HIỆN TƯỢNG VÔ THỨC


          Trong đời sống tâm lý con người, bên cạnh những hiện tượng tâm lý được ý thức, còn có những hiện tượng tâm lý chưa được ý thức. Hiện tượng tâm lý không ý thức, chưa nhận thức được như vậy, trong Tâm lý học được gọi là hiện tượng vô thức.
          Vô thức là vấn đề chính trong phân tâm học do nhà tâm lý học  người Áo Sigmund Freud khảo sát và sáng lập từ năm 1880.
I. Khái niệm và đặc điểm của vô thức
1. Khái niệm
          Vô thức là hiện tượng tâm lý ở tầng bậc chưa ý thức, nơi mà ý thức không thực hiện chức năng của mình. Hay nói cách khác, Vô thức là tập hợp những hiện tượng, những hành vi mà chủ thể không có nhận thức, không tỏ được thái độ và không thể thực hiện được sự kiểm tra có chủ ý đối với chúng.
          Vô thức là một lĩnh vực bao la, rộng lớn, nơi tập trung những hiện tượng mà vì lý do nào đó, “chiếc đèn pha” ý thức không thể “soi rọi” đến. Vô thức bao gồm những hiện tượng tâm lí mà ở đó ý thức không thực hiện được chức năng của mình. Vô thức bao gồm nhiều hiện tượng phổ biến khác trong đời sống con người, như:
          Hiện tượng quên và sực nhớ: quên là con người không tái hiện lại được các thông tin cũ vào thời điểm cần thiết. Ví dụ: quên kiến thức đã học của 1 năm trước, quên 1 ai đó….Sực nhớ là khả năng bất chợt tái hiện được một lượng thông tin nào đó. Ví dụ: trên đường đi Sực nhớ mình không theo sách vở khi đi học…
          Bản năng: là những khuynh hướng phản ứng vốn có ở con người, được thừa hưởng từ tổ tiên, đáp trả những kích thích tác động lên con người. Bản năng chỉ là những say mê những hành vi bột phát của con người hay cũng có thể là những phản xạ phức tạp không điều kiện.
          Xúc cảm: Những nghiên cứu khoa học cho thấy: Trước khi vỏ não của con người kịp nhận thức ra tác động của hoàn cảnh thì trung tâm chỉ huy cảm xúc đã “tỏ thái độ” đối với nó. Tức là, với cảm xúc, con người thường phản ứng một cách vô thức với hoàn cảnh.
          Hiện tượng lóe sáng: Là hiện tượng mà bất chợt con người chúng ta nhận ra nó một cách tình cờ, bất ngờ.
          Linh cảm: Là hiện tượng một quyết định, một ý nghĩ xuất hiện trong điều kiện thiếu thông tin, nghĩa là nếu lập luận logic thì không thể có được.
          Tiềm thức: những hiện tượng vốn ban đầu được ý thức nhưng sau đó bị đẩy xuống hoặc dần chìm sâu vào trong tâm thức, thỉnh thoảng trong điều kiện nào đó mới được ý thức.
          Tiền thức là những hiện tượng nằm sát ngay dưới ngưỡng ý thức, con người chỉ cảm nhận một cách mang máng, mơ hồ, chẳng hạn như cảm thấy thing thích một cái gì đó, lúc thích lúc không thức nhưng không hiểu tại sao.
          Các hiện tượng tâm lí diễn ra trong trạng thái hệ thần kinh bị ức chế như mộng du, mê sảng, bị thôi miên,….
          Như vậy, các hiện tượng tâm lý chưa được ý thức cũng rất đa dạng, phong phú. Tâm lí học hiện đại cho rằng, các hiện tượng tâm lí chưa được ý thức cũng giống như các hiện tượng tâm lý được ý thức, thuộc những cấp độ nông sâu khác nhau.C.G. Jung gọi những hiện tượng vô thức ở cấp độ nông là vô thức cá nhân, ở cấp độ sâu là vô thức tập thể.

2. Đặc điểm
Vô thức có 4 đặc điểm sau:
          Con người không nhận thức được hiện tượng tâm lý, hành vi, cảm nghĩ của mình.
         Con người không thể đánh giá, kiểm sóat được về hành vi, ngôn ngữ, cách cư xử của mình. 
          Vô thức không kèm theo dự kiến trước, hành vi không có chủ định. Sự xuất hiện hành vi vô thức thường bất ngờ, đột ngột, xảy ra một thời gian ngắn.
          Hình ảnh tâm lý trong vô thức có thể có cả quá khứ, hiện tại và tương lai nhưng chúng liên kết với nhau không thao quy luật hiện thực.
II. Vai trò của vô thức trong cuộc sống và trong lĩnh vực pháp lý
1. Trong cuộc sống
          Sự quên giúp giảm sự quá tải trong đầu óc, trong việc xử lí thông, tin tức có khối lượng rất lớn diễn ra hàng ngày, lặp đi lặp lại mà vẫn đảm bảo độ chính xác, tránh căng thẳng, mệt mỏi đầu óc hoặc tránh sự ảnh hưởng từ những ký ức buồn trong quá khứ. Ví dụ, ta nên quên đi những ký ức không vui trong quá khứ, giữ lại những kỷ niệm vui, những gì có ý nghĩa lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người, để hướng tới một tương lai tốt đẹp.
          Bản năng: giúp chúng ta thỏa mãn nhu cầu nhất định trong cuộc sống, cần thiết trong cuộc sống như phản xạ không điều kiện. Ví dụ như chúng ta đói, bản năng sẽ “mách bảo” chúng ta nên đi tìm thứ gì đó để ăn,…
          Hiện tượng lóe sáng: giúp chúng ta tìm ra, nghĩ ra những điều mới lạ mà trước đó cố gắng không thể nghĩ ra. Ví dụ như Niwton đã tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn trong một giấy phút “lóe sáng” dưới gốc táo.


2. Trong lĩnh vực pháp lý
          Vô thức đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, điều khiển hành vi con người, qua phân tích các hành vi biểu hiện ở trạng thái vô thức giúp ta hiểu được các hiện tượng tâm lý (thái độ, suy nghĩ,… của con người).. Ví dụ: nhờ linh cảm, Thẩm phán Tòa án có thể tin rằng bị cáo vô tội, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, như tạm dừng phiên tòa để tiếp tục điều tra. Ví dụ: Vụ án Tô Đông Pha.

          Bên cạnh điểm tích cực, vô thức cũng có những điểm tiêu cực:
          Bản năng con người quá lớn đôi khi làm cho hành động một cách thiếu ý thức, trái phép tắc, chỉ thỏa mãn nhu cầu của chính mình.
           Sự quên nhiều khi khiến con người quên đi những điều quan trọng, những thứ có ý nghĩa trong cuộc sống.
          Linh cảm chưa hẳn đã chính xác. Khi linh cảm sai sẽ dễ dẫn đến những quyết định sai lầm.

KẾT LUẬN
          Cần nhận thức đúng đắn vai trò của vô thức trong đời sống, nếu phủ nhận vô thức sẽ không thể hiểu đầy đủ về con người. Tuy nhiên, không nên cường điệu hóa, tuyệt đối hóa, thần bí hóa vô thức, không nên coi vô thức là hiện tượng tâm lí cô lập tách khỏi hoàn cảnh xã hội xung quanh.
     
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tâm lý học đại cương, Nxb. Công an nhân dân, 2011.
2.     Nguyễn Quang Uẩn (Chủ biên), Tâm lý học đại cương, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011.
3.     Một số trang web:
https://www.google.com.vn/#q=%C4%91%E1%BA%B7c+%C4%91i%E1%BB%83m+v%C3%B4+th%E1%BB%A9c

Related Post

Previous
Next Post »