CHẤN CHỈNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TP. HÀ NỘI

       

      Hiện nay, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đang là một trong những vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc Đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp tham gia quản lý Nhà nước theo tiêu chí “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó nhân dân có thể thực hiện được quyền dân chủ của mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều cơ quan hoặc một số cán bộ, công chức thường lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của công việc này, cơ quan có thẩm quyền cần chỉ đạo một số công việc cụ thể có liên quan. Vấn đề cần đặt ra là: Cần phải sử dụng loại văn bản nào? Chủ thể nào có thẩm quyền ban hành? Dựa vào những căn cứ pháp lí nào để soạn thảo ra văn bản giải quyết vấn đề này? Chính vì vậy, em lựa chọn đề tài: Giải thích rõ việc lựa chọn chủ thể ban hành, loại văn bản, căn cứ pháp lí và soạn thảo hoàn chỉnh văn bản pháp luật để chủ thể có thẩm quyền giải quyết công việc sau: Chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên đia bàn Thành phố Hà Nội
Mặc dù đã cố gắng rất nhiều song trong quá trình hoàn thiện bài của mình, em sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ phía thầy cô để bài em trở nên hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!

I. Cơ sở lý luận:
1. Thẩm quyền ban hành
Thẩm quyền ban hành văn bản áp dụng pháp luật được hiểu là là giới hạn về quyền lực của cơ quan ban hành văn bản áp dụng, theo đó chủ thể ban hành sẽ được phép ban hành văn bản với tên gọi gì, văn bản đó giải quyết công việc gì trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể mà pháp luật đã quy định. Thẩm quyền ban hành văn bản áp dụng pháp luật hiện nay được quy định trong rất nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và gồm các nhóm chủ thể với các loại văn bản áp dụng được ban hành cụ thể sau:
- Cơ quan nhà nước gồm Cơ quan quyền lực nhà nước trong đó Quốc hội, UBTV Quốc hội, Hội đồng nhân dân đều ban hành ra nghị quyết; Chính phủ ban hành nghị định, UBND các cấp ban hành quyết định, Chỉ thị; Viện kiểm sát nhân dân ban hành văn bản áp dụng là các yêu cầu, kiến nghị, quyết định…; Tòa án nhân dân ban hành quyết định, bản án…
- Cá nhân có thẩm quyền gồm:
+ Thủ trưởng các cơ quan nhà nước như: Chủ tịch nước ban hành, Thủ tướng chính phủ ban hành chỉ thị, Bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan ngang bộ ban hành chỉ thị, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân ban hành quyết định..., Chánh án tòa án nhân dân ban hành quyết định..., chủ tịch UBND các cấp ban hành chỉ thị ...
+ Nhân viên đang thi hành công vụ trong một số trường hợp nhất định như cảnh sát giao thông ban hành quyết định xử phạt, cán bộ hải quan, kiểm lâm, thanh tra, thẩm phán ban hành quyết định....
+ Các chủ thể đặc biệt: người lái máy bay, tàu biển khi rời sân bay, bến đỗ có thể ban hành quyết định...
Như vậy, nhìn một cách tổng thể nhất có thể thấy rằng, thẩm quyền ban hành văn bản áp dụng pháp luật thuộc về rất nhiều chủ thể khác nhau với nhiều loại văn bản áp dụng khác nhau. Đó là từ các cơ quan nhà nước ở cấp cao nhất như Quốc hội, Chính phủ cho tới các cơ quan nhà nước ở cấp thấp hơn như Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã; rồi từ các cá nhân có chức vụ đứng đầu trong bộ máy nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ cho tới những cá nhân có chức vụ ở địa phương, cấp dưới như chủ tịch UBND xã, chiến sĩ cảnh sát, thanh tra viên.. thậm chí là những cá nhân không có thẩm quyền ban hành nhưng được ủy quyền như người lái tàu bay tàu biển. Những chủ thể này được quy định rất cụ thể trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, luật, pháp lệnh về quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể...
Qua đó, xét đề bài, nhận thấy rằng do vấn đề xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội nên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền ban hành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố HN là chủ thể có thẩm quyền ban hành bởi vì: thứ nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hn là người đứng đầu UBND thành phố HN; thứ hai, dựa vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.
2. Loại văn bản được dùng
Một loại văn bản áp dụng pháp luật thường được nhiều các chủ thể có thẩm quyền khác nhau ban hành. Chẳng hạn như đối với quyết định, chủ thể có thẩm quyền ban hành rất đa dạng, gồm các cơ quan nhà nước (Chính phủ, UBND các cấp..), thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu các đơn vị cơ sở của cơ quan nhà nước, các công chức nhà nước (chiến sĩ cảnh sát, thẩm phán...), cá nhân, tổ chức xã hội được ủy quyền áp dụng pháp luật (người chỉ huy tàu bay, tàu biển...). Các loại văn bản áp dụng này được ban hành để giải quyết rất nhiều công việc khác nhau như miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức vụ trong cơ quan nhà nước, thành lập, giải thể các cơ quan trực thuộc, đình chỉ thi hành và bãi bỏ các văn bản áp dụng pháp luật sai trái, xử lý vi phạm, khen thưởng... và trong hầu hết tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như xây dựng, văn hóa, thông tin, giao thông, giáo dục...
Từ đó, để “Chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên đia bàn Thành phố Hà Nội thì phải sử dụng loại văn bản là Chỉ thị để giải quyết vấn đề này. Bởi Chỉ thị được ban hành để quy định biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động, đôn đốc và kiểm tra hoạt động của cơ quan, đơn vị trực thuộc và của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp dưới trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân cùng cấp và quyết định của mình.
Thêm vào đó, các hình thức văn bản áp dụng pháp luật đã được pháp luật quy định cụ thể trong việc xác định rõ ràng từng hình thức với từng thẩm quyền ban hành. Tức là cùng với việc quy định về thẩm quyền giải quyết công việc thì pháp luật cũng quy định rõ chủ thể có thẩm quyền đó phải ban hành loại văn bản nào để phù hợp cho việc giải quyết công việc đó. Ví dụ như Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính vừa quy định về thẩm quyền của các chủ thể được xử phạt vi phạm hành chính[1] vừa quy định hình thức văn bản cần phải ban hành để xử phạt vi phạm là quyết định[2]. Điều này đã tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng các văn bản áp dụng pháp luật vào thực tiễn đời sống. Ngoài ra, còn có một số văn bản được xác định theo hướng chuyên biệt, có vai trò riêng so với những văn bản áp dụng pháp luật khác nên thuận tiện cho chủ thể có thẩm quyền soạn thảo lựa chọn loại văn bản cần phải sử dụng trong những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn lệnh được cơ quan tố tụng hình sự ban hành trong quá trình giải quyết các vụ án.
Tựu chung lại, để Chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên đia bàn Thành phố Hà Nội phải sử dụng loại văn bản là Chỉ thị. Theo căn cứ qui định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND năm 2003, chủ thể có thẩm quyền ban hành Chỉ thị là Chủ tịch UBND thành phố HN.
3. Căn cứ pháp lí.
Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có một vị trí quan trọng trong quá trình quản lý nhà nước. Đảng, Nhà nước ta coi công tác tiếp dân chính là thực hiện quan điểm “Dân là gốc”. Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng sẽ đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, giúp cho các cơ quan chức năng xác định, xử lý chính xác những trường hợp sai phạm trong thực tế cuộc sống. Chính vì vậy, ngày 11 tháng 11 năm 2011, Luật khiếu nại và Luật tố cáo đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2012. Trên cơ sở đó, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cán bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố HN đã ban hành Chỉ thị để chỉ đạo về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên đia bàn Thành phố. Vì vậy, Luật khiếu nại và Luật Tố cáo năm 2011 là căn cứ pháp lí cho Chỉ thị này bởi Luật khiếu nại và luật tố cáo năm 2011 là văn bản đang có hiệu lực pháp lí và có nội dung liên quan mật thiết đến Chỉ thị trên.
II. Soạn thảo văn bản
ỦY BAN NHÂN DÂN
     THÀNH PHỐ HÀ NỘI
     
         Số:.../CT-UBND
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
                   
                  Hà Nội, ngày... tháng... năm...

CHỈ THỊ
Về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên đia bàn Thành phố Hà Nội

Kể từ khi Quốc hội ban hành Luật khiếu nại và Luật tố cáo năm 2011, các cấp chính quyền từ cơ sở đến Thành phố đã có nhiều biện pháp tích cực triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đạt được những kết quả tích cực góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự công cộng và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: một số cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo tổ chức tốt việc tiếp công dân, còn có tình trạng cán bộ lãnh đạo ngại tiếp dân, đối thoại với nhân dân, tránh né, đùn đẩy trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; hiệu quả giải quyết khiếu nại, tổ cáo chưa cao, nhiều vụ khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, chậm được giải quyết; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chặt chẽ, thường xuyên.
          Để tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1.       Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 130-TB/TW ngày 10/3/2008 của Bộ chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa về chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo và quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 01/4/2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thành phố Hà Nội.
2.       Tiến hành rà soát các vụ việc còn tồn đọng, các vụ việc khiếu kiện kéo dài để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để công dân gửi đơn nhiều lần, vượt cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật
3.       Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo quy định của pháp luật; tăng cường đối thoại với công dân trong quá trình giải quyết.
4.     Thanh tra Thành phố:
a)      Chủ trị, phối hợp với Sở tài nguyên và môi trường, các Sở, ngành có liên quan tổng hợp các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, còn tồn đọng, kéo dài, thành lập các Tổ công tác về địa phương để tập trung giải quyết, nhất là các vụ việc có liên quan đến đất đai, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo;
b)       Chủ trì Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng cơ sở dữ liệu về các vụ khiếu nại, tổ cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, công khai trên Cổng thông tin ( hoặc Trang thông tin) điện tử của Sở, ngành, địa phương.
c)       Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm các Sở, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung vào những địa bàn trọng điểm có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc người có thẩm quyền có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị Chủ tích Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ có sai phạm.
5.      Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
6.       Công an Thành phố chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng nắm chắc diễn biến tình hình khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp lên Trung ương và Thành phố để tham mưu, giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, không phát sinh thành điểm nóng, gây mất trật tự tại các nơi công cộng, khu vực trụ sở các cơ quan Trung ương và Thành phố.
7.       Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị trực thuộc có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nếu để tình trạng khiếu nại, tổ cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị xảy ra phức tạp và việc công dân thuộc đơn vị  tập trung đông người khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan Trung ương và Thành phố.
Nơinhận                                                                                                         
- VPCP, TTCP;
-          TT Thành ủy;  TT HĐND TP;
-          Đoàn ĐBQH Hà Nội;
-          Chủ tịch UBND Thành phố;
-          Các phó Chủ tịch UBND Thành phố;
-          Các Sở, ban, ngành;
-          UBND các quận, huyện, thị xã;
-          Lưu: VT.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





(1). Xem: các điều từ 28 đến 40 trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002, sửa đổi bổ xung 2008
(2). Xem: điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 sửa đổi bổ xung năm 2008

Related Post

Previous
Next Post »