt lợi ích tối cao của dân tộc lên trên hết và
trước hết.
Thứ ba,
đoàn kết chặt chẽ, lâu dài, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái, giúp đỡ nhau
cùng tiến bộ. Đó là sự đoàn kết chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân, các đảng
phái, đoàn thể, … trong Mặt trận, thực hiên hợp tác lâu dài, giúp đỡ nhau cùng
tiến bộ. Phương châm đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp khác nhau của Hồ Chí
Minh là: “Cầu đồng tồn dị” – lấy cái
chung, đề cao cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt.
Về
vị trí của Đảng Cộng sản trong Mặt trận dân tộc thống nhất: vừa là thành viên của
Mặt trận dân tộc thống nhất, lại vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, xây dựng
khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.
Đảng
vừa là Đảng của giai cấp công nhân, lại vừa là Đảng của nhân dân lao
động và của cả dân tộc. Đại bộ phận nhân dân Việt Nam coi Đảng cộng
sản là Đảng của mình. Muốn quy tụ được cả dân tộc, Đảng phải vừa là
đạo đức, vừa là văn minh, Đảng phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương
tâm của dân tộc và thời đại, phải thực sự đoàn kết nhất trí.
Là
tổ chức chính trị to lớn nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất, là
bộ phận tham mưu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc, Đảng lãnh
đạo xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, đồng thời cũng là một
thành viên của mặt trận. Quyền lãnh đạo mặt trận không phải Đảng tự
phong cho mình mà là được nhân dân thừa nhận.
Muốn
lãnh đạo Mặt trận, lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết toàn dân, Đảng
phải thực sự đoàn kết nhất trí. Sự đoàn kết của Đảng là cơ sở vững
chắc để xây dựng đoàn kết toàn dân. Sự đoàn kết của Đảng càng được
củng cố thì sự đoàn kết của dân tộc càng được tăng cường. Phải
đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào tôn giáo, cùng
nhau xây dựng đời sống xã hội hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc.
5. Đoàn kết dân
tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế
Hồ
Chí Minh đã xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới
và chỉ có thể giành được thắng lợi hoàn toàn khi có sự đoàn kết chặt chẽ với
phong trào cách mạng thế giới. Cách mạng Việt Nam phải gắn với phong
trào giải phóng dân tộc trên thế giới, các nước xã hội chủ nghĩa,
với tất cả các lực lượng tiến bộ đấu tranh cho dân chủ, tiến bộ và
hoà bình thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công 3 tầng Mặt
trận: Mặt trận Đại đoàn kết dân tộc; Mặt trận Đoàn kết Việt – Miên – Lào và Mặt
trận Nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đây là sự phát triển rực rỡ, là thắng lợi to lớn
của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết.
III. Ý nghĩa tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh
Đại
đoàn kết dân tộc là tư tưởng lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với
cách mạng nước ta. Tư tưởng này có nhiều giá trị biểu hiện tập trung ở những điểm
sau:
Đoàn
kết là bài học hàng đầu có tính chiến lược, quyết định mọi thành công. Biết đoàn
kết thì vượt qua khó khăn, thử thách, không đoàn kết, chia rẽ thì thất bại.
Đoàn
kết phải có nguyên tắc. vì mục tiêu và lợi ích chung. Không đoàn kết một chiều,
đoàn kết hình thức, nhất thời.
Đoàn
kết trong tổ chức, thông qua tổ chức để tạo nên sức mạnh. Đoàn kết cá nhân và
đoàn kết tổ chức không tách rời nhau.
Đoàn
kết phải có nội dung thích hợp với từng địa phương, từng tổ chức, từng thời kỳ.
Đoàn kết trong chính sách tập hợp các tầng lớp nhân dân.
Đoàn
kết đi liền bao dung, thực hiện nhân đạo cao cả, hướng tới tương lai.
Lãnh
đạo xây dựng khối đại đoàn kết là nhiệm vụ của Đảng, là biện pháp phát huy sức
mạnh của Đảng, của toàn dân tộc.
Muốn
xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân phải xây dựng khối đại đoàn kết trong Đảng.
Thực
hiện đồng bộ đoàn kết Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế.
Đoàn
kết trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên cơ sở bảo vệ và
tôn trọng lợi ích của mọi thành viên cộng đồng quốc gia, dân tộc, thế giới.
KẾT LUẬN
Đại
hội XI của Đảng ta xác định: “Hơn
bao giờ hết cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà
bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ,
thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích
chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan
dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận
xã hội”[8].
Hiện nay, hơn bao giờ hết phải
quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn
kết trong tình hình mới. Qua hơn một phần tư thế kỷ thực hiện công cuộc
đổi mới, với nhiều chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước hợp lòng
dân, khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với
giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được mở rộng hơn, là nhân tố quan trọng
thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị của đất nước,
xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa cách mạng
nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
DANH
MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Hội đồng chỉ đạo biên soạn Giáo trình quốc gia các bộ môn Khoa học Mác – Lênin,
Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình Tư tưởng
Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, H. 2003.
2.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Tư tưởng
Hồ Chí Minh, Nxb.CTQG, H. 2005.
3.
TS. Nguyễn Mạnh Tường (chủ biên), Tư tưởng
Hồ Chí Minh – Nhận thức và vận dụng (sách tham khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội,
2013.
4.
TS. Nguyễn Mạnh Tường (chủ biên), Tư tưởng
Hồ Chí Minh – Một số nhận thức cơ bản (sách tham khảo), Nxb. CTQG, Hà Nội,
2009.
5.
Song Thành, Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng lỗi
lạc, Nxb. LLCT, Hà Nội, 2009.
6.
Nguyễn Bá Linh, Tư tưởng Hồ Chí Minh – Một
số nội dung cơ bản, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995.
7.
Song Thành, Hồ Chí Minh – Nhà văn hoá kiệt
xuất, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2010.
8.
TS. Nguyễn Mạnh Tường, Nhân dân trong
quan niệm của Hồ Chí Minh, Tạp chí lịch sử Đảng, 1/1997, tr. 51 – 53.
9.
Phạm Văn Đồng, Những nhận thức cơ bản về
Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội. 1998.
10.
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000.
11.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.
CTQG, Hà Nội, 2011.
12.
Một số trang web:
PHỤ LỤC
Một
số câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết:
1. “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của
nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy
mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự
chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta làm cách mạng thành công giành được độc lập.
Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy
mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, tang
tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước”[9].
2. “Theo tinh thần “bốn bể đều là anh
em”, tôi yêu mến thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niên Việt Nam. Đối với
tôi, sinh mệnh của một người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt Nam đều đáng
quý như nhau. Hỡi các bà mẹ Pháp! Tôi kêu gọi tinh thần yêu nước cao quý và
tình mẫu tử của các bà. Các bà hãy giúp chúng tôi ngăn chặn những hiểu lầm và
mau chóng gây dựng mối tình hữu nghị và tinh thần hoà hợp giữa con em chúng ta”[10].
6. “Một là đoàn kết. Hai là xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”[11].
7. “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành
hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù người đó trước đây chống chúng
ta, bây giờ chúng ta vẫn thật thà đoàn kết với họ[12].
8. “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống
nhất và độc lập của Tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có
tài, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”[13].
9. “Đoàn kết thực sự nghĩa là mục
đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thực sự nghĩa là
vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai
của nhau và phê bình trên lập trường than ái, vì nước, vì dân”[14].
10. “Rằng đây bốn biển một nhà; Vàng
đen trắng đỏ đều là anh em”.
11. “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu;
Khó ngàn lần, dân liệu cũng xong”.
Một số hình ảnh:
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bài ca Kết đoàn.
Biểu tượng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội nghị toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh – Hội
Liên Việt, thành lập Mặt trận Liên hợp quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt),
tháng 3/1951.
Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất, tháng 9/1955,
thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội nghị thành lập Liên minh Việt – Miên – Lào,
tháng 3/1951.
Nhân dân xuống đường, đoàn kết ủng hộ Đảng, Chính phủ
đấu tranh đòi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt
Nam, tháng 5/2014.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.
CTQG, H. 2000, t. 10, tr. 607.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.
CTQG, H. 2000, t. 12, tr. 510.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.
CTQG, H. 1995, t. 2, tr. 270.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.
CTQG, H. 2000, t. 7, tr. 392.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.
CTQG, H. 2000, t. 11, tr. 22.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.
CTQG, H. 2000, t. 11, tr. 154.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.
CTQG, H. 2000, t. 6, tr. 183.
[8] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG,
H. 2011.
[9] Hồ
Chí Minh: ghi ở tựa sách Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước.
[10] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, t.4, tr.303.
[11] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t. 11, tr.130.
[12],
13 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t. 7, tr.438.
[14] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t. 9, tr.137