Bài tập nhóm Dân sự 1: Tình huống tranh chấp đất đai

    Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tranh chấp đất đai có thể được chia làm hai loại lớn, đó là các tranh chấp mà trong đó cần xác định ai là người có quyền sử dụng hợp pháp đất đang tranh chấp và tranh chấp đất đai trong đó người sử dụng đất đã sử dụng đất hợp pháp, tranh chấp chỉ phát sinh trong quá trình người đó thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.Tranh chấp về Quyền sử dụng đất là sự tranh chấp giữa các bên về quyền quản lý, quyền sử dụng một diện tích nào đó hoặc một phần trong diện tích đó mà việc xác định ai là người có quyền sử dụng hợp pháp đất tranh chấp đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngày nay, cùng với sự đi lên của xã hội, nhu cầu đất đai của con người ngày càng tăng, do vậy ngày càng có nhiều vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất được đư ra toà án để giải quyết. Thế nhưng, không phải lúc nào phán quyết của toà án cũng là thoả đáng khiến đương sự phải kháng cáo nhiều lần. Chính vì vậy, trong bài tập nhóm lần này nhóm sẽ chọn tình huống về vấn đề tranh chấp quyền sử dụng đất (tranh chấp ranh giới) để tìm hiểu rõ hơn về lĩnh vực này.


1. Tóm tắt vụ việc.

Vụ việc đề cập đến vấn đề tranh chấp quyền sử dụng đất (tranh chấp ranh giới) giữa:
          Nguyên đơn: Ông Nguyễn Hữu Thực sinh năm 1960; trú tại tổ dân cư số 4, khu Tân Mỹ 2, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.(Bên A).
Bị đơn: Ông Liễu Thanh Quảng sinh năm 1938; trú tại nhà số 31, đường Phan Huy Chú, khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.(Bên B).
Tóm tắt nội dung vụ án:         Theo đơn khởi kiện đề ngày 14-7-2008 và trong quá trình giải quyết vụ án, bên A trình bày:
          Tại Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 12/7/2006, bên A được UBND thành phố Lạng Sơn giao đất và thu tiền sử dụng đất đối với 43,2m2 tại đường Phan Huy Chú, khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn (thuộc thửa đất số 185, tờ bản đồ 48 phường Chi Lăng) và đến ngày 29/9/2006 UBND thành phố Lạng Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên cho ông. Liền kề với diện tích đất ông được cấp nêu trên là nhà, đất của bên B. Bên B đã xây dựng công trình phụ, ban công tầng 2, tầng 3 nhà của bên B lấn sang phần đất của bên A khoảng 05m2 (bao gồm cả phần khoảng không và phần mặt đất), bên A đã yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết nhưng hai bên không hoà giải được. Do đó, bên A khởi kiện đề nghị Toà án buộc bên B trả lại diện tích đất đã lấn chiếm nêu trên.
Bị đơn trình bày: Nhà, đất bên B sở hữu và sử dụng tại số 31 Phan Huy Chú (trước đây là số 8 phố Lao Động) liền kề với đất bên A được cấp có nguồn gốc ông thuê của Nhà nước từ năm 1967, đến năm 1991 do nhà xuống cấp ông đã xin phép và được chính quyền cho xây dựng mới. Đến năm 2001, Nhà nước bán căn nhà này cho ông (Quyết định số 615/QĐ-UB ngày 12/3/2001 của UBND tỉnh Lạng Sơn) và ngày 25/11/2004 ông được UBND thành phố Lạng Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 51m2 đất. Bên A cho rằng ông lấn chiếm đất  là không đúng, vì căn nhà vẫn nguyên hiện trạng từ khi bên B mua của Nhà nước, nên ông không đồng ý với yêu cầu của bên A.
* Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2009/DSST ngày 17-4-2009, TAND huyện thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn với nhận định (tóm tắt):
Căn nhà gia đình bên B đang sử dụng có nguồn gốc là nhà thuộc sở hữu Nhà nước và liền kề là ngõ đi chung rộng khoảng 1m. Năm 1991, bên B xây dựng mới, đã xây dựng công trình phụ, đổ ban công tầng 2, tầng 3 chờm ra ngõ đi chung nhưng không cơ quan chức năng nào có ý kiến và Công ty quản lý nhà thu tiền nhà theo diện tích mà bên B đã xây dựng, nên phần đất phía Đông (đất ngõ) mà bên B đã xây dựng công trình phụ và ban công, Nhà nước đương nhiên quản lý từ năm 1991. Sau đó năm 2001 bên B mua lại căn nhà theo hiện trạng đã xây dựng từ năm 1991, nên phần đất gắn liền với công trình phụ và phía dưới ban công đương nhiên thuộc quyền sử dụng của bên B. Năm 2004 bên B kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 51m2 đất theo số đo của Công ty kinh doanh nhà đã bán cho bên B. Việc các cơ quan chức năng cho rằng diện tích gắn liền với khu vệ sinh và nằm dưới ban công, bên B không kê khai nên không cấp và là đất công là không đúng với thực tế, là sai sót của các cơ quan chức năng, nên dẫn đến việc cấp trùng diện tích đất nêu trên cho bên A và dẫn đến tranh chấp.
Từ đó quyết định:
Bác đơn yêu cầu của bên A đòi bên B trả lại 5m2 đất và khoảng không là không có căn cứ. Ranh giới phía đông nhà đất của bên B giáp đất bên A được xác định như sơ đồ hiện trạng kèm bản án.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo.
* Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Rỉ kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
* Tại bản án dân sự phúc thẩm số 38/2009/DSPT ngày 24-8-2009, Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn với nhận định (tóm tắt): Khi xây dựng lại nhà năm 1991, gia đình bên B đã xây dựng không đúng sơ đồ thiết kế kèm theo giấy phép, cụ thể là ban công tầng 1, tầng 2 đã lấn sang ngõ đi chung và phần công trình tường rào, bể nước cũng không có trong thiết kế. Tại phiên toà phúc thẩm bên B cũng thừa nhận việc xây dựng ban công tầng 1, tầng 2 , phần công trình tường rào, bể nước không có trong sơ đồ thiết kế và vượt quá phạm vi đất được sử dụng. Bên B cũng không kê khai phần đất đã xây dựng công trình vượt quá giấy phép để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Theo Quyết định số 615/QĐ-UB ngày 12/3/2001 thì UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ bán cho bên B nhà cấp 4 với diện tích 24,9m2 (như giấy phép thiết kế sửa chữa lớn), nên việc bên B cho rằng ông mua nhà của Nhà nước nên hiện trạng ngôi nhà như thế nào ông sử dụng đến đó. Khi giao đất cho bên A, UBND thành phố Lạng Sơn đã trừ phần tiếp giáp nhà ông Quảng khoảng trống có chiều rộng là 0,38m, nhưng phần công trình của bên B vẫn lấn vào đất của bên A, nên cần buộc bên B tháo dỡ phần công trình xây dựng trên phần đất bên A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để trả lại đất cho bên A.
Từ đó quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên A. Giao cho bên A được sử dụng diện tích đất tranh chấp là 4,64m2 (gồm 2,4m2 trên đó gia đình bên B đã xây dựng công trình tường rào, bể nước và 2,24m2 là phần ban công mái tôn nhà bên B lấn sang khoảng không trên đất).
2. Buộc bên B phải tháo dỡ các công trình đã làm trên phần đất nêu trên để trả quyền sử dụng đất cho bên A, cụ thể:
- Tháo dỡ công trình: tường rào, một phần bể nước ăn đã xây trên diệ tích đất là 2,4m2 là hình KK1L1L với các kích thước KK1 = LL1 = 4,06m, K1L1 = 0,56m (0,94m - 0,38m) và KL =0,65m (1.03m - 0,38m).
- Tháo dỡ phần ban công tầng 1 của nhà bên B lẫn chiếm sang phần đất cấp cho hộ bên A diện tích là 1,13m2 là hình CC1D1D với CC1 = DD1 = 5,15m và CD = C1D1 = 0,22m (0,60m - 0,38m); tháo dỡ một phần nhà vệ sinh nằm trên phần ban công bị tháo dỡ trên.
- Tháo dỡ phần ban công tầng 2 của nhà bên B lẫn chiếm sang phần đất cấp cho bên A diện tích là 2,24m2 là hình CC1E1E với CC1 = EE1 = 5,15m và CE = 0,39m (0,77m - 0,38m); CE1 = 0,48m (0,86m - 0,38m).
- Tháo dỡ phần mái tôn tầng 3 lấn sang diện tích đã giao cho bên A nêu trên.
Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

2.  Giải quyết vụ việc.

2.1: Căn cứ pháp lý để giải quyết vụ án.

Xác định căn cứ pháp lý để giải quyết một vụ án nói chung và đối với vụ án về tranh chấp quyền sử dụng đất đã nêu nói trên là việc căn cứ vào những tình tiết của vụ án để xác định Luật điều chỉnh. Từ đó mới có thể tìm ra hướng giải quyết phù hợp và đánh giá được những phán quyết của toà án là phù hợp với quy định của pháp luật hay không.
Thứ nhất, trong vụ án có các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Nhà ở năm 2005 cụ thể: Nhà, đất mà bên B sử dụng là do thuê của nhà nước tử năm 1967, đến năm 1991 do nhà xuống cấp bên B đã xin phép và được chính quyền cho xây dựng mới. Nội dung này được quy định tại Điều 101 Luật nhà ở về cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước như sau: “1. Việc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải đúng đối tượng. Bên thuê nhà ở phải sử dụng đúng mục đích, không được chuyển nhượng, chuyển đổi hoặc cho thuê lại.
2. Đơn vị được giao quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có trách nhiệm thực hiện quản lý việc sử dụng nhà ở, bảo trì, cải tạo theo quy định về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.”.
 Việc bên B xin phép xây dựng nhà mới từ căn nhà đã thuê của nhà nước cũng được Luật này điều chỉnh tại các Điều 76: “cải tạo nhà ở”, Điều 77: “ Yêu cầu bảo trì, cải tạo nhà ở”, Điều 78: “ Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc bảo trì, cải tạo nhà ở”, và Điều 82: “ Bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu nhà nước”.
Xét thấy, Luật nhà ở năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 trước thời gian xảy ra tranh chấp , hơn nữa đối tượng có liên quan trong vụ tranh chấp là nhà của bên B lại thuộc phạm vi điều chỉnh ( Điều 1) và đối tượng điều chỉnh (Điều 2) của Luật này. Do đó các căn cứ trên sẽ được Luật nhà ở năm 2005 điều chỉnh.
Thứ hai, trong vụ tranh chấp trên có những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai năm 2003 ( có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004) cụ thể đó là: Bên A được nhà nước giao đất và thu tiền sử dụng đất nội dung này được quy định tại Khoản 1 Đ iều 34 quy định nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong trường hợp: “ 1.Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở…” và Điều 37 quy định về: “ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất”, việc bên A và bên B được cấp giấy quyền sử dụng đất được quy định tại các Điều 52 Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Điều 49 Những trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Điều 60 Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Điều 105 Quyền chung của người sử dụng đất; và Điều 107 Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất.
Thứ ba, xét thấy trong vụ tranh chấp này là vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất (tranh chấp ranh giới) mà cụ thể là tranh chấp giữa hai mảnh đất liền kề ( bên A và Bên B). Nội dung này được điều chỉnh trong bộ luật dân sự năm 2005 tại Điều 265 nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản: “ .... 2. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác...”; Điều 266 Quyến sở hữu đối với các mốc ngăn cách các bất động sản “ chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình...”  và Điều 267 Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng: “ 1. Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất đông sản liền kề và xung quanh...”
Thứ tư, đối tượng của hợp đồng mua bán nhà theo Quyết định số 615/QĐ-UB ngày 12/3/2001 giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và bên B là ngôi nhà thuộc sở hữu của Nhà nước, do đó việc mua bán này còn chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 61-CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở.
Như trên đã xác định thì vụ tranh chấp này sẽ được giải quyết trên cơ sở của Luật nhà ở năm 2005, Luật đất đai năm 2003 và Bộ luật dân sự năm 2005 với những căn cứ pháp lý đã chỉ ra ở trên. Tuy nhiên, khi áp dụng Luật luôn phải tuân theo nguyên tắc đi từ luật riêng đến luật điều chỉnh chung, nếu luật riêng không có quy định thì mới dẫn tới luật chung. Trong trường hợp này cũng vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 là luật chung cũng có những quy định về nghĩa vụ và quyền của chủ thể về sở hữu nói chung tuy nhiên sẽ đi từ luật Đất đai năm 2003 và Luật nhà ở năm 2005 với những căn cứ đã nêu trước. Chính vì vậy, để tránh lặp lại không cần thiết nên bài viết đã không nêu ra những căn cứ pháp lý đã xác định tại luật riêng thuộc Điều khoản nào trong luật chung ( Bộ luật dân sự 2005).
Bên cạnh đó, vụ việc về tranh chấp giữa hai bên đã được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tại Tòa án nhân dân huyện và Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn nên trình tự cách thức tiến hành thủ tục tố tụng tại tòa án phải tuân theo các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004( sửa đổi, bổ sung năm 2011).

2.2:  Bình luận về việc giải quyết vụ án của Tòa án

- Đối với Tòa án sơ thẩm
Theo quyết định của tòa án trong bản án sơ thẩm thì bác đơn yêu cầu của bên A đòi kiện bên B, trả lại 5m2 đất và khoảng không là không có căn cứ
Thứ nhất, bị đơn là bên B có trình bày: “năm 1991 do nhà xuống cấp ông xin phép và được chính quyền cho ông xây dựng mới”. Điều này là không rõ ràng và không phù hợp với quy định của pháp luật, vì theo Khoản 1 Điều 82 Luật nhà ở quyđịnh: “Việc bảo trì, cái tạo nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan hoặc doanh nghiệp được Nhà nước giao quản lí nhà ở đó thực hiện. Việc cải tạo nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải được thực hiện theo thiết kế và dự đoán được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Rõ ràng việc sửa chữa nhà ở phải theo bản thiết kế của căn nhà, hơn nữa tại thời điểm bên B sửa chữa nhà ở thì bên B vẫn chưa mua lại nhà của Nhà nước, tức là bên B không phải chủ sở hữu nên vẫn phải tuân thủ theo các quy định tại điều luật này nên không phải bên B thích sủa chữa nhà như thế nào tùy ý. Trong nội dung trình bày của mình bên B cũng không hề đưa ra bằng chứng là giấy phép của cơ quan có thẩm quyền để chứng minh việc ông xây dựng mới căn nhà là đúng theo quy định của pháp luật. Ta thấy trong bản án sơ thẩm của Tòa án cũng không nhắc gì đến bản thiết kế của căn nhà, đây là một thiếu sót của tòa án dẫn đến nội dung của bản án không đáp ứng được nguyện vọng của hai bên, chưa đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Thứ hai, theo quy định tại Khoản 2 Điều 76Luật nhà ở năm 2005quy định: “Chủ sở hữu nhà ở được cải tạo nhà ở của mình; người không phải là chủ sở ữu nhà ở chỉ được phép cải tạo nhà ở trong trường hợp được chủ sở hữu hà ở đồng ý bằng văn bản...”.Tuy nhiên theo bản  án này thì không thấy bên B trình bày về văn bản này và Tòa án cũng không thấy đề cập đến.
Thứ ba, Tòa án không thể chỉ dựa vào việc cơ quan chức năng không có ý kiến và Công ty quản lí nhà thu tiền nhà theo diện tích mà bên B đã xác định là như vậy bên B có thể hợp pháp được sửa chữa nhà theo ý định của mình, và xác định ngay là những phần bên B xây dựng đương nhiên là thuộc quyền sử dụng của Bên B mà còn phải căn cứ vào nhiều khía cạnh khác như: diện tích đất bên B thuê của Nhà nước từ năm 1967 là bao nhiêu đối chiếu với diện tích sau khi đã sửa chữa, các văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho bên B được sửa chữa nhà ở, bản thiết kế sửa chữa nhà ở...v.v
Thứ tư, Việc tòa sơ thẩm xác định “cơ quan chức năng cho rằng diện tích gắn liền với khu vệ sinh và nằm dưới ban công bên B không kê khai nên không cấp và là đất công là không đúng với thực tế là sai sót của cơ quan chức năng”  Điều này là vô lí vì bên B không kê khai thì đương nhiên là cơ quan chức năng không cấp giấy chứng nhận  và không được chứng nhận thì phần diện tích gắn liền với khu vệ sinh và nằm dưới ban công là không thuộc sở hữu của bên B mà vẫn do Nhà nước quản lý. Theo điểm e, khoản 2 Điều 78 Luật nhà ở năm 2005có quy định: “Sau khi sửa chữa, cải tạo nếu hiện trạng nhà ở có thay đổi so với nội dung trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp thì chủ sở hữu phải đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để xác nhận những thay đổi vào giấy chứng nhận”, ở đây có thể thấy rằng bên B đã vi phạm quy định tại điều luật này. Bên B cũng không đưa ra được các căn cứ pháp lý để chứng minh là bên B có nộp tiền phần diện tích lấn chiếm, đồng thời đây cũng là lỗi của các cơquan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát đối với việc sửa chữa nhà của bên B.
Thứ năm, trong bản án sơ thẩm Tòa án có nêu ra căn cứ ngõ đi chung rộng khoảng 1m2 nhưng lại không lấy làm căn cứ để giải quyết trong khi đây cũng  là một trong những căn cứ để giải quyết vụ tranh chấp này.
Tóm lại, xét theo yêu cầu của hai bên có thể thấy rằng các quyết định của Tòa sơ thẩm tuy có dựa trên một số căn cứ pháp lý nhưng vẫn còn một số thiếu sót trong phán quyết của Tòa sơ thẩm về vụ việc này dẫn đến bản án chưa triệt để,chưa thỏa mãn được ý chí của các bên đương sự cũng như chưa bảo vệ được quyền lợi của các bên và đảm bảo sự công bằng nghiêm minh của pháp luật. Điều này kéo theo việc các bên tiếp tục kháng cáo gây tổn thất về thời gian cũng như tiền bạc của hai bên, tốn kém chi phí cho việc mở phiên tòa thứ hai xét xử phúc thẩm.
- Đối với tòa án phúc thẩm
Xét về các quyết định của Hội đồng xét xử đưa ra Tại bản án dân sự phúc thẩm số 38/2009/DSPT ngày 24-8-2009 ta thấy các quyết định này đã khắc phục được những thiếu sót của Tòa sơ thẩm trước đó và đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho các bên đương sự. Theo bản án phúc thẩm ta thấy:
Thứ nhất, Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, tòa án nhân dân tỉnh Lạng sơn đã đưa ra những nhận định xác thực với tình hình trên thực tế. Trong trường hợp này vì Bên B đã xây dựng không đúng sơ đồ thiết kế kèm theo giấy phép, cụ thể là ban công tầng 1, tầng 2 đã lấn sang ngõ đi chung và phần công trình tường rào, bể nước cũng không có trong thiết kế, do vậy Bên B đã vượt quá phạm vi đất được sử dụng của mình.
Thứ hai, tại tòa phúc thẩm Bên B cũng đã thừa nhận là đã không kê khai phần đất đã xây dựng công trình vượt quá giấy phép để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất . việc bên B không kê khai phần đất đã xây dựng công trình vượt quá giấy phép để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đã vi phạm các qui định của pháp luật tại điểm c Khoản 2 Điều 78 Luật nhà ở năm 2005: “Sau khi sửa chữa, cải tạo nếu hiện trạng nhà ở có thay đổi so với nội dung trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp thì chủ sở hữu phải đến cơquan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để xác nhận những thay đổi vào giấy chứng nhận”. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 tại các điều: Điều 105: Quyền chung của người sử dụngđất, và  Điều 107: Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất thì người sử dụng đất có quyền được cấp giấy chứng chứng nhận quyền sử dụng đất và có nghĩa vụ sử dụng đúng mục đích và ranh giới thửa đất... trên thực tế  bên B đã không tuân thủ đúng quy định này mà trong quá trình xây dựng nhà đã cố tình  lấn chiếm trái phép sang phần đất không phải của mình nên dẫn đến tình trạng tranh chấp với bên A trong vụ việc này.
Thứ ba, Tòa phúc thẩm nhận định rằng:
Theo Quyết định số 615/QĐ-UB ngày 12/3/2001 thì UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ bán cho bên B nhà cấp 4 với diện tích 24,9m2 (như giấy phép thiết kế sửa chữa lớn), việc bên B cho rằng ông mua nhà của Nhà nước nên hiện trạng ngôi nhà như thế nào ông sử dụng đến đó là không đúng với thực tế vụ việc, cụ thể là căn nhà mà ông thuê của Nhà nước không hề có bao gồm phần diện tích đã lấn chiếm. Việc ông sửa chữa lại căn nhà đã không tuân theo đúng bản thiết kế của căn nhà , lấn chiếm phần đất giáp gianh là vi phạm pháp luật dẫn đến xâm phạm phần đất của bên A. Khi giao đất cho bên A, UBND thành phố Lạng Sơn đã trừ phần tiếp giáp nhà của bên A khoảng trống có chiều rộng là 0,38m, nhưng phần công trình của bên B vẫn lấn vào đất của bên A, nên cần buộc B tháo dỡ phần công trình xây dựng trên phần đất mà bên A đã  được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để trả lại đất cho bên A.
Như vậy, ta thấy nhận định trên của TAND tỉnh Lạng Sơn là có căn cứ pháp luật và dựa trên cơ sở xem xét đầy đủ tình tiết của vụ án. Từ đó đưa ra quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên A. Giao cho bên A được sử dụng diện tích đất tranh chấp là 4,64m2 (gồm 2,4m2 trên đó gia đình bên B đã xây dựng công trình tường rào, bể nước và 2,24m2 là phần ban công mái tôn nhà bên B lấn sang khoảng không trên đất).
2. Buộc bên B phải tháo dỡ các công trình đã làm trên phần đất nêu trên để trả quyền sử dụng đất cho bên A, cụ thể:
- Tháo dỡ công trình: tường rào, một phần bể nước ăn đã xây trên diệ tích đất là 2,4m2 là hình KK1L1L với các kích thước KK1 = LL1 = 4,06m, K1L1 = 0,56m (0,94m - 0,38m) và KL =0,65m (1.03m - 0,38m).
- Tháo dỡ phần ban công tầng 1 của nhà bên B lẫn chiếm sang phần đất cấp cho hộ bên A diện tích là 1,13m2 là hình CC1D1D với CC1 = DD1 = 5,15m và CD = C1D1 = 0,22m (0,60m - 0,38m); tháo dỡ một phần nhà vệ sinh nằm trên phần ban công bị tháo dỡ trên.
- Tháo dỡ phần ban công tầng 2 của nhà bên B lẫn chiếm sang phần đất cấp cho bên A diện tích là 2,24m2 là hình CC1E1E với CC1 = EE1 = 5,15m và CE = 0,39m (0,77m - 0,38m); CE1 = 0,48m (0,86m - 0,38m).
- Tháo dỡ phần mái tôn tầng 3 lấn sang diện tích đã giao cho bên A nêu trên.
Phán quyết trên của tòa phúc thẩm là phù hợp với quy định của pháp luật, hợp tình hợp lý. Bên cạnh đó, phán quyết của Tòa án phúc thẩm vẫn còn hạn chế là chưa xem xét kĩ lại bản án sơ thẩm, chữa đề cập đến căn cứ bên B lấn sang ngõ đi chung rộng khoảng 1m2, mặc dù ngay từ đầu Tòa án có nhắc đến việc bên B đã lấn chiếm phần đất này nhưng phán quyết cuối cùng tòa án mới chỉ buộc bên B tháo dỡ các công trình đã làm trên mà không buộc bên B phải tháo dỡ phần diện tích của lối đi chung đó.Quyết định của Tòa án phúc thẩm đã đưa cách giải quyết thỏa đáng, đảm bảo lợi ích của các bên trong vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Như vậy, qua xem xét, phân tích 2 bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất (tranh chấp ranh giới) trên đây, nhận thấy bản án sơ thẩm còn nhiều thiếu sót, không cân nhắc kỹ lưỡng cũng như chưa tìm hiểu kỹ tình tiết vụ án; dẫn đến quyết định sai, không phù hợp quy định pháp luật và xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn. Bản án phúc thẩm đã khắc phục những nhược điểm nêu trên, cân nhắc, chỉ ra các tình tiết liên quan mật thiết đến nội dung vụ án; đưa ra phán quyết phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích cho người có quyền lợi bị xâm hại đồng thời buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ chính đáng.
2.3: Đưa ra quan điểm của nhóm về giải quyết vụ án.  
          Qua xem xét các tình tiết của vụ việc tranh chấp ranh giới giữa hai bên cũng như phần trình bày của hai bên kể trên nhóm xin được đưa ra một số nhận định và hướng giải quyết vụ án như sau:      
-         Bên B đã hoàn thành xong việc xây nhà từ năm 1991 và ngôi nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng từ năm 1991 đến nay. Theo Khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 thì:“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.”
      Như vậy, kể từ thời điểm bên Bxây dựng lấn chiếm sang phần đất không phải của ông cho đến thời điểm trước khi xảy ra tranh chấp với bên A thì bên B hoàn toàn có thể yêu cầu Uỷ ban nhân dân phường Chi Lăng xác nhận là đất không có tranh chấp, rồi gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần đất lấn chiếm trên. Tuy nhiên, bên B đã không thực hiện những điều trên, không kê khai phần đất đã xây dựng công trình vượt quá giấy phép để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất đó. Đến khi xảy ra tranh chấp thì đương nhiên bên B không thể thực hiện các thủ tục trên để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất nữa. Như vậy, B sẽ không có quyền sử dụng đối với phần đất đang xảy ra tranh chấp này. Thêm vào đó ta thấy:
Thứ nhất, theo như bên B trình bày: “Nhà, đất ông sở hữu và sử dụng tại số 31 Phan Huy Chú (trước đây là số 8 phố Lao Động) liền kề với đất bên A được cấp có nguồn gốc ông thuê của Nhà nước từ năm 1967, đến năm 1991 do nhà xuống cấp ông đã xin phép và được chính quyền cho ông xây dựng mới”. Ở đây, ta phải xem xét về quyền của bên B đối với việc sửa chưa, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Theo qui định tại khoản 1 Điều 82 Luật Nhà ở 2005: “Việc cải tạo nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải được thực hiện theo thiết kế và dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Như vậy, cần phải xét xem việc bên B tiến hành xây dựng mới đã đúng với bản thiết kế được chính quyền cho phép chưa. Xét thấy, B đã không xây dựng theo sơ đồ thiết kế kèm theo giấy phép, cụ thể là ban công, tầng 1, tâng 2 đã lấn sang ngõ đi chung và phần công trình tường rào, bể nước cũng không có trong thiết kế. Do đó, B đã xây dựng vượt quá giới hạn đất sự dụng của mình, xâm phạm đến phần đất chung(ngõ 1m2), đất thuộc sở hữu của A và trái với bản thiết kế được chính quyền phê duyệt. Vì vậy B đã vi phạm theo Điều 82 Luật Nhà ở năm 2005. Theo qui định tại khoản 2 Điều 101: “Đơn vị được giao quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có trách nhiệm thực hiện quản lý việc sử dụng nhà ở, bảo trì, cải tạo theo quy định về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước”. Như vậy, một phần lỗi ở đây là do cơ quan chức năng đã không kiểm soat việc cải tạo nhà ở của B, để cho B xây dựng không đúng theo như thiết kế.
          Thứ hai,  theo điểm c khoản 2 Điều 78 Luật nhà ở 2005: “Sau khi sửa chữa, cải tạo nếu hiện trạng nhà ở có thay đổi so với nội dung trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp thì chủ sở hữu nhà ở phải đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để xác nhận những thay đổi vào giấy chứng nhận”. Như vậy, theo qui định của Điều 78 thì bên B tiếp tục vi phạm khi không kê khai phần đất đã xây dựng công trình vượt quá giấy phép để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
          Thứ ba, B cho rằng căn nhà của ông vẫn giữ nguyên hiện trạng từ khi ông mua của Nhà nước, nên ông không chấp nhận yêu cầu của A. Quan điểm này đưa ra là hoàn toàn sai, bởi lẽ, ngay từ đầu thì UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ bán cho bên B nhà cấp 4 với diện tích 24,9m2 (như giấy phép thiết kế sửa chữa lớn). Như vậy, nhà ông B xây mới đã không còn như hiện trạng được chính quyền phê duyệt và không nằm trong 24,9m2 mà Nhà nước bán cho.
-          Bên A đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để được giao đất (theo Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 12/7/2006) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (vào ngày 29/9/2006) nên bên A đương nhiên có quyền sử dụng phần đất đang xảy ra tranh chấp nêu trên.
          Từ những phân tích ở trên theo cách giải quyết của nhóm thì trong trưởng hợp này  bên B(ông Liễu Thanh Quảng) phải tháo dỡ các công trình đã làm ngoài bản thiết kế, trên phần đất chung (ngõ 1m2) và đất của bên A để trả quyền sử dụng đất cho A và B phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo quy định của pháp luật tại Điều 140 Xử lý đối với người vi phạm pháp luật về đất đai:“Người nào lấn, chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, huỷ hoại đất, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, các thủ tục hành chính, các quyết định của Nhà nước trong quản lý đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép hoặc các hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật...”
Tức là bên B phải tháo dỡ phần đất xây dựng đã lấn chiếm sang của bên A:
 - Tháo dỡ công trình: tường rào, một phần bể nước ăn đã xây trên diện tích đất là 2,4m2 .
- Tháo dỡ phần ban công tầng 1 của bên B lấn chiếm sang phần đất cấp cho bên A diện tích là 1,13m2 .
- Tháo dỡ phần ban công tầng 2 của nhà ông B lấn chiếm sang phần đất của bên A đã được cấp với diện tích là 2,24m2 .
- Tháo dỡ phần mái tôn tầng 3 lấn sang diện tích đã giao cho bên A nêu trên.
Trả lại cho bên A diện tích đất tranh chấp là 4,64m2 (gồm 2,4m2 trên đó bên B đã xây dựng công trình tường rào, bể nước và 2,24m2 là phần ban công mái tôn lấn sang khoảng không trên đất).
 Đồng thời trong vụ việc này bên B cũng phải chịu toàn bộ chi phí về việc sửa chữa, chuyển giao và xử lý vụ án .

III. KẾT LUẬN

          Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.Luật đất đai tuy đã điều chỉnh rất cụ thể và chi tiết về các vấn đề liên quan đến đất như : quyền sử dụng đất, chuyển giao và  mua bán đất , xác nhận phạm vi đất…Nhưng trên thực tế khi áp dụng vào các vụ việc cụ thể thường nảy sinh ra nhiều vấn đề mâu thuẫn khác nhau yêu cầu người giải quyết cần phải vận dụng những kinh nghiệm xét xử và áp dụng một cách sáng suốt để xử lí sao cho phù hợp với lợi ích của các bên. Tránh tình trạng giải quyết tranh chấp không chặt chẽ , thiếu sự công bằng , phải giải quyết nhiều lần lãng phí kinh phí .Bên cạnh đó, hệ thống Luật đất đai của chúng ta cần phải hoàn thiện, phát triển hơn nữa, sao cho có thể dự liệu một cách đầy đủ các tình huống có thể phát sinh trong thực tế để có căn cứ chính xác và rõ ràng giải quyết các vụ việc sau này.

Related Post

Previous
Next Post »