Phân tích những ưu điểm và hạn chế của hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Phân biệt hợp đồng hợp tác kinh doanh với hợp đồng liên doanh

Hiện nay, hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) đang ngày càng phổ biến, vì dễ tiến hành, thích hợp với các dự án cần triển khai nhanh mà thời hạn đầu tư ngắn. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu thật kỹ những ưu điểm, hạn chế nhằm đảm bảo cho dự án đầu tư đem lại lợi nhuận cao nhất và rủi ro thấp nhất. Thực tế hiện nay, cũng có nhiều sự nhầm lẫn giữa hợp đồng BCC và hợp đồng liên doanh trong pháp luật đầu tư.
Do đó, trong phạm vi bài tập lớn học kỳ, em sẽ tập trung “Phân tích những ưu điểm và hạn chế của hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Phân biệt hợp đồng hợp tác kinh doanh với hợp đồng liên doanh”.


Khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 quy định: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế”. Theo đó, hợp đồng BCC có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng gồm hai bên hoặc nhiều bên, trong đó bên Việt Nam có thể là một hoặc nhiều doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều thành phần kinh tế hoặc là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Thứ hai, nội dung hợp đồng chứa đựng sự hợp tác kinh doanh tại Việt Nam cũng như chứa đựng sự phân chia trách nhiệm và lợi nhuận;
Thứ ba, các bên tham gia quan hệ hợp đồng không bị ràng buộc về mặt tổ chức, cụ thể, việc ký kết hợp đồng này không dẫn đến thành lập pháp nhân mới.
Luật Đầu tư 2014 không có giải thích về hợp đồng liên doanh. Tuy nhiên, căn cứ vào các văn bản trước đây, có thể hiểu: “Hợp đồng liên doanh” là văn bản ký giữa hai bên hoặc nhiều bên về việc thành lập công ty liên doanh, hoặc là văn bản ký giữa công ty liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thành lập công ty liên doanh mới tại Việt Nam[1].
Thứ nhất, dễ tiến hành, thủ tục đơn giản, giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí do không phải thành lập một pháp nhân mới trước khi triển khai dự án đầu tư và tiến hành hoạt động kinh doanh, cũng như không phải làm thủ tục giải thể doanh nghiệp sau khi kết thúc dự án đầu tư kết thúc.
Do đó, hình thức đầu tư này giúp sớm thu được lợi nhuận, thích hợp với các dự án cần triển khai nhanh, thời hạn đầu tư ngắn. Vì các nhà đầu tư không mất nhiều thời gian xây dựng cơ sở sản xuất mới, quy mô dự án có thể linh hoạt.
Thứ hai, các bên trong hợp đồng có thể hỗ trợ những thiếu sót, yếu điểm lẫn nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như đối với những thị trường đầu tư còn mới mẻ, nhà đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng tiếp cận thông qua những đối tác trong nước am hiểu thị trường. Còn các nhà đầu tư trong nước thì có thể được các đối tác nước ngoài hỗ trợ về vốn, nhân lực, công nghệ hiện đại[2].
Thứ ba, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ. Do đó, nhà đầu tư sẽ rất linh hoạt, độc lập, ít lệ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề của dự án đầu tư. Đối với hình thức đầu tư này, nhà đầu tư có thể linh hoạt trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình như trong hợp đồng do không có sự ràng buộc về tổ chức bằng một pháp nhân chung của các tổ chức, cá nhân có quan hệ đầu tư với nhau. Do đó, hình thức đầu tư này đã góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu và sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư khác nhau[3].
Thứ tư, việc tiến hành đầu tư theo hợp đồng BCC còn giúp các nhà đầu tư khi ký kết được lựa chọn phương án góp vốn, phân chia kết quả kinh doanh sao cho phù hợp với mức độ đóng góp của các bên tham gia. Do đó, hợp đồng BCC khá phù hợp so với tình hình thực tế ở nước ta, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn trong hiểu biết về văn hóa tiêu dùng trong nước, về lực lượng lao động, địa bàn,... còn các doanh nghiệp nước ngoài thường có lợi thế về vốn, công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến.
Thứ nhất, vì không thành lập doanh nghiệp mới, nên dự án đầu tư sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hợp đồng phục vụ cho hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vì không có doanh nghiệp liên doanh mới ra đời giữa các nhà đầu tư, do đó, sẽ không có con dấu riêng, từ đó, các nhà đầu tư sẽ phải thỏa thuận lựa chọn một con dấu của các nhà đầu tư để phục vụ cho các hoạt động của dự án đầu tư. Việc không phải thành lập pháp nhân mới trong nhiều trường hợp nếu các nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ, lựa chọn sai hình thức đầu tư thì lại trở thành một hạn chế rất lớn, gây ra nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư không lường trước được. Vì không có doanh nghiệp mới ra đời, do đó, quyền quản lý dự án đầu tư sẽ được chia đều cho tất cả các nhà đầu tư, như vậy không công bằng với các nhà đầu tư bỏ nhiều vốn hơn[4].
Thứ hai, pháp luật chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên và bên thứ ba khi một bên giao kết hợp đồng với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC.  Đây cũng là một hạn chế cần phải chú ý tới nếu các bên lựa chọn hình thức đầu tư này3.
Văn hóa kinh doanh, nhận thức của một số doanh nghiệp còn kém, tâm lý lo ngại, thiếu tin tưởng, cũng khiến cho quan hệ hợp tác không vững chắc.
Thứ ba, Khó thu hút đầu tư đối với những lĩnh vực còn khó khăn và cần phát triển lâu dài.Vì mục đích lợi nhuận, các nhà đầu tư chỉ thực hiện đầu tư vào một số lĩnh vực dễ sinh lợi và sinh lợi nhanh. Hình thức này thường được áp dụng để thực hiện một dự án cụ thể, nên việc quản lý, kinh doanh đối với dự án lâu dài là không phù hợp khi lựa chọn hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC.
Thứ tư, việc phê duyệt dự án phải có tất cả các bên góp vốn (hợp doanh) cùng phê duyệt cũng là một trở ngại gây chậm quá trình thực hiện dự án. Nhiều vấn đề quan trọng trong hợp đồng phải được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của các bên thông qua, nên việc thực hiện hợp đồng có thể bị chậm hơn so với dự kiến.
Hợp đồng BCC và hợp đồng liên doanh đều có mục đích và nội dung chung là hướng đến sự thỏa thuận phân chia quyền lợi, trách nhiệm trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, có một vài sự khác biệt giữa 2 loại hợp đồng này, cụ thể:
Tiêu chí
Hợp đồng BCC
Hợp đồng liên doanh

Chủ thể ký kết hợp đồng
Không giới hạn các nhà đầu tư, có thể là nhà đầu tư trong nước kí kết hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nhà đầu tư trong nước kí kết hợp đồng với nhau.
Bắt buộc phải có sự tham gia của một hoặc nhiều nhà đầu tư trong nước với một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Bản chất hợp đồng
Là sự thỏa thuận của các bên để tiến hành hợp tác kinh doanh với nhau và là một hình thức đầu tư, tồn tại độc lập với các hình thức đầu tư khác.
Không được coi là hình thức đầu tư, chỉ là cơ sở pháp lí ghi nhận quan hệ đầu tư. Là văn bản bắt buộc phải có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hình thành pháp nhân mới
Không hình thành tổ chức kinh tế mới.
Không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng, các nhà đầu tư phải thỏa thuận việc dùng dấu và danh nghĩa của một bên tiến hành giao dịch;
Hình thành doanh nghiệp mới; tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
Có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, nhân danh chính doanh nghiệp mới thành lập trong các giao dịch.

Nội dung hợp đồng
Việc kí kết hợp đồng không dẫn đến thành lập một pháp nhân mới. Do đó, trong hợp đồng, các bên chủ yếu thỏa thuận những nội dung liên quan đến: thể thức góp vốn, quản lý, phân chia lợi nhuận, kết quả kinh doanh,…
Việc kí kết hợp đồng dẫn đến thành lập pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp nên nội dung thỏa thuận phải có: loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, điều kiện chấm dứt và giải thể doanh nghiệp,…
Thực hiện hợp đồng
Các nhà đầu tư phải tự tiến hành hoạt động đầu tư với quy chế do chính họ đặt ra và thỏa thuận trong hợp đồng.
Việc thực hiện hợp đồng sẽ được phản ánh qua tình hình hoạt động của doanh nghiệp liên doanh đó.
Quyền quản lý
Các bên có quyền quản lý điều hành ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn 2 bên đóng góp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bên nào có lượng vốn góp lớn hơn thường chiếm nhiều quyền quản lý điều hành hơn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Phân chia lợi nhuận và rủi ro
Theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng BCC.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh và theo Điều lệ của pháp nhân mới thành lập.
Tính minh bạch trong hoạt động
Do không có pháp nhân riêng nên khó kiểm soát được hoạt động của mỗi bên trong kinh doanh, vì 2 bên sử dụng 2 con dấu. Đặc biệt là trong việc hạch toán chi phí.
Pháp nhân mới thành lập có quy chế tổ chức, hoạt động chặt chẽ, nên dễ dàng kiểm soát trong vấn đề quản lý điều hành, hạch toán chi phí.

Tính linh hoạt
Do không phải thành lập pháp nhân mới nên tham gia các hoạt động kinh doanh, đầu tư rất nhanh chóng và tốn ít chi phí.
Phải đăng kí thành lập pháp nhân mới nên rất tốn chi phí và thời gian. Sau khi chấm dứt đầu tư, kinh doanh phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.   Luật Đầu tư 2014.
2.   Nghị định số 118/2015/NĐ – CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.
3.   Nghị định của Chính phủ số 194/2013/NĐ – CP ngày 21/11/2013 quy định việc đăng kí lại, chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đổi giấy phép đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
4.   Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đầu tư, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009 (Chương IV – Đầu tư trực tiếp theo hợp đồng).
5.   TS. Nguyễn Thị Dung, Một số nội dung mới trong pháp luật Việt Nam về hợp đồng hợp tác kinh doanh, Tạp chí luật học số 11/2008.
6.   Tìm hiểu về hình thức đầu tư theo loại hình hợp đồng hợp tác kinh doanh – Nguyễn Phương Anh - Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp;
7.   Trang web: moj.gov.vn


[1] Tham khảo: Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996
[2] Tham khảo: Tìm hiểu về hình thức đầu tư theo loại hình hợp đồng hợp tác kinh doanh – Nguyễn Phương Anh - Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp.
[3] Tham khảo: TS. Nguyễn Thị Dung (chủ biên), Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư - Những vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2008.
[4] Tham khảo: Tìm hiểu về hình thức đầu tư theo loại hình hợp đồng hợp tác kinh doanh – Nguyễn Phương Anh - Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp.

Related Post

Previous
Next Post »