VAI TRÒ CỦA PHÁN QUYẾT CỦA CƠ QUAN TÀI PHÁN QUỐC TẾ ĐỐI VỚI VIỆC HÌNH THÀNH VÀ ÁP DỤNG CÁC QPPL QUỐC TẾ


Trong những năm gần đây tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở các quốc gia trên thế giới và các khu vực khác nhau có nhiều biến đổi. Bên cạnh những thuận lợi để cộng đồng quốc tế phát triển bền vững không tránh khỏi các tranh chấp quốc tế. Giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc tế là một trong nhiều biện pháp. Các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có ảnh hưởng tới sự hình thành và áp dụng của điều ước quốc tế, tập quán quốc tế. Trong phạm vi bài tập nhóm, nhóm xin chọn đề tài: “Phân tích và làm sáng tỏ vai trò của phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế đối với việc hình thành và áp dụng các quy phạm pháp luật quốc tế (quy phạm điều ước và/ hoặc quy phạm tập quán quốc tế)” để làm rõ hơn vấn đề này.

I.    Khái quát chung về cơ quan tài phán quốc tế
Cơ quan tài phán quốc tế là cơ quan hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận của các chủ thể Luật Quốc tế, thực hiện chức năng giải quyết bằng trình tự, thủ tục tư pháp các tranh chấp phát sinh trong quan hệ hợp tác giữa các chủ thể nhằm củng cố và duy trì trật tự pháp lý quốc tế. Về tổng thể, các cơ quan tài phán quốc tế tồn tại chủ yếu dưới ba dạng là Tòa án quốc tế, Trọng tài quốc tế và cơ quan tài phán được thành lập trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế.
Cơ quan tài phán quốc tế có đặc thù riêng của cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể Luật Quốc tế. Cụ thể:
-  Cơ quan tài phán quốc tế được thành lập dựa trên sự thỏa thuận của các chủ thể Luật Quốc tế. Hình thức của sự thỏa thuận này chính là điều ước quốc tế được các chủ thể Luật Quốc tế ký kết dựa trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng.
-  Cơ quan tài phán quốc tế có chức năng chính là giải quyết tranh chấp quốc tế. Giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc tế là biện pháp giải quyết tranh chấp được các chủ thể Luật Quốc tế lựa chọn sử dụng, với tính chất là công cụ pháp lý khi nhu cầu bảo vệ lợi ích chủ thể được đặt ra.
-  Cơ quan tài phán quốc tế không có thẩm quyền đương nhiên trong quá trình giải quyết tranh chấp.Thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên tranh chấp về việc đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế.
-  Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán quốc tế là các nguyên tắc và quy phạm của Luật Quốc tế. Cụ thể là các điều ước quốc tế mà các bên ký kết hoặc tham gia và tập quán quốc tế.
-  Phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế là chung thẩm và có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ thi hành phán quyết trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế.
II. Vai trò của phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế đối với việc hình thành quy phạm pháp luật quốc tế
Trong quá trình giải quyết các vụ việc, cơ quan tài phán quốc tế sẽ xem xét và lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng. Tuy nhiên, quy phạm pháp luật nhiều khi mới chỉ mang tính nguyên tắc, chung chung, chưa thể áp dụng vào một trường hợp cụ thể để giải quyết vụ việc, chưa mang tính cụ thể. Khi đó, vai trò của cơ quan tài phán là rất quan trọng bởi cơ quan tài phán không chỉ xem xét lựa chọn quy phạm nào để áp dụng mà nhiều khi lại phải giải thích ý nghĩa của các quy phạm đó. Sự giải thích của cơ quan tài phán thường được viện dẫn áp dụng và giải quyết các vụ việc tương tự sau này. Sự giải thích dần được thừa nhận rộng rãi và trở thành các quy phạm pháp luật quốc tế.
Cơ quan tài phán quốc tế khi xem xét các vụ việc thuộc thẩm quyền để đưa ra các phán quyết thì thường xem xét cả các quy phạm điều ước quốc tế và quy phạm tập quán quốc tế, thường thì xét quy phạm điều ước trước, nếu vụ việc trên thực tế chưa có quy định nào trong điều ước điều chỉnh thì sẽ xét đến các quy phạm tập quán quốc tế. Khi phán quyết áp dụng quy phạm trong một điều ước quốc tế, quy phạm đó nếu được áp dụng nhiều lần trong giải quyết các vụ việc sau này dần dần có thể trở thành tập quán quốc tế và ngược lại, khi sử dụng tập quán để giải quyết vụ việc thì sau này các nhà làm luật sẽ có thể pháp điển hóa và biến quy phạm tập quán trở thành quy phạm điều ước quốc tế.
Ví dụ: Vụ ngư trường Anh – Nauy năm 1951 liên quan đến đường cơ sở thẳng.
Sự kiện: Nửa đầu thế kỷ XX, Anh và Nauy tranh chấp về quyền đánh cá trong khu vực biển ngoài khơi Nauy, phía Bắc của vòng cung Bắc cực, Nauy cho rằng họ có quyền bảo tồn nghề cá cho ngư dân của họ trong khu vực này. Vương quốc Anh cho rằng khu vực này là biển cả và ngư dân của mọi quốc gia đều có quyền đánh cá. Ngày 12/7/1935, Nauy quyết định hoạch định khu vực biển cả đó bằng nghị định. Ngày 28/9/1948, Vương quốc Anh đơn phương thỉnh kiện Tòa án quốc tế xem xét đường hoạch định khu vực đánh cá của Nauy và yêu cầu Tòa tuyên bố Nauy phải bồi thường mọi thiệt hại do việc họ bắt giữ các tàu đánh cá của Anh sau ngày 16/9/1948 tại các vùng biển được coi là biển cả.
Phán quyết ngày 18/12/1951 của Tòa án Công lý quốc tế đã tuyên bố: “Người ta không thể khăng khăng biểu thị đường ngấn nước thủy chiều thấp nhất như một nguyên tắc bắt buộc chạy theo bờ biển tại tất cả các chỗ uốn gập của nó. Người ta cũng thể biểu thị như các ngoại lệ của quy tắc này, các vi phạm nhiều đến nỗi chúng gợi lên các mấp mô của một bờ biển gồ ghề; quy tắc sẽ mất đi trước các ngoại lệ. Toàn bộ một đường bờ biển như vậy đòi hỏi áp dụng một phương pháp khác: đó là đường cơ sở cách đường hình thể của bờ biển một khoảng hợp lý”.
Tòa công nhận việc phân định của Na Uy dựa trên kỹ thuật đường cơ sở thẳng: “không trái với luật pháp quốc tế”.
Từ phán quyết về vụ ngư trường Nauy ngày 18/12/1951, có thể thấy:
-  Phán quyết đã mở đầu cho việc công nhận rộng rãi phương pháp đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Các tiêu chuẩn của đường cơ sở thẳng Na Uy qua phán quyết của tòa, đã trở thành các tiêu chuẩn chung được Luật pháp quốc tế thừa nhận và được điển chế hóa trong các Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển – Công ước Giơ-ne-vơ năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
-  Nguyên tắc áp dụng đường cơ sở thẳng năm 1935 của Nauy đã trở thành tiêu chuẩn mới của Luật quốc tế, thể hiện trong Công ước Giơ-ne-vơ về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1958 và điều 7 Công ước 1982. Điều 7 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 quy định: “1.Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. 2. Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn dọc theo ngấn nước triều thấp nhất nhô ra xa nhất và, ngay cả trong trường hợp về sau, ngấn nước triều thấp nhất có dịch chuyển vào phía trong bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi theo đúng công ước…”.
Như vậy, phán quyết của Tòa án công lý quốc tế đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong việc xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Ngày nay, đường cơ sở thẳng đã trở thành một quy phạm mang tính điều ước và tập quán.
- Trong phán quyết ngư trường NaUy, Tòa án công lý quốc tế đã cố gắng định nghĩa thế nào là vịnh, thế nào là vịnh lịch sử. Các định nghĩa về vịnh của Tòa án đã được ghi nhận trong điều 7 của Công ước năm 1958, điều 10 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Trong tranh chấp biên giới đất liền, đảo và biển giữa En Sanvađo và Ônđurát, Tòa đã gặp lại vấn đề vịnh lịch sử trong việc xác định quy chế của Vịnh Fonseca. Trong phán quyết năm 1992, Tòa đã đi đến kết luận, Vịnh Fonseca là một vịnh lịch sử, mỗi nước ven bờ vịnh có lãnh hải thuộc chủ quyền tiếp tục được đặt dưới chế độ cộng quản, đồng chủ quyền giữa ba nước ven bờ vịnh: En Sanvado, Ônđurát và Nicaragoa. Phán quyết đã góp phần làm sáng tỏ thêm quy chế của một vịnh lịch sử, điều mà công ước 1982 không nói rõ.
Vụ việc tranh chấp giữa Canada và Mỹ ( 1939 – 1941) cũng là một ví dụ điển hình. Năm 1939, Mỹ kiện Canada ra Trọng tài vì khói thải độc hại phát thải từ lò luyện kim tại bang Trail của Canada gây hại tới tiểu bang Washington của Mỹ. Lò luyện kim này nằm cách biên giới Mỹ 7 dặm, trong đơn kiện Mỹ yêu cầu xác định về việc gây ô nhiễm môi trường của lò luyện kim trên và yêu cầu những biện pháp ngăn ngừa những tai hại có thể xảy ra trong tương lai cũng như hình thức bồi thường thiệt hại.
Phán quyết của Trọng tài nếu rõ: Không quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để phát tán khói gây thiệt hại nghiêm trọng đến lãnh thổ, tài sản và người dân của quốc gia khác, những thiệt hại phải thể hiện ở những chứng cứ xác thực và thuyết phục. Vấn để chứng cứ đã được chứng minh bằng các thí nghiệm khoa học. Trong phán quyết cuối cùng hoạt động của lò luyện kim đã bị hạn chế.
Từ phán quyết đó, một tập quán quốc tế mới đã được hình thành (cụ thể là vấn đề quan hệ song phương về môi trường) từ phán quyết trọng tài đối với tranh chấp Trail Smelter năm 1941: “Không quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để phát tán khói gây thiệt hại nghiêm trọng đến lãnh thổ, tài sản và người dân của quốc gia khác”[1] và nguyên tắc này được mở rộng bằng tuyên bố Stockholm: “Các quốc gia có trách nhiệm bảo đảm những hoạt động chủ quyền quốc gia không gây thiệt hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực vượt quá giới hạn chủ quyền quốc gia”.
III. Vai trò của phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế đối với việc áp dụng quy phạm pháp luật quốc tế
Một là, các phán quyết của cơ quan tài phán khi được viện dẫn có ý nghĩa quan trọng làm sáng tỏ nội hàm của một khái niệm pháp lý trong luật quốc tế. Đây là vai trò cơ bản và rõ rệt nhất của các phán quyết của cơ quan tài phán.
Chẳng hạn, trong phán quyết về vụ Las Palmas, khái niệm chủ quyền lãnh thổ được định nghĩa là sự “…bao hàm đặc quyền thể hiện các hoạt động của một quốc gia. Quyền này có một nghĩa vụ tương ứng: nghĩa vụ của các quốc gia bảo vệ trong phạm vi lãnh thổ đó đối với quyền của các quốc gia khác, cụ thể là quyền đối với sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm trong chiến tranh và hòa bình, cùng với các quyền mà mỗi quốc gia có thể viện dẫn đối với công dân của mình ở lãnh thổ nước ngoài...”([2]).Từ đó làm sáng tỏ hơn khái niệm chủ quyền lãnh thổ.
Trong phán quyết ngư trường NaUy, Tòa án công lý quốc tế đã cố gắng định nghĩa thế nào là vịnh, thế nào là vịnh lịch sử. Các định nghĩa về vịnh của Tòa án đã được ghi nhận trong điều 7 của Công ước năm 1958, điều 10 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Hai là, thông qua các phán quyết của cơ quan tài phán những nội dung cơ bản của các nguyên tắc và quy phạm luật quốc tế được ghi nhận trong các điều ước quốc tế được làm rõ. Từ một quy tắc, quy phạm chưa được giải thích, còn chung chung mơ hồ, khó hiểu, sau khi được giải thích chúng được định hình thành các quy tắc, quy phạm đã được giải thích và có tác động với cả các quốc gia ký kết điều ước nhưng không tham gia kiện.([3])
Mặc dù đã được đề cập trong Tuyên bố Truman năm 1945 và Công ước Geneva năm 1958 nhưng khái niệm cũng như bản chất pháp lý của thầm lục địa đã được làm sáng tỏ nhất trong phán quyết thềm lục địa biển Bắc năm 1969 của Tòa án công lý quốc tế. Trong phán quyết lịch sử của mình, Tòa án công lý quốc tế đã khôi phục và phát triển thêm nguyên tắc kéo dài tự nhiên đã được Tuyên bố Truman và công việc chuẩn bị của Ủy ban Luật quốc tế cho Hội nghị lần thứ nhất của Liên hợp quốc về Luật biển đề cập. Tòa thừa hận các điều 1 và 3 của Công ước Geneva năm 1958, tạo thành cơ sở chế độ pháp lý của thềm lục địa, là một nguyên tắc có tính tập quán của luật quốc tế. Đối với Tòa, không phải tính tiếp giáp cũng không phải tính kế cận có thể minh chứng cơ bản cho việc mở rộng thẩm quyền quốc gia trên thềm lục địa nằm ngoài lãnh hải, mà chính là khái niệm sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra biển đã mang lại danh nghĩa quyền chủ quyền cho quốc gia ven biển trên phần thềm lục địa đó.([4]) Từ những định nghĩa được nêu ra trong phán quyết của mình, Tòa đã chỉ rõ bản chất, nguồn gốc pháp lý của thềm lục địa.
Ba là, các án lệ có ý nghĩa khẳng định sự tồn tại một vấn đề cơ bản ở những lĩnh vực trong khoa học luật quốc tế mà hiện nay quá trình pháp điển hóa còn đang tiếp diễn, chẳng hạn như vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế.
Trong vụ Spanish Zone of Marocco năm 1923, Tòa Thường trực Hội quốc liên đã kết luận: "trách nhiệm pháp lý là một hệ quả tất yếu của một quyền. Tất cả các quyền của một chủ thể luật quốc tế đều liên hệ tới trách nhiệm pháp lý quốc tế. Trách nhiệm pháp lý dẫn đến nghĩa vụ thực hiện việc bồi thường nếu những nghĩa vụ được nói đến là không được thực thi”. Đồng thời, trong vụ kiện nhà máy Chorzow (Chorzow Factory Case - Đức và Ba lan (1928), Tòa án Thường trực Quốc tế của Hội Quốc liên (tiền thân của Tòa án quốc tế đã kết luận: "Một nguyên tắc của luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi là bất kỳ một sự vi phạm đối với một nghĩa vụ quốc tế nào đều sẽ dẫn đến việc bồi thường”. Tòa án Quốc tế trong các bản án của mình đã công nhận trách nhiệm bảo đảm sự cân bằng về sinh thái của trái đất là một lợi ích thiết yếu của mọi quốc gia và mục đích của chúng chính là sự bảo vệ cộng đồng quốc tế nói chung.([5])
  
KẾT LUẬN
Qua những phân tích và dẫn chứng ở trên, không ai có thể phủ nhận vai trò của phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế trong việc hình thành và áp dụng các quy phạm điều ước quốc tế và tập quán quốc tế.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.  Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2014.
2.  ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân – ThS. Chu Mạnh Hùng (Đồng chủ biên), Giáo trình Luật Quốc tế (Dùng trong các trường Đại học chuyên ngành Luật, Ngoại giao), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.
3.  PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, Tòa án công lý quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
4.  Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về luật biển.




[1] Hệ thống văn bản Luật Môi trường Quốc tế, Viện nghiên cứu Asser (Hà Lan), 1997, tr. 113
[3] PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, Tòa án công lý quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2011, Tr 166
[4] .TS Nguyễn Hồng Thao, Tòa án công lý quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2011, Tr 174

Related Post

Previous
Next Post »