TỪ
NGỮ VIẾT TẮT
BTTH
|
Bồi thường thiệt hại
|
BTTHNHĐ
|
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng
|
NLHVDS
|
Năng lực hành vi dấn sự
|
HĐTPTANTC
|
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao
|
BLDS
|
Bộ luật Dân sự
|
HVTPL
|
Hành vi trái pháp luật
|
Bộ luật Dân sự quy định về năng lực
chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân khá cụ thể. Tuy nhiên, những
quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của cá nhân được quy định
trong BLDS năm 2005 còn một số điểm chưa hợp lý, cần sửa đổi, bổ sung để bảo vệ
lợi ích chung của toàn xã hội.
Để tìm hiểu rõ hơn, nhận thức một cách đầy đủ hơn về vấn đề
này em chọn đề tài: “Đánh giá các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 về năng lực chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân” cho bài học kỳ của mình.
I. Lý luận chung về bồi thường thiệt
hại ngoài hợp đồng
1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng
Điều 604 BLDS 2005 quy định:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi
vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền,
lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, câm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp
nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2.
Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả
trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Như vậy, theo quy định tại Điều 604
BLDS thì trách nhiệm BTTHNHĐ phát sinh khi người có HVTPL có lỗi gây thiệt hại
cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định trách
nhiệm BTTHNHĐ áp dụng ngay cả trong trường hợp không có lỗi như thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường… Dưới góc độ
khoa học pháp lý, trách nhiệm BTTH trong trường hợp này được gọi là trách nhiệm
nâng cao.
Vậy ta có thể đưa ra khái niệm về
trách nhiệm BTTHNHĐ như sau: Trách nhiệm
BTTHNHĐ là một loại trách nhiệm pháp lý được phát sinh dựa trên các điều kiện
do pháp luật quy định khi một chủ thể có hành vi gây thiệt hại cho các lợi ích
được pháp luật bảo vệ.
2. Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm
bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
a. Có
thiệt hại xảy ra
Thiệt hại là điều kiện quan trọng trong trách nhiệm BTTHNHĐ.
Bởi lẽ, mục đích của trách nhiệm BTTH là nhằm bù đắp, khắc phục những tổn thất
đã xảy ra cho người bị thiệt hại, do đó nếu không có thiệt hại thì cũng không
phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Khoản 1, Điều 307 BLDS quy định:“Trách nhiệm BTTH bao gồm trách nhiệm BTTH về vật chất, trách nhiệm bồi
thường bù đắp tổn thất về tinh thần”.
Như vậy, thiệt hại được xác định bao gồm thiệt hại về vật
chất và thiệt hại về tinh thần. Việc xác định thiệt hại về vật chất tương đối
cụ thể, rõ ràng nhưng xác định thiệt hại về tinh thần là vấn đề hết sức khó
khăn.
b. Có
hành vi trái pháp luật gây thiệt hại
Quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và của các
chủ thể khác luôn được pháp luật bảo vệ và tất cả mọi người đều phải tôn trọng
các quyền và lợi ích hợp pháp đó. Khi một người có hành vi trái pháp luật xâm
phạm tới các quyền và lợi ích được pháp luật bảo vệ thì người xâm phạm phải
chịu hậu quả pháp lí bất lợi do hành vi của mình gây ra.
HVTPL để phát sinh trách nhiệm BTTH để phát sinh trách nhiệm
BTTH được hiểu là những hành vi được pháp luật cấm, không cho phép thực hiện.
Cơ sở để xác định HVTPL là căn cứ vào các quy định của pháp luật trong từng
trường hợp cụ thể.
Hành vi gây thiệt hại có thể được thể hiện dưới dạng hành
động hoặc không hành động. Hành động gây thiệt hại có thể là tác động trực tiếp
của chủ thể vào đối tượng gây thiệt hại hoặc có thể là tác động gián tiếp của
chủ thể vào đối tượng thông qua công cụ, phương tiện gây thiệt hại. Không hành
động gây thiệt hại là một hình thức của hành vi gây thiệt hại, nó làm biến đổi
tình trạng bình thường của đối tượng tác động gây thiệt hại cho khách thể bằng
việc chủ thể không làm một việc pháp luật quy định bắt buộc phải làm trong khi
chủ thể có đầy đủ điều kiện để làm việc đó.
c.
Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi
trái pháp luật và thiệt hại xảy ra
Nguyên nhân được hiểu là sự tác động qua lại giữa các mặt
trong một sự vật hiện tượng, hậu quả là làm biến đổi sự vật, hiện tượng đó hoặc
là làm biến đổi sự vật, hiện tượng khác.
Như vậy, đối với trách nhiệm BTTHNHĐ thì hành vi trái pháp
luật được coi là nguyên nhân và thiệt hại được coi là hậu quả. Về mặt nguyên
tắc, HVTPL phải có trước và thiệt hại có sau. Xác định mối quan hệ nhân quả
trong trách nhiệm BTTHNHĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng vì:
- Trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi thiệt hại là hậu quả
(có sau), hành vi trái pháp luật là nguyên nhân (có trước).
- Khi nhiều người gây thiệt hại cho một người hoặc khi người gây thiệt hại và người bị
thiệt hại đều có lỗi thì xác định mối quan hệ nhân quả có ý nghĩa trong việc
xác định mức bồi thường.
Xác định mối quan hệ nhân quả trong trách nhiệm BTTH rất
phức tạp do đó cần có sự lưu ý đặc biệt, tránh sự đánh giá một cách khiên
cưỡng, suy diễn chủ quan, phiến diện. Nếu không có hành vi gây thiệt hại thì
không có hậu quả có nghĩa là thiệt hại đã có sẵn cơ sở trong hành vi. Một hành
vi vi phạm nhất định trong một điều kiện xác định thì chỉ làm nảy sinh ra hậu
quả này chứ không thể phát sinh hậu quả nào khác. Thiệt hại xảy ra phải đúng là
kết quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại, người có hành vi vi phạm gây
thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu thiệt hại xảy ra đúng là hậu quả
tất yếu của HVTPL của họ.
d. Có
lỗi của người gây thiệt hại.
Lỗi là trạng thái tâm lý của một người đối với hành vi của
mình và hậu quả do hành vi đó mang lại. Khoản 2 Điều 308 BLDS 2005 quy định:
“Cố ý gây thiệt hại là trường hợp
một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn
thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho tiệt hại xảy
ra.
Vô ý gây thiệt hại trường hợp một
người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải
biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của
mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc
có thể ngăn chặn được”.
Khi xác định lỗi trong trách nhiệm BTTHNHĐ cần lưu ý:
- Về nguyên tắc, trách nhiệm BTTH phát sinh khi người gây
thiệt hại có lỗi, bất kể lỗi đó là lỗi cố ý hay lỗi vô ý.
- Việc xác định lỗi cố ý, vô ý trong trách nhiệm BTTHNHĐ có
ý nghĩa trong một số trường hợp: Để giảm nhẹ mức bồi thường (Khoản 2, Điều 605,
BLDS 2005); Là điều kiện cần thiết để xác định trách nhiệm bồi thường (Khoản 2,
Điều 615, BLDS 2005).
- Trong một số trường hợp nhất định, trách nhiệm BTTH phát
sinh ngay cả khi không có lỗi (Khoản 3, Điều 623, 624, BLDS 2005).
3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Nguyên tắc BTTHNHĐ được quy định tại điều 605 BLDS:
- Thiệt hại phải được bồi thường toàn
bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi
thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi
thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người gây thiệt hại có thể được giảm
mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh
tế trước mắt và lâu dài của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp
với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu
tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường.
II.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
Năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân là khả năng một
chủ thể thực hiện việc BTTH do HVTPL của mình hay của người khác gây ra, dẫn
đến thiệt hại về tài sản, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân quy định tại Điều
606 BLDS 2005 và hướng dẫn tại mục 3 phần I, Nghị quyết số 03/2006/HĐTP – TANDTC
ngày 08/07/2006 của HĐTPTANTC. Theo đó, năng lực này phụ thuộc vào độ tuổi,
tình trạng tài sản của cá nhân đó và khả năng BTTH. Trong những yếu tố trên,
yếu tố về độ tuổi chiếm vị trí chủ đạo để xác định trách nhiệm BTTH thuộc về
chính cá nhân gây ra thiệt hại hay là cha, mẹ; người giám hộ; trường học, bệnh
viện hay tổ chức khác của người gây thiệt hại, vì độ tuổi là căn cứ để xác định
khả năng nhận thức của cá nhân đối với hành vi của mình.
1.Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng do hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng
lực hành vi dân sự đầy đủ
Khoản 1 Điều 606 BLDS quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”. Xem
xét mối liên hệ giữa quy định này với quy định tại khoản 3 Điều 606 BLDS thì
thấy rằng: Người có NLHVDS đầy đủ thì phải tự mình BTTH khi gây thiệt hại, cũng
có nghĩa là trong trường hợp này người gây thiệt hại là bị đơn dân sự trước tòa
án (Mục 3.1 phần I Nghị quyết 03/2006/NQ–HĐTP). Việc bồi thường khi người gây
thiệt hại trên 18 tuổi và có đủ NLHVDS không phụ thuộc vào tình trạng tài sản
của người này.
Việc xác định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có NLHVDS đầy đủ
phải bồi thường cho những thiệt hại mà mình gây ra là hoàn toàn phù hợp. Bởi
lẽ, người từ đủ 18 tuổi trở lên có đủ điều kiện tham gia vào các quan hệ pháp
luật do vây, họ hoàn toàn có năng lực để tham gia và trở thành chủ thể của quan
hệ BTTH và nếu là người gây thiệt hại thì họ hoàn toàn có đủ năng lực để thực
hiện trách nhiệm bồi thường. Ở độ tuổi này, họ đã có khả năng lao động, có thể
tạo ra thu nhập, hình thành khối tài sản riêng của mình.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ
phận không nhỏ trong số những người từ đủ 18 trở lên là những người mới trưởng
thành, họ vẫn còn đi học, chưa có công việc làm, chưa có thu nhập hay tài sản
đáng kể, vẫn sống phụ thuộc vào cha, mẹ. Vậy, trong trường hợp những người từ đủ
18 tuổi, có NLHVDS đầy đủ nhưng không có tài sản riêng gây thiệt hại thì trách
nhiệm bồi thường thuộc về ai? Nếu họ vẫn là những người phải chịu trách nhiệm
BTTH thì họ phải thực hiện trách nhiệm đó như thế nào? Nếu họ không thực hiện
được thì phải chăng họ phải gánh chịu những hậu quả pháp lí bất lợi và những
người bị thiệt hại cũng không được bồi thường? Đây là một tình huống xảy ra khá
phổ biến trong những vụ về xác định trách nhiệm BTTHNHĐ. Nếu Tòa án áp dụng một
cách tuyệt đối và cứng nhắc những quy định của pháp luật thì sẽ phải hoãn việc
thi hành án cho đến khi người gây thiệt hại là người mới trưởng thành có việc
làm, có thu nhập. Tuy nhiên, việc làm này lại trái với nguyên tắc bồi thường
toàn bộ và kịp thời, không đảm bảo khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc khắc
phục thiệt hại một cách nhanh nhất, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người bị
thiệt hại trước khi bị xâm phạm. Vậy nên chăng trong trường hợp này Toà án có thể chủ động giải thích, khuyến khích cha mẹ
người thành niên đó tự nguyện BTTH do người mới trưởng thành gây ra. Toà án có
thể công nhận sự tự nguyện đó, những về mặt pháp lý, không thể quyết định cha
mẹ họ phải bồi thường.
Người thành niên còn bao gồm cả
những người bị hạn chế NLHVDS theo quy định tại Điều 23 BLDS. Vấn đề đặt ra là
trách nhiệm BTTH của cá nhân bị hạn chế NLHVDS gây ra thiệt hại được giải quyết
như thế nào? Điều 606 BLDS 2005 không có quy định nào liên quan đến nhóm chủ
thể này. Khoản 1 Điều 23 BLDS 2005 quy định: “Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán
tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền,lợi ích liên quan, cơ
quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn
chế NLHVDS”. Mọi giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của những người này
phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Quyết định trên nhằm hạn
chế NLHVDS khi họ tham gia vào quan hệ giao dịch dân sự mà có liên quan đến tài
sản nhưng không phải là căn cứ loại trừ TNDS khi họ có hành vi gây thiệt hại
cho người khác. Vì người đó là người trưởng thành, bởi vậy về nguyên tắc vẫn
phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình.
2.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi vi phạm pháp luật
của cá nhân dưới 15 tuổi và người bị mất năng lực hành vi dân sự gây ra
a.
Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cha mẹ
Khoản 2 Điều 606 BLDS quy định: “Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây
thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài
sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có
tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp
quy định tại Điều 621 Luật này”. Như vậy, đối với những thiệt hại do HVTPL của người dưới 15 tuổi,
người mất NLHVDS gây ra thì sẽ do cha mẹ của người có trách nhiệm BTTH bằng tài
sản của cha mẹ. Trong trường hợp này người gây ra thiệt hại trực tiếp và chủ
thể có trách nhiệm bồi thường là khác nhau. Những người ở độ tuổi này không có
năng lực hành vi tố tụng dân sự. Vì vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
cho người ở độ tuổi này tại Tòa án phải do người đại diện hợp pháp của họ thực
hiện.
Đối với những người dưới 15 tuổi, theo quy định tại Điều 19,
Điều 20 của BLDS 2005 về NLHVDS của cá nhân thì điều kiện để một cá nhân có
năng lực hành vi dân sự đầy đủ là cá nhân đó phải thỏa mãn hai yếu tố là độ
tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) và yếu tố nhận thức về trí lực. Điều 20
BLDS 2005 quy định người dưới 15 tuổi chia thành hai nhóm:
- Cá nhân chưa đủ 6 tuổi không thể nhận thức, làm chủ được
hành vi của mình, được coi là những người không có NLHVDS. Họ không thể tự mình
xác lập giao dịch dân sự vì họ chưa đủ lý trí để nhận biết những hành vi của
mình và hậu quả của những hành vi đó. Mọi giao dịch của họ đều phải được người
đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện hoặc đồng ý. Như vậy cá nhân không
có năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác thì cha mẹ là những
người đại diện đương nhiên của họ với tư cách là bị đơn dân sự trước Tòa án.
- Cá nhân từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi là những người có NLHVDS
một phần. Những người thuộc lứa tuổi này khả năng nhận thức của họ đang dần
hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, họ chỉ có thể xác lập, thực hiện quyền,
nghĩa vụ và trách nhiệm nhưng trong một giới hạn nhất định do pháp luật dân sự
quy định. Đó là những giao dịch nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày
phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, những giao dịch khác khi họ xác lập, thực hiện
phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
BLDS 2005 khi quy định về BTTHNHĐ rất coi trọng trách nhiệm
và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc BTTH do hành vi trái pháp luật của con từ
dưới 15 tuổi gây ra. Chính vì vậy, cha mẹ của những người gây thiệt hại trong
độ tuổi này có tư cách bị đơn dân sự, cha mẹ là những người đại diện hợp pháp
đương nhiên cho con, cha mẹ có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi
vi phạm pháp luật của con; còn chính cá nhân gây thiệt hại lại hoàn toàn không
có năng lực hành vi tố tụng dân sự trước tòa án. Tuy nhiên, luật cũng quy định
thêm trường hợp nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành
niên có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Tương tự như người dưới 15 tuổi, những người bị mất NLHVDS
theo quy định của pháp luật mặc dù có thể là những người thành niên (lớn hơn
hoặc bằng 18 tuổi) hoặc những người chưa thành niên nhưng không thể nhận thức
và làm chủ hành vi của mình. Trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định có thẩm
quyền và theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan Tòa án có thể tuyên
bố một người là mất NLHVDS theo những trình tự và thủ tục luật định (Điều 22
BLDS). Mọi giao dịch dân sự của người này phải do người đại diện của họ xác
lập, thực hiện hoặc đồng ý. Vì vậy những người mất NLHVDS và người dưới 15 tuổi
đều có một điểm chung đó là khi có HVTPL gây thiệt hại thì họ đều không phải
chịu trách nhiệm BTTH. Những chủ thể này đều không thể hiểu được ý nghĩa, hậu
quả của hành vi dân sự mà họ đã thực hiện mặc dù hành vi đó là trái pháp luật
và gây thiệt hại cho người khác. Cho nên khi họ gây thiệt hại thì cha mẹ họ đều
là người có trách nhiệm BTTH cho người bị thiệt hại.
b.
Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là người giám hộ
Điều 58 BLDS quy định: “Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi là người giám hộ) được
pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự
(sau đây gọi chung là người được giám hộ)”. Giám hộ ngoài việc thực hiện
những nghĩa vụ theo luật định đối với người được giám hộ thì còn có trách nhiệm
trong việc BTTH do hành vi trái pháp luật của người được giám hộ gây ra. Người
được giám hộ theo khoản 2 Điều 58 bao gồm:
“a. Người chưa thành niên không còn cha, mẹ,
không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị
hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế quyền của cha ,mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm
sóc giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
b. Người mất năng lực
hành vi dân sự”.
Như vậy chế định về người giám hộ là để nhằm mục đích bảo vệ
pháp lý cho người chưa thành niên và người bị mất NLHVDS mà không còn cha mẹ,
không xác định được cha, mẹ hoặc cha mẹ bị mất NLHVDS, bị hạn chế NLHVDS…Vì
người giám hộ thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật nhằm bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của người được giám hộ nên họ cũng phải gánh chịu những trách
nhiệm pháp lý trong khi thực hiện trách nhiệm giám hộ của mình, bao gồm trách
nhiệm BTTH do hành vi của người được giám hộ gây ra. Người giám hộ cũng có tư
cách là bị đơn dân sự trước Tòa án. Tương tự với người chưa thành niên, đối với
những người mất NLHVDS gây thiệt hại mà vẫn còn cha, mẹ thì cha, mẹ cũng phải
chịu trách nhiệm BTTH.
Người bị Tòa án tuyên bố mất NLHVDS là người đã hoặc chưa
thành niên mà không thỏa mãn yếu tố nhận thức, tức là không có khả năng nhận
thức hoặc làm chủ hành vi của mình như những người mắc bệnh tâm thần. Do vậy họ
không thể hiểu ý nghĩa, hậu quả cho những hành vi của mình, và không phải chịu
trách nhiệm do những hành vi của mình gây ra. Vì vậy cha, mẹ là người giám hộ
đương nhiên của người mất NLHVDS phải BTTH khi con gây thiệt hại.
Vì pháp luật quy định người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi
đến chưa tới 18 tuổi có quyền có giám hộ đương nhiên hoặc giám hộ cử, nên nhưng
người này cũng có thể có người giám hộ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 58
BLDS. Nhưng khác với người mất NLHVDS và người dưới 15 tuổi theo quy định tại
khoản 3 Điều 58 BLDS là bắt buộc phải có người giám hộ, những người đã đủ 15
tuổi không bắt buộc phải có người giám hộ do họ có khả năng nhận thức cao hơn
và đã có khả năng lao động.
Địa vị pháp lý của người giám hộ hoàn toàn khác so với địa
vị pháp lý của người là cha, mẹ của người chưa thành niên khác. Người giám hộ
thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ, do đó họ cũng phải gánh chịu trách
nhiệm pháp lý trong khi thực hiện việc giám hộ của mình, trong đó có trách
nhiệm BTTH do HVTPL của người được giám hộ gây ra.
Theo khoản 3 Điều 606 BLDS “Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại
mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám
hộ để bồi thường; nếu người giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để
bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người
giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy
tài sản của mình để bồi thường”, nếu họ có người giám hộ thì khi người được
giám hộ gây thiệt hại, người giám hộ có quyền dùng tài sản của người được giám
hộ để bồi thường. Trong trường hợp người được giám hộ không có tài sản hoặc
không đủ tài sản để BTTH thì người giám hộ có trách nhiệm BTTH bằng tài sản của
mình. Nếu như người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám
hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Mặc dù pháp luật không quy định, nhưng nếu người được giám
hộ gây thiệt hại mà không có tài sản riêng để bồi thường và người giám hộ lại
chứng minh được họ không có lỗi thì thiệt hại được coi là rủi ro và người bị
thiệt hại phải gánh chịu. Đây là trường hợp căn cứ xác định người giám hộ là
người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ không xác định được; hoặc
cha, mẹ là người mất NLHVDS mà cũng có người giám hộ, và người giám hộ lại
chứng minh được họ không có lỗi thì thiệt hại được coi là rủi ro và người bị
thiệt hại phải gánh chịu. Yêu cầu bồi thường không thể thực hiện được.
Người mất NLHVDS đang do cha mẹ chăm sóc, quản lý, giáo dục
mà gây thiệt hại thì cha, mẹ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Trong
trường hợp họ được giám hộ theo quy định tại Điều 62 BLDS 2005 thì trách nhiệm BTTH
được xác định như sau:
- Người mất NLHVDS đã có vợ hoặc chồng thì người vợ hoặc
chồng có đủ điều kiện là người giám hộ có quyền lấy tài sản riêng của người mất
NLHVDS để bồi thường. Nếu tài sản riêng của người được giám hộ không đủ thì lấy
tài sản chung của vợ chồng để bồi thường, sau đó mới lấy tài sản riêng của
người vợ hoặc chồng để bồi thường phần còn thiếu nếu có lỗi trong việc quản lý
người được giám hộ.
- Người được giám hộ là cha mẹ đều mất NLHVDS hoặc một người
mất năng lực hành vi dân sự còn người kia không đủ điều kiện làm người giám hộ
thì người con cả đã thành niên có đủ điều kiện phải làm người giám hộ. Nếu
người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo đã
thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ. Trong trường hợp này, người
giám hộ được lấy tài sản của cha, mẹ để bồi thường cho người bị thiệt hại, nếu
không đủ thì người giám hộ phải lấy tài sản riêng của mình để bồi thường phần
còn thiếu nếu có lỗi trong việc quản lý người được giám hộ.
- Người đã thành niên bị mất NLHVDS có vợ/chồng, con nhưng
vợ/chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ. Trong trường hợp như
vậy, cha mẹ có quyền lấy tài sản riêng của người được giám hộ để bồi thường,
chỉ khi tài sản riêng của người được giám hộ và tài sản chung của vợ chồng
không đủ thì cha, mẹ mới phải bồi thường bằng tài sản riêng của mình nếu có lỗi
trong việc quản lý người giám hộ.
c.
Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trường học, bệnh viện, tổ chức
khác trực tiếp quản lý
Khi người dưới 15 tuổi đang trong thời gian chịu sự quản lý
của trường học, người mất NLHVDS đang chịu sự quản lý của bệnh viện, cơ sở chữa
bệnh khác thì trường học, bệnh viện cũng như các tổ chức này phải có trách
nhiệm quản lý, theo dõi những người mà mình quản lý. Xuất phát từ sự nhận thức
còn hạn chế (người dưới 15 tuổi) hoặc không nhận thức và làm chủ được hành vi
của mình (người mất NLHVDS), do đó Điều 621, BLDS quy định:
“1. Người dưới 15 tuổi trong thời
gian học ở trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy
ra.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự
gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp
quản lí thì bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra”.
BLDS 2005 quy định chủ thể BTTH là trường học, bệnh viện, tổ
chức quản lý người gây thiệt hại. Quy định của BLHS 2005 nhằm buộc trường học,
bệnh viện, tổ chức xã hội phải tăng cường công tác quản lý người chưa thành
niên dưới 15 tuổi, người bị mất NLHVDS.
Tuy nhiên, không phải bao giờ trường học, bệnh viện, tổ chức
xã hội khác đang quản lý người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người mất NLHVDS
có lỗi trong việc quản lí khi những người này gây thiệt hại. Do đó, pháp luật
quy định: trường học, bệnh viện, tổ chức xã hội khác khi thực hiện nhiệm vụ
quản lý người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người mất NLHVDS để họ gây thiệt
hại và “nếu trường học, bệnh viện, tổ
chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lí thì cha, mẹ, người
giám hộ của người giám hộ của người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi
dân sự phải bồi thường”. Quy định này cho thấy mặc nhiên nếu người chưa thành
niên dưới 15 tuổi, người bị mất NLHVDS gây thiệt hại mà những người này đang
chịu sự quản lý của trường học, bệnh viện, tổ chức xã hội thì các tổ chức này
phải bồi thường và việc chứng minh không có lỗi để làm cơ sở cho việc giải
thoát trách nhiệm bồi thường thuộc về chính tổ chức đó. Nếu các tổ chức này
chứng minh được mình không có lỗi thì trách nhiệm BTTH thuộc về cha mẹ, người
giám hộ của người chưa thành niên, người mất NLHVDS gây thiệt hại đó. Tuy
nhiên, việc chứng minh không có lỗi để giải thoát khỏi trách nhiệm BTTH thuộc
về chủ thể nào là một vấn đề rất phức tạp và khó khăn trong việc xét xử của các
cấp Tòa án:
- Đối với trường hợp người dưới 15 tuổi có hành vi trái pháp
luật gây thiệt hại ngoài giờ học tại trường hoặc đang trong thời gian từ trường
về nhà, từ nhà đến trường thì chưa thuộc
nghĩa vụ quản lý của nhà trường. Trong khoảng thời gian trước hoặc sau buổi học
ở trường mà họ gây thiệt hại thì sẽ là căn cứ nhà trường chứng minh không có
lỗi trong việc quản lý và trách nhiệm btth không thuộc về nhà trường mà thuộc
về phía cha mẹ của người gây ra thiệt hại.
- Đối với người mất NLHVDS đang được bệnh viện, tổ chức khác
có nghĩa vụ quản lý mà theo yêu cầu của những người thân thích, bệnh viện hay
tổ chức có trách nhiệm trực tiếp quản lý đã đồng ý cho người mất NLHVDS về thăm
gia đình, nếu người mất NLHVDS gây thiệt hại cho người khác thì bệnh viện, tổ
chức quản lý được loại trừ trách nhiệm bồi thường hoặc trong những trường hợp
không còn căn cứ tuyên bố một người mất NLHVDS theo yêu cầu của chính người đó
hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan (bố, mẹ, vợ chồng, các con của người
đó), Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người mất NLHVDS mà ngay
tại thời điểm đó, người này đã trực tiếp gây thiệt hại cho người khác thì họ có
trách nhiệm phải bồi thường bằng tài sản của mình.
3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng do hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân từ đủ 15 tuổi tới dưới
18 tuổi gây ra
Khoản 2 Điều 606 BLDS: “Người
từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài
sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường
phần còn thiếu bằng tài sản của mình.”
Sở dĩ Điều 606 quy định như vậy cũng là phù hợp với tinh
thần Điều 20 BLDS 2005. Luật quy định cá nhân từ đủ 15 tuổi tới dưới 18 tuổi,
có NLHVDS không đầy đủ nhưng khả năng nhận thức của họ đã phát triển cho nên
ngoài các giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, họ còn có
thể tự mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự nếu có tài sản riêng đủ
để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi tài sản riêng đó.
Tuy nhiên nếu người đó có những tài sản có giá trị lớn nhà
ở, quyền sử dụng đất thì sự định đoạt các tài sản này vẫn còn có những người
đại diện theo pháp luật của họ đồng ý. Tại Điều 606 BLDS 2005 quy định độ tuổi
là đủ 15 tuổi trở lên nếu có hành vi gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm BTTH
cho người đó là căn cứ vào điều kiện thực tế xã hội. Bởi vì những người trong
độ tuổi này nhận thức của họ tương đối trưởng thành và đã có khả năng lao động
tạo ra thu nhập. Theo quy định của Bộ luật Lao động được sửa đổi bổ sung năm
2006 và 2007 thì họ đã có quyền tham gia vào các quan hệ lao động và có tư cách
tố tụng đối với những tranh chấp liên quan đến quan hệ lao động đó. Độ tuổi này
cũng phù hợp và thống nhất với một số quy định của các ngành luật khác, chẳng
hạn như khoản 1 Điều 45: “Con từ đủ 15
tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý”
hay khoản 2 Điều 46: “Con từ đủ 15 tuổi
đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng; nếu định đoạt tài sản có giá
trị lớn hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý của cha mẹ”. Như
vậy con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể có tài sản và thu nhập riêng, phần nào ý
thức được nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia, đóng góp vào đời sống gia đình,
được quyền định đoạt tài sản của riêng mình”. Khoản 2 Điều 109 BLDS cũng
quy định: “Việc định đoạt tài sản là tư
liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành
viên từ đủ 18 tuổi trở lên đồng ý”. Rõ ràng người ở độ tuổi này đã nhận
thức được hành vi của mình và phần nào cũng tự định đoạt ý chí khi tham gia vào
các quan hệ dân sự phổ biến trong cuộc sống.
Xét về tư cách chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, thì
cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có một phần NLHVDS nên họ có khả năng
chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Pháp luật đã căn cứ vào
những cơ sở này để quy định trách nhiệm BTTH của cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa
đủ 18 tuổi khi gây thiệt hại phải bồi thường bằng tài sản của mình. Theo đoạn 2
khoản 2 Điều 606 BLDS thì người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại là
chủ thể có trách nhiệm bồi thường nên họ có tư cách là bị đơn dân sự còn cha mẹ
chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (Mục I, phần 3.1 Nghị quyết
03/2006 của HĐTPTAN DTC).
Tuy nhiên, luật cũng quy định thêm trách nhiệm bồi thường bằng tài sản của cha
mẹ thay cho con gây thiệt hại trong trường hợp con không có tài sản hoặc không
đủ tài sản để bồi thường. Nghĩa vụ này của cha mẹ được hiểu là nghĩa vụ bổ
sung. Cụ thể nghĩa vụ dân sự bổ sung như thế nào được thể hiện rõ trong quy
định tại khoản 2 Điều 606 BLDS:
“Người chưa thành niên dưới 15 tuổi
gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu
tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại
có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ quy định
tại điều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18
tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài
sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của
mình”
Vì luật quy định người chưa thành niên có quyền được giám hộ
đương nhiên hay giám hộ cử nên người từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi
cũng có thể có người giám hộ nếu thuộc những trường hợp theo quy định tại điểm
a, khoản 2 Điều 58 BLDS. Nó khác với người mất NLHVDS và người từ dưới 15 tuổi
theo quy định taị khoản 3 Điều 58 là không bắt buộc do họ đã có khả năng lao
động tạo ra thu nhập và thái độ nhận thức của họ đã tương đối hoàn thiện hơn.
Nếu trong trường hợp họ có người giám hộ theo quy định tại khoản 3 Điếu 606
BLDS, khi người được giám hộ gây thiệt hại thì người giám hộ thì người giám hộ
được quyền lấy tài sản của người được giám hộ để BTTH. Trong trường hợp người
được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người
giám hộ có trách nhiệm BTTH. Trong trường hợp người được giám hộ không có tài
sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ có trách nhiệm BTTH
nếu có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình mà để người giám hộ gây thiệt
hại cho người khác.
KẾT LUẬN
Các quy định về BTTH đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và các chủ thể khác. Tuy nhiên các
quy định liên quan đến năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của cá nhân vẫn còn
điểm bất cập, cần được sửa đổi kịp thời để bảo vệ được lợi ích chung của toàn
xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Dân sự 2005.
2. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 hướng dẫn áp dụng một
số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2,
Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
4. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2,
Nxb.Giáo dục, Hà Nội, 2009.
5. TS. Phùng Trung Tập, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài
sản, sức khỏe và tính mạng, Nxb. Hà nội, 2009.
6. Luận văn thạc sỹ luật học, Nguyễn
Minh Thư, Năng lực chịu trách nhiệm bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân – Một số vấn đề lý luận và thực
tiễn, Hà Nội, 2010.